
Cấy que tránh thai bị rong kinh phải làm sao? Có nguy hiểm không?
Que cấy tránh thai hoạt động như thế nào?
Que cấy tránh thai là que nhựa dẻo có kích thước bằng que diêm chứa hormone progestin. Khi được cấy vào vùng da dưới cánh tay, hormone này sẽ phát huy tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, làm đặc dịch nhầy ở cổ tử cung ngăn không cho tinh trùng gặp trứng. Trường hợp tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, hormone progestin sẽ ngăn không cho trứng đã thụ tinh bám vào tử cung. (1)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thoại chia sẻ, trước khi thực hiện thủ thuật cấy que tránh thai, bác sĩ sẽ sát trùng và gây tê vùng da mặt trong cánh tay của chị em (thường là tay không thuận), sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để cấy que tránh thai vào dưới da cánh tay. Thủ thuật diễn ra nhẹ nhàng và nhanh chóng, chị em sẽ cảm giác như có một cây tăm ở bên dưới da. Khi muốn tháo gỡ, bác sĩ cũng sẽ sát trùng và gây tê rồi gắp que ra một cách nhẹ nhàng.

Que cấy tránh thai sẽ có tác dụng ngừa thai sau 24 giờ nếu chị em thực hiện thủ thuật trong 5 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt, tính từ ngày đầu tiên ra máu kinh. Khi đó chị em có thể quan hệ tình dục mà không cần lo nghĩ đến một phương pháp tránh thai nào khác trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, nếu thực hiện cấy que vào một thời điểm khác, chị em phải chờ ít nhất 7 ngày để que tránh thai phát huy tác dụng. Trong khoảng thời gian này nếu có hoạt động tình dục, chị em cần sử dụng bao cao su để tránh mang thai ngoài ý muốn. Trước khi cấy que, chị em cần thăm khám, kiểm tra chắc chắn bản thân không mang thai để tránh nguy hiểm.
Vì sao sau cấy que tránh thai bị rong kinh?
Cũng như các phương pháp tránh thai khác, cấy que tránh thai hoạt động dựa trên cơ chế tác động đến nội tiết tố trong cơ thể, vì thế chị em có thể gặp phải tình trạng rong kinh sau khi cấy que tránh thai. (2)
Bác sĩ Ngọc Thoại cho biết, thủ thuật cấy que tránh thai được thực hiện bằng cách đưa một que nhựa nhỏ chứa hormone progestin vào dưới da cánh tay của phụ nữ. Khi được cấy vào da, hormone này sẽ phóng thích dần vào cơ thể để phát huy tác dụng ngừa thai, điều này có thể gây ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể. Do đó, trong khoảng thời gian đầu sau khi cấy que, chị em có thể bị xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt như kỳ kinh dài hơn, ngắn hơn, rong kinh hoặc mất kinh. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 17,7% trường hợp gặp tình trạng rong kinh sau khi cấy que tránh thai.

Cấy que tránh thai bị rong kinh kéo dài bao lâu?
Tùy vào cơ địa mỗi người mà tình trạng rong kinh có thể kéo dài khác nhau, có người chỉ bị rong kinh một vài tháng sau khi cấy que, có người lại kéo dài cả năm hoặc thậm chí bị mất kinh, còn gọi là vô kinh, sau đó đột nhiên có kinh bình thường. (3)
Thậm chí, ngoài bị rong kinh chị em có thể gặp nhiều tác dụng phụ của que tránh thai khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nổi mụn, tăng cân… Bác sĩ Ngọc Thoại khuyến cáo, nếu các tác dụng phụ sau cấy que tránh thai ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Những trường hợp không tương thích với phương pháp cấy que sẽ được bác sĩ tư vấn áp dụng biện pháp tránh thai khác phù hợp và an toàn hơn.
Bị rong kinh sau khi cấy que tránh thai có nguy hiểm không?
Tình trạng rong kinh kéo dài sau cấy que tránh thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và chất lượng sống của chị em phụ nữ. Cụ thể là:
Về sức khỏe
Khi bị rong kinh kéo dài chị em sẽ mất lượng máu khá nhiều, vì vậy chị em dễ gặp phải những vấn đề như thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, sụt cân và yếu ớt vì thiếu máu.
Về tâm sinh lý
Rong kinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống chăn gối vợ chồng, lâu dần ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Ngoài ra, tình trạng rong kinh khiến chị em gặp nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như dễ bị viêm nhiễm, ngứa ngáy ở vùng kín, thay băng vệ sinh nhiều lần trong ngày… khiến chị em khó chịu, stress và dễ cáu gắt hơn bình thường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chị em không cần quá lo lắng nếu sau khi cấy que tránh thai bị rong kinh kéo dài trong khoảng 6 tháng và lượng máu kinh không quá nhiều. Tuy nhiên, đối với những trường hợp rong kinh kéo dài hơn 6 tháng, lượng máu kinh ồ ạt và không có dấu hiệu kết thúc, chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và can thiệp. Một số tình huống cần chuyển đổi sang phương pháp tránh thai khác phù hợp với cơ địa. (4)
Cấy que tránh thai bị rong kinh phải làm sao?
Bác sĩ Ngọc Thoại nhắn nhủ, khi bị rong kinh sau khi cấy que tránh thai chị em không cần quá bận tâm lo lắng. Thay vào đó, chị em cần xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, duy trì tâm trạng vui vẻ và thoải mái… để giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại sự cân bằng nội tiết tố. Khi nội tiết tố trong cơ thể cân bằng trở lại, tình trạng rong kinh sẽ tự biến mất, chị em có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Phòng ngừa rong kinh sau cấy que tránh thai bằng cách nào?
Để tránh bị rong kinh cũng như các tác dụng phụ khó chịu khác sau khi cấy que tránh thai, chị em cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:
- Lựa chọn cấy que ngừa thai ở những cơ sở y tế uy tín, cơ sở vật chất khang trang, máy móc hiện đại, phòng thủ thuật đảm bảo tiêu chí vô trùng, đặc biệt là thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tay nghề vững vàng… đảm bảo thực hiện thủ thuật nhanh chóng, nhẹ nhàng, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
- Trước khi cấy que, chị em cần thăm khám và kiểm tra xem bản thân có mang thai hay không, cũng như đảm bảo không nằm trong các nhóm chống chỉ định của phương pháp. Bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em phương pháp tránh thai phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất.
- Sau khi cấy que, chị em cần duy trì tinh thần thoải mái, tránh sự căng thẳng hoặc áp lực làm tăng mức độ nặng nề của các tác dụng phụ nếu có. Đồng thời áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết, tránh sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, kết hợp tập luyện thể dục điều độ, vừa sức… để nâng cao sức khỏe, giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể là cách hạn chế tình trạng rong kinh kéo dài.
- Quan trọng nhất, chị em cần tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ trong chăm sóc và theo dõi vùng da cấy que tránh thai. Tái khám theo chỉ định của bác sĩ hoặc thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường để được can thiệp xử lý kịp thời.
Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, cơ sở vật chất khang trang, hệ thống trang thiết bị hiện đại, phòng thủ thuật vô trùng, que thử thai được bảo quản tốt nhất… là địa chỉ cấy que tránh thai uy tín mà chị em có thể tham khảo lựa chọn.
Quy trình thủ thuật cấy que tránh thai tại PlinkCare gồm các bước sau:
- Trước khi cấy que: bác sĩ sẽ thăm khám, làm các kiểm tra cần thiết để loại trừ tình huống chống chỉ định của phương pháp. Khi chị em đủ điều kiện cấy que, bác sĩ sẽ trao đổi đầy đủ những thông tin của phương pháp trước khi đưa ra quyết định sau cùng.
- Tiến hành thủ thuật: đầu tiên bác sĩ sẽ sát trùng và gây tê vùng da dưới cánh tay của chị em, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng để cấy que tránh thai vào và quấn băng chỗ cấy trong vòng 24 giờ. Thủ thuật diễn ra nhẹ nhàng và nhanh chóng, thường chỉ mất khoảng 10-15 phút.
- Sau khi cấy que: bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em cách theo dõi và chăm sóc vùng da cấy que tránh thai tại nhà.
Để đặt lịch khám và tư vấn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống PlinkCare, chị em vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em biết được cấy que tránh thai bị rong kinh phải làm sao, từ đó biết lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Nếu còn bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống PlinkCare để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!