
4 phương pháp chẩn đoán ung thư vú khi mang thai (có bầu) và lưu ý
Ung thư vú khi thai kỳ là gì?
Ung thư vú khi thai kỳ là tình trạng ung thư vú được chẩn đoán trong thời kỳ mang thai hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian cho con bú hay còn gọi là ung thư vú liên quan đến thai kỳ – viết tắt trong tiếng anh là PABC.
Chẩn đoán ung thư vú trên phụ nữ trong thời kỳ cho con bú và các phương pháp tương tự như phụ nữ không mang thai. Bài viết này nhấn mạnh các khó khăn và thách thức trong chẩn đoán ung thư vú trong thời gian mang thai.
Chẩn đoán ung thư vú khi mang thai có khó khăn không?
Chẩn đoán ung thư vú khi mang thai có thể khó phát hiện hơn. Bởi sự thay đổi nồng độ hormone khi mang thai khiến ngực thay đổi. Vú có thể trở nên to, sần sùi hoặc mềm hơn. Điều này gây khó cho bác sĩ trong việc phát hiện khối u do ung thư từ khi xuất hiện cho đến khi tế bào này tăng kích thước.
Một lý do khác khiến việc phát hiện ung thư vú trong giai đoạn thai kỳ trở nên khó khăn đến từ nhiều phụ nữ trì hoãn tầm soát ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh cho đến sau khi mang thai. Ngay cả khi chụp nhũ ảnh, mang thai và cho con bú cũng làm mô vú dày đặc hơn, từ đó ảnh hưởng đến việc phát hiện ung thư vú.
Với những khó khăn này, khi phụ nữ mang thai mắc ung thư vú, bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn so với người không mang thai. Thậm chí, nhiều khả năng tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú khi mang thai
Nếu phát hiện thấy khối u hoặc những thay đổi khác ở ngực khiến bạn lo lắng, đừng bỏ qua mà hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bởi, bất kỳ thay đổi đáng ngờ nào ở vú cũng cần được kiểm tra, thậm chí làm sinh thiết trước khi xác định đây là phản ứng bình thường khi mang thai.
Bên cạnh khám lâm sàng với bác sĩ chuyên về bệnh tuyến vú, một số xét nghiệm hình ảnh cũng được sử dụng để tìm kiếm những bất thường ở vú. Những kỹ thuật được thực hiện gồm siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh. Sinh thiết tổn thương bên trong vú cũng được dùng nếu xét nghiệm hình ảnh cho thấy có những dấu hiệu đáng ngờ.
1. Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú)
Chụp nhũ ảnh thường không được thực hiện trong thời kỳ mang thai trừ khi có các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú. Tuy nhiên, sự phát triển của tuyến vú ở thời kỳ này có thể gây khó khăn trong việc phát hiện các khối u nhỏ và chẩn đoán ung thư. [2]
Nếu người bệnh đang mang thai và có những triệu chứng của ung thư vú, bác sĩ sẽ đề nghị chụp nhũ ảnh. Phương pháp này chỉ sử dụng một lượng phóng xạ nhỏ nên khá an toàn cho phụ nữ mang thai.
2. Siêu âm vú
Siêu âm không cần bức xạ nên được xem là phương pháp an toàn để kiểm tra các khối u ở vú ở phụ nữ mang thai. Siêu âm chỉ có thể xác định khối u là nang chứa đầy chất lỏng hay một khối rắn. Để chẩn đoán khối u rắn có phải ung thư hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thêm phương pháp chụp nhũ ảnh.
3. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú
Chụp MRI vú không sử dụng bức xạ, thay vào đó, một chất tương phản (gadolinium) được tiêm vào máu để hình ảnh thu được bên trong vú rõ nét hơn. Vì chất tương phản gadolinium có thể đi qua nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi nên không được khuyên dùng cho phụ nữ mang thai.
4. Sinh thiết vú
Các bác sĩ khuyên không nên dùng chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) cho sang thương vú nghi ngờ ác tính trên phụ nữ mang thai vì tế bào mô vú thay đổi do thai kỳ dễ làm sau lệch kết quả và khó chẩn đoán.
Nếu một khối u vú mới hoặc kết quả xét nghiệm hình ảnh bất thường làm tăng thêm nỗi lo về sự thay đổi ở vú có thể là ung thư. Lúc này sinh thiết sẽ được chỉ định thực hiện. Trong quá trình sinh thiết, các mảnh mô vú nhỏ được lấy ra khỏi khu vực nghi ngờ.
Kỹ thuật sinh thiết vú phổ biến nhất là sinh thiết lõi kim, bằng cách sử dụng kim rỗng để loại bỏ các mảnh mô vú, được thực hiện như một thủ tục ngoại trú, ngay cả khi người bệnh đang mang thai. Thông thường, thuốc gây tê (gây tê cục bộ) được sử dụng để làm tê vùng cần sinh thiết. Điều này sẽ ít gây nguy hiểm cho thai nhi.
Nếu sinh thiết kim lõi chưa thể cho kết quả chẩn đoán, sinh thiết phẫu thuật sẽ được thực hiện tiếp theo. Với loại sinh thiết này, mảnh mô vú lớn hơn sẽ được lấy ra qua một vết cắt nhỏ (vết mổ) ở vú. Sinh thiết phẫu thuật thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ, khá an toàn cho mẹ và bé. Hiếm khi cần phải gây mê toàn thân. Thủ thuật gây mê có thể gây một số tác dụng phụ nhỏ cho thai nhi nhưng không đáng kể.
Xét nghiệm hình ảnh để xác định giai đoạn ung thư vú
Nếu phát hiện ung thư vú, người bệnh có thể cần các xét nghiệm khác để xem tế bào ung thư di căn trong vú hay đã lan đến bộ phận khác của cơ thể.
Như đã lưu ý ở trên, siêu âm không sử dụng bức xạ nên an toàn cho phụ nữ mang thai. Chụp nhũ ảnh cũng cần thiết trong việc giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị tình trạng ung thư vú khi mang thai, bằng cách sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để tạo hình ảnh bên trong vú. Phương pháp này an toàn cho phụ nữ mang thai và chỉ cần che chắn bụng khi thực hiện.
Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như quét PET, quét xương (xạ hình xương) và chụp cắt lớp vi tính (CT) có nguy cơ khiến bào thai tiếp xúc với nhiều bức xạ. Những xét nghiệm này thường không cần sử dụng để xác định giai đoạn ung thư vú, đặc biệt nếu ung thư chỉ khu trú ở vú. Nếu phải thực hiện một trong những xét nghiệm này, bác sĩ sẽ điều chỉnh để hạn chế lượng phóng xạ tiếp xúc với thai nhi.

Phương pháp chẩn đoán ung thư vú khi mang thai có an toàn không?
Mối quan tâm chính với những xét nghiệm hình ảnh được thực hiện trong thai kỳ là liệu có khiến thai nhi đang phát triển tiếp xúc với bức xạ hay không. Điều này có thể gây hại, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
Chụp nhũ ảnh có thể phát hiện hầu hết các bệnh ung thư vú ở phụ nữ đang mang thai và được cho là an toàn đối với giai đoạn này. Lượng bức xạ cần thiết cho chụp nhũ ảnh khá nhỏ và bức xạ tập trung vào ngực nên phần lớn không đến được các bộ phận khác của cơ thể. Để đảm bảo an toàn, một tấm chắn chì được đặt ở phần dưới bụng để ngăn bức xạ đến tử cung.
Tuy nhiên, một lượng nhỏ phóng xạ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Các nhà khoa học cũng chưa chắc chắn về tác động của bức xạ đối với thai nhi, dù chỉ 1 lượng nhỏ.
Chẩn đoán bằng siêu âm vú không sử dụng bức xạ được cho là an toàn với phụ nữ mang thai. Vì là một xét nghiệm dễ thực hiện nên siêu âm vú thường được ưu tiên sử dụng để đánh giá sự thay đổi ở vú, chẳng hạn như khối u trong thai kỳ.
Các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chụp PET CT, quét xương (xạ hình xương) và chụp cắt lớp vi tính (CT) có nhiều khả năng khiến thai nhi tiếp xúc với bức xạ hơn nên không được các bác sĩ khuyên dùng khi mang thai.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) không sử dụng bức xạ. Tuy nhiên, chụp MRI vú thường tiêm chất tương phản (gadolinium) vào máu để cho hình ảnh hữu ích. Chất tương phản này có thể đi qua nhau thai (cơ quan kết nối mẹ với thai nhi) và ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, MRI vú không được các bác sĩ khuyên dùng khi mang thai.
Gây mê có an toàn khi chẩn đoán không?
Với sinh thiết phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây tê nên rất an toàn cho mẹ và thai nhi và hiếm khi gây mê toàn thân.
Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.
Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại PlinkCare TP.HCM.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về các phương pháp chẩn đoán ung thư vú khi mang thai và lưu ý cần biết. Không phải tất cả các khối u đều là ung thư vú, tuy nhiên, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường ở ngực trong quá trình mang thai, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, lên phương án điều trị kịp thời.