Image

Chụp CT u phổi là gì? Khi nào và quy trình thực hiện ra sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, PlinkCare TP.HCM

  • Bài viết linh hoạt sử dụng “chụp CT u phổi” hoặc “CT u phổi” để gần gũi với người dân.

Chụp CT u phổi giúp bác sĩ phát hiện khối u hoặc bệnh lý ở phổi. So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chụp CT u phổi có độ chính xác cao hơn. Vậy, quy trình chụp CT u phổi diễn ra như thế nào? Đối tượng nào cần thực hiện kỹ thuật này?

Chụp CT u phổi là gì?

Chụp CT u phổi là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng chùm tia bức xạ X kết hợp với máy tính chuyên dụng để tạo ra hình ảnh cắt ngang đa chiều, đa lát cắt của cơ quan phổi (ở dạng 2D hoặc 3D). So với kỹ thuật chụp X-quang thì chụp CT U phổi cung cấp hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn. Kỹ thuật này không chỉ giúp bác sĩ phát hiện được khối u trong phổi mà còn cung cấp thêm cơ sở chẩn đoán những bệnh lý khác về phổi như bệnh phổi kẽ, viêm phổi…

Chụp CT u phổi là kỹ thuật không xâm lấn nên không gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh và kiểm soát liều lượng bức xạ để thực hiện kỹ thuật này an toàn. Với CT u phổi, người bệnh sẽ tiếp xúc với ít tia bức xạ hơn nhưng vẫn có được hình ảnh giải phẫu phổi chất lượng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác những tổn thương ở phổi (đặc biệt là khối u).

ct u phổi
Chụp CT u phổi góp phần tối ưu hiệu quả chẩn đoán bệnh ung thư phổi

Khi nào cần chụp CT u phổi?

Thông thường, chụp CT u phổi chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có sử dụng tia X nên bác sĩ sẽ cân nhắc về liều lượng và tần suất thực hiện. Dưới đây là một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định chụp CT u phổi:

  • Nghi ngờ có khối u phổi: Người bệnh có thể bị nghi ngờ u phổi nếu xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, ho khan, ho ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi…; đồng thời kết quả của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang cho thấy dấu hiệu khối u ở phổi. Khi đó, để có đủ cơ sở chẩn đoán chính xác bệnh u phổi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho người bệnh chụp thêm CT u phổi.
  • Trong quá trình điều trị u phổi: Khối u ở phổi có thể là khối u nguyên phát hoặc thứ phát (khối u di căn), lành tính hoặc ác tính. Trong phác đồ điều trị u phổi, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh chụp CT u phổi để theo dõi diễn tiến bệnh và mức độ ảnh hưởng của khối u. Bác sĩ cũng có thể đánh giá khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh và đề ra phương án thay đổi điều trị hiệu quả.
  • Theo dõi sau điều trị u phổi: Ngay cả sau điều trị, bệnh u phổi vẫn có thể tái phát tại vị trí cũ hoặc ở vị trí khác trong phổi. Do đó, người bệnh cần tuân thủ lịch hẹn tái khám định kỳ và thực hiện chụp CT u phổi (nếu được chỉ định) để có thể kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng chữa trị tối ưu và phù hợp với người bệnh. (1)

Quy trình chụp CT u phổi

Để đảm bảo an toàn và mang đến hình chụp CT chính xác, chất lượng, quy trình chụp CT u phổi cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn của kỹ thuật này. Các bước cơ bản có thể bao gồm:

1. Chuẩn bị chụp CT u phổi

Đầu tiên, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh để chắc chắn rằng người này đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật chụp CT u phổi. Một số vấn đề mà người bệnh cần cung cấp đầy đủ cho bác sĩ trước khi chụp bao gồm:

  • Tiền sử dị ứng với thuốc cản quang hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Lịch sử cấy ghép tạng nếu có.
  • Lịch sử mắc các bệnh lý như bệnh thận (đặc biệt là suy thận), tiểu đường, hen suyễn, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh tuyến giáp…
  • Người bệnh là phụ nữ cần thông báo ngay với bác sĩ nếu bản thân đang cho con bú, đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.

Người bệnh có thể được bác sĩ yêu cầu nhịn ăn từ 4 – 6 giờ trước khi thực hiện chụp CT u phổi có sử dụng thuốc cản quang. Trước khi bắt đầu chụp, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên yêu cầu thay trang phục chuyên dụng (nếu cơ sở y tế có cung cấp), tháo bỏ phụ kiện hoặc trang sức kim loại.

2. Thực hiện chụp CT u phổi

Người bệnh được kỹ thuật viên chụp CT hướng dẫn nằm lên bàn trượt của thiết bị chụp. Trong trường hợp bác sĩ chỉ định chụp CT có thuốc cản quang, người bệnh sẽ được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch ở tay. Lưu ý, sau khi thuốc cản quang vào cơ thể có thể gây ra một số phản ứng như gây nóng, buồn tiểu, miệng có vị kim loại… Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất trong hầu hết các trường hợp.

Trong suốt quá trình chụp, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của kỹ thuật viên về các vấn đề như thay đổi/giữ yên tư thế hoặc nín thở vài giây… Quá trình chụp CT u phổi chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút.

quy trình chụp ct u phổi
Chụp CT u phổi cần tuân thủ các quy định chuyên môn

3. Hình ảnh u phổi trên CT

Trên hình ảnh CT, bác sĩ có thể thấy được những tổn thương không quan sát được trên phim chụp X-quang vì bị cơ hoành, trung thất che lấp. Nhờ vậy, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ phát triển của khối u, tốc độ di căn (với khối u ác tính). Cụ thể, trên hình ảnh chụp CT u phổi, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề như:

  • Khối u phổi nguyên phát: Bác sĩ có thể phát hiện được khối u có kích thước < 1 cm trên hình ảnh CT. Tuy nhiên, nếu khối u quá nhỏ (< 0.5 cm) thì có thể khó quan sát được trên hình ảnh CT u phổi.
  • Hạch bạch huyết: Trên hình chụp CT phổi, bác sĩ có thể quan sát thấy các hạch bạch huyết đường kính từ 1 cm trở lên. Trong đó, 90% hạch trung thất có đường kính lớn hơn 2 cm là hạch di căn.

4. Sau khi chụp CT u phổi (đọc kết quả)

Sau khi kết thúc quá trình chụp CT, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường. Ở một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể gặp phải các phản ứng như chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, khó thở…

Hầu hết các phản ứng phụ này sẽ biến mất trong thời gian ngắn, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ nếu chúng kéo dài bất thường để được can thiệp kịp thời. Người bệnh có thể nhận được kết quả chụp CT u phổi tại phòng khám bệnh của bác sĩ điều trị. Theo đó, bác sĩ có thể đánh giá và cân nhắc để đề ra hướng điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại (nếu có).

Giá chụp CT u phổi bao nhiêu?

Giá chụp CT u phổi có thể dao động từ 900.000 VNĐ đến 4.000.000 VNĐ tùy trường hợp. Ở mỗi cơ sở y tế chi phí chụp CT u phổi có thể chênh lệch tùy thuộc vào các yếu tố như chất lượng của máy chụp CT, dịch vụ, quy trình thực hiện, trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên… Do đó, nếu muốn biết chính xác chi phí chụp CT u phổi bao nhiêu, người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.

*Lưu ý giá dịch vụ trên đây là giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm sử dụng dịch vụ.

Chụp CT u phổi ở đâu?

Người bệnh nên chọn thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín. Hệ thống PlinkCare trang bị hệ thống máy chụp CT 128, 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp nhận diện, đánh giá khối u và các tổn thương khác ở phổi hiệu quả. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh về phổi chính xác, bao gồm cả ung thư phổi.

PlinkCare còn quy tụ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chụp CT giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao. Tại đây, người bệnh sẽ được trải nghiệm dịch vụ thăm khám, chữa trị bệnh hiệu quả và tối ưu về chi phí.

chụp ct u phổi ở đâu
Người bệnh nên chọn chụp CT u phổi tại các cơ sở y tế uy tín

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Chụp CT u phổi là kỹ thuật mang lại giá trị chẩn đoán cao, giúp bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý về phổi, đặc biệt là khối u phổi (lành tính hoặc ác tính). Nếu có thêm thắc mắc khác về kỹ thuật chụp CT u phổi, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn chi tiết.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send