
Cao răng (vôi răng) là gì? Nguyên nhân và quá trình hình thành
Cao răng là gì?
Cao răng, còn được gọi là vôi răng là mảng bám đã bị vôi hóa bởi các khoáng chất trong nước bọt, hình thành bên dưới và bên trên đường viền nướu.
Trong miệng của bạn luôn luôn tồn tại vi khuẩn, ngay cả khi đã vệ sinh răng miệng. Vi khuẩn trộn lẫn với protein và thức ăn thừa dính trên răng tạo thành một lớp màng dính gọi là mảng bám răng. Những mảng bám này bao phủ răng, lâu ngày chúng trở nên cứng và biến thành cao răng, không thể loại bỏ được bằng cách chải răng thông thường.
Cao răng chứa nhiều vi khuẩn, làm hỏng men răng, khiến nướu trở nên thô và xốp, có thể tụt khỏi răng. Cao răng chỉ được loại bỏ bằng những biện pháp vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp, chuẩn nha khoa. Khi không được làm sạch, cao răng sẽ gây các bệnh nướu răng, trong đó có viêm nha chu nguy hiểm. (1)

Phân loại cao răng
1. Cao răng thường
Cao răng thường xuất hiện ở cổ răng, có màu trắng đục hoặc vàng nhạt. Riêng với người hay hút thuốc lá, chúng sẽ có màu sẫm hơn. Cao răng thường gây viêm nướu, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây chảy máu chân răng, máu ngấm vào lớp cao răng và chuyển thành cao răng huyết thanh.
2. Cao răng huyết thanh
Cao răng huyết thanh thường nằm ở nướu dưới, có màu đỏ nâu hoặc nâu đen. So với cao răng thường, cao răng huyết thanh chứa nhiều vi khuẩn hơn, gây viêm nướu và đẩy nhanh tốc độ nhiễm khuẩn chân răng.
Phân độ cao răng
1. Cao răng cấp độ 1
Cao răng cấp độ 1 là cao răng giai đoạn mới hình thành. Mảng cao răng còn mỏng và có tông màu nhạt, có thể thấy một chút ánh trắng nhẹ tại khu vực đường viền nướu. Cao răng cấp độ 1 có thể loại bỏ bằng cách chải răng đều đặn nhưng không thể làm sạch hoàn toàn.
2. Cao răng cấp độ 2
Cao răng cấp độ 2 cứng và dày hơn nhiều so với cấp độ 1 nhưng màu sắc vẫn còn khá nhạt. Cao răng giai đoạn này đã bám chặt vào răng, phải dùng các dụng cụ cạo vôi răng chuyên dụng mới làm sạch được.
3. Cao răng cấp độ 3
Cao răng cấp độ 3 dễ nhận biết hơn vì đã chuyển sang màu vàng sậm. Chúng thường xuất hiện ở mặt trong của răng, dày và cứng, khó loại bỏ. Trong một số trường hợp, cao răng cấp độ 3 có thể xuất hiện ở mặt ngoài răng.
4. Cao răng cấp độ 4
Cấp độ 4 là cấp độ nặng nhất của cao răng, lúc này cao răng đã chuyển sang màu sậm hơn, thậm chí màu đen. Chúng bắt đầu tấn công chân răng, xuống xương hàm và tìm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng.

Cao răng hình thành như thế nào?
Mỗi người trong chúng ta đều có vi khuẩn sống trong miệng. Khi chúng ta ăn thực phẩm có chứa đường và tinh bột mà không chải răng kỹ lưỡng, vi khuẩn sẽ tích tụ hình thành mảng bám và bài tiết axit gây xói mòn men răng và lắng đọng các protein khoáng hóa hình thành vôi răng/cao răng. (2)
Cao răng chủ yếu chứa vi khuẩn chết đã khoáng hóa, trộn với một lượng nhỏ protein khoáng hóa từ nước bọt. Trong vôi răng chứa các khoáng chất như:
- Canxi photphat.
- Canxi carbonat.
- Magie photphat.
Nếu không được làm sạch, những mảng bám này sẽ hấp thụ canxi, các chất khác trong thức ăn và nước bọt và cứng dần lên. Theo thời gian, cao răng trở nên sẫm màu, cứng, dày hơn và khó loại bỏ.
Nguyên nhân bị vôi răng là gì?
Khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm và đồ uống, đặc biệt những loại có nhiều đường, vi khuẩn trong miệng sẽ ăn đường để phát triển và hình thành mảng bám răng. Nếu không được loại bỏ đúng cách, sự kết hợp của nước bọt, thức ăn và vi khuẩn sẽ tạo thành cao răng trên tất cả bề mặt các răng.
Việc không thường xuyên loại bỏ mảng bám trên răng, khiến chúng có thể biến thành vôi răng. Vì vậy, cao răng thường là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém.

Tác hại của cao răng
Cao răng không thể làm sạch hoàn toàn bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa như bình thường. Cao răng hình thành phía trên viền nướu dễ dẫn đến sâu răng và hôi miệng.
Theo thời gian, cao răng gây ra các bệnh nướu răng tiến triển, nhẹ nhất là viêm nướu. Vôi răng có thể được ngăn chặn và khắc phục nếu bạn đánh răng, dùng chỉ nha khoa, sử dụng nước súc miệng sát trùng và được nha sĩ làm sạch thường xuyên.
Nếu không được loại bỏ và vệ sinh đúng cách, cao răng gây viêm nướu, hình thành các túi giữa nướu và răng do nhiễm vi khuẩn, tiến triển thành bệnh nha chu. Khi bị bệnh nha chu, hệ thống miễn dịch sẽ có những phản ứng để chống lại vi khuẩn, khiến tình trạng viêm nướu trở nên tồi tệ hơn. Viêm nha chu có thể làm hỏng xương và các mô giữ răng, dẫn đến mất răng. Bệnh còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
Làm sao để biết có cao răng tích tụ hay không?
Có thể dễ dàng phát hiện sự tích tụ cao răng trên bề mặt răng, vì chúng thường có màu vàng hoặc nâu. Trong quá trình kiểm tra và làm sạch răng định kỳ, chuyên gia nha khoa sẽ phát hiện và loại bỏ cao răng.
Tại nhà, bạn có thể kiểm tra xem mình có đang loại bỏ mảng bám răng đúng cách hay không, bằng cách sử dụng thuốc làm lộ mảng bám, có thể mua không cần toa bác sĩ tại nhiều hiệu thuốc. Tác dụng của thuốc sẽ để lộ những vùng có mảng bám còn sót lại, những mảng bám này sẽ bị ố tạm thời.
Làm thế nào để ngăn ngừa cao răng?
Để tránh các vấn đề như sâu răng và bệnh nướu răng, tốt nhất bạn nên ngăn ngừa cao răng hình thành ngay từ đầu. Để giúp ngăn ngừa sự tích tụ cao răng trên răng có một số cách như sau:
- Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày: dùng bàn chải đánh răng có lông mềm và kem đánh răng có florua. Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng có dán nhãn chất lượng của thương hiệu uy tín, để đảm bảo về tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm.
- Dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày: sử dụng chỉ nha khoa truyền thống hoặc bàn chải kẽ răng để loại bỏ thức ăn thừa bám vào kẽ răng. Có thể hỏi nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng để được tư vấn về những sản phẩm cụ thể.
- Dùng nước súc miệng kháng khuẩn: súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn, không chứa cồn 2 lần 1 ngày. Điều này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra sự tích tụ mảng bám và cao răng.
- Không sử dụng thuốc lá: những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển cao răng cao hơn so với người bình thường.
- Đến nha sĩ thường xuyên để kiểm tra và làm sạch định kỳ: đánh răng và dùng chỉ nha khoa tại nhà là điều cần thiết để có răng và lợi khỏe mạnh. Nhưng bạn vẫn cần khám và làm sạch răng chuyên nghiệp, 2 lần/1 năm. Nếu tình trạng tệ hơn, bạn có thể cần cạo vôi răng thường xuyên hơn.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh nhờ thức ăn có đường và tinh bột. Khi tiếp xúc với những thực phẩm đó, chúng sẽ tiết ra axit có hại. Một chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế lượng thức ăn có đường, đồ ăn nhẹ, chải răng và uống nhiều nước trong và sau bữa ăn.
- Chọn kem đánh răng kiểm soát cao răng có chứa fluor: fluor sẽ giúp sửa chữa hư hỏng men răng. Một số sản phẩm làm sạch răng miệng có chứa hoạt chất triclosan chống lại vi khuẩn trong mảng bám.

Răng bị đóng vôi: Khi nào cần đến nha sĩ?
Khi nào cần đến nha sĩ phụ thuộc vào nhu cầu và tốc độ đóng vôi răng của bạn. Một số người có tốc độ hình thành mảng bám và cao răng nhanh hơn những người khác. Hầu hết, mọi người cần lấy cao răng 6 tháng/1 lần. Nhưng nếu có bất kỳ vấn đề như sâu răng và bệnh nướu răng hãy đến gặp nha sĩ để thăm khám, đặt lịch làm sạch cao răng phù hợp.
Nếu có nhu cầu làm sạch cao răng bạn có thể đến ngay khoa Răng Hàm Mặt, PlinkCare TP.HCM. Bệnh viện quy tụ nhiều bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm cùng trang máy móc, thiết bị hiện đại có thể giúp bạn nhanh chóng làm sạch vôi răng, chăm sóc hiệu quả sức khỏe răng miệng.
Khi cao răng đã hình thành, chỉ có chuyên gia nha khoa mới có thể loại bỏ được chúng. Vì vậy, hãy đến nha sĩ 6 tháng 1 lần để loại bỏ mảng bám và cao răng. Vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa vôi răng hình thành và các vấn đề răng miệng và sức khỏe khác.