Image

7 cách chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà an toàn hiệu quả cao

Chăm sóc trẻ bị cúm A

Bệnh cúm A ở trẻ là gì?

Cúm A là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh được người bệnh phát tán vào không khí khi ho, hắt hơi, nói chuyện,…Ngoài ra, người bệnh có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus như tay nắm cửa, điện thoại, quần áo, bát đũa, ly cốc,… bởi virus cúm A có thể tồn tại đến 48 giờ trên các bề mặt ở môi trường bên ngoài. (1)

Bệnh cúm A ở trẻ thường sẽ bắt đầu với các triệu chứng khá giống với cảm lạnh thông thường gồm: sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, viêm họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau mỏi cơ, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy,…. Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện sau khoảng 24-48 giờ kể từ khi trẻ bị nhiễm virus và kéo dài 3-6 ngày tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của từng trẻ khi được chăm sóc khoa học. (2)

Trẻ em bị cúm A có nguy hiểm không?

Trẻ em bị cúm A có nguy hiểm không? là vấn đề các cha mẹ thường thắc mắc. A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9 là 3 chủng virus cúm A thường gặp. Tuy nhiên, virus cúm A có khả năng tự biến đổi thành các chủng virus mới khiến trẻ có thể tái nhiễm cúm A nhiều lần và gây ra nhiều đợt bùng phát dịch.

Hơn nữa, trong một số trường hợp trẻ bị cúm A không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn thứ phát, viêm cơ tim, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang,… với các biểu hiện nặng như sốt cao, khó thở, đờm lẫn máu, da tím tái, co giật, phù phổi, suy tim. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài gây ra nhiều hệ lụy về sau, thậm chí gây tử vong ở trẻ. Nguy cơ tử vong ở trẻ bị cúm A dao động trong khoảng 1-4% trường hợp mắc bệnh này.

Cúm A ở trẻ em có thể gây biến chứng nguy hiểm
Cúm A ở trẻ em có thể gây biến chứng nguy hiểm khi không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Cúm A ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Bệnh cúm A ở trẻ kéo dài bao lâu sẽ phục thuộc vào nhiều yếu tố như: thể trạng sức khỏe và cơ địa của trẻ, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tiền sử bệnh hay bệnh nền (nếu có), cách chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà, thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị bệnh,…

Thông thường, khi trẻ bị cúm A được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Một số triệu chứng, tổn thương do bệnh gây ra có thể kéo dài lâu hơn. Điển hình như: mệt mỏi (21-28 ngày), ho (14-21 ngày), chảy nước mũi (7-14 ngày) và sốt (5-7 ngày).

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị cúm A hiệu quả

Bên cạnh việc tuân thủ theo các chỉ định điều trị trẻ bị cúm A của bác sĩ, việc chăm sóc trẻ sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian mắc bệnh, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà an toàn, hiệu quả:

1. Cách ly trẻ em

Khi trẻ bị cúm A, điều đầu tiên bố mẹ nên làm là cho trẻ cách ly là chăm sóc tại phòng riêng ít nhất 7 ngày. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ gặp người khác khi không cần thiết.

Đồng thời, trẻ mắc bệnh không nên sử dụng chung đồ với người khác, vì vậy, bố mẹ nên chuẩn bị đồ dùng cá nhân riêng cho trẻ. Việc vệ sinh các đồ dùng của trẻ mắc bệnh như chăn, ga giường, khăn, ly cốc,… của trẻ mắc bệnh cần được tách riêng với các đồ vật của các thành viên khác trong gia đình và khử khuẩn cẩn thận.

2. Đeo khẩu trang cho trẻ

Khi chăm sóc cho trẻ, bố mẹ và cả trẻ đều cần phải đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan bệnh. Sau đó, bố mẹ cần phải rửa tay cũng như vệ sinh các vật dụng tiếp xúc với trẻ bằng dung dịch khử khuẩn cẩn thận.

Trẻ có thể sẽ cần phải đeo khẩu trang trong thời gian dài, kèm theo các triệu chứng khó chịu của cúm A nên khẩu trang y tế sẽ là một lựa chọn tốt cho trẻ. Thay vì sử dụng khẩu trang vải, loại khẩu trang này có tác dụng ngăn ngừa tình trạng phát tán virus trong không khí khi trẻ ho, hắt hơi hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và độ thông thoáng, thoải mái, dễ thở.

Đeo khẩu trang cho trẻ
Đeo khẩu trang cho trẻ để hạn chế sự phát tán của virus cúm A.

3. Không cho trẻ em nằm máy lạnh

Nhiều bố mẹ có quan điểm cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng máy lạnh sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Khi nhiệt độ phòng xuống thấp, trẻ rất dễ bị đau họng, ho, khô mũi, khó tiết mồ hôi hơn bình thường. Hơn nữa các triệu chứng của cúm A có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cản trở quá trình hồi phục sức khỏe. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ chỉ nên cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí, mát mẻ và sạch sẽ. Trong trường hợp thời tiết quá nóng, bố mẹ có thể dùng điều hòa hoặc quạt để làm mát không khí nhưng lưu ý tránh để quạt, điều hòa thổi trực tiếp vào trẻ.

4. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát

Cúm A khiến trẻ cảm thấy khó chịu, sốt, đổ nhiều mồ hôi,… Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, được làm từ các chất liệu mềm, có độ thấm hút tốt để trẻ cảm thấy thoải mái,dễ chịu và thư giãn hơn, từ đó, hỗ trợ quá trình hồi phục bệnh.

5. Ăn uống đầy đủ chất

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, nhất là khi trẻ đang mắc bệnh. Vì vậy, khi trẻ bị cúm A, bố mẹ nên chú ý tăng cường các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, cung cấp cho trẻ đủ các dưỡng chất cần thiết, cụ thể như:

  • Rau xanh, củ: Bông cải xanh, cải xoăn, cải bó xôi, rau ngót, cà chua, cà rốt, bí đỏ,… là những thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ, có tác dụng tăng cường sức đề kháng hiệu quả.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C là một trong những thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, giúp cho các tế bào bạch cầu sản sinh, tăng miễn dịch cho cơ thể. Một số trái cây chứa nhiều vitamin C bố mẹ có thể cho trẻ ăn khi bị cúm A gồm: cam, chuối, lê, nho, táo, đu đủ,…
  • Thực phẩm giàu kẽm: Việc bổ sung thêm kẽm qua các thực phẩm như cua, tôm, cá, trứng, sữa,… sẽ giúp cho hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn.
  • Một số gia vị có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn như mật ong, gừng, tỏi, hành,…
  • Cho trẻ uống đủ nước: Các triệu chứng của cúm A có thể khiến trẻ bị mất nước. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn, uống đủ nước mỗi ngày.
  • Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, đa dạng món ăn: Khi bị ốm, trẻ thường có triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn. Vì vậy, bố mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn những thực phẩm dạng lỏng, mềm và dễ tiêu hóa nhằm kích thích vị giác, giúp trẻ cảm thấy ngon miệng và thèm ăn.
  • Đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất: Bố mẹ nên chú ý cung cấp cho trẻ đủ 4 nhóm dưỡng chất chính trong các bữa ăn hàng ngày gồm tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
  • Đối với trẻ còn đang bú mẹ: Mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, cho trẻ bú theo nhu cầu để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Tương tự đối với trẻ lớn hơn, mẹ nên chia bữa chính trong ngày tháng 5-6 bữa nhỏ để cúng cấp đủ chất cho trẻ nhưng không khiến trẻ bị ngấy.
Trẻ cần được bổ sung đủ các dưỡng chất
Trẻ cần được bổ sung đủ các dưỡng chất qua các bữa ăn hàng ngày.

6. Cho trẻ em nghỉ ngơi nhiều

Khi bị ốm, trẻ thường cảm thấy rất mệt và cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn bình thường. Lúc này, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ thực hiện các hoạt động mạnh, thay vào đó, hãy cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, sạch sẽ, cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng, làm những điều trẻ thích. Lưu ý, bố mẹ không nên ép trẻ đi ngủ khi trẻ không buồn ngủ.

7. Nhỏ mũi đúng cách

Triệu chứng nghẹt mũi khi trẻ bị cúm A là nguyên nhân chính khiến trẻ khó thở. Việc nhỏ mũi và vệ sinh mũi đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn. Hơn nữa, việc này còn giúp loại bỏ chất nhầy, bụi bẩn bên trong mũi của trẻ, từ đó, giúp bệnh nhanh khỏi. Do đó, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách nhỏ mũi và vệ sinh mũi cho trẻ khi chăm sóc trẻ bị cúm A.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Cúm A là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với cảm cúm thông thường khiến bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, từ đó, bệnh trở nên tồi tệ và gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và hỗ trợ ngay khi trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nhất là khi trẻ có các triệu chứng sau:

  • Tức ngực, khó thở;
  • Sốt cao co giật;
  • Sốt trên 39 độ và không có dấu hiệu giảm nhẹ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt;
  • Không chịu bú/uống nước;
  • Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng;
  • Mệt mỏi, ngủ li bì;
  • Buồn nôn, nôn nhiều;
  • Da xanh xao/tím tái, môi nhợt nhạt;
  • Các triệu chứng cúm A không có dấu hiệu thuyên giảm.

Biện pháp phòng ngừa cúm A ở trẻ

Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm A là một trong những điều cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa cúm A ở trẻ em được các chuyên gia khuyên cáo:

  • Tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Vệ sinh cơ thể, vệ sinh mũi họng, vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất, ăn nhiều hoa quả, rau xanh.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị cúm, bệnh nhân bị cúm.
  • Tránh cho trẻ đến những nơi đông người khi có dịch cúm bùng phát.
  • Tránh cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hạn chế đưa tay lên mặt, nhất là các khu vực như mắt, mũi, miệng.
  • Thường xuyên vệ sinh khu vực sống, đồ chơi của trẻ.
  • Cho trẻ tập thể dục thể thao hàng ngày nhằm tăng cường sức bền, sức đề kháng.
hướng dẫn và chủ động phòng ngừa cúm A cho trẻ
Bố mẹ nên hướng dẫn và chủ động phòng ngừa cúm A cho trẻ.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:

Chăm sóc trẻ bị cúm A đúng cách sẽ giúp tình trạng bệnh của trẻ được cải thiện nhanh chóng, ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, bố mẹ cần theo sát các triệu chứng của trẻ nhằm phát hiện sớm và có phương hướng xử lý kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bất thường, ngăn chặn các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send