
Dấu hiệu đột quỵ ở nữ: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
Phụ nữ là đối tượng có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ do đặc thù về giới tính như thời kỳ mãn kinh, tăng huyết áp khi mang thai, lạm dụng thuốc tránh thai kết hợp, mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì… Vậy, đột quỵ não ở nữ giới có phổ biến và nguy hiểm không? Dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới là gì? Khi phát hiện triệu chứng đột quỵ ở phụ nữ thì cần xử trí như thế nào?
Đột quỵ não ở nữ giới có phổ biến không?
Ước tính trong 5 phụ nữ tại Hoa Kỳ có 1 trường hợp bị đột quỵ và người này có khoảng 60% nguy cơ tử vong. Nghiên cứu cho thấy, nữ giới dưới 35 tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 44% so với nam giới cùng độ tuổi. Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm đa số với tỷ lệ khoảng 80% trên tổng số trường hợp. (1)
Ở phụ nữ trung niên và lớn tuổi, nguy cơ đột quỵ có thể tăng dần do nhiều yếu tố và các bệnh nền tiềm ẩn. Các chuyên gia thần kinh cho biết, đột quỵ não ở nữ giới có thể bắt nguồn từ những lý do thường gặp sau đây:
- Theo thống kê dân số, phụ nữ thường sống thọ hơn đàn ông và tuổi cao là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
- Phụ nữ dễ bị tăng huyết áp hơn so với đàn ông. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Một số yếu tố gây tăng huyết áp ở nữ giới bao gồm thiếu hụt nội tiết tố thời kỳ mãn kinh, mang thai và sinh nở, thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo, ngọt, phẫu thuật loại bỏ một phần tử cung khiến tử cung sản xuất chất hóa học gây tăng huyết áp…
- Uống thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progestin trong thời gian dài có thể khiến nguy cơ đột quỵ não ở phụ nữ tăng lên. Theo nghiên cứu, lạm dụng thuốc tránh thai kết hợp có thể làm tăng khả năng đông máu và tăng huyết áp, đây là hai yếu tố nguy cơ có thể gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
- Phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh lý nền liên quan đến đột quỵ như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rung nhĩ, cao cholesterol trong máu…
- Phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với nam giới. Người mắc bệnh trầm cảm thường bị rối loạn về giấc ngủ, thói quen sinh hoạt, ăn uống… khiến cơ thể nhanh chóng bị suy kiệt. Hệ thống thần kinh giao cảm ở người bị trầm cảm cũng thường xuyên phải hoạt động quá mức. Những điều này có thể khiến cho nguy cơ đột quỵ gia tăng.

Dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới
Dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới hay ở cả hai giới nói chung có thể không quá rõ ràng, nhất là những dấu hiệu sớm. Đây là lý do khiến người bệnh khó nhận biết sớm, chủ quan không đi khám cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu chung thường gặp của đột quỵ (ở cả nữ giới lẫn nam giới) bao gồm: mất thăng bằng, tê yếu tay chân hoặc một bên cơ thể hoặc cả hai bên, méo lệch miệng, khó nói, nói đớ, nhìn mờ, đau đầu dữ dội kèm buồn nôn, nôn… Một số dấu hiệu hay triệu chứng đột quỵ có thể chỉ xảy ra ở nữ giới và hiếm khi xuất hiện ở nam giới như: (2)
- Chảy xệ một bên mặt: Đột quỵ có thể làm dây thần kinh trên mặt bị tổn thương nghiêm trọng, khiến cho một bên mặt chảy xệ rõ ràng. Theo thống kê, có khoảng 80% phụ nữ đã từng gặp phải triệu chứng này trước khi bị đột quỵ.
- Đau đầu cấp: Đau đầu do đột quỵ có thể xuất hiện một cách đột ngột với cường độ mạnh mẽ. Theo khảo sát, phần lớn phụ nữ từng đối mặt với tình trạng đau đầu cấp kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn ói ít nhất 1 lần trước khi bị đột quỵ.
- Đột ngột mệt mỏi: Đột quỵ thiếu máu cục bộ có thể khiến một người phụ nữ năng động đột nhiên trở nên mệt mỏi và thiếu sức sống.
- Đau ngực cấp: Đau nhói vùng ngực một cách đột ngột kèm theo những cơn nấc cụt kéo dài có thể là dấu hiệu đột quỵ ở nữ mà bạn cần lưu ý.
Ngoài ra, các vấn đề như đột ngột mất phương hướng, thay đổi hành vi, ảo giác, kích động… cũng có thể là triệu chứng đột quỵ ở phụ nữ. Do đó, để hạn chế nguy cơ tử vong do đột quỵ, khi nghi ngờ có các triệu chứng bất thường kể trên, chị em cần sớm đến bệnh viện để được thăm khám y tế kịp thời.

Nguyên nhân đột quỵ ở phụ nữ
Ngoài những yếu tố nguy cơ phổ biến như mắc bệnh nền (bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường…), hút thuốc lá, nghiện chất kích thích, mất ngủ, ít vận động…, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ bao gồm: (3)
- Chứng tiền sản giật: Tiền sản giật có thể phát triển sau tuần thai thứ 20. Nếu có nguy cơ bị tiền sản giật, phụ nữ mang thai có thể bị tăng huyết áp đột ngột và dẫn đến đột quỵ. Thai phụ bị tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ cần được bác sĩ theo dõi và kiểm soát bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Thói quen sử dụng thuốc chưa phù hợp: Theo nghiên cứu, estrogen trong thuốc ngừa thai kết hợp hoặc thuốc bổ sung nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Nguy cơ này cao hơn ở người thừa cân và người có tiền sử bị huyết khối trước đó.
- Liệu pháp thay thế hormone: Đây là liệu pháp sử dụng estrogen và progestin để làm giảm thiểu triệu chứng rối loạn ở thời kỳ mãn kinh. Nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ bị đông máu và tăng triglyceride máu, từ đó khiến nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ gia tăng.
- Bệnh rung nhĩ: Rung nhĩ có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở tâm nhĩ, sau đó chúng trôi theo dòng tuần hoàn máu đến não và gây ra đột quỵ. Theo nghiên cứu, nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ bị rung nhĩ cao hơn đàn ông gấp 4 – 5 lần.
Cách xử trí khi phát hiện phụ nữ bị đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng y tế nguy cấp, ngay khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới, những người xung quanh cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu đột quỵ gần nhất. Để xác định một người đang có dấu hiệu hay nguy cơ đột quỵ, bạn cần kiểm tra các vấn đề sau: (4)
- Hoạt động của cánh tay: Hãy yêu cầu người bệnh nhấc 2 tay lên ở góc vuông 90 độ và giữ yên trong khoảng 5 giây. Nếu bị đột quỵ, người bệnh không thể thực hiện động tác trên một cách dễ dàng.
- Cười: Người bị đột quỵ thường bị yếu liệt 1 bên mặt. Do đó nụ cười của họ thường không đối xứng, miệng bị méo lệch, một góc miệng không đối xứng với bên còn lại.
- Khả năng ngôn ngữ: Đột quỵ thường gây ra tình trạng rối loạn hoặc mất hoàn toàn khả năng nói. Do đó, người bệnh thường không thể phát âm rõ ràng một cụm từ phổ biến và đơn giản. Đây có thể là dấu hiệu đột quỵ dễ nhận biết.
Khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới, mỗi thời khắc trôi qua đều có thể đe dọa mạng sống của người bệnh. Các biện pháp truyền miệng như rạch da và nặn máu các đầu ngón tay, cạo gió… đều có thể gây hại cho sức khỏe người bệnh. Bạn cũng không nên cho người bị đột quỵ uống bất cứ thuốc hay thứ gì trước khi đưa đến bệnh viện.
Người bị đột quỵ cần được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng (3-4,5 giờ đầu đối với đột quỵ nhồi máu não, có thể mở rộng lên 6-24 giờ tùy trường hợp; và trong 8 giờ đầu đối với đột quỵ xuất huyết não, có thể mở rộng lên 24 giờ hoặc muộn hơn tùy trường hợp). Cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt, nhằm bảo toàn tối đa chức năng hoạt động của não bộ và giảm nguy cơ tử vong.

Điều trị đột quỵ ở nữ giới
Đầu tiên, các bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, CT sọ não… để kiểm tra, đánh giá, phân loại đột quỵ và các bệnh lý đồng mắc khác, nếu có. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Đối với phụ nữ bị đột quỵ nhồi máu não, giải pháp cấp cứu đột quỵ được áp dụng phổ biến là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch giúp làm tan cục máu đông. Nếu cục máu đông lớn, gây tắc nghẽn mạch máu lờn thì bác sĩ có thể sẽ áp dụng thêm kỹ thuật can thiệp nội mạch lấy huyết khối để kịp thời tái thông lưu lượng máu đến não bộ. Trong 3 – 4,5 giờ đầu sau khi có các dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới là thời gian lý tưởng để can thiệp điều trị đạt hiệu quả tối ưu. Lúc này, các tế bào não chưa hoại tử hoàn toàn, nếu được sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời có thể giúp tái thông tưới máu não, phục hồi chức năng não và bảo vệ tính mạng.
Sau khi được cấp cứu và can thiệp điều trị đột quỵ kịp thời, người bệnh sẽ dần được hồi phục. Một số di chứng sau đột quỵ mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Suy nhược cơ thể.
- Dễ cáu gắt.
- Thường xuyên căng thẳng.
- Mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ.
- Suy giảm khả năng phân tích và xử lý vấn đề.
Để cơ thể phục hồi chức năng tối ưu, phụ nữ bị đột quỵ cần trải qua quá trình phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ kết hợp với liệu pháp vận động.
Cách phòng chống đột quỵ cho nữ giới
Ước tính, mỗi năm số trường hợp phụ nữ tử vong vì đột quỵ cao gấp 2 lần so với tử vong do ung thư vú. Việc học cách phòng tránh đột quỵ cho nữ giới là điều rất cần thiết. Để ngăn ngừa đột quỵ đúng khoa học, phụ nữ cần: (5)
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm chất.
- Đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý, khỏe mạnh (chỉ số BMI trong khoảng 18.5 – 22.9 kg/m2).
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá.
- Duy trì tập thể dục, chơi các môn thể thao tối thiểu 30 phút/ngày với tần suất từ 3 lần/tuần.
- Kiểm soát các bệnh nền nếu mắc phải, bao gồm bệnh tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường…
- Theo dõi huyết áp trong thai kỳ và sau khi sinh con.
- Tầm soát bệnh rung nhĩ cũng như các bệnh nền liên quan khác.
- Nếu đang có ý định sử dụng thuốc tránh thai kết hợp, phụ nữ cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe (đặc biệt là huyết áp) và tham vấn ý kiến từ bác sĩ.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ, từ đó có thể áp dụng biện pháp can thiệp, phòng tránh kịp thời. Hệ thống PlinkCare triển khai 4 gói tầm soát đột quỵ toàn diện từ cơ bản, nâng cao đến chuyên sâu phù hợp với mọi đối tượng. Bệnh viện áp dụng những kỹ thuật, máy móc hiện đại bậc nhất, giúp tầm soát, phát hiện những yếu tố bất thường nhỏ nhất.
Ngoài ra, phụ nữ đã từng bị đột quỵ trước đó cần tuân thủ những điều sau đây để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ tái phát:
- Hạn chế ăn nhiều muối, chất béo, đường, tránh hoạt động quá sức.
- Kiểm soát các bệnh nền liên quan.
- Không nên mang thai khi cơ thể chưa hồi phục chức năng.
- Không được tự ý uống thuốc ngừa thai, các loại thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố hoặc bất kỳ loại thuốc nào khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, nghỉ ngơi điều độ, vận động nhẹ thường xuyên.
- Tuân thủ lịch tái khám và các yêu cầu khác từ bác sĩ.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, hiểu rõ về các dấu hiệu đột quỵ ở nữ giới cũng như các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể giúp chị em chủ động đi khám, tầm soát và cấp cứu kịp thời. Với đột quỵ, điều trị nhanh chóng và đúng cách là yếu tố then chốt giúp người bệnh bảo toàn tính mạng, hồi phục chức năng tối ưu, hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.