Image

Cholesterol cao là bao nhiêu? Cách xét nghiệm và theo dõi chỉ số

Bệnh cholesterol cao là gì?

Bệnh cholesterol cao hay còn gọi tăng cholesterol máu, là tình trạng mức cholesterol trong máu vượt quá mức bình thường. Khi đó, lượng chất béo dư thừa này có thể tích tụ trong thành động mạch, hình thành các mảng bám làm hẹp và cứng động mạch, gây cản trở lưu thông máu và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng, như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nồng độ cholesterol toàn phần được tạo thành từ hai loại chính, bao gồm:

  • LDL-cholesterol được gọi là cholesterol “xấu” vì có thể gây tắc nghẽn mạch máu nếu tồn tại với nồng độ cao.
  • HDL-cholesterol được gọi là cholesterol “tốt” vì giúp loại bỏ LDL cholesterol “xấu” ra khỏi máu”, nhờ đó giữ cho mạch máu được thông thoáng và bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt hơn. (1)
Cholesterol cao làm tăng mảng bám tích tụ ở thành động mạch gây cản trở lưu thông máu
Cholesterol cao làm tăng mảng bám tích tụ ở thành động mạch gây cản trở lưu thông máu

Chỉ số cholesterol cao là bao nhiêu?

Chỉ số cholesterol trong máu được tính bằng đơn vị miligam trên decilit (mg/dL). Sau đây là phạm vi mức cholesterol cao ở người trưởng thành theo thống kê từ Đại học Tim mạch Mỹ (2):

Loại cholesterol Chỉ số Tình trạng
Cholesterol toàn phần 200–239mg/dL Ngưỡng cao
>240mg/dL Cao
Cholesterol HDL ≥60mg/dL Cao (Tốt nhất)
Cholesterol LDL >160-189mg/dL Cao
>190mg/dL Rất cao
Triglyceride >200-499 mg/dL Cao
>500 mg/dL Rất cao

Bảng định lượng chỉ số cholesterol cao

Nguyên nhân cholesterol cao trong máu

Nguyên nhân gây cholesterol cao có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, từ lối sống, thói quen sinh hoạt cho đến các bệnh lý nền. Để kiểm soát và ngăn ngừa cholesterol cao, việc hiểu rõ nguyên nhân là rất quan trọng.

1. Nguyên nhân lối sống, sinh hoạt không lành mạnh

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng cholesterol trong máu cao là thói quen sinh hoạt và lối sống không lành mạnh. Một số yếu tố liên quan đến lối sống có thể làm tăng mức cholesterol cao trong máu, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm tăng mức cholesterol “xấu” (LDL) và giảm cholesterol “tốt” HDL, từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.
  • Stress thường xuyên: Căng thẳng, stress thường xuyên và kéo dài sẽ gây ra những thay đổi về hormone khiến cơ thể tăng sản xuất cholesterol, khiến nồng độ cholesterol cao quá mức bình thường.
  • Sử dụng nhiều rượu, bia: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tiêu thụ rượu, bia quá mức có thể làm tăng mức cholesterol tổng thể trong máu, đồng thời gây tổn thương chức năng gan và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra tình trạng cholesterol cao. Việc không rèn luyện thể chất hoặc tập thể dục đều đặn có thể làm tăng lượng cholesterol LDL, đồng thời giảm lượng cholesterol HDL gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Chế độ ăn không lành mạnh: Ăn quá nhiều chất béo bão hoà hoặc chất béo trans có trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ… là nguyên nhân phổ biến gây tăng cao cholesterol trong máu.
Sử dụng nhiều rượu bia và ăn thực phẩm dầu mỡ là nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao
Sử dụng nhiều rượu bia và ăn thực phẩm dầu mỡ là nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao

2. Nguyên nhân bệnh lý liên quan gây tăng cholesterol

Ngoài các yếu tố lối sống, một số bệnh lý nền cũng có thể là nguyên nhân làm tăng cholesterol trong máu, chẳng hạn như:

  • Bệnh thận mạn tính: Những người mắc bệnh thận mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn, vì khi đó chức năng của thận bị suy giảm dẫn đến sự tích tụ của cholesterol và các chất béo khác trong máu, góp phần gây ra tình trạng cholesterol cao.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường bao gồm cả tiểu đường type 1 và type 2 được cho là nguyên nhân gây tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh mạch máu, đặc biệt các thống kê cho thấy cứ 10 người sẽ có 7 người mắc bệnh tiểu đường được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lipid máu.
  • HIV: Người mắc HIV có thể gặp phải tình trạng cholesterol cao do tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV. Các loại thuốc này làm tăng mức cholesterol và triglyceride, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài.
  • Bệnh tuyến giáp: Cả hai tình trạng cường giáp và suy giáp đều ảnh hưởng đến mức cholesterol trong cơ thể, vì lúc này nồng độ hormone tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý chất béo, làm cho mức cholesterol cao hơn mức bình thường.
  • Lupus: Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn có thể làm tăng mức cholesterol trong máu do tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể. Viêm kéo dài có thể làm tăng sản xuất cholesterol và chất béo trong máu, dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Những người mắc hội chứng PCOS có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, đặc biệt nguy cơ này càng cao khi họ càng lớn tuổi. Ngoài ra, PCOS còn khiến mức cholesterol LDL cao lên và cholesterol HDL giảm xuống, gây ra tình trạng cholesterol cao. (3)

Dấu hiệu cảnh báo cholesterol cao

Bác sĩ Long cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất của bệnh cholesterol cao là thường không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Thông thường, xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bạn có bị cholesterol cao hay không.

Cholesterol cao gây ảnh hưởng gì cho cơ thể?

Khi mức cholesterol trong máu quá cao có thể gây ra sự tích tụ và tạo thành các mảng bám trên thành động mạch, làm tắc nghẽn lưu lượng máu qua động mạch. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

1. Đau ngực

Khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn do lượng cholesterol dư thừa tích tụ và tạo thành mảng bám trên thành động mạch sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ, từ đó gây ra những cơn đau thắt ngực và nhiều triệu chứng khác của bệnh động mạch vành.

2. Đau tim

Nếu bị rách hoặc vỡ, các mảnh xơ vữa sẽ tạo thành cục máu đông gây tắc nghẽn dòng chảy của máu đến tim, dẫn đến đau tim. Những người bị cholesterol cao dễ gặp phải các cơn đau tim, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong.

Cholesterol cao làm tăng nguy cơ đau tim ở người lớn tuổi
Cholesterol cao làm tăng nguy cơ đau tim ở người lớn tuổi

3. Đột quỵ

Khi mức cholesterol LDL cao hơn 130 mg/dL sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tắc nghẽn động mạch vận chuyển máu đến não.

4. Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng các động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ cholesterol và các chất béo khác. Khi động mạch vành bị hẹp lại, tim không thể nhận đủ lượng máu giàu oxy để hoạt động hiệu quả. Điều này có thể gây ra cơn đau ngực, khó thở và tăng nguy cơ đau tim hoặc suy tim. Bệnh động mạch vành thường gặp ở những người có cholesterol cao và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở những người mắc bệnh tim mạch.

Bác sĩ Long cho biết thêm, nhiều người không biết rằng bệnh động mạch vành (CAD) có thể ảnh hưởng đến cả những người trẻ tuổi. Thực tế, trong số 5 ca tử vong vì bệnh CAD, có khoảng 1 người dưới 65 tuổi. Đó là lý do vì sao việc kiểm tra cholesterol từ khi còn trẻ là rất quan trọng. Mảng bám có thể âm thầm tích tụ trong các động mạch vành theo thời gian, và hầu hết mọi người không nhận ra điều này cho đến khi xuất hiện các triệu chứng như đau ngực (đau thắt ngực) hoặc dấu hiệu của cơn đau tim.

5. Bệnh động mạch cảnh

Bệnh động mạch cảnh là tình trạng các động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn do mảng bám cholesterol. Khi đó sẽ làm giảm lưu lượng máu lên não, gây ra các cơn đau đầu, chóng mặt hoặc thậm chí là đột quỵ, tê liệt. Người bị cholesterol cao có nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh cao hơn nên cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm.

6. Bệnh động mạch ngoại biên

Khi xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch ở chân hoặc tay, tình trạng này được gọi là bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Đây được xem là một biến chứng nguy hiểm vì PAD thường không gây ra triệu chứng rõ ràng, đến khi xuất hiện các triệu chứng thì động mạch đã bị tắc nghẽn ít nhất 60%.

Triệu chứng phổ biến của PAD là khập khiễng cách hồi, nghĩa là tình trạng chuột rút ở chân khi di chuyển nhưng sau đó sẽ thuyên giảm khi người bệnh được nghỉ ngơi. Đây là dấu hiệu cho thấy lưu lượng máu đến chân bị giảm do mảng bám tích tụ trong động mạch.

Bên cạnh những biến chứng nghiêm trọng ở chân hoặc tay, bệnh PAD cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, bởi vì tất cả các mạch máu trong cơ thể đều được kết nối qua hệ thống tuần hoàn. Do đó, sự tích tụ mảng bám ở một khu vực do cholesterol cao có thể làm giảm lưu thông máu trong toàn bộ hệ thống mạch máu.

Mặc dù PAD và bệnh động mạch vành (CAD) là hai tình trạng khác nhau, nhưng chúng có mối liên quan chặt chẽ. Những người bị PAD có nguy cơ mắc CAD, và ngược lại, vì cả hai bệnh đều có những yếu tố nguy cơ giống nhau.

7. Huyết áp cao

Trên thực tế, huyết áp cao và cholesterol cao là hai tình trạng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mảng bám cholesterol và canxi tích tụ khiến động mạch trở nên cứng và hẹp hơn, điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể. Kết quả dẫn đến huyết áp tăng lên.

Phương pháp chẩn đoán xét nghiệm cholesterol cao trong máu

Việc chẩn đoán cholesterol cao chủ yếu dựa vào phương pháp xét nghiệm cholesterol trong máu để kiểm tra 3 chỉ số quan trọng bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol HDL, cholesterol LDL.

Lưu ý, trước khi xét nghiệm, người bệnh thường được yêu cầu nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ để đảm bảo kết quả chính xác. Nếu được xác định mắc bệnh cholesterol cao, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến để chẩn đoán tình trạng cholesterol cao
Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến để chẩn đoán tình trạng cholesterol cao

Cholesterol cao được điều trị thế nào?

Cholesterol cao có thể được điều trị và cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các yếu tố nguy cơ liên quan. Kế hoạch điều trị phổ biến được các bác sĩ áp dụng bao gồm hướng dẫn bệnh nhân duy trì lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và dùng kèm một số loại thuốc để hỗ trợ giảm cholesterol cao trong máu, bao gồm:

  • Statin: Statin là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu). Statin hoạt động bằng cách ức chế một enzyme trong gan có nhiệm vụ sản xuất cholesterol. Một số loại statin phổ biến bao gồm atorvastatin, simvastatin và rosuvastatin.
  • Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol: Ezetimibe là một loại thuốc có tác dụng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm trong đường tiêu hóa. Ezetimibe có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với statin để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.
  • Thuốc liên kết axit mật: Các loại thuốc cholestyramine, colesevelam và colestipol được sử dụng để làm giảm cholesterol gián tiếp bằng cách liên kết với axit mật. Điều này thúc đẩy gan sử dụng cholesterol dư thừa để tạo ra nhiều axit mật hơn, làm giảm mức cholesterol trong máu. (4)

Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể đề nghị các thủ thuật can thiệp mạch để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho người bệnh.

Biện pháp kiểm soát chỉ số cholesterol tăng cao trong máu

Để kiểm soát và cải thiện mức cholesterol tăng cao trong máu, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch bằng cách tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và ưu tiên chọn các loại cá béo như cá hồi, cá thu. Đồng thời hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ và đồ nướng.
  • Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn 5 ngày mỗi tuần.
  • Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu, bia.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và thực hiện kế hoạch giảm cân khoa học nếu bị thừa cân, béo phì.
  • Tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và tái khám định kỳ để kiểm soát sát sao mức cholesterol trong máu, phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn giúp hỗ trợ kiểm soát cholesterol cao
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn giúp hỗ trợ kiểm soát cholesterol cao

Thăm khám định kỳ để phát hiện chỉ số cholesterol cao bất thường

Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), tất cả mọi người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol định kỳ ít nhất một lần mỗi 4-6 năm. Tuy nhiên, với nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như thừa cân, tiểu đường, huyết áp cao, hay có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, có thể cần kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn. Đặc biệt, với những người đã mắc bệnh tim mạch hoặc có các bệnh lý liên quan đến cholesterol cao, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm thường xuyên để theo dõi và điều chỉnh mức cholesterol một cách sát sao và hiệu quả.

Để đặt lịch thăm khám và nhận tư vấn điều trị tình trạng cholesterol cao tại Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, quý khách có thể liên hệ đến thông tin sau:

Nhìn chung cholesterol cao là một tình trạng có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện và can thiệp sớm. Bằng cách thay đổi lối sống, kết hợp với thuốc điều trị và theo dõi sức khỏe định kỳ, người bệnh có thể kiểm soát mức cholesterol trong máu và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send