Image

4 cách điều trị phình mạch máu não hiệu quả và các rủi ro

Phình mạch máu não là tình trạng mạch máu trong não bị phồng hoặc phình to lên từ một điểm yếu của lớp nội mạc tại thành mạch máu. Thành mạch máu não có thể mỏng đi, đột ngột vỡ ra khi phồng lên. Điều này có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dưới nhện, đột quỵ, hôn mê, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Cách điều trị phình mạch máu não phổ biến

Bạn có thể cần hoặc chưa cần điều trị nếu túi phình mạch máu não chưa vỡ. Việc điều trị hay không cần được bác sĩ đánh giá để đưa ra quyết định. Trong trường hợp cần điều trị, dưới đây là những cách điều trị phình mạch máu não phổ biến đang được ứng dụng. (1)

1. Phẫu thuật

Với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ cắt một lỗ nhỏ ở trên hộp sọ của người bệnh để tiếp cận vào túi phình mạch máu não. Bác sĩ tiến hành gắn một chiếc kẹp kim loại nhỏ vào đáy túi phình mạch máu dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi và những dụng cụ chuyên dụng khác. Việc làm này giúp ngăn không cho máu tiếp tục chảy vào nơi mạch máu não bị phình. Phẫu thuật có thể giúp cầm máu hoặc giữ cho vị trí phình được nguyên vẹn, không bị phình to hơn hay vỡ ra. (2)

Khoa Phẫu thuật Thần kinh, PlinkCare TP.HCM trang bị robot mổ não Modus V Synaptive thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Robot có thể được ứng dụng trong việc phẫu thuật điều trị phình mạch máu não. Dưới sự hỗ trợ của robot, bác sĩ có thể thấy rõ vị trí tổn thương, các mô não lành, bó sợi thần kinh. Từ đó, bác sĩ xác định đường tiếp cận vị trí túi phình an toàn, không phạm vào các dây thần kinh. Quá trình phẫu thuật cũng được robot giám sát, cảnh báo bằng tín hiệu đèn, giúp bác sĩ thao tác đúng hướng.

điều trị phình mạch máu não
Robot mổ não Modus V Synaptive có thể hỗ trợ điều trị phình mạch máu não hiệu quả cao tại PlinkCare TP.HCM

2. Can thiệp nội mạch

Can thiệp nội mạchcách điều trị phình mạch máu não ít xâm lấn. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách bác sĩ sẽ luồn một ống thông và dây dẫn siêu nhỏ qua động mạch (thường là ở háng hoặc cổ tay). Ống thông sẽ được di chuyển đến não, tiếp cận vị trí túi phình. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện:

  • Coil nội mạch: Khi tiếp cận vị trí bị túi phình mạch máu não, bác sĩ tiến hành đặt nguyên liệu (cuộn dây có hình xoắn ốc) vào bên trong túi phình. Việc làm này giúp ngăn máu chảy vào vị trí bị phình mạch máu não. Cuộn dây cũng làm máu trong phình mạch máu đông lại.
  • Stent nội mạch: Giá đỡ động mạch (stent) có thể được dùng với cuộn dây nội mạch trong một số trường hợp phình mạch máu não. Stent có thể giữ cho cuộn dây ở đúng vị trí.

Xem thêm: Can thiệp mạch máu não là gì? Điều trị những bệnh lý nào?

3. Chuyển hướng dòng chảy

Chuyển hướng dòng chảy là cách điều trị bệnh phình mạch máu não mới. Bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào mạch máu ở cổ tay hoặc háng của người bệnh rồi luồn đến não. Thông qua ống thông, bác sĩ tiến hành đặt một ống lưới (stent) vào phần mạch máu có túi phình. Ống lưới có công dụng khuyến khích hay chuyển hướng dòng máu ra khỏi vị trí bị phình mạch máu. (3)

4. Những cách điều trị bổ sung khác cho chứng phình mạch máu não bị vỡ

Những cách điều trị phình mạch máu não bị vỡ dưới đây có thể được thực hiện phối hợp hoặc bổ sung nhằm kiểm soát và góp phần làm giảm triệu chứng bệnh, cụ thể như sau: (4)

  • Thuốc giảm đau: Điển hình là acetaminophen (tylenol cùng những loại thuốc khác) có thể được dùng để chữa trị chứng đau đầu.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Loại thuốc này giúp ngăn chặn canxi xâm nhập vào những tế bào của thành mạch máu. Thuốc chẹn kênh canxi có thể giúp làm giảm nguy cơ gặp triệu chứng do hẹp mạch máu (co thắt mạch máu) gây ra. Chứng phình mạch máu não có thể dẫn đến biến chứng co thắt mạch máu.
  • Thuốc mở mạch máu: Một vài loại thuốc có thể được sử dụng để làm giãn mạch máu. Hình thức chữa trị bằng thuốc mở mạch máu giúp ngăn ngừa bệnh đột quỵ bằng cách cho phép máu lưu thông tốt hơn.
  • Nong mạch vành: Thủ thuật này được thực hiện để mở rộng mạch máu trong não bị hẹp do tình trạng co thắt mạch máu gây ra. Nong mạch vành cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh đột quỵ.
  • Thuốc chống động kinh: Loại thuốc này có thể được dùng để chữa trị tình trạng co giật liên quan đến chứng phình mạch máu não bị vỡ. Thông thường, bác sĩ sẽ không chỉ định cho người bệnh dùng loại thuốc này nếu cơn động kinh chưa xảy ra.
  • Catheter dẫn lưu não thất hay thắt lưng và phẫu thuật shunt: Các phương pháp này giúp làm giảm áp lực lên não do dư thừa dịch não tủy. Chất lỏng có thể tích tụ sau khi phình mạch máu não bị vỡ. Lúc này, ống thông có thể được đặt ở các khoảng trống bên trong não chứa đầy chất lỏng. Bác sĩ cũng có thể đặt ống thông ở khu vực xung quanh tủy sống và não. Công dụng của ống thông là hút chất lỏng dư thừa đưa vào túi bên ngoài. Shunt là ống dẫn lưu dịch não tủy từ não đến nơi khác trong cơ thể.
  • Trị liệu phục hồi chức năng: Người bị vỡ phình mạch máu não có thể cần trị liệu để phục hồi lại các kỹ năng vận động, ngôn ngữ…
vật lý trị liệu sau điều trị phình mạch máu não
Người bị vỡ phình mạch máu não có thể cần tập và phục hồi kỹ năng vận động

Rủi ro khi điều trị phình mạch máu não

Mặc dù hiếm gặp nhưng điều trị phình mạch máu não bằng phương pháp phẫu thuật hay can thiệp nội mạch có thể tiềm ẩn rủi ro gây chảy máu bên trong não hoặc mất lưu lượng máu đến não. Một số ít trường hợp, vỡ phình động mạch là biến chứng nặng có thể xuất hiện khi điều trị phình mạch máu não. Biến chứng này có thể gây xuất huyết não ồ ạt (chảy máu vào não hoặc đột quỵ xuất huyết), dẫn đến hôn mê, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. (5)

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (tình trạng đột quỵ thứ phát do giảm oxy máu) là biến chứng nặng khác có thể xuất hiện ở cả hai phương pháp phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Rủi ro của việc điều trị phụ thuộc vào vị trí xuất hiện túi phình mạch máu não, mức độ nghiêm trọng/sự hiện diện của tình trạng xuất huyết, bệnh lý nền, kỹ thuật, máy móc thực hiện…

Phục hồi sau điều trị phình mạch máu não

Thời gian phục hồi sau khi điều trị phình mạch máu não ở mỗi người sẽ khác nhau. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố như cách điều trị phình mạch máu não, mức độ nghiêm trọng của bệnh, kỹ thuật điều trị, biến chứng (nếu có)… Lấy ví dụ điển hình với phương pháp phẫu thuật, người bệnh cần khoảng 4 – 6 tuần để hồi phục sức khỏe. Nhiều người có thể xuất viện chỉ sau 1 – 2 ngày tiến hành phẫu thuật phình mạch máu não chưa vỡ. Thế nhưng, với người trải qua ca phẫu thuật phình mạch máu não đã bị vỡ thì thời gian nằm viện thường kéo dài lâu hơn.

nằm viện sau điều trị phình mạch máu não
Người bệnh có thể phải nằm viện lâu hơn sau khi phẫu thuật phình mạch máu não bị vỡ

Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phương pháp điều trị phình mạch máu não

Khi bạn chẳng may mắc chứng phình mạch máu não chưa vỡ, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá rủi ro, cân nhắc một số yếu tố để quyết định xem có cần tiến hành phẫu thuật hay không. Việc đánh giá dựa trên những yếu tố dưới đây:

  • Tuổi của người bệnh: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các rủi ro khi phẫu thuật cho người cao tuổi thường lớn hơn những lợi ích tiềm năng (kéo dài tuổi thọ một cách tự nhiên).
  • Kích thước của túi phình mạch máu não: Nếu chứng phình mạch máu não có kích thước lớn hơn 7 mm thì phải chữa trị bằng cách phẫu thuật.
  • Vị trí của túi phình mạch máu não: Túi phình xuất hiện ở những mạch máu lớn hơn có nguy cơ bị vỡ cao hơn.
  • Những tình trạng sức khỏe khác: Một số vấn đề sức khỏe bất lợi mà người bệnh đang đối mặt có thể làm tăng nguy cơ cần phẫu thuật.

Sau khi xem xét các yếu tố, bác sĩ sẽ phân tích, tư vấn cho người bệnh hiểu rõ lợi ích đến từ việc phẫu thuật và các rủi ro tiềm ẩn, nếu có. Nếu nguy cơ vỡ phình mạch máu não thấp thì người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi, quan sát tích cực. Điều này có nghĩa là cách điều trị phình mạch máu não bằng việc phẫu thuật chưa cần tiến hành ngay lập tức. Thế nhưng người bệnh sẽ được kiểm tra định kỳ để theo dõi chứng phình mạch máu não cẩn thận. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm huyết áp, hướng dẫn thay đổi khẩu phần ít chất béo bão hòa hơn…

Nếu tình trạng bệnh cần chữa trị dự phòng thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch. Cả hai phương pháp này đều giúp ngăn ngừa tình trạng vỡ phình mạch máu não. Việc lựa chọn cách phẫu thuật hay can thiệp nội mạch còn tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình dạng của chứng phình mạch máu não. Bác sĩ sẽ cân nhắc về lợi ích và rủi ro giữa hai cách điều trị phình mạch máu não kể trên để đưa ra chỉ định phù hợp.

Trong trường hợp phình mạch máu não bị vỡ thì phải tiến hành chữa trị khẩn cấp. Ban đầu, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc để làm giảm nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp máu cho não (thiếu máu cục bộ não). Sau đó, phương pháp phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch có thể được dùng để chữa trị chứng phình mạch máu não bị vỡ. Bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và hệ thống máy móc chuyên dụng đang có để lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

cách điều trị bệnh phình mạch máu não
Khi lựa chọn cách điều trị phình mạch máu não bác sĩ sẽ cân nhắc đến các yếu tố như kích thước, vị trí của chứng bệnh này

Địa chỉ điều trị phình mạch máu não ở đâu?

Chúng ta đã tìm hiểu một số thông tin về bệnh phình mạch máu não và cách điều trị. Vậy nên điều trị phình mạch máu não ở đâu? Hệ thống PlinkCare là cơ sở y tế uy tín chuyên thăm khám, tầm soát, chữa trị chứng phình mạch máu não hiệu quả, với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, trang thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ tích cực cho quá trình chẩn đoán, điều trị. Có thể kể đến các máy móc hiện đại bậc nhất như máy chụp CT 768 lát cắt, máy chụp MRI 1.5 – 3 Tesla, máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Tùy vào tình trạng của từng người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cách điều trị phình mạch máu não phù hợp, mang đến lợi ích tối ưu, hạn chế biến chứng nguy hiểm. Quy trình thủ tục diễn ra đơn giản, nhanh chóng giúp người bệnh tiết kiệm thời gian.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tóm lại, bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố để lựa chọn cách điều trị phình mạch máu não phù hợp, tối ưu cho người bệnh. Bạn nên chữa trị căn bệnh này ở cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định, phác đồ chữa trị do bác sĩ đề ra.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send