
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân phụ huynh cần tham khảo
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân
Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Trong giai đoạn đầu đời, trẻ sơ sinh cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng, xây dựng hệ miễn dịch, tạo nền tảng giúp cơ thể đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Dinh dưỡng không chỉ hỗ trợ quá trình xây dựng sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh.
Thiếu hụt dinh dưỡng ở giai đoạn đầu đời có thể khiến trẻ sơ sinh đối mặt với sự chậm phát triển về hệ miễn dịch, thể lực và trí não. Nguy cơ còi cọc, mắc các bệnh lý về thần kinh, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, loãng xương, bệnh tim mạch… có xu hướng gia tăng ở trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ nhi khoa hay bác sĩ dinh dưỡng để được kiểm tra và tham khảo ý kiến tư vấn để có thể xây dựng được chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân phù hợp, hiệu quả, an toàn.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
Theo Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2,5 kilogram được đánh giá là nhẹ cân. Để cải thiện tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần tuân theo chỉ định, tư vấn của bác sĩ. Tham khảo các lưu ý sau.
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đủ tháng nhẹ cân
Nguyên nhân khiến trẻ sinh đủ tháng vẫn bị nhẹ cân có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như mang đa thai, người mẹ không ăn uống đủ dinh dưỡng hoặc gặp phải các rối loạn mạn tính trong thai kỳ…
Bác sĩ chuyên khoa Nhi kết hợp dinh dưỡng sẽ thăm khám để chẩn đoán chính xác tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân và đề ra hướng xử trí phù hợp. Trong hầu hết trường hợp, nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân là ưu tiên tập trung vào nguồn sữa mẹ. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là ưu tiên hàng đầu trong tối thiểu 6 tháng đầu đời của trẻ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn chỉnh và phù hợp nhất đối với thể trạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như năng lượng, vitamin, đạm, muối khoáng và đường. Không những vậy, thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ có thể thay đổi theo từng giai đoạn để tương thích với nhu cầu và sự phát triển của trẻ.
Theo các chuyên gia, khi cân nặng của trẻ sơ sinh nhẹ cân có xu hướng tăng khoảng 20 đến 30 gram mỗi ngày thì phụ huynh có thể yên tâm nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không bổ sung thêm sữa công thức. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn nhưng chậm tăng cân (dưới 20 gram mỗi ngày), phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn về các vấn đề như cách nâng cao chất lượng sữa mẹ, tư thế cho con bú đúng cách, tần suất cho con bú phù hợp, bổ sung thêm sữa công thức (nếu cần thiết)…
Bằng cách tuân thủ chỉ định và hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ từ bác sĩ, trẻ sinh đủ tháng bị nhẹ cân có thể sớm cải thiện cân nặng và duy trì được sức khỏe ổn định.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh sinh non nhẹ cân
Những em bé chào đời trước tuần tuổi thứ 37 của thai kỳ và cân nặng thấp hơn 2,5 kilogram được đánh giá là trẻ sinh non nhẹ cân. Để bắt kịp sự tăng trưởng về thể chất của trẻ sinh đủ tháng, nguồn dinh dưỡng cho trẻ sinh non cần được đảm bảo tối ưu về chất lượng. So với trẻ sinh đủ tháng, quá trình cải thiện cân nặng cho trẻ sinh non có thể khó khăn hơn, nguyên nhân là do:
- Chức năng của các cơ quan trong cơ thể của trẻ sinh non thường chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
- Thông thường, trẻ sinh non trước 34 tuần có thể gặp khó khăn khi phối hợp giữa các việc nuốt, hít thở, mút ti để bú sữa hiệu quả.
- Trẻ sơ sinh sinh non có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng máu, nồng độ oxy trong máu thấp, rối loạn về tuần hoàn…
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Ở giai đoạn đầu, trẻ sinh non có thể được nuôi dưỡng bằng cách dẫn truyền chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch. Sau đó, trẻ sẽ được dẫn truyền chất dinh dưỡng bằng ống thông qua đường miệng (ống sonde đặt từ miệng tới dạ dày).
Bác sĩ sẽ kiểm soát chặt chẽ hàm lượng sữa cung cấp cho trẻ sinh non nhẹ cân để đảm bảo đủ lượng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường ruột. Khi sức khỏe ổn định, bác sĩ có thể cho trẻ sinh non xuất viện, lúc này lượng sữa mẹ cần cung cấp cho trẻ mỗi ngày khoảng từ 140 ml – 160 ml / kg / ngày, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh sữa mẹ và sữa công thức (nếu cần), chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân có thể cần được bổ sung thêm một số dưỡng chất như vitamin, sắt… theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý:
- Ba mẹ cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định và các lưu ý của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Ba mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng để xác định được quá trình phát triển của trẻ đang có xu hướng tăng hay giảm, từ đó có biện pháp xử trí phù hợp.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh nhẹ cân
Ba mẹ cần nhờ bác sĩ tư vấn cụ thể cho trường hợp của con mình, có thể tham khảo khuyến nghị sau về ước tính nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh nhẹ cân:
Dưỡng chất | Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh nhẹ cân |
Năng lượng | 110 -135 kcal/kg/ngày |
Chất đạm | 4 – 4,5 g/kg/ngày đối với trẻ nặng khoảng 1000 g
3,5 – 4 g/kg/ngày đối với trẻ nặng từ 1000 g – 1800 g |
Chất béo | 4,8 – 6,6 g/kg/ngày hoặc 4,4 – 6 g/kg/ngày (chiếm từ 40 – 55% trên tổng năng lượng) |
Canxi | 60 – 90 mg/kg/ngày |
Phốt pho | 65 – 90 mg/100 kcal |
Magie | 12 mg/100 kcal |
Sắt | 2 – 3 mg/kg/ngày |
Lưu ý:
- Thông tin về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh nhẹ cân trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
- Mỗi trẻ sơ sinh sẽ có thể trạng và khả năng hấp thu dinh dưỡng khác nhau. Tốt hơn hết, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân phù hợp với con mình.

Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân
Để sớm cải thiện được tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Một số điều cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân mà ba mẹ có thể tham khảo, gồm:
1. Một số lưu ý khi nuôi trẻ sơ sinh nhẹ cân bằng sữa mẹ
Như đã đề cập, nuôi con bằng sữa mẹ là ưu tiên hàng đầu để có thể cải thiện cân nặng và sức khỏe cho trẻ sơ sinh nhẹ cân. Sau khi chào đời, nếu trẻ sơ sinh được bác sĩ chẩn đoán có thể bú sữa thì mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt (trong vòng 2 giờ đầu) và tiếp tục cho bú với tần suất 2 giờ một lần để tránh nguy cơ hạ đường huyết.
Lượng sữa mẹ đầu tiên mà trẻ sơ sinh bú sau khi chào đời được gọi là sữa non. Sữa non cung cấp hàm lượng dinh dưỡng đặc biệt cao bao gồm đạm, vitamin A, bạch cầu và kháng thể tự nhiên (IgE, IgG, IgA…). Vì vậy, sữa non là nguồn dinh dưỡng giúp trẻ sơ sinh tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa mà mẹ không nên bỏ qua.
Trường hợp em bé chưa biết cách bú sữa mẹ, phụ huynh có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách vắt hoặc hút sữa mẹ và cho trẻ uống sữa bằng thìa để kịp thời đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Việc vắt hoặc hút sữa mẹ nên được thực hiện trong 6 giờ đầu tiên sau khi em bé chào đời, điều này sẽ giúp kích thích tiết sữa.
Để trẻ sơ sinh bú mẹ được hiệu quả, người mẹ cần biết tư thế bế trẻ đúng cách. Cụ thể, mẹ nên vòng tay bế ngang người sao cho trẻ đối diện với bầu sữa. Tốt hơn hết, mẹ nên trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng để được hướng dẫn tư thế cho con bú đúng cách.
Ngoài ra, để sớm cải thiện cân nặng, trẻ sơ sinh cần được cho bú sữa đầy đủ cử theo nhu cầu hoặc bổ sung thêm sữa công thức theo chỉ định của bác sĩ (nếu cần thiết). Nhu cầu bú sữa của mỗi em bé thường không giống nhau, mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về tần suất và lượng sữa để đảm bảo tối ưu hiệu quả, cải thiện tình trạng nhẹ cân, góp phần tăng cường sức khỏe của trẻ.
2. Một số lưu ý khi nuôi trẻ sơ sinh nhẹ cân không thể bú mẹ
Một số trường hợp đặc biệt người mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ, chẳng hạn như mẹ đang trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc hoặc các kỹ thuật chiếu xạ, người mẹ có cơ địa tiết sữa kém, trẻ sơ sinh bị rối loạn chuyển hóa bất dung nạp sữa mẹ… Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân bằng loại sữa công thức phù hợp.
Gia đình cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về việc chọn loại sữa công thức, bình sữa và núm ti phù hợp với thể trạng của trẻ. Đồng thời, cần tìm hiểu tư thế bú bình đúng cách để tránh nguy cơ ọc sữa, tình trạng sữa tiết ra đột ngột gây sặc, và các thành phần trong sữa có thể khiến trẻ bị kích ứng. Trẻ sơ sinh nhẹ cân được nuôi dưỡng bằng sữa công thức cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để tối ưu hóa hiệu quả cải thiện cân nặng và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.
Mẹ nên ăn gì để có nguồn sữa tốt trẻ sơ sinh thiếu cân?
Để đảm bảo nguồn sữa mẹ chất lượng cao, người mẹ nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp. Thực đơn ăn uống hàng ngày của phụ nữ đang cho con bú cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân bằng các nhóm chất bao gồm chất béo, chất đạm, chất xơ, chất bột đường, khoáng chất và vitamin.
Đảm bảo bổ sung đủ và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng là biện pháp giúp cơ thể người mẹ sớm hồi phục sau quá trình “vượt cạn”, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ hiệu quả. Một số thực phẩm nên có trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ đang cho con bú bao gồm:
- Thực phẩm giàu đạm: Thịt heo, thịt gà, thịt bò, các loại cá, hải sản, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa, đậu nành, đậu phụ…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Rau lá xanh (cải bó xôi, mồng tơi, rau ngót…), các loại đậu (đậu đen, đậu lăng, đậu ngự…), ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, diêm mạch…)….
- Thực phẩm giàu chất béo tốt: Các loại cá béo (cá ngừ, cá hồi, cá trích…), dầu ô-liu, các loại hạt (hạt dẻ, hạnh nhân, hạt chia…), quả bơ…
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Quả mọng (mâm xôi, việt quất, mâm xôi…), các loại trái cây tươi khác (dưa hấu, chuối, xoài, cam, quýt, bưởi, táo…), nước dừa…
- Thực phẩm cung cấp chất đường bột: Gạo tẻ, gạo lứt, yến mạch, khoai lang, khoai môn, khoai tây, cà rốt…
Ngoài ra, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách cân đối khối lượng tiêu thụ mỗi loại thực phẩm và chia nhỏ khẩu phần trong ngày. Điều này sẽ góp phần hạn chế nguy cơ gây áp lực lên hệ tiêu hóa, làm giảm hiệu quả hấp thu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân
Một số điều gia đình cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân gồm:
- Ưu tiên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu. Trường hợp nuôi con có kết hợp sữa công thức, ba mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh nhẹ cân phù hợp với thể trạng của con. Khi bé được 6 tháng tuổi trở lên, bên cạnh sữa mẹ (hay sữa công thức nếu trẻ không được bú mẹ) có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng chế độ ăn dặm phù hợp.
- Theo dõi sự tăng trưởng của trẻ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
- Tuân thủ chỉ định xét nghiệm dấu hiệu sinh hóa nếu được bác sĩ chỉ định thực hiện hàng tuần ở trẻ sơ sinh nhẹ cân (nếu có).
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng đãng, tránh ẩm mốc.
- Tiêm chủng vaccine cho trẻ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm:
- 10 cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân nhanh và đều hơn, mẹ bớt lo
- Chăm sóc trẻ sinh non, sinh thiếu tháng đúng cách
Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin góp phần giúp ba mẹ hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân an toàn, hiệu quả. Để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân, ba mẹ có thể liên hệ đến Hệ thống PlinkCare.