
Còi xương ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chẩn đoán
Bệnh còi xương ở trẻ em là gì?
Bệnh còi xương ở trẻ em là tình trạng xương bị mềm, yếu và dễ gãy hơn bình thường do thiếu hụt hoặc rối loạn chuyển hóa của vitamin D, Canxi hoặc Phosphate. Điều này khiến trẻ chậm lớn, thậm chí trong một số trường hợp, còi xương có thể dẫn đến biến dạng xương.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam phần lớn trẻ bị thiếu vitamin D (chiếm 20 – 40% trẻ), trong đó, có 8.9% trẻ ở mức nặng. Hằng năm, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 10% bệnh nhi được chẩn đoán bị còi xương (có 35% trường hợp trẻ bị còi xương dưới 3 tuổi). Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bệnh còi xương ở trẻ em ở nước ta chiếm tỷ lệ cao: năm 2003 chiếm 65.8% và năm 2014 chiếm 39.1% (chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi).
Nguyên nhân bệnh còi xương ở trẻ em
Nguyên nhân còi xương ở trẻ được chia làm 3 nhóm chính, dựa theo độ tuổi và tình trạng còi xương của trẻ, gồm:
- Còi xương bào thai: Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ sinh non, sinh đôi, sinh ba do mẹ không cung cấp đủ canxi và vitamin D trong khoảng thời gian mang thai. Theo nghiên cứu, nhu cầu vitamin D của thai phụ sẽ tăng cao gấp 3 lần so với bình thường (đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ) vì vậy mẹ nên tăng hàm lượng vitamin D bổ sung vào cơ thể mỗi ngày, đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ vitamin D kịp thời , ngăn ngừa trẻ bị còi xương.
- Còi xương sớm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi: Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 6 tháng tuổi, nhiều bố mẹ không chú ý tới việc bổ sung vitamin D cho trẻ. Bên cạnh đó, nhiều mẹ bỉm bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng quá sớm, kiêng ăn những loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cá,… khiến chất lượng sữa bị giảm sút, thiếu hụt canxi. Từ đó, trẻ bị còi xương sớm và ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Còi xương ở trẻ trên 6 tháng tuổi: Phần lớn trẻ bị còi xương thuộc nhóm này. Trẻ mắc bệnh do sống trong môi trường thiếu ánh sáng, chế độ dinh dưỡng không đủ chất và cách chăm sóc trẻ còi xương không khoa học.

Dấu hiệu trẻ bị còi xương
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, còi xương có thể gây ra một số biến dị ban đầu của xương, đặc biệt là chứng sọ mềm, mỏng (nhũn sọ), khiến sọ bị lõm hoặc xương thóp chậm liền. Bên cạnh đó, trẻ thường sẽ có một số triệu chứng như dễ bị giật mình , ngủ không sâu giấc, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn và quấy khóc nhiều. (1)
Đối với trẻ lớn hơn, bệnh còn xương có thể có những biểu hiện sau:
- Đau nhức, mềm ở xương chi, xương chậu, xương cột sống;
- Trẻ chậm phát triển chiều cao;
- Chán ăn, suy dinh dưỡng;
- Thường xuyên bị chuột rút;
- Dễ gãy xương;
- Răng mọc chậm, men răng yếu, cấu trúc bất thường, dễ bị sâu răng,….
Trong một số trường hợp trẻ bị còi xương nặng có thể dẫn đến tình trạng co giật, nôn mửa nhiều.
Còi xương là một bệnh lý thường gặp, có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, kiểm tra nguyên nhân và lựa chọn phương án điều trị phù hợp.
Cách chẩn đoán trẻ bị còi xương
Bên cạnh những thông tin về các triệu chứng của trẻ, tiền sử bệnh, thói quen sinh hoạt của trẻ và kết quá của thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân, đánh giá tình trạng còi xương và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Các thủ thuật y khoa thường được bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán còi xương gồm:
- Chụp X-quang xương: Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đánh giá được cấu trúc và mật độ xương hiện tại của trẻ, từ đó, phân tích và chỉ ra những khiếm khuyết của xương, giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng còi xương của trẻ và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm nhằm đánh giá nồng độ vitamin D, canxi, photpho trong máu. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao hơn nến các chỉ số này thấp hơn so với mức tiêu chuẩn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Dựa vào kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đào thải Canxi, Phosphate ra khỏi cơ thể, từ đó kiểm tra xem trẻ có bị còi xương hay gặp các vấn đề về dinh dưỡng khác không.

Điều trị còi xương ở trẻ em
Các phương pháp điều trị còi xương ở trẻ em thường dùng gồm dùng thuốc ức chế/điều trị nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa, bổ sung/điều chỉnh hàm lượng vitamin D, canxi, phosphate phù hợp và thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, hợp lý.
Lưu ý, thuốc và hàm lượng dưỡng chất bổ sung cho trẻ trong quá trình điều trị còi xương cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ nhằm giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, trách các tác động xấu đến sức khỏe và các cơ quan khác trong cơ thể.
Biến chứng bệnh còi xương ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh còi xương nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trí tuệ, khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm khi lớn lên. Một số biến chứng của bệnh còi xương ở trẻ em gồm:
- Lồng ngực biến dạng, rút lõm lồng ngực;
- Gù/vẹo/ưỡn cột sống;
- Chức năng hô hấp bị hạn chế, dễ mắc bệnh đường hô hấp (viêm phổi,…);
- Chân, tay cong, chân vòng kiềng (O), chân chữ bát (hay còn được biết đến là chân chữ X);
- Dị tật răng;
- Khung xương chậu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản;
- Chiều cao bị hạn chế, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến giống nòi;
- Loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương, tiêu xương.
- Một số dị tật xương khác như: xương sọ biến dạng, mắt cá nhân và cổ tay dày lên, triệu chứng gối vẹo trong, tràng hạt sườn còi xương, dãy nốt trên khớp nối sụn giày lên,…

Cách phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ
Để giảm nguy cơ trẻ bị còi xương, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ ngay trong giai đoạn thai kỳ và những năm tháng đầu đời.
1. Trong giai đoạn thai kỳ:
Khi mang thai, nhất là vào những tháng của thai kỳ, cơ thể mẹ cần một lượng lớn vitamin D để giúp thai nhi hình thành và phát triển khung xương. Vì vậy, mẹ cần cung cấp đủ lượng vitamin D thông qua tiếp xúc ánh nắng mặt trời, thực phẩm và thuốc bổ sung.
Hơn nữa, khi thăm khám thai định kỳ, mẹ nên kiểm tra xem cơ thể đã có đủ vitamin hay chưa, từ đó, bổ sung vitamin D theo đúng liều lượng bác sĩ chỉ định. Bình thường, một thai phụ sẽ cần được cung cấp vitamin D với một lượng khoảng 800 – 1000 IU/ngày. Nhưng đối với những mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán thiếu vitamin D, bác sĩ sẽ bổ sung với liều lượng 1000 – 2000 IU vitamin D3/ngày hoặc 20.000 IU vitamin D3/tuần. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D này cần được cân nhắc và theo dõi chặt để tránh tình trạng dư vitamin D, gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, nhất là những loại chứa nhiều canxi và vitamin D như sữa, phô mai, tôm, cua,…
2. Đối với trẻ em:
Các chuyên gia khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất và đem đến nhiều lợi ích cho trẻ. Vì vậy, mẹ nên chủ động thực hiện thực đơn phù hợp để cơ thể sản xuất đủ sữa, đảm bảo chất lượng sữa. Bên cạnh đó mẹ cần cho bé bổ sung vitamin D đường uống.
Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên chú ý thực đơn hằng ngày của trẻ, đảm bảo cung cấp đủ canxi và các khoáng chất cần thiết thông qua các thực phẩm giàu dưỡng chất như tôm, cá, cua, trứng, rau xanh, sữa và các chế phẩm từ sữa,… Việc bổ sung đủ chất béo dầu, mỡ sẽ giúp trẻ dễ dàng hấp thụ vitamin D, MK7 và các loại vitamin tan trong dầu dễ dàng hơn, từ đó, giúp trẻ phát triển nhanh chóng.
Khi trẻ lớn lên, nhu cầu canxi, vitamin D và các dưỡng chất khác ngày càng tăng cao. Lúc này, nguồn dưỡng chất được bổ sung qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ, trẻ có thể xuất hiện sớm những dấu hiệu của còi xương. Vì vậy, bố mẹ cần trang bị đủ các thông tin cần thiết về còi xương ở trẻ em và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường.

>>>Có thể bạn cần biết: Hình ảnh trẻ bị còi xương dễ dàng nhận biết
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ bị còi xương
Chế độ dinh dưỡng phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị còi xương và ngăn ngừa bệnh tái phát ở trẻ. Dưới đây là những nguyên tắc dinh dưỡng dành cho trẻ bị còi xương bố mẹ nên biết:
- Đảm bảo cung cấp đủ và cân đối các dưỡng chất theo nhu cầu được bác sĩ khuyến nghị: chất đường bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất;
- Ưu tiên các thực phẩm giàu canxi, vitamin và đạm như sữa, trứng, lòng đỏ trứng, thủy sản, thịt gà, cua, tôm, cá,…
- Ăn nhiều rau xanh và quả chín để cơ thể được bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng, giảm nguy cơ táo bón ở trẻ;
- Bổ sung dầu mỡ vào thực đơn hàng ngày với hàm lượng phù hợp với nhu cầu theo độ tuổi của trẻ;
- Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt có ga;
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin hữu ích về còi xương ở trẻ em. Bệnh có nguy cơ xảy ra ở mọi trẻ em và trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và trang bị cho mình những kiến thức về còi xương nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, chăm sóc và bảo vệ trẻ tốt hơn.