Image

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM): Chỉ định và quy trình

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì?

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là kỹ thuật chụp hình ảnh tuyến vú nhanh chóng, kết hợp chụp nhũ ảnh kỹ thuật số Tomosynthesis 3D với chất tương phản tiêm tĩnh mạch để xác định khối u ác tính.

Tại sao cần chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản?

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là một kỹ thuật hình ảnh mới nổi được dùng để phát hiện ung thư vú. CEM không chỉ được sử dụng trong chẩn đoán mà còn có vai trò trong việc tầm soát ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ trung bình hoặc cao. Với hiệu suất chẩn đoán tương tự như MRI, CEM có thể là một giải pháp thay thế tương đương kỹ thuật này.

1. CEM sàng lọc

Chụp nhũ ảnh tiêu chuẩn ít nhạy hơn 30% – 40% ở những phụ nữ có mô vú dày đặc. Điều này làm cho một số bệnh ung thư vú khó phát hiện hơn. Người được chỉ định thực hiện tầm soát bằng CEM thay cho tầm soát ung thư vú hàng năm nếu có:

  • Mô vú dày đặc tuýp C hoặc D.
  • Hiện tại không có triệu chứng.
  • Nguy cơ trung bình mắc bệnh ung thư vú hoặc người có nguy cơ cao.

2. CEM chẩn đoán

Ngoài ra, phương pháp này còn được chỉ định dùng trong chẩn đoán, với các trường hợp như:

  • Giải quyết vấn đề cho những phát hiện không thuyết phục khi chụp nhũ ảnh sàng lọc.
  • Đánh giá người bệnh có triệu chứng ở vú.
  • Đánh giá mức độ bệnh trước phẫu thuật.
  • Theo dõi đáp ứng điều trị tân hỗ trợ.
  • Đánh giá tái phát trên tuyến vú sau điều trị bảo tồn vú.
chụp tương phản ngực
Phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú nên tầm soát bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường

Ưu – Nhược điểm khi chụp tăng cường tương phản vú trong chẩn đoán

CEM là một xét nghiệm an toàn, có bức xạ thấp, mang lại cảm giác giống như chụp nhũ ảnh thông thường và kết quả sẽ có ngay sau khi chụp. CEM có thể làm giảm tỷ lệ chẩn đoán quá mức các tổn thương vú, từ đó giảm sự lo lắng ở người bệnh và các sinh thiết không cần thiết. Phương pháp này có những ưu và nhược điểm sau:

1. Ưu điểm

Ưu điểm của chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản bao gồm:

  • Tăng tỷ lệ phát hiện ung thư vú.
  • Không bị ảnh hưởng bởi mô vú dày đặc.
  • Làm nổi bật các khu vực có dòng máu bất thường.
  • Cung cấp thông tin tốt hơn về mức độ của bệnh ung thư vú mới được chẩn đoán.
  • Đánh giá mức độ ung thư vú để lập kế hoạch điều trị.
  • Tiết kiệm thời gian và giảm lo lắng ở người bệnh.
  • Thay thế hiệu quả cho MRI vú ở những người không đáp ứng được với MRI.
  • Chi phí thấp và thời gian thực hiện ngắn hơn so với MRI vú.
  • Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản có khả năng giới hạn hình ảnh vú trong một lần khám duy nhất, giảm nhu cầu thực hiện siêu âm, MRI và sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm.

2. Nhược điểm

CEM hạn chế sử dụng rộng rãi là do có nhiều nguy cơ khi tiêm thuốc cản quang, bao gồm phản ứng dị ứng, thoát mạch và bệnh thận nhưng hiếm gặp. Phản ứng bất lợi gặp ở 0,6% – 0,8% phụ nữ đã thực hiện CEM, phần lớn các trường hợp đều nhẹ và tự khỏi, điều này cho thấy thuốc cản quang tương đối an toàn. Tuy nhiên, kỹ thuật viên phải được đào tạo bài bản về cách sử dụng thuốc cản quang thích hợp và quản lý tốt các phản ứng.

Liều bức xạ từ CEM cao hơn nhũ ảnh kỹ thuật số và nhũ ảnh 3D. Ước tính liều được báo cáo ở CEM thay đổi từ 20% – 80%, cao hơn so với nhũ ảnh kỹ thuật số và cao hơn 20% – 42% so với nhũ ảnh 3D. Tuy nhiên, liều bức xạ từ CEM vẫn nằm trong phạm vi quy định đối với chụp nhũ ảnh.

Thiết lập dụng cụ tiêm thuốc cản quang, trao đổi với người bệnh để đánh giá các chống chỉ định trong sử dụng thuốc cản quang, xét nghiệm creatinine, đặt và rút ống truyền tĩnh mạch là các bước bổ sung cần thiết để thực hiện CEM và cần 1 ekip bao gồm điều dưỡng, kỹ thuật viên chụp nhũ ảnh được đào tạo kỹ lưỡng.

Thiết bị sinh thiết được hướng dẫn bởi CEM vẫn chưa có sẵn trên thị trường nên hạn chế hiệu quả sinh thiết của các phát hiện chỉ có trên CEM. Do đó, phải có thêm hình ảnh đối chiếu lại sang thương qua phương pháp sinh thiết bằng phẫu thuật hoặc sinh thiết theo hướng dẫn nhũ ảnh 3 chiều.

Kết quả dương tính giả và âm tính giả có thể xảy ra trên CEM tương tự như các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác. Các thực thể lành tính có thể biểu hiện ngấm thuốc, từ đó phải tiếp tục làm thêm các chẩn đoán hình ảnh khác và sinh thiết. Trong khi, ung thư có thể bị bỏ sót do không ngấm thuốc, bị che khuất bởi nhu mô ngấm thuốc nền hay bị loại khỏi tầm nhìn nếu nằm gần thành ngực hoặc hố nách.

chụp nhũ ảnh tăng cường tương phản
CEM là kỹ thuật chụp nhũ ảnh mới ít bị ảnh hưởng bởi mô vú dày đặc và tăng tỷ lệ phát hiện ung thư vú

Phương pháp CEM ở vú có thể phát hiện bệnh gì?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chụp nhũ ảnh có tăng cường độ tương phản giúp phát hiện ung thư vú tốt hơn so với chụp nhũ ảnh truyền thống và MRI vú. Điều này cho thấy, CEM có thể phát hiện các bệnh ung thư vú bị bỏ sót khi chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm thông thường. Trong một số trường hợp, chụp nhũ ảnh tương phản có thể được sử dụng thay thế cho MRI vú.

Xem thêm: Chụp nhũ ảnh và chụp MRI vú: Sự khác nhau, quy trình và ưu nhược điểm

Chỉ định đối với chụp CEM ở phụ nữ 

Những đối tượng được chỉ định thực hiện chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản gồm [1]:

  • Người có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn mức trung bình (do tiền sử gia đình hoặc di truyền).
  • Phát hiện khối u trên phim chụp nhũ ảnh, bác sĩ chỉ định thực hiện thêm CEM để hỗ trợ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
  • Người có mô vú dày đặc túyp C hoặc D.
  • Người không thích ứng với chụp MRI vú.
  • Người mắc ung thư vú và đang được hóa trị trước khi phẫu thuật (hóa trị tân hỗ trợ).

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản hoạt động như thế nào?

Các khối u đang phát triển cần được cung cấp máu nhưng các mạch máu do khối u tạo ra lại bất thường. Khi chất cản quang lưu thông qua máu, các mạch máu bất thường này sẽ rò rỉ, sau đó chất cản quang tích tụ trong khối u với nồng độ vừa đủ để cho phép chụp lại sự phân bố của chất này.

Tế bào ung thư vú có lưu lượng máu nhiều hơn nên thường thu hút chất tương phản. Chất tương phản làm cho tế bào ung thư dễ nhìn thấy hơn so với chụp nhũ ảnh thông thường.

Quy trình chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản

Trước và sau khi chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

1. Trước khi chụp

CEM là một loại chụp nhũ ảnh đặc biệt được thực hiện sau khi tiêm thuốc cản quang tia X vào tĩnh mạch (chất tương phản i-ốt). Trước khi chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản, người bệnh cần:

  • Người bệnh được yêu cầu nhịn ăn 3 giờ trước khi khám nhưng có thể uống nước lọc.
  • Thông tin cho bác sĩ về tiền sử chức năng thận, bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc phản ứng với thuốc cản quang trước đó.
  • Người bệnh trên 60 tuổi đã thực hiện xét nghiệm máu gần đây để kiểm tra chức năng thận.
  • Trước khi chụp nhũ ảnh, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang gốc i-ốt, mất khoảng 15 phút. Sau đó, người bệnh sẽ ở lại trong 30 phút để đảm bảo không có bất kỳ phản ứng dị ứng nào xảy ra.
  • Không có sự chuẩn bị đặc biệt nào cho chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản. Người bệnh có thể dùng thuốc như thường lệ trước và sau khi khám.

2. Trong lúc chụp

Sau khi tiêm chất tương phản qua ống thông, hai hình ảnh liên tiếp được chụp ở mức năng lượng cao và thấp bằng kỹ thuật năng lượng kép để tạo một hình ảnh duy nhất làm nổi bật các mạch máu bất thường, tương tự như hình ảnh do chụp cộng hưởng từ (MRI) tạo ra.

3. Sau khi chụp

Sau khi chụp CEM, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sẽ tháo đường truyền tĩnh mạch ở cánh tay và băng vị trí đó lại. Người bệnh được khuyến cáo uống 6 – 8 ly nước trong 24 giờ sau khi chụp CEM để đào thải chất tương phản ra khỏi cơ thể, đồng thời tháo băng sau 1 giờ nếu vị trí tiêm không còn chảy máu. [2]

chụp nhũ ảnh tương phản
CEM là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật viên phải được đào tạo bài bản và người bệnh phải tuân thủ các hướng dẫn để đảm bảo kết quả chuẩn xác

Tác dụng phụ sau khi chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản

Sau khi chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản, người bệnh có nguy cơ gặp phản ứng dị ứng, xảy ra chủ yếu ở người bị dị ứng nghiêm trọng hoặc đã từng phản ứng với thuốc cản quang trước đó, chẳng hạn như: chụp CAT. Phản ứng phổ biến nhất là nổi mề đay.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp những phản ứng nghiêm trọng hơn. Với người có nguy cơ mắc các vấn đề về thận hoặc đang mắc bệnh thận. Trước khi thực hiện, nhóm kỹ thuật viên sẽ hỏi và trao đổi với người bệnh một số thông tin để đảm bảo quá trình chụp nhũ ảnh tương phản an toàn.

Kết quả chụp CEM ở vú

Sau khi chụp CEM, bác sĩ trực tiếp khám bệnh tuyến vú và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ trao đổi với người bệnh về kết quả khám, chẩn đoán. Người bệnh cũng có thể hỏi về tình trạng, quá trình điều trị và thời gian tái khám.

Trong quá trình trao đổi kết quả chụp CEM, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như: siêu âm tuyến vú đối chiếu, sinh thiết kim dưới hướng dẫn của siêu âm,…

Nên chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản tuyến vú ở đâu?

Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại PlinkCare TP.HCM.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản bao nhiêu tiền?

CEM vẫn được bảo hiểm thanh toán dưới dạng chụp nhũ ảnh chẩn đoán hai bên có độ tương phản. Phương pháp này có giá cao hơn chụp nhũ ảnh tầm soát thông thường nhưng lại rẻ hơn chụp MRI vú.

Chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản CEM có an toàn không?

Chụp nhũ ảnh định kỳ và chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản đều là những xét nghiệm an toàn, liều lượng bức xạ thấp. Liều bức xạ của CEM nằm trong phạm vi liều lượng người bệnh nhận được khi chụp nhũ ảnh. Chất tương phản được sử dụng trong CEM rất an toàn và tương tự như chất được sử dụng để chụp CT. Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề về chức năng thận.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về kỹ thuật chụp nhũ ảnh tăng cường độ tương phản (CEM) là gì? Chỉ định và quy trình thực hiện ra sao? Đây là phương pháp giúp chẩn đoán chinh xác độ rộng ung thư vú mà chụp nhũ ảnh thông thường khó phát hiện được. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật viên thực hiện phải được đào tạo bài bản. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có máy móc, trang thiết bị hiện đại để chụp nhũ ảnh tầm soát các bệnh tuyến vú.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send