
3 cách giảm đau vùng thượng vị hiệu quả và lưu ý khi điều trị
Thế nào là đau vùng thượng vị?
Thượng vị nằm ở vùng bụng từ rốn trở lên đến phía xương ức. Đây là nơi tập trung nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể như dạ dày, thực quản, mật, tụy… Đau vùng thượng vị có thể do các bệnh lý như: viêm thực quản, viêm tụy cấp, sỏi mật, ung thư tuyến tụy; các bệnh lý của hệ tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc tiêu hóa, viêm ruột thừa. Đau bụng trên còn có thể liên quan các bộ phận ngoài ổ bụng như tim, màng phổi, cơ hoành…
Tùy vào bệnh lý, biểu hiện đau cũng khác nhau, đau âm ỉ kéo dài hoặc quằn quại dữ dội, đau nhói ra phía sau. Những cơn đau thượng vị liên quan đến đường tiêu hóa thường có các triệu chứng đi kèm như chướng bụng, ợ hơi, khó tiêu, buồn nôn, nóng rát vùng cổ ngực, tiêu chảy… Cơn đau thường xuất hiện ngay sau ăn, hoặc khi nằm liền sau bữa ăn.

Cách giảm đau vùng thượng vị
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách giảm đau khác nhau. Trường hợp đau nhẹ, ảnh hưởng do lối sống có thể điều chỉnh tại nhà, sử dụng thuốc không kê đơn và kê đơn. Do đó, có những cách điều trị, giảm đau vùng thượng vị sau đây:
1. Dùng thuốc điều trị
Hầu hết các trường hợp đau vùng thượng vị thường liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc dùng thuốc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân mắc bệnh. Các loại thuốc thường được chỉ định để điều trị đau vùng thượng vị do tình trạng dư acid và viêm dạ dày là: thuốc trung hòa acid dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm tiết acid dạ dày,…
2. Khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa
Không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng cách chữa đau thượng vị tại nhà. Do đó, người bệnh cần thăm khám ngay nếu gặp các tình trạng sau đây:
- Đau dữ dội, xảy ra đột ngột hoặc kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm
- Cơn đau lan xuống vai và cánh tay
- Đau vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng khó thở, ho ra máu
- Nuốt khó, nuốt đau kéo dài
- Nôn ra máu, đi tiêu ra máu đỏ hoặc đen
- Sốt cao
- Đau ngực
- Ngất
- Nôn ói kéo dài, tái phát, tiêu chảy kéo dài
- Sụt cân
- Đau bụng kéo dài, tiến triển ngày càng nặng dần
- Thiếu máu
- Nổi hạch
- Khối u ở bụng
- Có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (ợ nóng, ợ chua) và gia đình có người bị ung thư dạ dày thực quản
- Có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản không điển hình, mới xuất hiện gần đây, đặc biệt ở người trên 45-50 tuổi
- Thay đổi đột ngột thói quen đi tiêu (tiêu chảy, táo bón) hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa khác, đặc biệt ở người trên 50 tuổi.
- Triệu chứng đau bụng thường xảy ra về đêm
- Có triệu chứng bệnh đường tiêu hóa ở những người có tiền căn gia đình bị ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng.
3. Các biện pháp khác
Đối với những trường hợp đau thượng vị xuất phát từ lối sống, thói quen sinh hoạt, thì có thể áp dụng một số mẹo sau đây để làm giảm cơn đau: (1)
3.1 Nhai kẹo cao su
Nhai kẹo cao su sau bữa ăn là mẹo giúp giảm chứng ợ nóng hiệu quả. Việc nhai kẹo sẽ kích thích tăng tiết nước bọt, làm giảm nồng độ acid đang dư thừa trong thực quản. Nhờ đó, có thể làm giảm trào ngược acid và chứng ợ nóng. Vì vậy, nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn 30 phút là cách giảm đau vùng thượng vị dễ thực hiện.
3.2 Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Việc ăn no một lúc sẽ tạo áp lực lên dạ dày, gây khó chịu, khiến acid trào ngược lên thực quản. Do đó, hãy chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) nhằm giảm tình trạng căng và giảm acid của dạ dày, nhờ đó cải thiện cơn đau vùng thượng vị.
Ngoài ra, mọi người cần ăn chậm, nhai kỹ, chọn thức ăn mềm để giảm bớt áp lực cho dạ dày.

3.3 Kiêng bia rượu, chất béo, chất kích thích
Để cải thiện những cơn đau ở vùng thượng vị nên hạn chế rượu bia, thuốc lá, cà phê đậm, các loại gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, đồ muối chua, thức ăn lên men như tương, chao, mắm… Vì những thực phẩm này gây kích thích, kích ứng dạ dày khiến bệnh thêm trầm trọng. Việc tiêu thụ chất béo quá nhiều từ đồ ăn chiên rán, pizza, xúc xích, thịt xông khói… có thể làm triệu chứng nặng thêm.
3.4 Không nằm ngay sau khi ăn
Thói quen đi nằm ngay sau khi ăn sẽ làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản. Vì vậy, chỉ nên nằm sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ, tránh nguy cơ trào ngược dạ dày, đồng thời phòng ngừa các cơn đau ở vùng thượng vị.
3.5 Nằm nghiêng bên trái và kê gối cao khi ngủ
Hai tư thế ngủ tốt nhất cho những người có vấn đề về hệ tiêu hóa là nằm nghiêng bên trái và nằm ngửa kê gối cao. Tư thế này giúp làm giảm đáng kể tình trạng trào ngược dạ dày. Tư thế nằm nghiêng bên trái sẽ làm giảm áp lực và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm tiết dịch vị, ngăn ngừa tình trạng dư thừa acid trong dạ dày gây ợ hơi, ợ chua, nhờ đó sẽ giảm các cơn đau của dạ dày.
3.6 Kiểm soát cân nặng
Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ gây đau vùng thượng vị cao hơn những đối tượng khác. Do vậy, hãy kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý. Nếu bạn đang ở mức cân nặng dư thừa hãy lên kế hoạch giảm cân khoa học bằng chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì vận động mỗi ngày.
Những lưu ý khi trị đau vùng thượng vị
Đau vùng thượng vị có rất nhiều nguyên nhân, do vậy để khắc phục tình trạng này tận gốc cần thăm khám để tìm ra căn nguyên, từ đó có thể kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả. Trường hợp cơn đau kéo dài, kèm theo một số triệu chứng đi kèm như nôn ói, tiêu chảy, tiêu ra máu, chán ăn, cơ thể mệt mỏi thì cần thăm khám ngay.
Bên cạnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống theo hướng tích cực và lành mạnh, cả về dinh dưỡng, vận động. Nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu, duy trì hoạt động thể dục thể thao phù hợp 150 phút/tuần giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe toàn thân; thăm khám sức khỏe 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh lý (nếu có) kịp thời. Không nên tự ý sử dụng hoặc lạm dùng thuốc điều trị sẽ gây phản ứng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Với những triệu chứng nhẹ, trước tiên cần thay đổi lối sống. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, cần tư vấn bác sĩ hướng điều trị uống thuốc hay phẫu thuật can thiệp.

Chữa đau vùng thượng vị có khỏi không?
Đau thượng vị chữa khỏi không còn liên quan nguyên nhân gây bệnh, bệnh lý gây ra cũng như giai đoạn bệnh. Đau thượng vị trong thời gian ngắn thường đến từ hệ tiêu hóa, nếu phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu những cơn đau kéo dài dai dẳng, kèm theo triệu chứng bất thường có thể là những bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng như bệnh gan, tim mạch, ung thư… Do đó, người bệnh cần được phát hiện và điều trị tích cực từ sớm.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc những bệnh lý tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Những cách giảm đau vùng thượng vị trên đây có thể sẽ giúp bạn chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Nhất là khi cơn đau ở vị trí này xảy ra. Tuy nhiên, cần chú ý đến những biểu hiện đi kèm hoặc khi triệu chứng đau tái lại nhiều lần, không thuyên giảm, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị nếu cơn đau vùng thượng vị là biểu hiện của bệnh lý.