
4 cách điều trị block nhĩ thất hiệu quả giúp nhanh hồi phục
Bệnh block nhĩ thất ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Block nhĩ thất ảnh hưởng đến sức khỏe bằng cách làm chậm nhịp tim do sự tắc nghẽn trong hệ thống dẫn truyền điện của tim. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng block nhĩ thất sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Ở cấp độ nhẹ, bệnh thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên với mức độ nặng hơn, block nhĩ thất có thể gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng bệnh nhân. (1)
Có ba loại block nhĩ thất với các mức độ ảnh hưởng khác nhau, bao gồm:
- Block nhĩ thất độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất, do sự chậm lại của các xung điện đi từ nút xoang nhĩ đến tâm thất. Thường không gây ra triệu chứng và không cần điều trị.
- Block nhĩ thất độ 2: Xung điện từ nút xoang nhĩ đến tâm thất bị gián đoạn từng lúc. Người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, do nhịp tim bị chậm lại.
- Block nhĩ thất độ 3: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, khi xung điện từ nút xoang nhĩ không đến được tâm thất, khiến nhịp tim rất chậm hoặc ngừng hẳn. Điều này có thể dẫn đến ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột, đe dọa tính mạng người bệnh.

Khi nào được chỉ định điều trị block nhĩ thất?
Điều trị block nhĩ thất thường được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Block nhĩ thất độ 1 không gây ra triệu chứng và có thể được phát hiện tình cờ qua điện tâm đồ (ECG) trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ. Thông thường, không cần điều trị vì mức độ nhẹ và không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi và kiểm tra định kỳ để đảm bảo không có biến chuyển xấu.
Block nhĩ thất độ 2 và độ 3 thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau ngực, mệt mỏi, khó thở, hồi hộp, chóng mặt, hoặc ngất xỉu. Đặc biệt, block nhĩ thất độ 3 làm nhịp tim đập rất chậm và tăng nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Ở trường hợp này, bệnh nhân cần được can thiệp y tế khẩn cấp, bao gồm việc cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định.
Cách điều trị block nhĩ thất hiệu quả cao
Việc điều trị kịp thời, đúng cách rất quan trọng để cải thiện nhịp tim và ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các biện pháp điều trị block nhĩ thất phổ biến bao gồm:
1. Điều trị nguyên nhân gây block nhĩ thất
Điều trị nguyên nhân gây ra block nhĩ thất có thể giúp khắc phục tình trạng này. Chẳng hạn, nếu block nhĩ thất do bệnh lý như bệnh Lyme, việc điều trị bệnh gốc có thể đảo ngược tình trạng block nhĩ thất. (2)
2. Thay đổi hoặc ngưng loại thuốc đang sử dụng
Nếu block nhĩ thất là do tác dụng phụ của thuốc (như thuốc chẹn kênh canxi), bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngừng hoặc thay đổi loại thuốc đó để cải thiện tình trạng dẫn truyền điện của tim.
3. Thuốc điều trị block nhĩ thất
Các loại thuốc như Atropine có thể được sử dụng để tăng cường dẫn truyền xung điện trong tim, giúp tăng nhịp tim và cải thiện các triệu chứng. Trong một số trường hợp khác, nếu Atropine không có hiệu quả, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc khác như Isoproterenol, Dopamine, Dobutamine hoặc Epinephrine.
4. Máy tạo nhịp tim
Khi block nhĩ thất gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, việc sử dụng máy tạo nhịp tim là phương án cần thiết. Máy tạo nhịp tim tạm thời thường được dùng để khôi phục nhịp tim. Trong một số trường hợp nặng hơn, máy tạo nhịp tim vĩnh viễn có thể được cấy ghép để duy trì nhịp tim ổn định dài hạn.

Rủi ro của điều trị block nhĩ thất
Bệnh nhân bị block nhĩ thất được chỉ định điều trị cấy máy tạo nhịp tim tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Sự cố liên quan đến thiết bị cấy ghép;
- Nhiễm trùng tại vị trí cấy ghép;
- Nguy cơ hình thành cục máu đông;
- Tổn thương tim. (3)
Việc sử dụng máy tạo nhịp mang lại nhiều lợi ích trong việc điều chỉnh nhịp tim, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Tuy nhiên, những biến chứng này thường ít gặp và có thể được kiểm soát.
Biện pháp chăm sóc bệnh nhân điều trị block nhĩ thất
Việc chăm sóc bệnh nhân bị block nhĩ thất đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi bệnh. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc hiệu quả, bao gồm:
- Theo dõi nhịp tim thường xuyên: Bệnh nhân cần được theo dõi nhịp tim liên tục, đặc biệt đối với những bệnh nhân đã cấy máy tạo nhịp. Điều này giúp phát hiện sớm những bất thường, từ đó can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.
- Chăm sóc vết thương sau khi cấy máy tạo nhịp: Việc giữ vệ sinh khu vực cấy ghép rất quan trọng nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sưng, đỏ hoặc đau tại vị trí cấy ghép để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý: Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, hạn chế muối và chất béo để duy trì sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, việc vận động nhẹ nhàng, điều độ, tránh căng thẳng, stress giúp duy trì nhịp tim ổn định và đẩy nhanh quá tình hồi phục sau khi điều trị block nhĩ thất.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc: Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc. Các loại thuốc như Atropin, thuốc chống đông cần được uống đúng liều lượng, thời gian để đảm bảo hiệu quả điều trị và ngăn ngừa biến chứng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Bệnh nhân cần thường xuyên tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và kiểm tra hoạt động của máy tạo nhịp tim (nếu có). Thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Việc chăm sóc đúng cách và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, tăng khả năng phục hồi. Từ đó, giảm nguy cơ tái phát và các biến chứng sau điều trị block nhĩ thất.
Câu hỏi thường gặp
1. Block nhĩ thất nặng hơn có khó điều trị không?
Block nhĩ thất nặng, cụ thể là block nhĩ thất độ 3, thường phức tạp và khó điều trị hơn so với loại 1, loại 2. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời mức độ này vẫn có thể được điều trị hiệu quả. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường được chỉ định cấy máy tạo nhịp tim để kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như ngất xỉu hay ngừng tim.
2. Block nhĩ thất có tái phát sau điều trị không?
Block nhĩ thất có thể tái phát sau điều trị. Các phương pháp điều trị block nhĩ thất thường bao gồm dùng thuốc, máy tạo nhịp tim,… nhưng nếu nguyên nhân gây ra bệnh không được giải quyết triệt để, tình trạng này vẫn có thể tái diễn. Do đó, việc theo dõi sức khỏe định kỳ là rất quan trọng, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu người bệnh có dấu hiệu tái phát.

3. Sau điều trị block nhĩ thất bao lâu thì hồi phục?
Thời gian hồi phục sau điều trị block nhĩ thất phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mức độ bệnh và phương pháp điều trị. Đối với những người cấy máy tạo nhịp tim, quá trình hồi phục sau khi cấy ghép thường mất vài ngày đến vài tuần.
Trong khi đối với những trường hợp block nhĩ thất nhẹ hơn, việc hồi phục có thể nhanh hơn do không cần can thiệp chuyên sâu. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ các chỉ dẫn chăm sóc và kiểm tra định kỳ của bác sĩ, để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.
Đặt lịch với bác sĩ để tư vấn cách điều trị block nhĩ thất phù hợp
Nếu bạn đang nghi ngờ hoặc có các triệu chứng liên quan đến tình trạng block nhĩ thất như chóng mặt, mệt mỏi, nhịp tim bất thường,… Hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được thăm khám và tư vấn cùng các bác sĩ chuyên môn.
Các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của block nhĩ thất. Sau đó, xác định nguyên nhân và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Việc thăm khám và điều trị sớm giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Điều trị block nhĩ thất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim ổn định và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị block nhĩ thất, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.