Image

Đau đầu giật từng cơn là bệnh gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Người bệnh không nên chủ quan nếu chẳng may gặp phải tình trạng đầu giật từng cơn hay đau đầu giật từng cơn. Vì không chỉ gây ra cơn đau nghiêm trọng, triệu chứng đầu bị giật từng cơn do đau còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Tốt hơn hết, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh thăm khám sớm.

Đau đầu giật từng cơn là bệnh gì?

Đau đầu giật từng cơn (hay đau đầu cụm – Cluster Headaches) là những cơn đau nghiêm trọng, có xu hướng xuất hiện, tái phát theo từng đợt. Đau đầu cụm thường là những cơn đau có cường độ dữ dội, biểu hiện ở một bên đầu và xung quanh mắt. Cơn đau xuất hiện đột ngột, nhanh chóng, không có dự báo trước.

Nguyên nhân gây đau đầu giật từng cơn

Hiện tại vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm). Thế nhưng các nhà khoa học cho biết cơn đau có thể liên quan đến sự giải phóng đột ngột serotonin hoặc histamin trong cơ thể. Người có những yếu tố dưới đây tiềm ẩn nguy cơ bị đau đầu giật từng cơn hoặc dễ kích hoạt cơn đau khởi phát cao hơn: (1)

  • Giới tính, nam giới có nguy cơ bị đau đầu cao hơn nữ giới.
  • Dùng cocaine, rượu bia, hút thuốc lá.
  • Có thành viên trong gia đình bị đau đầu cụm.
  • Thay đổi nhiệt độ, thời tiết, độ cao một cách đột ngột.
  • Tập thể dục cường độ quá cao hoặc làm việc gắng sức.
  • Dùng quá nhiều thực phẩm chứa nitrat, ví dụ như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói…
nguyên nhân gây đau đầu giật từng cơn
Uống rượu bia có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến hoặc kích hoạt đau đầu giật từng cơn

Triệu chứng đau đầu giật từng cơn

Triệu chứng đau đầu giật từng cơn có thể xảy ra theo từng đợt, kéo dài trung bình từ 1 – 3 giờ. Chứng đầu bị giật từng cơn do đau xuất hiện phổ biến hơn ở nam giới sau tuổi 30. Những triệu chứng thường gặp của cơn đau đầu cụm có thể bao gồm: (2)

  • Cơn đau thường xảy ra ở xung quanh/sau mắt, khởi phát đột ngột.
  • Cơn đau tăng cường độ lên đến đỉnh điểm trong 10 – 15 phút.
  • Có cảm giác bị kích động, bồn chồn.
  • Chảy nước mắt hoặc mắt bị đỏ.
  • Nghẹt mũi.
  • Mí mắt sưng hoặc rủ xuống.
  • Trán đổ mồ hôi.

Đau đầu giật từng cơn có nguy hiểm không?

Những cơn đau đầu giật từng cơn tuy diễn ra dữ dội nhưng không đe dọa đến tính mạng và cũng không gây ra tổn thương vĩnh viễn ở não. Thế nhưng các cơn đau có xu hướng trở thành mạn tính, dễ tái phát, tác động tiêu cực đến sức khỏe, công việc, cuộc sống của người bệnh.

Tình trạng đau đầu giật từng cơn khi nào cần gặp bác sĩ?

Triệu chứng đau đầu giật từng cơn có thể không quá nghiêm trọng đến mức đe dọa đến tính mạng. Thế nhưng những cơn đau này cũng cần được can thiệp, điều trị, kiểm soát hiệu quả. Hoặc, chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nên cần được thăm khám sớm. (3)

Do đó, khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ đau đầu giật từng cơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để có thể loại trừ những bệnh lý nguy hiểm khác cũng như nhận được phác đồ chữa trị hiệu quả từ bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Đặc biệt, người bệnh cần chủ động đi thăm khám sớm khi bị đau đầu giật từng cơn kèm theo các triệu chứng dưới đây:

  • Cơn đau xuất hiện với cường độ dữ dội, đau đến mức không thể làm được gì.
  • Đau đầu kèm theo triệu chứng sốt, co giật, buồn nôn, nôn mửa, tê hoặc khó nói… Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh đột quỵ, viêm não, viêm màng não, u não
  • Bị đau đầu sau khi gặp chấn thương, ngay cả khi bạn chỉ bị ngã hoặc va chạm nhẹ. Đặc biệt là khi cường độ của cơn đau đầu ngày càng gia tăng.
  • Cơn đau đầu xảy ra nặng hơn sau nhiều ngày và có sự thay đổi về tính chất, chu kỳ đau.
triệu chứng đau đầu giật từng cơn
Khi triệu chứng đau đầu giật từng cơn diễn ra với cường độ dữ dội, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm

Cách chẩn đoán đau đầu giật từng cơn

Chẩn đoán chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm) phụ thuộc vào việc người bệnh mô tả cơn đau, vị trí xuất hiện cơn đau, cường độ, tần suất, thời gian kéo dài và những triệu chứng khác. Bác sĩ thần kinh có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh, kết quả thăm khám thực thể, thần kinh. Với những trường hợp xuất hiện cơn đau bất thường, phức tạp thì cần tiến hành làm một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng đau đầu, cụ thể gồm có:

  • Chụp MRI: Chụp MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết của não, mạch máu. Chụp MRI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tình trạng chảy máu não, nhiễm trùng, khối u, bệnh đột quỵ và những vấn đề khác có thể gây ra triệu chứng đau đầu.
  • Chụp CT: Chụp CT sử dụng một loạt tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của não. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhiễm trùng, khối u, tình trạng chảy máu não, tổn thương não cùng các vấn đề khác có thể gây đau đầu.

Cách điều trị đau đầu giật từng cơn

Mục tiêu chính khi chữa trị chứng đau đầu giật từng cơn là làm giảm mức độ đau, rút ngắn thời gian đau và hạn chế tần suất tái phát. Những phương pháp cải thiện chứng đau đầu giật từng cơn (hay đau đầu cụm) hiệu quả có thể được bác sĩ áp dụng hiện nay gồm có: (4)

1. Điều trị tác dụng nhanh

Các cách điều trị này được áp dụng nhằm mục đích giúp người bệnh ngăn chặn tình trạng đầu bị giật từng cơn (đau đầu cụm) khi mới bắt đầu:

  • Oxy: Hít thở oxy tinh khiết thông qua mặt nạ giúp hầu hết người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm. Tác dụng có thể phát huy trong vòng 15 phút. Cách chữa trị này thường không gây ra phản ứng phụ nhưng không được chỉ định cho người bị phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
  • Triptan: Người bệnh có thể được tiêm sumatriptan (imitrex) khi các triệu chứng đau đầu giật từng cơn bắt đầu xảy ra. Sử dụng sumatriptan dạng xịt mũi hoặc dùng những loại thuốc triptan khác cũng mang đến công dụng tích cực nhưng không nhanh chóng bằng phương pháp tiêm. Người bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh tim chưa kiểm soát tốt không được khuyến cáo dùng sumatriptan. So với loại thuốc uống, thuốc tiêm và xịt mũi được sử dụng thường xuyên hơn.
  • Octreotide: Octreotide (sandostatin) là một phiên bản của hormone não somatostatin, có thể phát huy tác dụng với người bệnh đau đầu cụm. Octreotide có thể được sử dụng với những trường hợp người bệnh đáp ứng không tốt với triptan.
  • Thuốc gây tê cục bộ: Công dụng gây tê của thuốc gây tê cục bộ, ví dụ như lidocain có thể giúp người bệnh chống lại chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm) khi tiêm qua mũi.
  • Dihydroergotamine: Một dạng dihydroergotamine được truyền thông qua đường tĩnh mạch có thể giúp làm giảm tình trạng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm). Dihydroergotamine hiện đã có dạng hít qua mũi, thế nhưng cách dùng này chưa được chứng minh là mang đến công dụng giúp chữa trị bệnh đau đầu cụm.
điều trị đau đầu giật từng cơn
Một vài loại thuốc có thể được sử dụng để ngăn chặn tình trạng đầu bị giật từng cơn

2. Phẫu thuật

Trên thực tế, hiếm khi người bị đau đầu cụm mạn tính nhận được chỉ định phẫu thuật. Một vài ca phẫu thuật cố gắng tác động vào các đường dẫn truyền thần kinh – được cho là tác nhân dẫn đến cơn đau. Thế nhưng, lợi ích lâu dài mà phương pháp phẫu thuật này mang đến là không chắc chắn và vẫn tiềm ẩn những biến, ví dụ như gây yếu cơ hàm, khiến các bộ phận trên mặt, đầu bị mất cảm giác.

3. Liều thuốc thay thế

Melatonin – hormone tác động đến đồng hồ sinh học của cơ thể có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng đau đầu cụm. Capsaicin – chất chiết xuất từ ớt cũng có thể được sử dụng giúp làm giảm tần suất xảy ra chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm), hạn chế mức độ nặng của bệnh. Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ cách chữa trị thay thế nào.

4. Cách chữa trị tiềm năng

Hiện nay, những phương pháp khác giúp chữa trị chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm) đang được nghiên cứu, bao gồm các kỹ thuật kích thích dây thần kinh, cụ thể là: kích thích dây thần kinh chẩm, kích thích não sâu và kích thích hạch sphenopalatine.

Cách phòng ngừa hay giảm các cơn đau đầu giật từng cơn

Những phương pháp giúp ngăn ngừa, giảm nhẹ chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm) có thể được bác sĩ tư vấn, chỉ định gồm có:

1. Sử dụng thuốc và những liệu pháp y tế

Các biện pháp phòng ngừa dưới đây có thể được áp dụng nhằm ngăn chặn hoặc giảm nhẹ những cơn đau đầu như thuốc chặn canxi, corticosteroid, Galcanezumab (emgality), Liti (lithobid)… Bác sĩ sẽ tư vấn chỉ định người bệnh ngừng sử dụng thuốc dần dần sau khi cơn đau đầu kết thúc.

Một số liệu pháp y tế như kích thích dây thần kinh phế vị không xâm lấn (VNS) có thể được dùng để hỗ trợ làm giảm tần suất xảy ra chứng đau đầu giật từng cơn (đau đầu cụm). Đây là phương pháp không xâm lấn, bác sĩ sử dụng bộ điều khiển cầm tay để gửi kích thích điện qua da đi đến dây thần kinh phế vị.

thuốc ngăn ngừa đau đầu giật từng cơn
Người bệnh có thể được chỉ định cho dùng một số loại thuốc để ngăn ngừa chứng đau đầu giật từng cơn

2. Thay đổi lối sống

Bạn cần thay đổi, áp dụng lối sống khoa học, hợp lý hơn để góp phần phòng ngừa chứng đau đầu giật từng cơn, cụ thể gồm có: (5)

  • Tuân thủ giờ đi ngủ một cách đều đặn: Trong giai đoạn khởi phát bệnh, bạn không nên thay đổi thói quen ngủ. Vì việc làm này có thể trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến hoặc kích hoạt tình trạng đầu bị giật từng cơn tăng nặng.
  • Tránh uống rượu: Uống bia, rượu nhiều có thể gây đau đầu. Vì thế, người bệnh nên hạn chế sử dụng bia, rượu và những loại thức uống khác có chứa chất kích thích.
  • Xây dựng khẩu phần dinh dưỡng khoa học: Người bệnh không nên ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ… Thay vào đó, bổ sung vào chế độ dinh dưỡng trái cây, rau xanh, xây dựng khẩu phần cân bằng dưỡng chất. Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ Blueberry (việt quất) và Ginkgo Biloba (bạch quả) có thể giúp điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, cải thiện tình trạng đau đầu.
  • Hạn chế căng thẳng, tập thể dục đều đặn: Mỗi người nên dành khoảng 15 phút thư giãn sau mỗi 2 tiếng làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, đừng quên duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 20 – 30 phút/ngày để góp phần ngăn ngừa chứng đau đầu nói chung và đau đầu giật từng cơn nói riêng.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Đau đầu giật từng cơn ảnh hưởng sức khỏe, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh thăm khám sớm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send