Image

Cách giảm liều Corticoid có thể bạn chưa biết

Corticoid là gì?

Corticoid (hoặc steroid, corticosteroid và glucocorticoid) là thuốc trị viêm, phải được bác sĩ kê đơn dùng để điều trị cho người bệnh phát ban, dị ứng, hen suyễn, rối loạn tự miễn… Corticoid có nhiều dạng khác nhau: thuốc viên, kem, thuốc tiêm, thuốc hít và truyền IV (tiêm tĩnh mạch). (1)

Corticoid có tác dụng ngăn viêm khá nhanh, tuy nhiên chúng cũng đi kèm với nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn. Tác dụng phụ có nguy cơ tăng lên khi dùng liều cao hoặc thời gian sử dụng kéo dài. Vì vậy, lý tưởng nhất là người bệnh sử dụng corticoid theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng của từng loại bệnh.

Việc ngừng sử dụng corticoid đột ngột sẽ tạo ra những tác dụng không mong muốn, vì vậy lượng thuốc nạp vào cơ thể cần được giảm dần theo lộ trình được bác sĩ khuyến nghị.

Vì sao cần giảm liều dùng Corticoid

Tuyến thượng thận, nằm ở đầu quả thận, chịu trách nhiệm sản xuất cortisol, một loại hormone chống stress tự nhiên của cơ thể. Khi bị stress, tuyến thượng thận sẽ sản xuất ra nhiều cortisol giúp cơ thể vượt qua giai đoạn stress. Khi người bệnh dùng thuốc chứa corticoid liều lượng cao hoặc trong thời gian dài, quá trình sản xuất cortisol tự nhiên sẽ bị ức chế. Về mặt y học, điều này được gọi là ức chế vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA). Do đó, người bệnh cần giảm liều dùng corticoid từ từ để cơ thể có thể bắt đầu sản xuất cortisol trở lại. Giảm dần liều corticoid theo thời gian cho phép tuyến thượng thận tiếp tục sản xuất cortisol tự nhiên về mức bình thường. (2)

Cortisol là một loại hormone quan trọng cần thiết cho hầu hết mọi bộ phận trên cơ thể. Các tác dụng của cortisol có thể kể đến như:

  • Điều chỉnh phản ứng với căng thẳng (stress).
  • Tăng đường huyết.
  • Tham gia quá trình trao đổi chất của cơ thể.
  • Giảm viêm, sưng.
  • Chống tụt huyết áp.
  • Tác động đến chu kỳ giấc ngủ (ngủ – thức).
Tác dụng phụ của corticoid có thể khác nhau
Tác dụng phụ của corticoid có thể khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng thuốc toàn thân hay cục bộ, liều lượng, loại corticoid và thời gian điều trị.

Tác dụng phụ của corticoid có thể khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng thuốc toàn thân hay cục bộ, liều lượng, loại corticoid và thời gian điều trị. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm tăng cân, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, dễ bầm tím, khởi phát hoặc làm bệnh tiểu đường thêm nặng cũng như huyết áp cao. (3)

Các tác dụng phụ cũng khác nhau tùy theo thể trạng mỗi người. Các tác dụng phụ được liệt kê ở trên thường không xuất hiện khi thỉnh thoảng tiêm corticoid để điều trị viêm khớp, viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch. Nếu chỉ sử dụng corticoid trong một khoảng thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần thì thường không xuất hiện các tác dụng phụ.

Nếu người bệnh tiếp tục sử dụng corticoid liên tục trong thời gian dài hơn, chẳng hạn như trong vài tháng hoặc nhiều năm, tác dụng phụ sẽ tăng lên. Việc sử dụng corticoid trong thời gian dài với liều cao chỉ được sử dụng trong khi mắc bệnh nghiêm trọng và được bác sĩ cùng hội chẩn để chỉ định.

Tác dụng phụ của corticoid có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng corticoid tại chỗ khi có thể. Tương tự, bạn nên sử dụng liều lượng thuốc nhỏ nhất cần thiết để kiểm soát tình trạng bệnh. Liều cũng có thể giảm theo thời gian, miễn sao tình trạng bệnh được kiểm soát.

Cách giảm liều Corticoid

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng corticoid để điều trị với liều lượng khác nhau hoặc ở các khoảng thời gian khác nhau. Liều lượng cũng có thể phụ thuộc vào cân nặng của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên tuân thủ đúng lộ trình mà bác sĩ đưa ra, tuyệt đối không tự ý ngừng sử dụng thuốc đột ngột dễ gây ra những biến chứng và hậu quả khôn lường cho sức khỏe.

bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng các loại corticoid
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng các loại corticoid khác nhau để điều trị.

Khi nào cần giảm liều Corticoid

Không có lộ trình giảm liều corticoid nào phù hợp cho tất cả mọi người, tuy nhiên sẽ có một số yếu tố khiến người bệnh cần giảm liều corticoid, như là dùng thuốc liều cao và đã xuất hiện các tác dụng phụ (tăng cân, tăng mỡ ở gáy, mặt tròn, tăng huyết áp, tăng đường huyết, đỏ mỏng da, xuất huyết da/rạn da tại vị trí bôi thuốc…).

Các triệu chứng phổ biến nhất của việc giảm liều corticoid bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Nhức mỏi cơ thể.
  • Suy nhược.
  • Chóng mặt.
  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn.
  • Đau khớp.
  • Cảm giác kiệt sức (như bị cảm lạnh hoặc cúm).

Việc giảm thuốc corticoid có thể làm người bệnh cảm thấy không thoải mái. Nếu cơ thể xuất hiện bất cứ dấu hiệu sức khỏe nào bất thường trong quá trình giảm liều thuốc, cần thảo luận ngay với bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ giải thích về các triệu chứng hoặc giảm tốc độ cai thuốc để giảm tác dụng phụ.

Dễ mệt mỏi là triệu chứng ban đầu khi giảm liều corticoid
Dễ mệt mỏi là triệu chứng ban đầu khi giảm liều corticoid.

Liều tương đương Corticoid

Các corticoid khác nhau sẽ có hiệu lực chống viêm khác nhau, thời gian hiệu quả khác nhau, đồng thời cả tác dụng giữ muối, nước cũng khác nhau. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn liều corticoid để điều trị cho bệnh nhân sao cho hiệu quả. Ví dụ, người bệnh sử dụng 5mg prednisolone đường uống sẽ tương đương với 0,75mg dexamethasone (IV hoặc đường uống).

Prednisone là corticosteroid toàn thân được sử dụng rộng rãi nhất. Chất này thường được sử dụng như một chất chống viêm và ức chế miễn dịch do hoạt tính chống viêm cao hơn so với hoạt tính giữ muối nước của Mineralocorticoid.

Methylprednisolone, mặc dù tương tự như prednisone và prednisolone, có hoạt tính giữ nước thấp hơn, vì vậy methylprednisolone có thể được ưu tiên sử dụng hơn khi không cần khả năng giữ nước.

Dexamethasone có ít hoạt tính giữ muối, hoạt tính chống viêm mạnh hơn nhiều so với prednisone và prednisolone và thời gian tác dụng dài hơn, vì vậy rất hiệu quả trong các phương pháp điều trị cần GC liều cao. Tuy nhiên, do hiệu lực cao nên điều trị lâu dài bằng dexamethasone có thể dẫn đến ức chế nghiêm trọng trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận. Do đó, dexamethasone thường được sử dụng ngắn hạn để điều trị các tình trạng cấp tính, rất nghiêm trọng. Ngoài ra, dexamethasone không phù hợp với liệu pháp thay thế trong ngày vì thời gian tác dụng kéo dài của thuốc.

Cortisone và hydrocortisone là những corticosteroid kém hiệu quả nhất, có nguồn gốc tự nhiên, thời gian tác dụng ngắn, tác dụng chống viêm thấp, được sử dụng với liều cao và thường được cân nhắc điều trị ở người bệnh suy tuyến thượng thận.

Tác dụng giữ nước muối của Fludrocortisone lớn hơn nhiều so với tác dụng chống viêm nên thường được sử dụng để thay thế aldosterone trong điều trị bệnh Addison (suy vỏ thượng thận nguyên phát) và tăng sản vỏ thượng thận bẩm sinh (CAH).

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, cùng Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, PlinkCare TP.HCM với trang thiết bị và máy móc hiện đại, hệ thống phòng khám chuẩn 5 sao cùng với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm chuyên thăm khám, điều trị hiệu quả bệnh lý nội tiết và các bệnh về da, giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Bài viết trên đã chia sẻ cụ thể hơn về cách giảm liều corticoid có thể bạn chưa biết. Để bảo vệ sức khỏe, người bệnh không nên tự ý mua hoặc sử dụng corticoid khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa, cũng không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send