
Cách điều trị tai biến mạch máu não và xét nghiệm chẩn đoán
- TTƯT.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ – Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, PlinkCare TP.HCM.
- TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, PlinkCare TP.HCM.
- BS Nội trú, CKI Dương Đình Hoàn – Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, PlinkCare TP.HCM.
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đồng thời cũng để lại những di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh về sau. Nguyên nhân gây bệnh có thể do một khiếm khuyết trong mạch máu não, tại tim, hay nhiều nguyên nhân khác khiến việc chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh lý tai biến mạch máu não cần có sự thăm khám cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa.
Vậy, bệnh tai biến mạch máu não có chữa được không, cách điều trị tai biến mạch máu não như thế nào?
Chẩn đoán tai biến mạch máu não như thế nào?
Tai biến mạch máu não, hay thường gọi là đột quỵ, là một biến cố không mong muốn diễn ra trên hệ tuần hoàn của não bộ. Tai biến này có thể xảy ra theo hai hình thức là nhồi máu não (một cục máu đông làm thuyên tắc mạch máu) hoặc xuất huyết não (vỡ mạch máu). Cả hai đều có chung một số các biểu hiện ra bên ngoài như:
- Đột ngột yếu một nửa người bên trái, bên phải hoặc 1 chi.
- Đột ngột nói đớt, khó nói, lệch mặt, hoặc khó hiểu ngôn ngữ.
- Đột ngột nhìn mờ một nửa bên mắt,…
- Đau đầu dữ dội một cách bất chợt không có nguyên nhân
Với các biểu hiện như trên, tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh lý này. Một cách đơn giản, có thể chia ra thành 2 nhóm cận lâm sàng với 2 mục đích khác nhau.
Nhóm các chỉ định cận lâm sàng dùng để chẩn đoán bệnh, từ đó có cách điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả: (1)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) sọ não không thuốc cản quang: Giúp tìm ra nhanh chóng những ổ máu tụ, những vùng não bị tổn thương nặng, vốn có màu sắc và độ đậm khác biệt so với nhu mô não. Kết quả CT scan sọ sẽ định hướng vị trí cũng như phương pháp can thiệp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) sọ não có cản quang: Khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa vào mạch máu của bạn hợp chất có khả năng phản chiếu tia X của máy CT. Chúng chạy dọc theo mạch máu và bộc lộ những đoạn mạch bất thường trong tai biến mạch máu não. Thường sẽ thực hiện sau phim CT không thuốc.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não: Một khi có tắc mạch máu của não bộ, phần mô não tương ứng sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu nuôi, gây ra các triệu chứng của người bệnh. Các sóng từ trường của máy MRI giúp đánh giá chính xác hơn các vùng nhu mô não bị thiếu máu, đồng thời khảo sát, đánh giá các mạch máu não, các cấu trúc và chức năng não.
Nhóm các chỉ định cận lâm sàng dùng để tìm nguyên nhân gây tai biến mạch máu não:
- Điện tâm đồ (ECG) tại giường và siêu âm tim: Là những phương tiện cơ bản để phát hiện nguồn gốc của cục huyết khối có phải đến từ tim hay không.
- Siêu âm động mạch cảnh: Động mạch cảnh bên trái và bên phải là hai mạch máu cung cấp phần lớn máu cho vùng đầu và não bộ. Theo thời gian, vùng mạch máu này có thể bị xơ vữa và trở thành nơi tạo huyết khối. Khi phần khuyết khối hay mảng xơ này bong ra, có thể trở thành tác nhân gây huyết tắc tại mạch máu não.
- Chụp mạch não số hóa xóa nền: là một thủ thuật tiên tiến và là tiêu chuẩn vàng của các bệnh lý liên quan động mạch não, bác sĩ sẽ dùng một ống thông (catheter) chuyên biệt đưa vào động mạch vùng bẹn, đi qua các mạch máu chính để lên não. Đến nơi tổn thương, bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang để khảo sát chi tiết vùng bị tổn thương.
- Một số xét nghiệm máu khác để đánh giá chức năng đông máu, chức năng gan, thận, trước khi thực hiện các biện pháp can thiệp.
Việc chẩn đoán và tìm nguyên nhân sẽ giúp hỗ trợ bác sĩ có thể tìm ra cách điều trị tai biến mạch máu não phù hợp.

Cách điều trị tai biến mạch máu não
Điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não bao gồm việc sơ cứu tại hiện trường, điều trị tại bệnh viện và các biện pháp dự phòng tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn phải là nhận định loại tai biến là dạng nhồi máu não hay xuất huyết não.
Sơ cứu tai biến
Nhận biết sớm một người đang bị tai biến mạch máu não là cách có thể giúp cứu sống 50% trường hợp. Làm thế nào để phát hiện một bệnh nhân sắp bị tai biến mạch máu não? Khi người bệnh có các triệu chứng như tê tay, tê chân, yếu liệt tứ chi, méo miệng, méo một bên mặt, đột ngột đau đầu dữ dội không thuyên giảm, khó nói, không thể phát âm rõ thành tiếng, không hiểu người đối diện đang nói gì, không thể diễn đạt ý định của mình, mất ý thức, hôn mê,… thì đây chính là các dấu hiệu tai biến mạch máu não.
Lúc này, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Cần lưu ý, tuyệt đối không chích kim vào đầu ngón tay người bệnh hoặc cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác. Không để người bệnh ở nhà tự điều trị.
Ngoài ra, có thể dựa theo nguyên tắc F.A.S.T để nhận biết dấu hiệu ở một người bị đột quỵ:
- Face Drooping (Yếu liệt mặt đột ngột một bên)
- Arm Weakness (Đột ngột yếu tay chân)
- Speech Difficulty (Đột ngột nói chuyện khó khăn, nói đớ hoặc mất hiểu ngôn ngữ)
- Timing to call (Phải gọi ngay đến cơ sở y tế gần nhất).
Xem thêm: Sơ cứu đột quỵ tại nhà đúng cách, khoa học: Lưu ý khi xử lý.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây tai biến mạch máu là do thuyên tắc mạch hay xuất huyết não.
Đối với thuyên tắc mạch máu não do huyết khối, việc tái lập lại sự lưu thông của mạch máu não là điều quan trọng nhất. Tuần hoàn máu não đang bị tắc nghẽn, có thể được tái lưu thông trở lại bằng thuốc hoặc bằng thủ thuật can thiệp. Sau đó, người bệnh được theo dõi tại viện để tìm kiếm nguyên nhân hay các yếu tố thúc đẩy sự hình thành cục huyết khối trong mạch máu não. Từ đó, người bệnh và bác sĩ cùng giải quyết triệt để nguồn căn cũng như có chiến lược dự phòng tiếp theo.
Đối với xuất huyết não do vỡ mạch máu não, điều cần thiết là phải đánh giá được mức độ chảy máu cũng như kiểm soát khẩn cấp các nguyên nhân khiến mạch máu bị vỡ. Một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như:
- Vỡ túi phình động mạch não
- Xuất huyết não do cao huyết áp
- Tai biến từ thuốc chống đông máu, thuốc tiêu sợi huyết
- Chấn thương sọ não
- Các bệnh lý mạch máu não khác
Phần lớn xuất huyết não tự phát do nguyên nhân cao huyết áp, nếu ổ xuất huyết nhỏ có thể điều trị nội khoa theo dõi, khi tình trạng xuất huyết nặng nề mới xem xét phẫu thuật lấy máu tụ. Các nguyên nhân khác như vỡ túi phình mạch máu não đều cần phải sử dụng đến các phương tiện can thiệp mạch máu (còn gọi là can thiệp nội mạch) chuyên sâu để kiểm soát và loại bỏ nguyên nhân. Bên cạnh việc can thiệp, lựa chọn cách điều trị tai biến mạch máu não, người bệnh cũng cần được kiểm soát bệnh nền, bao gồm duy trì huyết áp phù hợp, cân bằng đường huyết, kiểm soát chức năng gan thận,…

Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Dùng thuốc chữa tai biến
Cách điều trị tai biến mạch máu não bằng thuốc thường được dùng trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu não.
Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA). Loại thuốc này có tác dụng hoạt hóa plasmin là một chất trong cơ thể có tác dụng tiêu hủy huyết khối. Thuốc tiêu sợi huyết nên được dùng trong vòng 4,5 giờ sau khi mạch máu não bị tắc. Việc dùng càng sớm vừa giúp cái thiện sống còn vừa giúp người bệnh có tiên lượng hồi phục tốt. (2)
Cần lưu ý là hàm lượng và kỹ thuật tiêm phải được thực khi có bác sĩ, vì các nguy cơ của loại thuốc này sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết não khi dùng không đúng.
Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh sẽ được đánh giá liên tục trong nhiều giờ, sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cần thiết để đảm bảo các mô não được tưới máu tốt. Trong một vài trường hợp như bệnh nhân đến muộn hoặc cục máu đông lớn quá khiến việc dùng thuốc tiêu sợi huyết chưa thể giải quyết hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các thủ thuật can thiệp chuyên sâu hơn.
Can thiệp nội mạch
Phương pháp can thiệp nội mạch ngày càng được chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết nhồi máu não cũng như cải thiện tiên lượng hồi phục trong tương lai của người bệnh đột quỵ nói chung.
Ban đầu, người bệnh sẽ được chụp động mạch não số hóa xóa nền (DSA) để xác định vị trí chính xác động mạch nào bị ảnh hưởng (có huyết khối). Sau đó, quá trình can thiệp nội mạch sẽ dùng đến một ống catheter dài và nhỏ, thiết bị sẽ được bác sĩ đưa vào cơ thể tại vị trí động mạch bẹn và đi theo động mạch đến vùng mạch máu não cần can thiệp, chẳng hạn như vùng đang bị tắc bởi huyết khối, hoặc có nguyên nhân gây vỡ mạch máu,…

Đối với nhóm huyết khối, can thiệp nội mạch có thể thực hiện theo ba cách:
- Lấy huyết khối trực tiếp
- Tiêu sợi huyết tại chỗ
- Đặt Stent động mạch não
Đối với nhóm xuất huyết do vỡ túi phình mạch máu, can thiệp nội mạch có thể thực hiện như sau:
- Dùng các vòng xoắn kim loại (Coil) để bít túi phình
- Xạ phẫu đích (Xạ trị định vị lập thể)
Phẫu thuật
Trường hợp tai biến mạch máu não do xuất huyết thì có thể phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ, từ đó giải áp vùng mô não bị tổn thương giúp khối mô não được hồi phục. Việc phẫu thuật sẽ tác động đến nguyên nhân gây tai biến mạch máu:
- Kẹp mạch máu đang chảy: Áp dụng trong trường hợp có túi phình mạch máu não.
- Phẫu thuật cắt dị dạng động tĩnh mạch (AVM): Áp dụng trong điều trị dị dạng mạch máu não.
- Phẫu thuật bóc tách mạch cảnh: Được chỉ định can thiệp khi người bệnh bị tắc nghẽn mạch máu, có mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.
PlinkCare TP.HCM sở hữu robot mổ não hiện đại bậc nhất và lần đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, kết hợp với chụp MRI bó dẫn truyền thần kinh, sẽ giúp bác sĩ tránh phạm phải các bó này và các mô não lành trong quá trình phẫu thuật não, tăng hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa di chứng hậu phẫu cho người bệnh.

Phục hồi sau tai biến
Tai biến có thể được điều trị tích cực trong một lần, song tổn thương của đột quỵ cần nhiều thời gian để hồi phục.
Phục hồi chức năng
Sau đột quỵ, người bệnh sẽ được bác sĩ lâm sàng tư vấn về phác đồ phục hồi chức năng dựa trên biến chứng cụ thể và tình trạng sức khỏe người bệnh. Theo đó, người bệnh có thể được tập các bài tập về vận động thể chất, bài tập vận động có sự hỗ trợ của thiết bị. Ngoài ra, các hoạt động nhận thức và cảm xúc hoặc các phương pháp thử nghiệm cũng được áp dụng.
Thủ thuật y học cổ truyền
Một số các thủ thuật mang tính hỗ trợ cho việc hồi phục của người bệnh sau đột quỵ dựa theo y học cổ truyền bao gồm xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Các biện pháp này giúp lưu thông khí huyết, tăng cường vận động, cải thiện tâm trạng giúp chống trầm cảm. Theo đó, một số nhóm huyệt có vai trò hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ bao gồm:
- Huyệt ở tay: Kiên ngung, Kiên tỉnh, Tý nhu, Khúc trì, Hợp cốc, Bát tà, Nội quan
- Huyệt ở chân: Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyết hải, Túc tam lý, Phong long, Tam âm giao, …
- Huyệt ở vùng đầu mặt cổ: Bách hội, Hạ quan, Giáp xa, Địa thương, Thượng liêm tuyền, Thiên đột.
Do các thủ thuật này vẫn tiềm ẩn các biến chứng cần lưu ý khi châm kim như chảy máu, nhiễm trùng,… vì thế người bệnh nên được thực hiện ở cơ sở đông y uy tín.
Câu hỏi liên quan đến chẩn đoán và điều trị tai biến mạch máu não
Bệnh tai biến mạch máu não có chữa được không?
Bệnh tai biến có chữa được không? Không thể điều trị hoàn toàn bệnh tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, vẫn có thể phục hồi phần lớn chức năng thần kinh trong bệnh lý tai biến mạch máu não khi bệnh nhân được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là cần phải nhận biết sớm những dấu hiệu báo động sớm bệnh lý tai biến mạch máu não và kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để được can thiệp, điều trị.

Điều trị tai biến mạch máu não ở đâu?
Bệnh tai biến mạch máu cần được can thiệp tại các cơ sở có đơn vị can thiệp mạch tiên tiến và có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng can thiệp ngay khi người bệnh được đưa đến cơ sở y tế.
Hiện nay, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống PlinkCare là một trong những đơn vị hàng đầu trong việc điều trị bệnh lý thần kinh nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng. Tại bệnh viện quy tụ đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, vững kiến thức, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thần kinh, đột quỵ, tai biến mạch máu não,…
Không chỉ vậy, tại bệnh viện còn được đầu tư nhiều máy móc hiện đại, phục vụ cho việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh thần kinh như hệ thống chụp cắt lớp vi tính 768 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ 1,5- 3 Tesla, máy đo điện não, máy DSA can thiệp mạch hiện đại, robot mổ não hiện đại bậc nhất và lần đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam,…
Nhờ vậy, người bệnh có các dấu hiệu tai biến mạch máu não khi đến PlinkCare thăm khám sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt, đảm bảo cách điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tối ưu thời gian điều trị.
Chi phí điều trị tai biến mạch máu não?
Chi phí điều trị sẽ phụ thuộc vào cách điều trị tai biến mạch máu não cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh, khả năng hồi phục, thời gian nằm viện,… Mỗi ca bệnh tai biến mạch máu não thường mất chi phí từ 10.000.000 VNĐ trở lên. Hầu hết các chi phí cho việc điều trị có thể được bảo hiểm y tế chi trả.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, có nhiều cách điều trị tai biến mạch máu não khác nhau. Tùy theo trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tốt nhất, khi có những triệu chứng tai biến, người bệnh nên được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.