Image

Phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ phổ biến, chữa ở đâu?

Đột quỵ thiếu máu cục bộ (còn gọi là đột quỵ nhồi máu não) xảy ra khi mạch máu não bị chít hẹp hoặc tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối), làm cản trở quá trình lưu thông máu đến não. Lúc này, những khu vực não không được máu đến nuôi dưỡng sẽ bị tổn thương, ngừng hoạt động và chết đi. Trường hợp lưu lượng máu không quay trở lại đủ nhanh, não có thể bị tổn thương vĩnh viễn, thậm chí khiến người bệnh tử vong. Việc cấp cứu, điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ diễn ra phổ biến ở người có vấn đề sức khỏe tác động đến cách máu lưu thông bên trong não. Các vấn đề này bao gồm mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh rung nhĩ, cao cholesterol, cao mỡ máu, hút thuốc lá… Nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ cũng thường liên quan đến độ tuổi. Ước tính khoảng ⅔ ca bệnh xuất hiện ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ bị đột quỵ thiếu máu cục bộ.

Sơ cấp cứu trong điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ

Phát hiện và sơ cứu cho người bị đột quỵ càng sớm sẽ càng tốt, giúp gia tăng cơ hội sống sót. Việc làm này giúp người bệnh giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng nặng nề, hạn chế thời gian và chi phí chữa trị. Các bước sơ cấp cứu trong điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ như sau:

  • Gọi cấp cứu đến hotline của bệnh viện gần nhất có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ. Bạn có thể liên hệ với Hệ thống PlinkCare qua số điện thoại 093 180 6858 – 028 7102 6789 (TP.HCM) hoặc 024 3872 3872 – 024 7106 6858 (Hà Nội).
  • Điều chỉnh người bệnh mặc áo thoáng mát, rộng rãi, mở phần cổ áo để có thể kiểm tra tình trạng hô hấp thuận lợi hơn. Người bệnh nên nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để ngăn ngừa chứng sặc đường thở, kê đầu cao khoảng 30 độ.
  • Nếu người bệnh chảy dãi, đờm ở miệng, người sơ cứu có thể quấn khăn sạch vào ngón tay trỏ để lấy sạch dãi, đờm cho người bệnh. Trường hợp người bệnh bị co giật thì lấy vải sạch quấn vào đũa, đặt ngang miệng người bệnh để phòng tránh tình trạng cắn vào lưỡi.
  • Người sơ cứu cần ghi lại thời điểm phát hiện người bệnh có dấu hiệu, triệu chứng đột quỵ. Thông tin về những loại thuốc người bệnh đang sử dụng cũng cần được ghi lại để thông báo cho bác sĩ biết, hỗ trợ quá trình cấp cứu diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn.
  • Không cho người bệnh uống bất cứ thuốc hay nước uống gì trong khi chờ được cấp cứu. Không châm cứu, bấm huyệt hay rạch đầu ngón tay theo tin đồn.
  • Nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ
Người bị đột quỵ thiếu máu cục bộ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt

Các phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ phổ biến

Dưới đây là các phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ đang được ứng dụng phổ biến, cụ thể gồm có:

Dùng thuốc

Bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA) để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch có tác dụng hoạt hóa plasmin, làm tiêu huyết khối, tái thông lại mạch máu đang bị tắc nghẽn. Từ đó, thuốc giúp người bệnh đột quỵ gia tăng khả năng phục hồi, giảm nguy cơ biến chứng, tàn tật. Để đạt hiệu quả tối ưu khi điều trị cấp cứu đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh cần được sử dụng thuốc trong 3 – 4,5 giờ đầu tiên (có thể mở rộng lên 6 giờ) kể từ lúc bị thiếu máu cục bộ. (1)

Hàm lượng thuốc điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng. Dùng sai có thể gây ra tình trạng xuất huyết não. Sau khi tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như chỉ định thực hiện thêm những phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra xem các mô não có được tưới máu tốt trở lại không. Phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch thường được áp dụng ở người bệnh từ 18 tuổi. (2)

Các thủ thuật can thiệp nội mạch

Kỹ thuật can thiệp nội mạch có thể được áp dụng để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong trường hợp cục huyết khối lớn gây tắc nghẽn mạch máu não lớn. Kỹ thuật này có thể mở rộng áp dụng lên đến 24 giờ đầu kể từ khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ khởi phát. Can thiệp nội mạch được thực hiện bằng cách bác sĩ luồn một ống thông và dây dẫn siêu nhỏ (gắn camera và dụng cụ chuyên dụng) vào động mạch ở bẹn người bệnh, sau đó di chuyển đến vị trí mạch máu não bị tắc nghẽn. Kỹ thuật có thể thực hiện nhằm: (3)

  • Lấy huyết khối trực tiếp: Ống thông hút huyết khối, stent kéo huyết khối sẽ được bác sĩ dùng để lấy cục huyết khối ra khỏi mạch máu, giúp tái thông lại mạch máu não.
  • Tiêu sợi huyết tại chỗ: Nếu kích thước của huyết khối đã thu nhỏ lại, thông qua can thiệp nội mạch, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp thuốc rTPA vào để giúp làm tan cục máu đông.
  • Đặt stent động mạch máu: Nếu mạch máu não bị hẹp nhiều, xơ vữa, bác sĩ có thể đặt thiết bị hỗ trợ như stent động mạch não. Stent giúp hạn chế nguy cơ mạch máu bị chít hẹp lại, giảm hình thành cục máu đông mới và cải thiện lưu thông mạch máu.
cách điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ
Bác sĩ có thể đặt stent động mạch máu để điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ

Phục hồi chức năng sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Bên cạnh quá trình điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ, thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ cũng là việc làm rất cần thiết, giúp người bệnh sớm mạnh khỏe, quay lại cuộc sống thường nhật. Những chức năng hoạt động của con người được chi phối bởi các vị trí chuyên biệt trong não. Tùy vào vị trí của mạch máu bị tai biến, chức năng sống của người bệnh có thể bị suy giảm, tác động ở nhiều mức độ khác nhau. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, thị giác, ngôn ngữ, trí nhớ, tâm tính… của người bệnh. Vì thế, mỗi người bệnh cần được bác sĩ chỉ định phác đồ phục hồi chức năng riêng biệt. (4)

Không có bất kỳ loại thuốc hay thảo dược nào giúp chức năng của não bộ được hồi phục. Thay vào đó, người bệnh cần áp dụng một số bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ, giúp tăng dần chức năng đã bị ảnh hưởng, ví dụ như: (5)

  • Những bài tập vận động thể chất (phục hồi tầm vận động ROM, điều trị vận động cưỡng bức CIMT, kỹ năng vận động…).
  • Vận động thể chất có sử dụng thiết bị hỗ trợ (công nghệ robot, kích thích điện, thực tế ảo…).
  • Những hoạt động cảm xúc và nhận thức (liệu pháp hỗ trợ chữa rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhận thức).
  • Những phương pháp thử nghiệm (các liệu pháp sinh học, kích thích não bộ không xâm lấn).

Bên cạnh đó, người bệnh có thể massage, bấm huyệt, xoa bóp để khí huyết lưu thông, hỗ trợ hồi phục chức năng sau đột quỵ.

hỗ trợ điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ
Hiện có nhiều cách hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Di chứng và tác dụng phụ của việc điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Các biến chứng và tác dụng phụ có thể thay đổi tùy vào phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ được áp dụng, vị trí xảy ra đột quỵ bên trong não, tiền sử bệnh lý cùng nhiều yếu tố khác. Bác sĩ có thể cho người bệnh biết về những tác dụng phụ, di chứng có thể xuất hiện hoặc sẽ gặp phải khi điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề ra phương pháp giúp người bệnh quản lý, ngăn ngừa di chứng, tác dụng phụ.

Điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ ở đâu?

Khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ như méo lệch mặt, miệng, tay chân bị yếu liệt, nói đớ, á khẩu, mất thăng bằng, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt… người bệnh cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Hệ thống PlinkCare là cơ sở y tế uy tín đã cấp cứu thành công cho nhiều ca đột quỵ, giúp người bệnh giữ được mạng sống, hạn chế tối đa biến chứng, di chứng.

Tại Trung tâm Thần kinh, PlinkCare TP.HCM, y lệnh “Code stroke” sẽ được kích hoạt khẩn cấp khi có người bệnh đột quỵ cần cấp cứu. Lúc này, các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… sẽ kết nối và mở lối đi riêng cho người bệnh. Người bệnh được các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm nhanh chóng đánh giá tình trạng thông qua máy móc hiện đại như máy chụp MRI 1.5 – 3 Tesla, máy chụp CT 768 lát cắt… Qua đó, bác sĩ có thể tiến hành hội chẩn và xử lý can thiệp cấp cứu đột quỵ nhanh chóng, hiệu quả

“Tiêu chuẩn kim cương” trong cấp cứu đột quỵ cấp từ lúc người bệnh nhập viện đến khi can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết là dưới 45 phút. Với quy trình “Code stroke”, bệnh viện có thể rút ngắn thời gian cấp cứu xuống dưới 30 phút (thậm chí giảm còn 15, 20 phút tùy từng trường hợp) giúp người bệnh hạn chế tối đa di chứng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được cấp cứu, điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ bằng những phương pháp hiện đại khác như lấy huyết khối trực tiếp, tiêu sợi huyết tại chỗ, đặt stent động mạch máu…

điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ tại PlinkCare
Người bệnh được cấp cứu đột quỵ ở PlinkCare TP.HCM

Phòng ngừa đột quỵ thiếu máu cục bộ tái phát

Bên cạnh việc điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ, người bệnh cần áp dụng thêm các cách phòng ngừa nguy cơ tái phát căn bệnh này trong tương lai. Nếu một người từng mắc đột quỵ thì nguy cơ gặp cơn đột quỵ khác sẽ gia tăng đáng kể. Dưới đây là các phương pháp phòng ngừa đột quỵ thiếu máu cục bộ tái phát:

  • Sử dụng thuốc: Thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng lâu dài những loại thuốc giúp cải thiện, hạn chế các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, ví dụ như:
    • Thuốc làm giảm tình trạng tăng huyết áp.
    • Thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc chống đông máu để làm giảm nguy cơ đông máu.
    • Thuốc statin mang đến tác dụng làm giảm cholesterol.
  • Cải thiện lối sống: Bác sĩ có thể khuyến khích người bệnh thay đổi lối sống khoa học hơn để góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe chung, làm giảm nguy cơ đột quỵ, ví dụ như:
    • Áp dụng khẩu phần ăn uống khoa học, lành mạnh, xây dựng thói quen tập thể dục hàng ngày để cải thiện lối sống. Người bệnh nên ngủ đủ khoảng 7 – 8 tiếng/ngày.
    • Hút thuốc lá, dùng chất kích thích, lạm dụng thuốc theo toa, uống quá nhiều rượu… đều có thể làm nguy cơ đột quỵ gia tăng. Người bệnh cần dừng lại, hạn chế hoặc tránh các yếu tố nguy cơ kể trên. Nếu người bệnh đang gặp khó khăn trong việc từ bỏ thuốc lá, chất kích thích… thì nên tư vấn bác sĩ hỗ trợ.
  • Khám sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện những vấn đề bất thường, đặc biệt là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ như tăng huyết áp, cao cholesterol, bệnh rung nhĩ, dị dạng, hẹp, phình mạch máu…
phòng ngừa điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ
Nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh, khoa học để ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tóm lại, có nhiều phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ đang được ứng dụng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật cấp cứu đột quỵ phù hợp, mang đến lợi ích tối ưu cho người bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người nên chủ động ngăn ngừa đột quỵ thiếu máu cục bộ từ sớm bằng những điều chỉnh khoa học trong ăn uống, sinh hoạt.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send