
Chất béo nội tạng là gì? Nguyên nhân, cách nhận biết và phòng ngừa
Chất béo nội tạng là gì?
Chất béo nội tạng (mỡ nội tạng) là loại chất béo nằm sâu trong khoang bụng và bao quanh các cơ quan nội tạng, bảo vệ các cơ quan này. Quá nhiều chất béo nội tạng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
Chất béo nội tạng có ở đâu trong cơ thể?
Khác với mỡ dưới da nằm ở giữa lớp da và cơ, chất béo nội tạng nằm sau các cơ bụng và không thể nhìn thấy hoặc chạm đến được. Nó bao quanh dạ dày, gan, ruột và các cơ quan nội tạng khác của cơ thể.
Chất béo nội tạng ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Các nghiên cứu đã chứng minh tế bào mỡ nội tạng có hoạt tính sinh học. Chúng có thể tiết ra hormone và những hoạt chất tác động đến nhiều quá trình trong cơ thể. Mỡ nội tạng tạo ra cytokine – loại protein kích hoạt tình trạng viêm ở mức độ thấp. Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác. Nó cũng tạo ra tiền chất của angiotensin – protein khiến mạch máu co lại và làm tăng huyết áp. Ngoài ra, mỡ nội tạng còn tiết ra protein liên kết retinol 4 (RBP4), góp phần gây tình trạng kháng insulin. [1]
Dư thừa chất béo nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như:
- Bệnh tim mạch.
- Đái tháo đường type 2.
- Đột quỵ
- Một số loại ung thư như ung thư vú, trực tràng…
- Sa sút trí tuệ (gồm bệnh Alzheimer).
Thang đo chỉ số chất béo nội tạng
Để đo chỉ số chất béo nội tạng, bác sĩ có thể sử dụng máy phân tích chất béo cơ thể hoặc MRI. Xếp hạng và đánh giá bên dưới được áp dụng cho người châu Á [2]:
Xếp hạng | Tiêu chuẩn | Cao | Rất cao |
Chỉ số | 0 – 9 | 10 – 14 | 15+ |
Đánh giá | Trong khoảng lành mạnh, tiếp tục theo dõi chỉ số, kết hợp dinh dưỡng, tập luyện và lối sống cân bằng | Cân nhắc thay đổi chế độ ăn và/hoặc tăng cường tập luyện để giảm mỡ về mức tiêu chuẩn | Nên tham gia tập luyện tích cực hơn và thay đổi chế độ ăn hiện tại. Tham vấn bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị chuẩn y khoa. |
1. Chỉ số chất béo nội tạng chuẩn lý tưởng
Chỉ số chất béo nội tạng lý tưởng là mỡ nội tạng chiếm khoảng 10% tổng lượng mỡ trong cơ thể.
2. Chỉ số chất béo nội tạng bình thường
Mức độ chất béo nội tạng bình thường là từ 0 – 9, dựa trên thang điểm đo bằng máy phân tích chất béo hoặc chụp MRI.
3. Chỉ số chất béo nội tạng cao
Kết quả chỉ số chất béo từ 10 – 14 báo hiệu bạn cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Chỉ số chất béo từ 15 trở lên có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Mối liên hệ giữa chất béo nội tạng và cân nặng
Thừa chất béo nội tạng không có nghĩa là thừa cân hay béo phì. Bạn có thể có cân nặng bình thường nhưng lượng mỡ nội tạng cao. Tuy nhiên, người thừa cân, béo phì rất có thể có quá nhiều mỡ nội tạng.
Triệu chứng cơ thể nhiều chất béo nội tạng dễ thấy
Vòng bụng to là dấu hiệu rõ ràng nhất của chất béo nội tạng. Các nghiên cứu cho thấy những người có bụng phệ, dáng người hình quả táo có thể có nhiều mỡ nội tạng hơn.
Nguyên nhân khiến chất béo nội tạng tăng
Có nhiều nguyên nhân làm tăng lượng chất béo nội tạng, như:
1. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu khiến chất béo nội tạng tăng cao. Ăn quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, sẽ dẫn đến tích tụ mỡ nội tạng và tăng nguy cơ béo phì.
2. Ít vận động thể chất
Khi bạn nạp vào cơ thể quá nhiều calo nhưng lại ít vận động thể chất, lượng calo dư thừa này sẽ được chuyển hoá thành chất béo. Chất béo tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng lượng mỡ nội tạng trong cơ thể. Một số người có xu hướng tích mỡ ở bụng nhiều hơn ở hông.
3. Gen di truyền
Gen di truyền ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể và cách cơ thể bạn lưu trữ mỡ nội tạng. Đó là lý do khi điều trị béo phì, các bác sĩ có thể chỉ định phân tích bộ gen.
4. Tuổi tác
Phụ nữ trung niên có tỷ lệ mỡ so với trọng lượng cơ thể cao hơn so với nam giới. Lượng mỡ dự trữ cũng tập trung ở phần thân trên hơn là hông và đùi. Ngay cả khi không tăng cân, vòng eo của họ vẫn có thể tăng lên, do mỡ nội tạng đẩy ra khỏi thành bụng.
5. Căng thẳng
Căng thẳng khiến cơ thể tiết nhiều hormone cortisol. Hormone này kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” của cơ thể, gây thèm ăn, thúc đẩy quá trình tích trữ mỡ nội tạng.
6. Không ngủ đủ giấc
Khi ngủ sâu, cơ thể tiết ra hormone cortisol ở mức độ vừa phải. Nếu giấc ngủ bị rối loạn thì ngay lập tức hormone này tăng cao và khiến mỡ tích tụ nhanh hơn. Ngoài ra, ngủ ngon giúp cơ thể giảm cảm giác thèm ăn hơn bởi lúc này tế bào mỡ tiết ra leptin, chất có khả năng ức chế quá trình tổng hợp chất béo.

Chất béo nội tạng có nguy hiểm không?
Ở lượng vừa phải (khoảng 10% tổng lượng chất béo trong cơ thể), chất béo nội tạng có thể thực hiện tốt chức năng bảo vệ các cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ nội tạng cao hơn có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, như: tim mạch, tiểu đường type 2, một số loại ung thư, đột quỵ…
Biến chứng rủi ro tình trạng nội tạng nhiều chất béo
Tình trạng nội tạng nhiều chất béo dẫn đến các rủi ro về sức khỏe nghiêm trọng, như [3]:
1. Chất béo nội tạng và bệnh tim mạch
Nhiều mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nghiên cứu thực hiện trên phụ nữ châu Âu từ 45 – 79 tuổi đã kết luận: những người có vòng eo lớn (so với hông) có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần. Nguy cơ vẫn cao gần gấp 2 sau khi cải thiện các yếu tố khác, gồm: huyết áp, cholesterol, bỏ hút thuốc và BMI. Ngay cả với những phụ nữ khỏe mạnh, không hút thuốc, cứ tăng 2 inch (khoảng 5cm) vòng eo sẽ làm tăng 10% nguy cơ bệnh tim mạch.
2. Chất béo nội tạng và bệnh Alzheimer
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: những người 40 tuổi có lượng mỡ bụng cao có nguy cơ mắc các chứng mất trí nhớ (gồm bệnh Alzheimer) cao hơn gần 3 lần khi ở độ tuổi 70 – 80, so với người ở độ tuổi tương đương có ít mỡ bụng.
3. Chất béo nội tạng và bệnh ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mỡ nội tạng và ung thư (gồm ung thư đại tràng). Những người có nhiều mỡ nội tạng có khả năng mắc polyp tiền ung thư ở đại tràng cao gấp 3 lần. Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng polyp tuyến ở đại tràng có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Đây có thể là cơ chế làm tăng nguy cơ ung thư.
4. Chất béo nội tạng và bệnh tiểu đường type 2
Có nhiều mỡ nội tạng có liên quan đến tình trạng kháng insulin do mô mỡ nội tạng tiết ra protein liên kết retinol 4 (RBP4), góp phần gây tình trạng kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
5. Chất béo nội tạng và nguy cơ đột quỵ
Dù chưa thể khẳng định mối liên hệ giữa chất béo nội tạng và nguy cơ đột quỵ, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có nhiều mỡ nội tạng có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn. Đặc biệt, nguy cơ này càng tăng cao ở người trẻ.
6. Chất béo nội tạng và cholesterol cao
Mỡ nội tạng có liên quan trực tiếp đến mức cholesterol cao hơn, nhất là cholesterol LDL, được biết đến là loại cholesterol “xấu”. Cholesterol LDL cao có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, sỏi thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
7. Chất béo nội tạng và huyết áp cao
Mỡ nội tạng cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết: mỡ nội tạng tiết ra một số protein gây viêm, làm hẹp mạch máu, kéo theo tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Khi nào cần điều trị y tế?
Nam giới có vòng eo lớn hơn 90cm và nữ giới có vòng eo lớn hơn 80cm cần nhanh chóng đến khám bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp kiểm soát mỡ nội tạng. Bác sĩ có thể chỉ định đo huyết áp, nhịp tim, các chỉ số sinh hiệu khác, xét nghiệm máu, nước tiểu… để kiểm tra các nguy cơ sức khỏe liên quan đến tỷ lệ mỡ nội tạng cao.
Cách chẩn đoán xét nghiệm mức độ chất béo nội tạng
Các cách xác định mức độ chất béo nội tạng gồm:
1. Đo tỉ lệ vòng eo
Một số cách đo tỷ lệ vòng eo để ước lượng tình trạng mỡ nội tạng như sau:
- Đo vòng eo: đo quanh eo, ngay phía trên xương hông. Phụ nữ có vòng eo từ 80cm trở lên có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe do mỡ nội tạng. Con số này ở nam giới là 90cm trở lên.
- Tỷ lệ eo – mông: đo vòng eo và vòng mông (phần rộng nhất của mông). Chia chu vi vòng eo với chu vi vòng mông. Tỷ lệ này lớn hơn 0,85 ở phụ nữ và 0,90 ở nam giới cho thấy nguy cơ béo phì bụng.
- Tỷ lệ eo – chiều cao: chia số đo vòng eo cho chiều cao. Tỷ lệ từ 0,5 trở lên ở cả nam và nữ báo hiệu nguy cơ quá nhiều mỡ nội tạng. Cách đo này đặc biệt hữu ích đối với người bệnh tiểu đường type 1.
2. BMI
BMI là một trong những cách đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Người châu Á có BMI từ 25 trở lên (nam và nữ) đã béo phì độ I và có thể có lượng mỡ nội tạng cao.
Công thức tính BMI: BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m).
3. Chụp CT
Chụp CT hoặc MRI là cách chính xác nhất để xác định mỡ nội tạng trong cơ thể. Bác sĩ sẽ dựa vào phim chụp để xác định lượng mỡ nội tạng và kết luận bạn có dư thừa mỡ nội tạng hay không.
4. MRI
Tương tự như chụp CT, chụp MRI cũng giúp bác sĩ có được hình ảnh chi tiết về mỡ nội tạng trong cơ thể người bệnh.
Cách điều trị và phòng ngừa chất béo nội tạng tăng cao
Dưới đây là những cách điều trị và phòng ngừa chất béo nội tạng tăng cao:
1. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ giúp giảm cân, giảm mỡ bụng mà còn tăng khối lượng cơ. Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút/ngày thực hiện các bài tập như: đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe… để giảm lượng mỡ dư thừa, thon gọn vóc dáng, cải thiện sức khỏe tim mạch…
2. Chế độ ăn lành mạnh khoa học
Chế độ ăn lành mạnh, khoa học là yếu tố quan trọng để kiểm soát chất béo nội tạng. Nên ưu tiên các thực phẩm như: thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, trái cây tươi, rau xanh…; cắt giảm đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ… Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate có thể kích hoạt cơ chế đốt cháy chất béo tạo thành năng lượng, từ đó giúp giảm mỡ nội tạng.
3. Nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân được nhiều người áp dụng, trong đó cơ thể cần trải qua giai đoạn ngừng ăn và ăn trong những khoảng thời gian xác định, thường là 16:8 (nhịn ăn trong vòng 16 giờ và ăn trong vòng 8 giờ tiếp đó). Phương pháp này có thể giúp giảm lượng mỡ nội tạng. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tác động lâu dài của phương pháp này đối với sức khỏe.
4. Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ nội tạng. Bạn nên cố gắng ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.
5. Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng khiến cơ thể tiết nhiều hormone cortisol, kích hoạt cơ chế tích trữ nhiều mỡ nội tạng hơn. Do đó, nên áp dụng các phương pháp giải tỏa căng thẳng như: thiền, hít thở sâu, yoga hoặc chơi 1 môn thể thao yêu thích để giữ tâm trạng cân bằng.
6. Hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn
Uống quá nhiều rượu, bia và đồ uống có cồn là nguyên nhân làm tăng lượng chất béo nội tạng.
7. Điều trị y tế cần thiết
Với người béo phì nặng, có quá nhiều mỡ nội tạng nên khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, hỗ trợ bởi bác sĩ. Trung tâm Giảm cân Tâm Anh là địa chỉ giảm cân chuẩn y khoa được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Đây là trung tâm giảm cân khoa học, toàn diện của Bệnh viện đa khoa đầu tiên tại Việt Nam, với phác đồ chuẩn quốc tế, được Bộ Y tế cấp phép, có đủ các phương pháp giảm cân, giảm mỡ: nội khoa, ngoại khoa, công nghệ cao, dinh dưỡng, y học vận động… được phối hợp bởi nhiều chuyên khoa.
Đặc biệt, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh – Hệ thống PlinkCare sử dụng các loại thuốc, máy móc, thiết bị giảm cân chuyên sâu, hiện đại, chính hãng, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) công nhận toàn cầu và Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Khách hàng được trải nghiệm dịch vụ giảm cân, giảm mỡ hiệu quả, ấn tượng và an toàn; được trực tiếp khám và theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm, được đào tạo chính quy, chuyên sâu tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn… Nhờ đó nhanh chóng đạt mục tiêu cân nặng mong muốn, vừa giảm cân vừa đẹp dáng, ngăn ngừa hàng trăm nguy cơ biến chứng do thừa cân, béo phì (gan nhiễm mỡ, bệnh tim mạch, tiểu đường type 2…).

Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là những thắc mắc thường gặp về chất béo nội tạng và thông tin giải đáp:
1. Chất béo nội tạng có giảm được không?
Có. Chất béo nội tạng có thể được kiểm soát thông qua chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống lành mạnh, kết hợp với tập thể dục.
2. Các cách để giảm chất béo nội tạng là gì?
Cách để giảm chất béo nội tạng là duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn khoa học, kết hợp vận động thường xuyên. Đây cũng là nguyên tắc giảm cân và duy trì cân nặng, bởi nó giúp giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể.
3. Chất béo nội tạng có khó giảm không?
Không. Vì chất béo nội tạng chuyển hóa nhanh hơn và có thể được đào thải qua mồ hôi hoặc nước tiểu. Nếu bạn bắt đầu tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn lành mạnh, bạn sẽ thấy hiệu quả giảm cân sau 2 – 3 tháng.
4. Thực phẩm khiến chất béo nội tạng tăng cao là gì?
Thực phẩm khiến chất béo nội tạng tăng cao là các loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, đường tinh luyện, natri và thực phẩm chế biến, như: thức ăn nhanh, nước ngọt, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, kẹo, bánh ngọt, kem…
Trên đây là các thông tin giải đáp thắc mắc: chất béo nội tạng là gì, nguyên nhân, cách nhận biết và phòng ngừa loại chất béo này. Để hạn chế lượng chất béo nội tạng trong cơ thể, nên thực hiện lối sống khoa học; xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đặc biệt hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, thực phẩm chế biến; kết hợp chế độ vận động hợp lý để duy trì cân nặng lý tưởng và cơ thể khoẻ mạnh, giúp sống khỏe hơn.