
Đau bụng bên trái ở trẻ em: Vị trí, nguyên nhân và dấu hiệu
Đau bụng bên trái ở trẻ em là gì?
Đau bụng bên trái ở trẻ em là tình trạng trẻ cảm thấy đau ở vùng bụng bên trái, được tính từ phần dưới của xương sườn trái xuống vùng xương chậu trái. Trẻ đau bụng bên trái có thể do nhiều nguyên nhân; điều quan trọng là cần xác định sớm nguyên nhân, mức độ đau bụng của trẻ, từ đó có can thiệp đúng cách, kịp thời.
Đau bụng bên trái ở trẻ em xảy ra ở vị trí nào?
Khi trẻ đau bụng bên trái, tùy vào vị trí phía trên hoặc phía dưới của vùng bụng bên trái, tình trạng này có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe khác nhau:
- Đau bụng bên trái ở phía trên: Trẻ đau bụng bên trái ở khu vực dưới xương sườn, trên đường ngang rốn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến lá lách, tuyến tụy, dạ dày, phổi, đại tràng. Một số trường hợp, đau bụng ở bên trái phía trên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch.
- Đau bụng bên trái ở phía dưới: Trẻ đau bụng bên trái ở phía dưới, từ đường ngang rốn xuống dưới vùng xương chậu dưới có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến đại tràng, túi thừa, thoát vị bẹn, sỏi thận… Ở bé gái trong giai đoạn dậy thì, đau bụng dưới bên trái có thể là do các vấn đề liên quan đến buồng trứng, kinh nguyệt.

Đau bụng bên trái ở bé trai và bé gái có gì khác nhau?
Trẻ đau bụng bên trái được mô tả tại cùng một vị trí nhưng nó có thể liên quan đến những bệnh lý khác nhau ở bé trai và bé gái:
- Đau bụng ở bé trai: Tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh bảo một số vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cơ quan sinh sản của trẻ, có thể kể đến như xoắn tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh.
- Đau bụng ở bé gái: Bé gái khi bước vào giai đoạn dậy thì, đau bụng ở bé gái có thể là do hành kinh, hoặc nghiêm trọng hơn là các vấn đề về hệ thống sinh sản như nang buồng trứng, dị dạng tử cung âm đạo đôi…
Dấu hiệu đau bụng bên trái ở trẻ em
Đau bụng bên trái ở trẻ em có thể diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ thoáng qua, nhẹ đến dữ dội, nghiêm trọng, có thể đột ngột, đau nhói hoặc kéo dài, âm ỉ. Bên cạnh đó, cơn đau bụng có thể đi kèm với một loạt các triệu chứng đi kèm như:
- Sốt;
- Buồn nôn, nôn;
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Đầy hơi.
- Thay đổi thói quen đại tiện.
Nguyên nhân đau bụng bên trái ở trẻ em
Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây đau bụng bên trái ở trẻ em:
1. Táo bón
Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, trẻ không ăn đủ chất xơ, uống ít nước và ít vận động có thể dẫn đến táo bón. Đây là vấn đề tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em. Các triệu chứng của táo bón ở trẻ em thường gặp như đau bụng, đi ngoài phân khô cứng, có thể chảy máu khi đi ngoài, trẻ phải rặn nhiều, đỏ mặt, hay cáu gắt.

2. Viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột là tình trạng nhiễm trùng ở dạ dày và ruột do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Trẻ bị viêm dạ dày ruột thường có triệu chứng đau bụng bên trái, tiêu chảy, có thể đi ngoài ra máu, buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân.
3. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày xảy ra do trẻ bị nhiễm trùng dạ dày hoặc do tác dụng phụ của thuốc viêm không steroid (NSAID). Viêm loét dạ dày khiến trẻ đau bụng, khó tiêu, thường xuyên buồn nôn, nôn, mất cảm giác ngon miệng khi ăn uống, có cảm giác nóng rát khó chịu ở vùng bụng.
4. Viêm ruột thừa
Nếu vị trí đau bụng cách rốn khoảng 5cm về bên trái, trẻ có thể đang bị viêm ruột thừa. Cơn đau bụng này có thể di chuyển sang vùng bụng bên phải, kèm với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn khi cơn đau bắt đầu, rối loạn tiêu hóa và có thể bị sốt.
5. Căng cơ
Đau bụng bên trái ở trẻ em có thể xuất phát từ việc căng cơ hoặc tổn thương các cơ ở vùng bụng. Tham gia hoạt động thể chất quá sức, tập thể dục cường độ cao hoặc nâng vật nặng không đúng cách có thể khiến các cơ ở vùng bụng bị căng thậm chí bị tổn thương, gây đau ở phía bên trái bụng.
6. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn mãn tính liên quan đến hệ thống ruột, đại tràng, đặc biệt là ruột già. Một số triệu chứng khó chịu gây ra bởi hội chứng ruột kích thích như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy/táo bón. Các triệu chứng cũng như cơn đau bụng có xu hướng giảm nhẹ sau khi đi tiêu. (1)
7. Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn gây triệu chứng đau ở vùng bụng bên trái; cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi hoạt động thể chất hoặc ho. Bố mẹ có thể thấy một khối u vùng bẹn hoặc vùng bẹn của trẻ bị phình ra bất thường. Bên cạnh đó, trẻ có thể có triệu chứng khó đi tiểu, xì hơi, đại tiện, buồn nôn, nôn mửa.
8. Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh bị xoắn lại, gây cản trở lưu thông máu đến bìu. Bệnh thường gây ra những cơn đau ở vùng bụng bên trái, kèm theo triệu chứng sưng bìu, buồn nôn, nôn, sốt và ớn lạnh.
9. Viêm túi thừa Meckel
Túi thừa Meckel là dị tật bẩm sinh ở đường tiêu hóa, xảy ra ở khoảng 2% dân số. Viêm túi thừa Meckel có tỷ lệ cao hơn ở trẻ lớn; nguy cơ biến chứng cao 2 – 3 lần ở bé trai. Các triệu chứng đặc trưng khi trẻ bị viêm túi thừa Meckel gồm đau bụng quặn, buồn nôn, nôn và đi ngoài ra máu. (2)
Đau bụng bên trái ở trẻ em có nguy hiểm không?
Trẻ bị đau bụng bên trái có nguy hiểm không và nguy hiểm thế nào sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ. Nếu trẻ đau bụng bên trái do các vấn đề thường gặp của hệ tiêu hóa như táo bón, đầy hơi hay đau bụng dưới do kinh nguyệt… tình trạng này thường không gây nguy hiểm cho trẻ, có thể được cải thiện khi trẻ có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học.
Nhưng nếu trẻ đau bụng bên trái kèm các dấu hiệu bất thường, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như viêm ruột, viêm dạ dày… Lúc này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ y tế tích cực càng sớm càng tốt.

Cách điều trị đau bụng bên trái ở trẻ em
Cách điều trị đau bụng bên trái ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, lứa tuổi, mức độ đau cũng như các triệu chứng đi kèm. Trẻ đau bụng nặng, liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện để theo dõi và thực hiện một số thủ thuật, phẫu thuật… để điều trị bệnh cho trẻ.
Đau bụng nhẹ, không liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm, tình trạng đau bụng sẽ thuyên giảm khi trẻ được chăm sóc đúng cách. Bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn; dinh dưỡng khoa học, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều năng lượng; uống đủ nước; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, bố mẹ cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa trẻ bị đau bụng bên trái
Một số cách phòng ngừa trẻ bị đau bụng bên trái bố mẹ nên biết:
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất; hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng; rửa sạch nguyên liệu, dụng cụ và rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ; nấu chín kỹ và bảo quản thực phẩm đúng cách.
- Thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn không gian sống sạch sẽ, giặt giũ chăn ga của trẻ nhằm loại bỏ và ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn, ký sinh trùng và các tác nhân gây bệnh.
- Tạo cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn đúng cách trước khi ăn và sau khi chơi, đi vệ sinh, ho, hắt hơi.
- Tránh để trẻ cảm thấy căng thẳng, cân bằng giữa học tập – vui chơi – ngủ nghỉ.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động vừa sức, thể dục thể thao, yoga, thiền.
- Cho trẻ tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch nhằm tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, từ đó có phương pháp điều trị sớm, đúng cách.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Nếu phụ huynh nhận thấy những dấu hiệu đau bụng bên trái ở trẻ em nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp, đặc biệt khi tình trạng đau bụng đi kèm với các triệu chứng bất thường như:
- Đau bụng đột ngột, dữ dội.
- Sốt cao, sốt không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Nôn mửa, chất nôn có màu xanh/vàng, có lẫn nhầy máu.
- Tiêu chảy, phân lẫn máu.
- Vàng da.
- Biếng ăn, sụt cân.
- Có dấu hiệu mất nước nguy hiểm.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới Khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về tình trạng đau bụng bên trái ở trẻ em. Đau bụng là tình trạng thường diễn ra ở trẻ tuy nhiên, bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi trẻ thường xuyên đau bụng, đặc biệt kèm theo các bất thường.