Image

Dị ứng thuốc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Dị ứng thuốc là gì?

Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào – không kê đơn, kê đơn hoặc thảo dược – đều có khả năng gây dị ứng. Tuy nhiên, một số thuốc có thể gây dị ứng cao hơn các dược phẩm khác. Cơ thể sẽ tăng độ nhạy cảm với thuốc dị ứng khi sử dụng nhiều lần lặp lại. Khi bạn sử dụng lại loại thuốc đã dị ứng, cơ thể sẽ phản ứng dữ dội hơn, gây ra tình trạng bệnh nặng và nguy hiểm hơn.

Dị ứng thuốc đôi khi không phải là tác dụng phụ của thuốc. Dị ứng thuốc cũng khác với ngộ độc thuốc do dùng thuốc quá liều. Hầu hết các “phản ứng” thuốc là do các vấn đề khác nhau, tuy nhiên không hẳn tất cả đều liên quan đến dị ứng.

Dị ứng thuốc có thể gây tử vong. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng dị ứng thuốc nghiêm trọng, bao gồm sưng nề mắt, sưng môi, cảm giác nghẹn, khó thở, nhịp tim nhanh, choáng váng hoặc bất tỉnh, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. (1)

Nguyên nhân gây dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhận thấy xuất hiện tác nhân gây hại cho cơ thể. Khi bị dị ứng thuốc, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách tạo ra globulin miễn dịch E (IgE) sau lần đầu tiên tiếp xúc với thuốc (mẫn cảm). IgE là một loại kháng thể giúp loại bỏ các chất có hại ra khỏi cơ thể.

Cơ thể tạo ra nhiều loại IgE khác nhau nhằm vào các loại chất gây dị ứng cụ thể. IgE di chuyển đến các tế bào có chứa histamin (tế bào mast) trong màng nhầy, da, đường tiêu hóa và đường thở. Lần tiếp theo khi gặp chất gây dị ứng thuốc, IgE sẽ gắn vào chất gây dị ứng và báo cho tế bào mast giải phóng histamin và các hóa chất khác, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Tế bào T (hay còn gọi tế bào lympho T) của cơ thể cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Tế bào T là một loại tế bào giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, khi chúng nhận ra rằng thuốc là vật thể lạ và liên kết với nhau sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tuy chậm hơn nhưng vẫn gây nguy hiểm cho người bệnh. (2)

Triệu chứng của cơ thể khi bị dị ứng thuốc

Phản ứng dị ứng với thuốc thường bắt đầu trong vòng vài phút hoặc đôi khi vài ngày sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau ở mỗi người.

1. Triệu chứng thông thường

Các triệu chứng dị ứng thuốc nhẹ có thể bao gồm:

  • Ngứa.
  • Chảy nước mắt.
  • Phát ban da.
  • Nổi mề đay.
  • Sổ mũi.

>> Xem chi tiết: Dị ứng thuốc bị ngứa nguyên nhân do đâu?

dấu hiệu nhận biết dị ứng thuốc xảy ra
Nổi mề đay có thể là dấu hiệu của dị ứng thuốc

Trong một số ít trường hợp, người bệnh có thể bị phản ứng dị ứng khởi phát chậm vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi dùng thuốc. Phản ứng cũng có thể kéo dài nhiều ngày sau khi ngừng dùng thuốc. Những phản ứng này có thể bao gồm:

  • Sốt.
  • Phát ban da.
  • Đau khớp hoặc sưng khớp.
  • Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu) hoặc tiểu cầu thấp (giảm tiểu cầu).
  • Số lượng bạch cầu bất thường (tăng bạch cầu hoặc giảm bạch cầu) hoặc số lượng bạch cầu ái toan bất thường (Eosinophil).
  • Tổn thương gan hoặc thận.
  • Các hạch bạch huyết bị sưng.

2. Sốc phản vệ

Là triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Khó nuốt.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Huyết áp thấp.
  • Tăng nhịp tim.
  • Cảm thấy bối rối hoặc lo lắng.
  • Bất tỉnh.

Cơ chế và các thuốc dễ gây dị ứng

Mặc dù bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây phản ứng dị ứng nhưng một số loại thuốc dễ gây dị ứng hơn bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh (penicillin, TMP-SMZ,…).
  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen.
  • Thuốc hóa trị để điều trị ung thư.
  • Thuốc điều trị các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Các yếu tố nguy cơ khiến cơ thể dễ bị dị ứng

Dưới đây là một vài yếu tố khiến cơ thể dễ bị dị ứng với thuốc hơn:

  • Tiền sử dị ứng khác như dị ứng thực phẩm hoặc sốt.
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng thuốc.
  • Tăng phơi nhiễm với thuốc do dùng liều cao, sử dụng nhiều lần hoặc sử dụng kéo dài.
  • Một số bệnh thường liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc vi rút Epstein-Barr.

Bị dị ứng thuốc nên làm gì?

Khi bị dị ứng thuốc nên làm gì? Người bệnh cần ngừng dùng thuốc khi nhận thấy các triệu chứng bất thường và nên đến bệnh viện ngay. Sau khi thuốc được đào thải khỏi cơ thể, các triệu chứng sẽ bắt đầu giảm dần. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị bệnh lý, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác không gây phản ứng dị ứng. Dị ứng thuốc có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Vì vậy, việc xử lý kịp thời và đúng cách là rất quan trọng. Trường hợp người bệnh rơi vào tình trạng sốc phản vệ, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị hoặc có hưởng xử lý tối ưu nhất nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời, giảm rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

bị dị ứng thuốc cần xử lý như thế nào
Trường hợp bị dị ứng thuốc nặng người bệnh có thể bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay để nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời

Cách xử lý tại chỗ khi bị dị ứng thuốc

Khi nghi ngờ dị ứng thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, đồng thời quan sát kỹ các triệu chứng. Nếu chỉ là mẩn ngứa, nổi mề đay nhẹ, thì đây là dấu hiệu dị ứng thuốc nhẹ, hãy uống nhiều nước để thuốc nhanh chóng được đào thải. Nếu có biểu hiện nghiêm trọng như sưng phù mặt, khó thở, choáng váng… thì cần gọi cấp cứu ngay.

Nếu có sẵn thuốc kháng histamin (ví dụ: Cetirizine, Loratadine), có thể uống theo hướng dẫn từ bác sĩ. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, cần đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Cách điều trị dị ứng thuốc

Sau khi xác định tình trạng dị ứng thuốc của người bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể cho từng cá nhân. Một vài loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin: giúp ngăn chặn tác dụng của histamin trong cơ thể.
  • Corticosteroid: là thuốc chống viêm giúp giảm sản xuất các hóa chất gây viêm.
  • Epinephrine: nếu người bệnh bị dị ứng thuốc nặng, bác sĩ sẽ dặn luôn phải mang theo Epinephrine để có thể nhanh chóng kiểm soát các triệu chứng sốc phản vệ.
  • Giải mẫn cảm dị ứng: trong trường hợp bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc gây dị ứng, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật giải dị ứng thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cung cấp cho người bệnh một lượng nhỏ thuốc để hệ miễn dịch có thể quen dần với thuốc. Bác sĩ sẽ tăng dần liều lượng theo giờ hoặc thậm chí vài ngày cho đến khi cơ thể có thể chấp nhận thuốc mà không phản ứng.

Biện pháp phòng tránh dị ứng thuốc

Nếu người bệnh bị dị ứng thuốc, cách duy nhất để ngăn ngừa phản ứng là tránh bất kỳ loại thuốc nào có nguy cơ dị ứng, điều này đồng nghĩa với việc có thể phải tránh các loại thuốc tương tự. Đảm bảo thông tin tình trạng của người bệnh để bác sĩ cập nhật hồ sơ y tế giúp giảm nguy cơ phát sinh phản ứng.

phòng tránh dị ứng thuốc
BS.CKI Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, PlinkCare TP.HCM kiểm tra da cho khách hàng

Một số câu hỏi liên quan

1. Dị ứng thuốc có tự khỏi không?

Có. Dị ứng thuốc có thể tự khỏi trong một số trường hợp, đặc biệt là khi các triệu chứng dị ứng nhẹ và người bệnh ngừng sử dụng thuốc gây dị ứng ngay lập tức. Các triệu chứng thường sẽ giảm dần và biến mất trong vòng vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp dị ứng thuốc đều tự khỏi. Trong một số trường hợp, dị ứng thuốc có thể nghiêm trọng và cần phải được điều trị y tế kịp thời.

2. Dị ứng thuốc có sưng mắt không?

Có. Dị ứng thuốc hoàn toàn có thể gây sưng mắt. Đây là một trong những biểu hiện thường gặp của dị ứng thuốc, bên cạnh các triệu chứng khác như phát ban, mề đay, khó thở, buồn nôn…

3. Dị ứng thuốc có sốt không?

Có. Dị ứng thuốc có thể gây sốt khi cơ thể phản ứng với thuốc. Mặc dù không phải là triệu chứng phổ biến nhất, nhưng sốt có thể đi kèm với các biểu hiện dị ứng khác như phát ban, mề đay, sưng phù, hoặc thậm chí là các phản ứng nghiêm trọng hơn như khó thở hay sốc phản vệ.

4. Dị ứng thuốc có nguy hiểm không?

Có. Dị ứng thuốc nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Vì vậy, khi gặp những dấu hiệu bất thường như khó thở, sốt, phát ban ở da,… người bệnh nên đến bệnh viện ngay để bác sĩ có hướng xử lý kịp thời.

Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da của PlinkCare TP.HCM là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ da và điều trị các vấn đề về da tại khu vực miền Nam. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm với khách hàng và được đào tạo chuyên môn sâu các kỹ thuật điều trị da tiên tiến, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da của bệnh viện đã giúp hàng ngàn bệnh nhân khắc phục các vấn đề về thẩm mỹ và sức khỏe da.

Mỗi người bệnh sẽ được đội ngũ bác sĩ thăm khám, tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bệnh viện còn sở hữu nhiều thiết bị, máy móc tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại cùng quy trình khám chữa bệnh tối ưu giúp mang lại trải nghiệm điều trị và kết quả tốt nhất cho khách hàng.

Hy vọng bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề dị ứng thuốc. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc, chú ý quan sát nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào và nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi cần thiết.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send