Image

Đau đầu mãn tính là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Việc điều trị bệnh đau đầu mãn tính cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Vậy cụ thể nguyên nhân gây đau đầu mãn tính là gì và có những biện pháp điều trị nào? Làm sao để giảm thiểu, phòng tránh đau đầu hay nhức đầu mãn tính?

Đau đầu mãn tính là bệnh gì?

Đau đầu mãn tínhtình trạng đau đầu diễn ra ở mức độ thường xuyên, khó điều trị hết hẳn, cụ thể là người bệnh thường có “15 cơn đau đầu trở lên mỗi tháng, kéo dài trong ít nhất ba tháng”, theo định nghĩa của International Headache Society (Hiệp hội Nhức đầu Quốc tế – CDH). Khái niệm “mãn tính” đề cập đến mức độ thường xuyên xảy ra cơn đau đầu và tình trạng này kéo dài bao lâu. (1)

Bệnh đau đầu mãn tính khác với dạng cấp tính ở chỗ cơn đau không thuyên giảm và đau đầu kéo dài nhiều ngày. Bản chất liên tục của chứng nhức đầu mãn tính khiến nó trở thành một trong những dạng đau đầu khó chịu nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh.

đau đầu mãn tính là gì
Đau đầu mãn tính là gì? Đau đầu mãn tính là triệu chứng đau đầu kéo dài trên 3 tháng, mỗi tháng trên 15 lần đau

Hơn 90% người bệnh mắc chứng đau đầu mãn tính gặp các vấn đề tâm thần, thường là lo lắng hoặc trầm cảm (hoặc cả hai). Tuy nhiên, hoàn toàn có thể giảm đau và kiểm soát bệnh cho người bệnh nếu tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và thực hiện đúng theo phác đồ điều trị từ bác sĩ.

Các dạng đau đầu hay nhức đầu mãn tính

Bệnh đau đầu mãn tính được chia làm 2 nhóm chính là đau đầu mãn tính nguyên phát và đau đầu mãn tính thứ phát:

  • Đau đầu mãn tính nguyên phát: Cơn đau không phải do một hay nhiều bệnh lý thực thể nào đó gây ra mà thường do các cấu trúc ở vùng đầu bị rối loạn chức năng hoặc hoạt động quá mức.
  • Đau đầu mãn tính thứ phát: Cơn đau do một hay nhiều bệnh lý cụ thể gây ra, chẳng hạn như u não, viêm màng não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, mất ngủ, đột quỵ

Cả chứng đau đầu mãn tính nguyên phát và thứ phát đều có những đặc điểm riêng.

Nguyên nhân gây đau đầu mãn tính

1. Nguyên nhân

Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu mãn tính có thể bao gồm: (2)

  • Đau đầu do dùng thuốc trong thời gian dài: Đau đầu do lạm dụng thuốc là loại đau đầu mãn tính hàng ngày thường gặp nhất, chiếm 90% trong tổng số các trường hợp nhức đầu mãn tính. Khoảng 25 – 64% số ca đến khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế về đau đầu là đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc. Một nghiên cứu ước tính rằng 1% dân số trưởng thành và 0.5% dân số thanh thiếu niên bị đau đầu do lạm dụng thuốc.
  • Đau đầu do các bệnh lý tiềm ẩn khác: Bệnh kéo dài là do người bệnh mắc một hay nhiều bệnh lý khác như mất ngủ, thiếu máu não, viêm màng não, thậm chí đột quỵ, u não, u màng não
  • Migraine chuyển dạng hay đau nửa đầu chuyển dạng: Đây là trường hợp các cơn đau nửa đầu bắt đầu tăng tần suất và có thể thay đổi đặc điểm. Cơn đau đầu có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn nhưng chúng có thể bắt đầu xảy ra gần như hàng ngày. Tuy nhiên, các cơn đau nửa đầu nghiêm trọng, gây suy nhược vẫn có thể xảy ra.
  • Các nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau đầu mãn tính cũng có thể là do đau đầu vì căng thẳng, bệnh Hemicrania continua, hạ huyết áp vô căn…
triệu chứng đau đầu mãn tính
Nhức đầu mãn tính có thể do lạm dụng thuốc

2. Các yếu tố rủi ro

Đau đầu mãn tính xảy ra ở những người có tiền sử mắc hội chứng đau đầu nguyên phát. Những người bị đau đầu thường xuyên hơn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bao gồm:

  • Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị bệnh đau đầu mãn tính cao hơn nam giới. Ví dụ, phụ nữ sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin… có nguy cơ mắc nhức đầu mãn tính tăng 13,6 lần. Phụ nữ sử dụng triptans (một loại thuốc giảm đau thường được dùng để điều trị chứng đau nửa đầu) có nguy cơ bị bệnh đau đầu mãn tính tăng gấp 2.9 lần so với nam giới sử dụng loại thuốc này.
  • Tình trạng đau đầu hay nhức đầu mãn tính xảy ra thường xuyên hơn cả ở những người từ 40 – 50 tuổi.
  • Sự chuyển đổi từ chứng đau nửa đầu từng đợt sang chứng đau nửa đầu mãn tính có liên quan đến tình trạng huyết áp động mạch thấp. Tuy nhiên, chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể giữa 2 vấn đề sức khỏe này.
  • Rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm nặng và rối loạn lo âu là yếu tố nguy cơ kích hoạt cơn đau đầu mãn tính hàng ngày.
  • Mất ngủ.
  • Béo phì.
  • Lạm dụng quá nhiều caffeine.

Xem thêm: Đau đầu kinh niên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị.

Triệu chứng của đau đầu mãn tính

Các triệu chứng bệnh đau đầu mãn tính xuất hiện khác nhau tùy theo nguyên nhân gây đau đầu. Theo đó, một số triệu chứng đau đầu mãn tính phổ biến tùy trường hợp bao gồm: (3)

1. Bị đau nửa đầu mãn tính

Tình trạng này thường xảy ra ở những người có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu từng đợt. Chứng đau nửa đầu mãn tính có xu hướng:

  • Gây ra những cơn đau ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên đầu của bạn.
  • Có cảm giác mạch đập, nhói lên từng cơn.
  • Gây đau vừa đến nặng.
  • Buồn nôn, nôn hoặc cả hai.
  • Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

2. Đau đầu khi căng thẳng

Các triệu chứng đau đầu mãn tính do căng thẳng thường bao gồm:

  • Bị đau đầu ở cả hai bên đầu của bạn.
  • Cơn đau từ nhẹ đến trung bình, có thể đau âm ỉ và dai dẳng.
  • Cảm giác đau như bị ấn lên vùng đầu hoặc có vải thắt chặt quanh đầu.
  • Cơn đau không theo mạch đập.

3. Đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc

Cơn đau đầu do lạm dụng thuốc thường có những triệu chứng tương tự với cơn đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng. Người bệnh có thể cảm thấy đau ở một hoặc hai bên đầu.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt của cơn đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc chính là cơn đau ngày càng tăng nặng và thường không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường.

4. Đau đầu dai dẳng mỗi ngày thể mới

Đau đầu dai dẳng mỗi ngày thể mới (New Daily Persistent Headache – NDPH) là một chứng rối loạn hiếm gặp xảy ra không thể đoán trước và không rõ nguyên nhân. Những cơn đau đầu dai dẳng mỗi ngày thể mới có thể giống như đau đầu do căng thẳng thông thường hay đau nửa đầu:

  • Đau hai bên đầu hoặc chỉ một bên đầu.
  • Có cảm giác đau giống như bị áp lực hoặc thắt chặt ở vùng đầu.
  • Có thể bị nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Chóng mặt.
  • Suy giảm thị lực, thấy các tia sáng nhòe.
  • Cơn đau vừa hoặc nhẹ.

5. Đau đầu do Hemicrania continua

Triệu chứng chính của đau đầu mãn tính do bệnh hemicrania continua là cơn đau tập trung ở một bên mặt. Điểm đặc biệt của cơn đau hemicrania continua chính là cơn đau chỉ ảnh hưởng đến một bên đầu của bạn và cơn đau diễn ra hàng ngày, liên tục, không có thời gian không đau. Người bị hemicrania continua có thể gặp những cơn đau vừa phải hoặc dữ dội, kèm theo 1 số triệu chứng khác như:

  • Đau mắt.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Nghẹt mũi.
  • Sụp mí mắt.
  • Mắt đỏ hoặc chảy nước mắt.
  • Sổ mũi.
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn.
triệu chứng của đau đầu mãn tính
Triệu chứng chính của đau đầu mãn tính do bệnh hemicrania continua là cơn đau tập trung ở một bên mặt

Đau đầu mãn tính nhiều ngày có nguy hiểm không?

Bệnh đau đầu mãn tính kéo dài nhiều ngày nếu không được điều trị có thể gây ra các tác động xấu tới sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:

  • Cơn đau đầu gây mất tập trung, giảm hiệu suất công việc và học tập.
  • Người bệnh vì đau đầu liên tục cũng dễ chuyển biến tâm trạng xấu hơn, cáu gắt, lo âu, trầm cảm và xảy ra mâu thuẫn với những người xung quanh mình.
  • Đau đầu kéo dài có thể gây giảm sút trí nhớ, suy giảm khả năng phán đoán và tư duy logic nếu đau đầu thường xuyên.
  • Cơn đau đầu dữ dội có thể dẫn tới hôn mê hoặc đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Đau đầu mãn tính nhiều ngày mà không đi khám và chữa trị kịp thời, có thể mất cơ hội chữa trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn liên quan. Bệnh sẽ ngày càng tăng nặng và khó điều trị.

Do đó, người bệnh nếu bị đau đầu nhiều ngày liên tiếp cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để. Không nên chủ quan để tình trạng bệnh kéo dài.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Những trường hợp bị đau đầu trên 15 ngày/tháng đều cần đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Đặc biệt, người bệnh cần lưu ý một số trường hợp sau để sớm đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Bị đau đầu từ hai lần trở lên mỗi tuần.
  • Uống thuốc giảm đau khi đau đầu hầu hết các ngày.
  • Cơn đau không thuyên giảm khi uống thuốc giảm đau theo liều thông thường.
  • Người bệnh trên 50 tuổi.
  • Cơn đau có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi (đau tăng nặng, thời gian đau kéo dài…).
  • Cơn đau có đi kèm với các dấu hiệu bất thường như chảy nước mắt, phù kết mạc, sa mi mắt, co đồng tử, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, cứng cổ, nôn, lú lẫn, co giật, nhìn đôi, yếu, tê hoặc khó nói…
  • Bị đau sau khi chấn thương đầu hoặc có va đập ở vùng đầu.
cơn đau đầu mãn tính
Nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau không thuyên giảm khi uống thuốc giảm đau theo liều thông thường

Cách chẩn đoán bệnh nhức đầu mãn tính

Khi người bệnh đến thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe lâm sàng cũng như hỏi người bệnh một số câu hỏi như:

  • Đặc điểm nhân khẩu học của người bệnh: tuổi, giới tính, nghề nghiệp…
  • Cơn đau đầu bắt đầu khi nào?
  • Cơn đau đầu diễn ra ở vị trí nào?
  • Cường độ của cơn đau như thế nào?
  • Những đặc điểm của cơn đau là gì?
  • Cơn đau kéo dài bao lâu?
  • Cơn đau xuất hiện vào thời điểm nào trong ngày?
  • Cơn đau đã phát triển như thế nào kể từ khi bắt đầu?
  • Tần suất xuất hiện là bao nhiêu?
  • Các tình huống kích hoạt cơn đau là gì?
  • Cơn đau có liên quan đến giấc ngủ không?
  • Bạn dùng thuốc gì để cải thiện tình trạng đau đầu? Tần suất sử dụng thuốc này là bao nhiêu?

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay CT não hoặc sinh thiết… Có thể cần phải chọc dò tủy sống nếu nghi ngờ nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc tăng áp lực nội sọ vô căn. (4)

Cách điều trị bệnh đau đầu mãn tính

Đau đầu mãn tính là một trong những loại đau đầu nghiêm trọng và khó điều trị nhất. Các trường hợp đau đầu mãn tính thường được điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân đau đầu.

Trước hết, thông qua thăm khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định người bệnh đau đầu có phải do mắc các bệnh lý liên quan hay không. Trường hợp có, người bệnh sẽ được điều trị, kiểm soát bệnh liên quan hiệu quả, song song điều trị giảm nhẹ triệu chứng nhức đầu mãn tính và tiến tới kiểm soát bệnh.

Những người lạm dụng thuốc thường không đáp ứng với các loại thuốc dùng để điều trị chứng đau nửa đầu. Do đó, việc điều trị thường còn có sự khác nhau giữa 2 nhóm có và không có lạm dụng thuốc.

1. Đau đầu mãn tính không do lạm dụng thuốc

Phần lớn những người bị chứng đau nửa đầu mãn tính sử dụng thuốc để điều trị các cơn đau đầu cấp tính. Biện pháp phổ biến để điều trị các cơn đau nửa đầu cấp tính diễn ra tức thời của người bị đau nửa đầu mãn tính là sử dụng những loại thuốc giảm đau đầu như panadol, paracetamol, ibuprofen, aspirin…

Có nhiều tranh luận về thời điểm nên dùng thuốc điều trị các cơn đau đầu cấp tính. Điều trị sớm làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn đau đầu, từ đó tạo điều kiện để giảm sử dụng thuốc. Tuy nhiên, một số người cho rằng dùng thuốc sớm ngay vừa khi đau đầu, trước khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng có thể khuyến khích lạm dụng thuốc.

Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau đầu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn một số biện pháp giúp cải thiện cơn đau đầu như tập yoga, thiền, áp dụng các kỹ thuật thư giãn…

2. Đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc

Mục đích điều trị

Mục đích của việc điều trị là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu, đồng thời giảm lượng thuốc sử dụng, gia tăng hiệu quả của thuốc. Thành công của điều trị đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc được định nghĩa là số ngày đau đầu giảm > 50% trong vòng 6 tháng.

Phương pháp điều trị

Ngưng sử dụng các loại thuốc giảm đau đã sử dụng quá mức

Việc ngừng sử dụng thuốc quá mức là bước đầu tiên trong việc điều trị cho những người bị đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc. Các loại thuốc giảm đau thay thế có hiệu quả khi tác dụng cai thuốc đã được giải quyết.

Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng những loại thuốc giảm đau đã sử dụng quá mức một cách đột ngột có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và rối loạn giấc ngủ… Thời gian xảy ra các triệu chứng này có thể kéo dài từ 1 – 4 tuần tùy theo từng mức độ lạm dụng thuốc và loại thuốc.

Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc khác (ví dụ như NSAID) để giúp bạn đối phó với các triệu chứng khi dừng sử dụng thuốc đột ngột. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn nhập viện trong khi đang tiến hành “cai nghiện” thuốc.

Sử dụng thuốc giảm đau đầu

Việc sử dụng những loại thuốc thay thế thường phức tạp vì phản ứng của một người bị đau đầu do lạm dụng thuốc đối với các loại thuốc thay thế cũng bị giảm sút. Điều này khiến các loại thuốc thay thế bị hạn chế hoặc không sử dụng được.

Trong thời gian ngắn, việc sử dụng một liều thuốc giảm đau khác sẽ làm giảm các triệu chứng đau đầu nhưng cũng kéo dài chu kỳ lạm dụng thuốc và đau đầu. Do đó, việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn thận.

Người bệnh bị đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc có thể dùng một số thuốc điều trị thay thế

Điều trị dự phòng ngăn ngừa tái phát

Tái phát được định nghĩa là sử dụng thuốc nhức đầu > 15 ngày mỗi tháng trong ít nhất 3 tháng sau khi ngừng thuốc thành công. Tái phát đau đầu thường xảy ra trong vòng một năm điều trị đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 41% người bệnh quay lại dùng thuốc giảm đau từng lạm dụng trong vòng 1 năm sau điều trị đau đầu.

Các trường hợp dễ tái phát đau đầu mãn tính do lạm dụng thuốc thường bao gồm:

  • Tiếp tục trải qua những cơn đau đầu do căng thẳng hoặc đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu kết hợp.
  • Trải qua chứng đau nửa đầu thường xuyên (> 8 ngày mỗi tháng) trong thời gian dài.
  • Có sự cải thiện kém sau khi ngưng dùng thuốc.
  • Đã thử nhiều phương pháp điều trị.
  • Dùng thuốc giảm đau kết hợp có chứa codein hoặc caffeine.

Bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị phòng ngừa thích hợp. Lưu ý không nên sử dụng thuốc giảm đau kết hợp (ví dụ như những loại thuốc có chứa caffeine). Tốt hơn hết là kiểm soát bằng các biện pháp can thiệp không dùng thuốc, có thể bao gồm châm cứu, xoa bóp và những liệu pháp hành vi. Thuốc dự phòng có thể được sử dụng để tránh phải dùng thuốc cấp tính.

Cách phòng ngừa đau đầu mãn tính

Để phòng ngừa đau đầu mãn tính, bạn cần lưu ý:

  • Chủ động khám và điều trị kịp thời, hiệu quả các bệnh lý có thể gây đau đầu liên quan.
  • Sử dụng thuốc giảm đau đúng cách, Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc trị đau đầu. Nên tránh tùy tiện dùng các loại thuốc có chứa caffeine, opioid hoặc thuốc an thần.
  • Đến thăm khám bác sĩ ngay khi cơn đau diễn ra từ 3 ngày trở lên hoặc không thuyên giảm sau khi dùng thuốc. Điều trị tốt để tránh bệnh diễn tiến trở thành mãn tính.
  • Quản lý căng thẳng, tránh trầm cảm, lo âu. Dinh dưỡng khoa học và vận động thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, giải tỏa căng thẳng. Bổ sung các tinh chất thiên nhiên từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) giúp trung hòa gốc tự do, cải thiện tuần hoàn máu não, hỗ trợ giảm đau đầu hiệu quả.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những ai đang đối mặt với bệnh đau đầu mãn tính. Nhìn chung, để kiểm soát cơn đau cũng như phòng ngừa đau đầu mãn tính tái phát hiệu quả, nguyên nhân gây bệnh cần được xác định và người bệnh phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send