Image

Cơn đau thắt ngực không ổn định: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Cơn đau thắt ngực không ổn định là gì?

Đau thắt ngực không ổn định là đau ngực xảy ra khi người bệnh hoạt động thể chất nhẹ hoặc đang nghỉ ngơi, thư giãn thậm chí đang ngủ. Nguyên nhân là động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị tắc nghẽn nặng hoặc hoàn toàn bởi mảng xơ vữa hoặc cục máu đông, khiến cơ tim không nhận được nhiều máu giàu oxy như bình thường.

Đây là một triệu chứng nguy hiểm, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu bệnh nhân không được điều trị nhanh và đúng cách. Nhiều người xuất hiện cơn đau thắt ngực không ổn định kèm theo triệu chứng kiệt sức, khó thở vài ngày hoặc vài tuần trước khi cơn nhồi máu cơ tim ập đến. (1)

Xem thêm: Cơn đau thắt ngực điển hình: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Nguyên nhân đau thắt ngực không ổn định

Xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau thắt ngực không ổn định. Xơ vữa động mạch là quá trình tích tụ của chất béo, được gọi là mảng bám, dọc theo thành động mạch. Điều này làm cho lòng động mạch bị thu hẹp và làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây đau ngực. (2)

Các nguyên nhân hiếm gặp của đau thắt ngực không ổn định là:

  • Rối loạn chức năng vi mạch: Các mạch máu nhỏ nằm sâu trong cơ tim bị tổn thương bởi các yếu tố kích thích bên trong (đường huyết, huyết áp) hoặc yếu tố kích thích bên ngoài (căng thẳng, lo âu quá mức…)
  • Co thắt động mạch vành: tình trạng tắc nghẽn thoáng qua của động mạch vành, làm hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu gây thiếu máu cơ tim.

Triệu chứng đau thắt ngực không ổn định

Các dấu hiệu dưới đây cảnh báo cơn đau thắt ngực không ổn định:

  • Cảm giác khó chịu như bị siết chặt vùng ngực, bỏng rát, nghẹt thở hoặc đau nhức vùng sau xương ức hoặc vùng ngực trái;
  • Đau ngực lan ra vai, cánh tay, hàm, cổ, lưng, có thể lan xuống vùng thượng vị;
  • Đau ngực xảy ra khi nghỉ ngơi và không giảm ngay cả khi bạn dùng thuốc, thường kéo dài trên 20 phút;
  • Người bệnh có thể có các triệu chứng đi kèm như chóng mặt, ngất hoặc gần ngất, mệt, khó thở, vã mồ hôi;
  • Một số người có thể có những triệu chứng tương đương đau ngực như khó thở, mệt, đặc biệt ở người có bệnh nền đái tháo đường đi kèm; hoặc có biểu hiện khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn ói, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày – tá tràng.

Trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định, cơn đau ngực xảy ra đột ngột và ngày càng tồi tệ trong một khoảng thời gian ngắn. Triệu chứng cơn đau thắt ngực không ổn định là:

  • Xuất hiện thường xuyên hơn ngay cả khi bạn ít hoạt động hoặc đang nghỉ ngơi;
  • Kéo dài ít nhất 20 phút;
  • Không đáp ứng tốt với thuốc nitroglycerin (đặc biệt nếu loại thuốc này từng có tác dụng giảm đau ngực cho bạn trong quá khứ);
  • Xảy ra kèm triệu chứng tụt huyết áp, khó thở, gần ngất hoặc ngất.

Đau thắt ngực không ổn định là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim sắp xảy đến và cần được cấp cứu ngay để tránh nguy hiểm tính mạng.

Xem thêm: Một số triệu chứng thường gặp của cơn đau thắt ngực ổn định

Các yếu tố nguy cơ của đau thắt ngực không ổn định

Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim:

  • Nam giới;
  • Lớn tuổi (trên 60 tuổi);
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch vành sớm (cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh tim trước 55 tuổi ở nam giới hoặc trước 65 tuổi ở nữ giới);
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Cholesterol xấu (LDL) cao;
  • Lối sống ít vận động (không tập thể dục, ngồi một chỗ quá lâu);
  • Thừa cân – béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống quá nhiều rượu bia.
Uống rượu bia thường xuyên là yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành cũng như các bệnh lý tim mạch
Uống rượu bia thường xuyên là yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành cũng như các bệnh lý tim mạch

Phương pháp chẩn đoán cơn đau thắt ngực không ổn định

Sau khi tìm hiểu các triệu chứng của bệnh nhân, tính chất cơn đau ngực cũng như yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể chỉ định các cận lâm sàng trước khi đưa ra chẩn đoán trình trạng đau thắt ngực không ổn định. Các phương pháp đó bao gồm:

  • Điện tâm đồ: ghi lại hoạt động điện của tim và cho biết lưu lượng máu đến tim có giảm không.
  • Siêu âm tim: giúp đánh giá rõ hơn cấu trúc và chức năng cơ tim
  • Xét nghiệm máu: nhằm xác định có sự gia tăng chất chỉ điểm sinh học troponin hay không (chất này được giải phóng khi cơ tim bị tổn thương hoại tử).
  • Các bài kiểm tra gắng sức: đi bộ trên máy chạy bộ, đạp xe tại chỗ, siêu âm tim gắng sức bằng thuốc…
  • Chụp mạch vành bằng đường ống thông: cho hình ảnh rõ nét về các mạch máu tim, từ đó chẩn đoán chính xác mức độ hẹp mạch vành và tìm cục máu đông nếu có. (3)

Các biến chứng của cơn đau thắt ngực không ổn định

Đau thắt ngực không ổn định nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc thậm chí tử vong.

Quy trình điều trị đau thắt ngực không ổn định

Khi xuất hiện các triệu chứng cơn đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân cần nhập viện ngay để được kiểm tra và điều trị bằng phương pháp phù hợp:

1. Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc làm loãng máu (thuốc kháng tiểu cầu): làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc giảm độ nghiêm trọng nếu cơn nhồi máu cơ tim xảy ra. Thuốc này có nhiều loại, được đặt dưới lưỡi hoặc tiêm qua đường tĩnh mạch.
  • Các loại thuốc kiểm soát huyết áp, lo lắng, nhịp tim bất thường và cholesterol.

2. Đặt stent mạch vành

Với những trường hợp mạch vành tắc hẹp nặng và không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành đặt stent nong mạch. Ống thông được luồn qua động mạch ở đùi hoặc cổ tay để đưa bóng vào, nong cho mạch rộng ra. Tiếp đến, bác sĩ đặt stent vào đoạn mạch tắc hẹp, giữ cho lòng mạch mở rộng và cải thiện lưu lượng máu đến tim. (4)

Nếu xác định cơn đau thắt ngực không ổn định do hẹp mạch vành, bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt stent nong mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp
Nếu xác định cơn đau thắt ngực không ổn định do hẹp mạch vành, bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt stent nong mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp

3. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Trong phẫu thuật tim hở (phẫu thuật bắc cầu động mạch vành), bác sĩ phẫu tích lấy một tĩnh mạch hoặc động mạch ở nơi khác trong cơ thể (như ngực, chân) để làm cầu nối, tạo đường đi mới cho máu nuôi tim.

Biện pháp phòng ngừa cơn đau thắt ngực không ổn định

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể ngăn chặn tình trạng hẹp mạch vành trở nên tồi tệ hơn, đồng thời ngăn ngừa tần suất cơn đau thắt ngực. Nếu đang mắc bệnh mạch vành hoặc có các yếu tố nguy cơ của cơn đau thắt ngực, bạn nên:

  • Thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng hợp lý;
  • Tập cải thiện và ngừng hút thuốc lá, đồng thời tránh hít khói thuốc thụ động;
  • Tập thể dục đều đặn;
  • Uống rượu bia chừng mực, không lạm dụng;
  • Xây dựng thực đơn với nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt gà; cắt giảm thịt đỏ (bò, heo, dê, cừu), thức ăn nhiều mỡ, nhiều muối, nhiều cholesterol xấu như thực phẩm chiên rán hay chế biến sẵn; hạn chế thức ăn ngọt, nhiều đường; không uống nước ngọt và thức uống có ga.
  • Kiểm soát các tình trạng sức khỏe đi kèm như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Trường hợp bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, hãy thông báo với bác sĩ. Có thể bạn sẽ được kê thuốc aspirin hoặc các loại thuốc khác nhằm ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Câu hỏi thường gặp về cơn đau thắt ngực không ổn định

1. Cơn đau thắt ngực không ổn định kéo dài bao lâu?

Các cơn đau thắt ngực không ổn định thường kéo dài từ 15 phút trở lên. Nếu không điều trị, bạn có khả năng gặp các cơn đau thắt ngực không ổn định với tần suất ngày càng nhiều.

2. Đau thắt ngực không ổn định có phải nhồi máu cơ tim?

Đau thắt ngực không ổn định không phải nhồi máu cơ tim nhưng là dấu hiệu khởi đầu của cơn nhồi máu cơ tim cần được chẩn đoán và điều trị sớm..

3. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Bạn cần thăm khám bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực như sau:

  • Các triệu chứng đau thắt ngực xảy ra thường xuyên hơn và mức độ ngày càng nặng hơn;
  • Bị đau thắt ngực khi nghỉ ngơi;
  • Cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn, khó thở;
  • Cảm giác chóng mặt, ngất hoặc gần ngất;
  • Tim đập rất chậm (dưới 60 nhịp/phút), rất nhanh (hơn 100 nhịp/phút) hoặc không ổn định;
  • Các loại thuốc trợ tim hầu như không có tác dụng.
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ khi triệu chứng cơn đau thắt ngực không ổn định xuất hiện thường xuyên, ngày càng nặng
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ khi triệu chứng cơn đau thắt ngực không ổn định xuất hiện thường xuyên, ngày càng nặng

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị cơn đau thắt ngực không ổn định với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, PlinkCare, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:

Cơn đau thắt ngực không ổn định là loại đau ngực xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị hạn chế nghiêm trọng. Đây là trường hợp cấp cứu y tế, có nguy cơ gây tử vong cao nếu không được can thiệp sớm và đúng cách. Do đó, khi gặp bất kỳ triệu chứng đau thắt ngực không ổn định nào, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay để tránh gặp phải những biến chứng đáng tiếc.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send