Image

Bệnh co thắt mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Co thắt mạch vành là gì?

Co thắt động mạch vành (hay co thắt cơ trơn của động mạch vành) là nguyên nhân quan trọng gây ra hội chứng đau ngực, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp thất và đột tử. Tình trạng co thắt làm giảm hoặc chặn một phần lưu lượng máu đến nuôi tim.

Nếu cơn co thắt kéo dài đủ lâu, người bệnh có thể bị đau ngực (đau thắt ngực) và thậm chí là nhồi máu cơ tim. Không giống như cơn đau thắt ngực điển hình thường xảy ra khi hoạt động thể chất, co thắt động mạch vành thường xảy ra khi nghỉ ngơi, điển hình là từ nửa đêm đến sáng sớm. Chứng co thắt động mạch vành còn có tên gọi khác là đau thắt ngực Prinzmetal, đau thắt ngực do co thắt mạch hoặc đau thắt ngực biến thể. (1)

Nhiều người bị co thắt động mạch vành không có các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với bệnh tim, như cholesterol cao và tăng huyết áp, nhưng lại thường hút thuốc.

Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị co thắt động mạch vành
Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị co thắt động mạch vành

Triệu chứng co thắt mạch vành

Co thắt động mạch vành thường không có triệu chứng, trừ khi tình trạng nặng có thể gây đau ngực. Người bệnh cảm thấy đau như vậy trong các hoạt động thể chất hoặc căng thẳng. Nhưng cần lưu ý rằng, chỉ có 2% những người bị đau ngực do co thắt động mạch vành. (2)

Khi bị đau ngực do lưu lượng máu đến tim không đủ, người bệnh được cho là bị đau thắt ngực. Co thắt động mạch vành gây đau ngực là một tình trạng hiếm gặp gọi là đau thắt ngực biến thể (hay còn gọi là đau thắt ngực nghịch đảo). Triệu chứng thường xảy ra ở những người trẻ tuổi không có bệnh tim mạch và thường gặp khi nghỉ ngơi.

Thông thường, cơn đau ngực do co thắt động mạch vành xảy ra ở vùng dưới xương ức, bên trái. Người bệnh sẽ thấy đau dữ dội và có cảm giác như lồng ngực đang bị bóp chặt. Đôi khi, cơn đau có thể lan sang các bộ phận khác như cổ, cánh tay, vai hoặc hàm.

Co thắt động mạch vành thường xảy ra trong khi ngủ hoặc lúc nghỉ ngơi, kéo dài tới 30 phút và có thể khiến người bệnh mất ý thức.

Người bệnh co thắt mạch vành có thể thấy đau dữ dội vùng dưới xương ức
Người bệnh co thắt mạch vành có thể thấy đau dữ dội vùng dưới xương ức

Sự khác biệt giữa cơn co thắt mạch vành và đau thắt ngực

Tình trạng đau thắt ngực thường xảy ra khi đang hoạt động, có xu hướng xảy ra ở những người mắc bệnh động mạch vành (CAD). Ở người bệnh mạch vành, các mảng xơ vữa tích tụ trong các mạch máu tim gây hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim, dẫn đến đau thắt ngực. Đau thắt ngực liên quan đến CAD thường do hoạt động gắng sức làm tăng áp lực lên cơ tim, chẳng hạn như là tập thể dục.

Ngược lại, co thắt động mạch vành thường xảy ra khi nghỉ ngơi. Trên thực tế, người bệnh có thể gặp cơ co thắt mạch vành vào ban đêm trong khi ngủ, thường là từ nửa đêm đến sáng sớm. (3)

Cơn co thắt mạch vành kéo dài bao lâu?

Đôi khi, người bệnh không cảm thấy co thắt động mạch vành hoặc có thể cảm thấy tức ngực, đau kéo dài từ ngực đến cổ, cánh tay hoặc hàm. Các cơn co thắt động mạch vành có thể kéo dài từ 5-30 phút trong thời gian nghỉ ngơi, thường sau nửa đêm hoặc sáng sớm; đau ở vị trí bên trái ngực.

Co thắt động mạch vành có thể đánh thức người bệnh dậy vào ban đêm. Ngoài ra, người bệnh có thể bị co thắt không thường xuyên vài lần một năm hoặc thường xuyên vài lần một ngày.

Nguyên nhân gây co thắt mạch vành

Nguyên nhân gây co thắt động mạch vành hiện chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Hệ thống thần kinh tự chủ: Đây là hệ thống cơ thể kiểm soát các hoạt động của nhịp tim và huyết áp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống này có thể góp phần gây có thắt mạch vành vì cơn co thắt thường xảy ra vào ban đêm và có thể được kích hoạt bởi chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine và hormone catecholamine.
  • Tế bào nội mô: Ở một số người bị co thắt động mạch vành, các tế bào không giải phóng đủ oxit nitric và điều này dẫn đến co thắt.
  • Rối loạn tình trạng oxy hóa: Tình trạng rối loạn này gây viêm, tổn thương tế bào nội mô và khiến thành mạch thu hẹp lại. Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn tình trạng oxy hóa.
  • Rối loạn chức năng cơ trơn: Mạch máu được tạo thành từ cơ trơn. Sự rối loạn về cách thức hoạt động của cơ này dẫn đến co thắt động mạch vành.
  • Di truyền học: Không có xét nghiệm di truyền cho chứng co thắt động mạch vành. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, người bệnh có sự khác biệt về gen có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện chứng co thắt động mạch vành.
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh co thắt động mạch vành
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh co thắt động mạch vành

Ngoài ra, người bệnh cũng có nguy cơ cao bị co thắt động mạch vành nếu mắc bệnh tim. Cholesterol cao và huyết áp cao có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ co thắt động mạch vành. Các hoạt động khác làm tăng nguy cơ co thắt động mạch vành, bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Căng thẳng (stress)

Phương pháp chẩn đoán bệnh co thắt mạch vành

Để chẩn đoán co thắt mạch vành, bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra cận lâm sàng sau:

  • Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này ghi lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ có thể phát hiện thay đổi bất thường, đặc biệt là trong giai đoạn đau ngực. ECG cũng có thể phát hiện nhịp tim không đều liên quan đến co thắt động mạch vành.
  • Siêu âm tim: Phương pháp này nhằm mục đích kiểm tra các van, cơ chế bơm và lưu lượng máu, phát hiện các vấn đề về co bóp cơ tim và chức năng khác của tim.
  • Chụp mạch vành: Kỹ thuật này sử dụng tia X để khảo sát tình trạng hẹp/tắc nghẽn trong các mạch máu tim. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán co thắt mạch vành.
Siêu âm tim là một trong các phương pháp chẩn đoán co thắt mạch vành
Siêu âm tim là một trong các phương pháp chẩn đoán co thắt mạch vành

Biến chứng co thắt mạch vành

Nếu không điều trị, co thắt mạch vành tim xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, suy tim và đột tử. Khả năng biến chứng cũng có thể tăng lên nếu người bệnh có kèm bệnh tim tiềm ẩn khác, như bệnh mạch vành.

Co thắt mạch vành cũng có thể gây ra các dạng rối loạn nhịp tim khác nhau, tùy theo mạch máu bị co thắt và mức độ co thắt mạch máu.

Co thắt mạch vành có chữa được không?

Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa co thắt và giảm đau ngực. Nếu chẩn đoán xác định co thắt mạch vành, bác sĩ có thể kê thuốc nitroglycerin giúp giãn mạch, cải thiện lưu lượng máu và giảm đau ngực cho người bệnh. (4)

Để ngăn ngừa co thắt mạch vành tiến triển và kéo dài, bác sĩ có thể kê đơn thuốc:

  • Thuốc chẹn kênh canxi để làm giãn mạch;
  • Statin để làm giảm cholesterol và có thể ngăn ngừa co thắt.

Người bệnh cần thăm khám để được chỉ định loại thuốc phù hợp, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ điều trị.

Đôi khi, co thắt mạch vành dẫn đến nhịp tim bất thường (ví dụ: rối loạn nhịp thất). Nếu bị rối loạn nhịp thất nguy hiểm, bác sĩ có thể đề nghị cấy ghép máy khử rung tim (ICD) để phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Cách phòng tránh co thắt mạch vành

Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được tình trạng co thắt mạch vành, tuy nhiên việc loại bỏ một số yếu tố nguy cơ và yếu tố khởi phát sẽ giúp giảm nguy cơ cho người bệnh.

Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất, vì vậy đầu tiên người bệnh cần cố gắng bỏ thuốc lá. Ngoài ra, kiêng rượu bia cũng giúp phòng ngừa co thắt mạch vành hiệu quả.

Người có bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu cần khám kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ theo khuyến cáo của chuyên gia.

Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị bệnh tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Co thắt mạch vành tuy hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp (hội chứng vành cấp), loạn nhịp tim, thậm chí đe dọa tính mạng (đột tử). Những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt người hút thuốc lá cần thay đổi lối sống lành mạnh và khám tầm soát bệnh để phát hiện và can thiệp sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send