
Điều trị hẹp eo động mạch chủ bằng phương pháp nào an toàn, hiệu quả?
Tổng quan về hẹp eo động mạch chủ
Trong cơ thể người, động mạch chủ là động mạch chính và là động mạch lớn nhất, có vai trò dẫn máu chứa nhiều oxy được bơm từ tim đến các bộ phận khác trong cơ thể. Khi bệnh nhân bị hẹp eo động mạch chủ, một đoạn động mạch chủ sẽ bị eo hẹp, nhỏ lại hơn so với bình thường. Điều này khiến dòng máu đi qua đoạn động mạch chủ bị hẹp eo giảm đi. Khi đó, tim phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho các cơ quan.
Theo thời gian sẽ có sự chênh lệch áp lực giữa vị trí trước chỗ hẹp và sau chỗ hẹp, gây ra sự phì đại thất trái và tăng huyết áp ở phần trên của cơ thể. Bệnh nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến suy tim, viêm nội tâm mạc, xuất huyết trong não, bệnh tim mạch, nguy cơ nứt vỡ động mạch chủ, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. (1)
Về nguyên nhân, vẫn chưa được xác định rõ nguyên nhân gây hẹp eo động mạch chủ. Những thay đổi di truyền trước sinh có thể gây ra hệ quả là hẹp eo động mạch chủ. Trường hợp những trẻ mắc hội chứng Turner là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này và các khuyết tật khác ảnh hưởng đến tim trái. Các triệu chứng thường xuất hiện nhiều ở những trẻ lớn hơn và người trưởng thành, bao gồm:
- Đau tức ngực;
- Nhức đầu;
- Huyết áp cao;
- Chân hoặc bàn chân lạnh;
- Hụt hơi, khó thở;
- Giảm khả năng chịu đựng khi hoạt động thể chất;
- Gặp vấn đề ở thận;
- Trẻ chậm phát triển.
Ở tuần thai thứ 18-24 của thai kỳ, mẹ bầu có thể đến bệnh viện làm siêu âm tim thai, giúp phát hiện hẹp eo động mạch chủ cho thai nhi. Trong lần khám đầu tiên của trẻ sau khi chào đời, cũng sẽ được siêu âm giúp phát hiện các bất thường ở tim, trong đó có hẹp eo động mạch chủ. Các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán bệnh lý về tim mạch bao gồm: Chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm tim, điện tâm đồ, đặt ống thông tim,…

Hẹp eo động mạch chủ có chữa được không?
Việc can thiệp điều trị bằng phẫu thuật có thể giúp cải thiện các triệu chứng, đồng thời, giảm nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm. Hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng và bệnh nhân dần thấy khỏe lại sau khoảng 1-2 tuần.
Tuy nhiên, việc điều trị hẹp eo động mạch chủ bằng bất kỳ phương pháp nào cũng sẽ có nguy cơ tái phát lại. Một số người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng huyết áp cao, cần phải dùng thuốc một thời gian sau đó để kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp các vấn đề khác như: Động mạch bị suy yếu, vỡ hoặc rách động mạch chủ, phình động mạch chủ, đột quỵ,…
Do đó, người bệnh cần được theo dõi sức khỏe suốt đời, thăm khám theo định kỳ để bác sĩ kiểm tra huyết áp và xét nghiệm chẩn đoán tình trạng động mạch chủ sau khi điều trị. Đồng thời, cần có lối sống, sinh hoạt khoa học để nâng cao sức khỏe tim mạch. (2)
Điều trị hẹp eo động mạch chủ
Điều trị hẹp eo động mạch chủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Độ tuổi được chẩn đoán mắc bệnh, mức độ hẹp eo của động mạch chủ, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu có kèm theo các khuyết tật tim bẩm sinh khác, bác sĩ có thể chỉ định điều trị cùng lúc.
1. Phương pháp nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng để khắc phục các triệu chứng, giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe và thời gian để sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật sắp tới.
- Đối với trẻ sơ sinh nhập viện trong bệnh cảnh sốc tim: Sử dụng prostaglandin E1 truyền tĩnh mạch để mở và duy trì ống động mạch để chờ phẫu thuật.
- Đối với trẻ sơ sinh ổn định: Siêu âm tim mỗi 2-3 ngày, đồng thời đánh giá triệu chứng suy tim và giảm tưới máu chi dưới. Nếu trong quá trình theo dõi, khi ống động mạch có xu hướng co thắt và bệnh nhân bắt đầu biểu hiện triệu chứng suy tim tăng lên: thở nhanh hơn, bú kém, mạch chi dưới yếu dần, tiểu ít, có chỉ định prostaglandin E1 để duy trì ống động mạch nhằm ngăn ngừa sốc tim xảy ra. Sau đó, bệnh nhân sẽ được ổn định nội khoa để chuẩn bị cho can thiệp ngoại khoa tiếp theo.
- Điều trị suy tim: vận mạch, lợi tiểu, oxy,…
- Điều trị các rối loạn đi kèm: Suy hô hấp, rối loạn toan kiềm, thiếu máu, nhiễm trùng. (3)
2. Điều trị can thiệp
Nong hẹp eo động mạch chủ bằng bóng da qua
Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, bác sĩ sẽ đưa một ống thông có gắn bóng ở đầu, luồn vào động mạch chủ. Ống thông được di chuyển đến vị trí động mạch chủ bị hẹp eo. Sau khi xác định đúng vị trí, bóng sẽ được bơm phồng lên. Điều này sẽ giúp mở rộng lòng động mạch, giúp tăng máu đến cơ tim. Bóng và ống thông sau đó sẽ được lấy ra khỏi cơ thể.
Khi đó, máu qua đoạn động mạch chủ sẽ dễ dàng hơn, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh. Phương pháp này thường được áp dụng cho các mạch máu nhỏ 2mm, hẹp mạch quá dài, lan tỏa cả mạch máu, hẹp ở chỗ chia đôi,…
Tuy nhiên, nong hẹp eo động mạch chủ bằng bóng qua da vẫn có khả năng bị tái hẹp eo. Do đó, bác sĩ sẽ có sự cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể.
Đặt stent
Để khắc phục tình trạng tái hẹp eo động mạch chủ, khi đưa bóng vào để nong hẹp eo động mạch chủ, bác sĩ cho đặt ống đỡ động mạch, hay còn gọi là stent vào đoạn động mạch bị hẹp. Stent có khả năng giữ cho động mạch chủ được mở rộng lâu dài, giảm nguy cơ tái hẹp.
Trước khi đặt stent, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc làm loãng máu để tránh tình trạng hình thành huyết khối trong stent. Phương pháp này thích hợp cho những bệnh nhân bị hẹp eo động mạch chủ ở mức độ nặng hoặc trường hợp người bệnh được nong mạch bằng bóng qua da nhưng vẫn có sự lệch huyết áp giữa phần trên và phần dưới cơ thể.

Phẫu thuật
Các lựa chọn phẫu thuật sửa chữa hẹp eo động mạch chủ bao gồm:
- Cắt bỏ đoạn hẹp và nối lại hai đầu còn lại của mạch máu với nhau: Đây là một trong những cách phổ biến nhất để khắc phục tình trạng hẹp eo động mạch chủ. Được áp dụng với trường hợp hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hoặc hẹp lan tỏa. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần đoạn động mạch bị hẹp eo và tiến hành nối hai đầu mạch máu lại với nhau.
- Phẫu thuật tạo hình động mạch chủ bằng miếng ghép động mạch dưới đòn: Một đoạn động mạch dưới đòn của chính người bệnh được dùng để làm mạch ghép “bắc cầu”, giúp mở rộng đoạn động mạch chủ bị hẹp.
- Phẫu thuật tạo hình động mạch chủ sử dụng miếng vá nhân tạo: Vật liệu tổng hợp được sử dụng để làm miếng vá giúp mở rộng đoạn động mạch bị hẹp eo. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp này ít được sử dụng vì nó gây biến chứng túi phình động mạch trong theo dõi lâu dài.
Các phương pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ bằng can thiệp và phẫu thuật có thể khắc phục những triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp một số biến chứng như: huyết áp cao, tái hẹp eo động mạch chủ, phình động mạch chủ, mô sẹo tại vị trí sửa chữa,… Do đó, người bệnh cần tuân thủ về lịch khám sức khỏe theo định kỳ để bác sĩ luôn theo dõi được tình trạng bệnh, khả năng hồi phục, sức khỏe tổng thể.
Một số lưu ý dành cho bệnh nhân điều trị hẹp eo động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ khi được can thiệp sớm sẽ có kết quả điều trị hiệu quả cao. Điều quan trọng sau phẫu thuật là người bệnh cần được theo dõi lâu dài. Một số lưu ý dành cho bệnh nhân bao gồm:
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Tránh vận động mạnh, khuân vác vật nặng hay tập luyện thể thao mạnh trong ít nhất 2 tuần sau phẫu thuật. Các hoạt động thể chất có thể thực hiện nhẹ nhàng, tăng dần tùy theo tình trạng sức khỏe và nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu tham gia tập luyện các môn cần dùng nhiều sức;
- Giữ vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa nhiễm trùng;
- Bỏ hút thuốc lá và tránh cả thuốc lá thụ động;
- Không sử dụng rượu, bia, hạn chế uống cà phê;
- Trường hợp phụ nữ sau khi được điều trị hẹp eo động mạch chủ, có ý định mang thai, cần trao đổi kỹ với bác sĩ để kiểm soát các vấn đề tim mạch trước khi thụ thai;
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tốt cho sức khỏe tim mạch;
- Cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị căng thẳng hoặc áp lực quá mức;
- Có thời gian ngủ đủ mỗi ngày, trung bình một ngày cần ngủ đủ 7 giờ đồng hồ;
- Đảm bảo đi thăm khám, đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe tim mạch đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, nên đến bệnh viện để thăm khám ngay;
- Với phụ nữ đang mang thai, nên thực hiện tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi sẽ giúp bác sĩ sớm có biện pháp điều trị cho bé sau khi chào đời; đặc biệt nếu trong gia đình có người bị bệnh tim bẩm sinh.

Tại PlinkCare có Trung tâm Tim mạch – là đơn vị hàng đầu trong việc thăm khám và chăm sóc điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu và lồng ngực. Trung tâm là địa chỉ được nhiều người tin tưởng đến khám chữa bệnh nhờ vào:
- Có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch tại Việt Nam như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước, ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, TS.BS Trần Vũ Minh Thư, ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, BS.CKI Vũ Năng Phúc…;
- Các thiết bị, hệ thống máy móc tiên tiến, được nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Âu như máy siêu âm chuyên tim, máy điện tim 12 kênh, máy thở cao cấp, máy chụp MRI 3 Tesla, máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ, máy MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt,…;
- Phòng khám, phòng mổ được trang bị hiện đại, đảm bảo an toàn, vô khuẩn, vô trùng;
- Các thủ tục được thực hiện đơn giản, tiến hành nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch – PlinkCare, bạn có thể liên hệ theo thông tin:
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ hẹp, độ tuổi của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định áp dụng phương pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ thích hợp cho từng bệnh nhân. Sau quá trình điều trị, người bệnh nên chú ý về dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để giúp hồi phục nhanh. Đồng thời, cần tái khám theo định kỳ để bác sĩ theo dõi sát tình trạng sức khỏe tim mạch và sớm có hướng xử trí khi xảy ra biến chứng.