
Cách chăm sóc bệnh nhân suy tuyến thượng thận bài bản, chi tiết
Suy tuyến thượng thận là bệnh gì?
Suy tuyến thượng thận là hội chứng lâm sàng gây do phá hủy trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, làm gián đoạn quá trình sản xuất các hormone steroid của vỏ thượng thận. (1)
Suy tuyến thượng thận gồm 2 dạng: nguyên phát và thứ phát.
- Suy tuyến thượng thận nguyên phát: cơ thể mắc các bệnh khiến tuyến thượng thận của cơ thể bị tấn công, phá hủy dẫn đến việc không thể sản xuất hormon cortisol và aldosterone. Nguyên nhân thường gặp của suy tuyến thượng thận nguyên phát do mắc bệnh lý tự miễn, viêm nhiễm (lao, HIV,…), ung thư, chảy máu trong các tuyến, mổ cắt bỏ tuyến thượng thận…
- Suy tuyến thượng thận thứ phát: thường xảy ra do có thể không đủ hormone adrenocorticotropin (ACTH) được tiết ra từ tuyến yên nên tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol. Suy thượng thận thứ phát thường gặp khi sử dụng glucocorticoid suốt thời gian dài rồi dừng lại đột ngột, không giảm dần liều dùng. Tình trạng suy thượng thận thứ phát cũng xảy ra do các khối u vùng tuyến yên đè lên các tế bào tuyến yên bình thường hoặc do phẫu thuật hoặc xạ trị ở tuyến yên.

Chẩn đoán suy tuyến thượng thận
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm: (2)
- Cơn suy thượng thận cấp: thường xảy ra trong các trường hợp stress cấp tính như phẫu thuật, nhiễm trùng, chấn thương, bệnh nhân có tình trạng tụt huyết áp, thiếu dịch trầm trọng hơn so với mức độ nặng của bệnh, thậm chí lú lẫn, hôn mê.
- Suy thượng thận mạn: bệnh nhân thường buồn nôn, nôn ói, đau bụng, chán ăn, gầy sụt cân, cảm giác mệt mỏi uể oải chung chung, đau cơ. Một triệu chứng rất đặc trưng của suy thượng thận nguyên phát đó là tăng sắc tố da niêm.
Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: cortisol, ACTH vào buổi sáng, các nghiệm pháp động để đánh giá chức năng tuyến thượng thận (nghiệm pháp kích thích bằng ACTH, nghiệm pháp hạ đường huyết bằng insulin). Các xét nghiệm kháng thể tuyến thượng thận.
- Xét nghiệm hình ảnh: chụp CT hoặc MRI tuyến thượng thận, MRI tuyến yên.

Cách chăm sóc bệnh nhân suy tuyến thượng thận
Điều trị cấp cứu cơn suy thượng thận cấp: bệnh nhân cần nhập viện vì suy thượng thận cấp là một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời. Điều trị bao gồm bù dịch, điều chỉnh các rối loạn điện giải và corticoid đường tĩnh mạch.
Điều trị duy trì của suy thượng thận cần đòi hỏi dùng liều sinh lý của glucocorticoid theo đường uống. Liều thuốc được bác sĩ điều chỉnh thấp nhất để tránh các biến chứng do điều trị thay thế corticoid quá mức (tăng cân, loãng xương, ức chế miễn dịch) song vẫn có hiệu quả tránh được tình trạng suy thượng thận. Với các bệnh nhân mắc suy thượng thận nguyên phát cũng nên được điều trị thay thế thuốc có hoạt tính giống mineralocorticoid (là hormon của tuyến thượng thận giúp điều hòa chuyển hóa các chất điện giải).
Với các trường hợp suy tuyến thượng thận sau khi dùng corticoid ngoại sinh việc phục hồi tình trạng teo thượng thận do điều trị corticoid ngoại sinh rất thay đổi. Corticoid phải được giảm liều từ từ kết hợp với theo dõi sát các triệu chứng của suy thượng thận. Trong quá trình điều trị bác sĩ có thể cho xét nghiệm hoặc thực hiện các nghiệm pháp động để đánh giá sự phục hồi của tuyến thượng thận.

Liều corticoid thay thế trong một số trường hợp cần được bác sĩ điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng bệnh như cường giáp, có thai, phẫu thuật, chấn thương, nhiễm trùng.
1. Giáo dục sức khỏe
Suy thượng thận là một tình trạng mãn tính cần được theo dõi điều trị suốt đời. Có thể gây ra tình trạng đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. (3)
Tất cả bệnh nhân phải có thẻ nhận dạng hoặc vòng tay cảnh báo y tế về tình trạng suy thượng thận.
Bệnh nhân và gia đình cần được hướng dẫn cách tiêm corticoid trong một số tình huống đặc biệt cấp cứu (tiêm dexamethason hoặc hydrocortison), đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế chăm sóc nếu có triệu chứng của cơn suy thượng thận cấp.
2. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe. Ngưởi bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm bao gồm: (4)
- Bổ sung nhiều canxi, vitamin D vào chế độ ăn uống, vì việc dùng corticosteroid sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Chế độ ăn nhiều natri dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nếu người bệnh có lượng aldosterone thấp.

>>>Tham khảo thêm: Bệnh suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm với nhiều trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp người bệnh khám, chẩn đoán chính xác bệnh suy tuyến thượng thận, bướu cổ, ung thư tuyến giáp, tiểu đường, các bệnh rối loạn nội tiết… để lên phác đồ điều trị thích hợp, giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe.
Bài viết trên đã chia sẻ chia tiết về cách chăm sóc bệnh nhân suy tuyến thượng thận bài bản, chi tiết. Hy vọng người bệnh sẽ biết cách chăm sóc để cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn. Người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh dừng thuốc đột ngột để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.