
Đa polyp túi mật có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa
Đa polyp túi mật là gì?
Đa polyp túi mật là tình trạng lòng túi mật xuất hiện nhiều sang thương từ niêm mạc túi mật nhô vào trong lòng. Có khoảng 95% polyp túi mật là lành tính, chỉ khoảng 5% là u ác tính. Phần lớn trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ lúc người bệnh đi siêu âm khi khám sức khỏe định kỳ.

Bác sĩ thường dựa vào kích thước, số lượng, hình thái của polyp, sự tăng trưởng kích thước qua theo dõi định kỳ, có kèm sỏi túi mật hoặc dày thành túi mật để chẩn đoán tương đối chính xác đây là u lành tính hay u ác tính. Thông thường, polyp túi mật có kích thước dưới 10mm, không thay đổi sau nhiều năm sẽ là lành tính. Trong trường hợp này, người bệnh chỉ cần tái khám theo dõi định kỳ.
Một số trường hợp polyp túi mật có thể phát triển nhanh về số lượng và kích thước, chân lan rộng, người bệnh xuất hiện những triệu chứng như đau thường xuyên, sốt tái phát nhiều lần… Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể nghi ngờ polyp ác tính. Bệnh nhân sẽ được khuyến khích phẫu thuật cắt túi mật để hạn chế rủi ro cho sức khỏe.
Đa polyp túi mật có nguy hiểm không?
Tuy tỷ lệ cao tình trạng đa polyp túi mật, nhất là đa polyp có kích thước dưới 10mm, sẽ là lành tính. Cũng giống như polyp túi mật đơn độc, đa polyp túi mật cũng tiềm ẩn những nguy cơ tiến triển thành ung thư. Do đó, người bệnh không nên mang tâm lý chủ quan trong điều trị. Hơn nữa, bệnh nhân cũng có nguy cơ cao đối mặt với các triệu chứng và biến chứng cấp tính gồm nôn ói, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, viêm túi mật, ứ trệ dịch mật…(1)
Triệu chứng đa polyp túi mật có thể chuyển biến thành ung thư
Sau khi xem xét những đặc tính của polyp túi mật dựa trên các kết quả chẩn đoán hình ảnh và kết quả theo dõi định kỹ, bác sĩ có thể dự đoán nguy cơ đa polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư dựa trên những dấu hiệu bao gồm:
- Polyp túi mật lớn hơn 10 mm
- Tình trạng đa polyp túi mật có xu hướng tiến triển nhanh về số lượng và kích thước trong thời gian ngắn
- Người bệnh có những triệu chứng gồm đau, viêm, khó tiêu, buồn nôn, nôn, sốt cao, ớn lạnh… diễn ra thường xuyên.
- Bệnh nhân bị đồng thời polyp túi mật và sỏi mật
- Tình trạng đa polyp túi mật có phần chân lan rộng và không có cuống
- Bệnh nhân > 50-60 tuổi
- Có dày thành túi mật ở nền polyp

Nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh và thường xuyên thăm khám ở bệnh nhân đa polyp túi mật là điều vô cùng quan trọng. Khi xuất hiện càng nhiều dấu hiệu đã đề cập, khả năng đa polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư rất cao. Lúc này, bệnh nhân sẽ cần đến các biện pháp can thiệp y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Làm thế nào để điều trị đa polyp túi mật?
Phần lớn trường hợp mắc polyp túi mật lành tính. Việc bệnh nhân bị đa polyp có cần phẫu thuật hay không còn tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của polyp túi mật.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành thêm những phương pháp chẩn đoán như siêu âm, chụp CT hoặc MRI để đánh giá nguy cơ đa polyp túi mật tiến triển thành ung thư. Sau khi có kết quả chẩn đoán, những trường hợp đa polyp túi mật có khả năng tiến triển ác tính hoặc đe dọa đến tính mạng người bệnh, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, có thể được bác sĩ chỉ định cắt bỏ túi mật.
Điều quan trọng là người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để tiến hành điều trị. Những yếu tố như đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất, dàn trang thiết bị y tế hiện đại cũng cần được xem xét để quá trình chữa trị được diễn ra thuận lợi và an toàn, mang lại hiệu quả cao.
Phẫu thuật cắt túi mật là phương pháp điều trị được thực hiện phổ biến cho các trường hợp nặng, có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tỷ lệ rủi ro của phương pháp điều trị này thấp. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý khi điều trị.
1. Phẫu thuật điều trị đa polyp túi mật
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mổ mở để tiến hành cắt bỏ túi mật chứa đa polyp. Hiện nay, với các ưu điểm nổi bật như đường mổ nhỏ hơn, tăng tính thẩm mỹ, ít gây đau, phục hồi nhanh hơn và ít xuất hiện biến chứng sau mổ, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là lựa chọn điều trị được đánh giá tối ưu hơn so với phẫu thuật mổ mở. Sau mổ 1- 2 ngày, nếu sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã có thể xuất viện.
Sau khi phẫu thuật cắt túi mật, trong khoảng thời gian đầu, người bệnh có thể cảm thấy chưa quen với sự thiếu hụt này trong cơ thể. Dịch mật khi đó sẽ trực tiếp di chuyển xuống tá tràng, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Lúc này, người bệnh có thể bị tiêu chảy, chướng bụng… Tuy vậy, tình trạng có thể chấm dứt sau một vài tuần, hiếm ít kéo dài hơn một vài năm. Thời gian phục hồi sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân.
2. Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật
Sau phẫu thuật cắt túi mật, chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân. Như đã đề cập, sau cắt túi mật, dịch mật sẽ trực tiếp đổ xuống tá tràng. Tình trạng có thể gây tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi… Để giúp cơ thể dễ thích nghi hơn với sự thay đổi này, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt túi mật nên và không nên bổ sung những loại thực phẩm sau:
2.1 Thực phẩm người bệnh nên ăn
Trong vài ngày đầu sau mổ, bệnh nhân nên làm quen với thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo… Sau đó, người bệnh chuyển dần sang các món ăn dạng đặc. Đồng thời mỗi ngày nên uống 1 – 1,5 l nước, giúp cơ thể nhanh đào thải lượng thuốc mê còn sót lại trong cơ thể sau phẫu thuật.
Trong vài tuần tiếp theo, sự lựa chọn thức ăn có thể đa dạng hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tuân theo nguyên tắc ăn từ ít tới nhiều. Các bữa ăn nên được chia nhỏ để cơ thể dễ hấp thu hơn. Bên cạnh đó, người bệnh nên ưu tiên bổ sung những nhóm thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như dầu ô-liu, dầu cá, dầu thực vật hay các loại hạt (hạt hạnh nhân, hạt óc chó…). Ngoài ra, người bệnh cũng cần tăng cường nạp những loại thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào như các loại ngũ cốc, đậu nguyên hạt, súp lơ xanh, rau xanh, dâu tây, táo, bắp, lê…

Với sữa và những chế phẩm từ sữa, bệnh nhân nên ăn sữa chua, sữa ít béo, phô mai ít béo hay sữa đậu nành thay cho sữa nguyên chất.
2.2 Thực phẩm người bệnh cần kiêng
Sau mổ cắt túi mật, một số loại thực phẩm có thể khiến người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, gây ảnh hưởng xấu tới quá trình phục hồi. Vì thế, bệnh nhân sau phẫu thuật cần kiêng những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thức uống có gas, thực phẩm giàu cholesterol… để tránh cảm giác khó chịu sau ăn và làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.
2.3 Chế độ sinh hoạt
Để ngăn ngừa những biến chứng sau mổ cắt túi mật, bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân cần lưu ý:
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tránh nằm lâu để giúp ngăn ngừa tình trạng hình thành cục máu đông
- Sau mổ 4-6 tuần, bệnh nhân tránh nâng vác vật nặng
- Thay băng và vệ sinh vết mổ theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ
- Ưu tiên mặc các loại quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào vết mổ
- Hạn chế để vết thương tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì có thể gây sẫm màu vết sẹo.
Phòng ngừa polyp túi mật
Một số thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh đa polyp túi mật như:
- Không dùng các món ăn chiên nướng hoặc những món chứa nhiều chất béo bão hòa
- Tránh các món ăn giàu cholesterol, những món chế biến sẵn
- Hạn chế uống các loại sữa chứa nhiều chất béo và thức uống có gas
- Tăng bổ sung nhiều trái cây và rau củ vào thực đơn mỗi ngày
- Bổ sung thêm gừng và nghệ trong thực đơn ăn uống
- Các thực phẩm chứa lượng axit béo omega-3 giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh đa polyp túi mật
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) thuộc Hệ thống PlinkCare là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Người bệnh đa polyp túi mật nên được điều trị sớm và đúng cách. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các polyp tiến triển thành ung thư, gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi thăm khám và chữa bệnh, người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng.