Image

5 cách chăm sóc trẻ bị bỏng nước sôi mau khỏi và ít đau

Nguyên nhân trẻ bị bỏng nước sôi

Bỏng nước sôi là một dạng bỏng nhiệt, xảy ra khi trẻ tiếp xúc với nước có nhiệt độ quá nóng hoặc hơi nước nóng khiến da bị tổn thương và có thể ảnh hưởng đến các tổ chức bên dưới da. Tình trạng này khiến trẻ cảm thấy bị đau, rát ở vùng da bị bỏng, hoảng sợ, mất nước và có thể dẫn đến sốc, nhiễm độc, suy kiệt, thậm chí tử vong.

Làn da của trẻ mỏng hơn người lớn nên trẻ rất dễ bị bỏng. Đặc biệt, trẻ dưới 4 tuổi có nguy cơ bị bỏng nước sôi cao nhất vì ở lứa tuổi này, các bé thích khám phá nhưng chưa nhận thức được những nguy hiểm có thể gây tổn thương. Khi không để mắt đến trẻ trong một thời gian ngắn, bỏng nước có thể xảy ra do trẻ làm đổ ly nước, chén súp nóng hay cố gắng với lấy các đồ dùng đựng nước nóng ở trên cao hoặc có thể do bị chất lỏng bắn vào người khi người lớn cầm theo.

Tuy là một tai nạn rất dễ xảy ra nhưng hầu hết các trường hợp bỏng nước ở trẻ đều có thể phòng ngừa được bằng cách cẩn thận và chú ý hơn trong chăm sóc trẻ như để đồ uống nóng ở xa tầm với của trẻ, luôn kiểm tra nhiệt độ nước uống và nước tắm cho trẻ… (1)

Nguyên nhân bé bị bỏng nước soi
Bỏng nước có thể xảy ra khi trẻ với lấy ly nước nóng từ trên cao, nước nóng đổ vào người trẻ

Các mức độ bỏng nước sôi ở trẻ em

Trẻ bỏng nhẹ, có thể tự khỏi trong vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách và không để lại sẹo. Nhưng bỏng nghiêm trọng có thể gây sẹo vĩnh viễn, thậm chí biến dạng cơ thể, mất chức năng của cơ quan, tàn phế.

Các mức độ bỏng nước sôi ở trẻ em:

  • Bỏng độ 1: Bỏng nhẹ, vùng da tiếp xúc với nước sôi ửng đỏ, đau rát, không bị phồng rộp.
  • Bỏng độ 2: Bỏng nặng gây tổn thương đến các tổ chức dưới da nhưng không nghiêm trọng. Vị trí bỏng nổi phồng rộp, đau rát.
  • Bỏng độ 3: Bỏng gây tổn thương nặng đến các tổ chức bên dưới da. Phần da trên bề mặt bỏng trắng bệch hoặc có màu xám. Dây thần kinh bên dưới vết bỏng bị tổn thương nên trẻ sẽ không còn cảm giác đau đớn.
  • Bỏng độ 4: Bỏng gây tổn thương sâu, lan đến gân cơ, mô bên dưới có thể bị hư hại nghiêm trọng. Thường không có cảm giác đau do tổn thương sâu. Cần can thiệp y tế khẩn.
Trẻ bị phỏng nước sôi khiến da sưng rộp
Bỏng nặng khiến da sưng đỏ, phồng rộp

Cách xử lý vết thương khi trẻ bị phỏng nước sôi

Khi phát hiện trẻ bị bỏng nước sôi, bố mẹ cần nhanh chóng sơ cứu cho trẻ nhằm hạn chế tổn thương ăn sâu xuống các tổ chức bên dưới da, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Các bước sơ cứu vết bỏng tại nhà cho bé: (2)

  • Bước 1: Đưa trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng (bồn tắm nóng, nước sôi…) và nhanh chóng cởi bỏ lớp quần áo bị thấm nước sôi, trừ trường hợp quần áo bị dính vào da.
  • Bước 2: Để vùng da bị bỏng dưới vòi nước mát, cho nước chảy nhẹ nhàng lên vết bỏng trong khoảng 15 – 20 phút nhằm giúp giảm nhiệt độ và độ sâu của vết bỏng, trẻ cảm thấy đỡ đau, rát hơn. Lưu ý, không ngâm nước đá lạnh, chườm đá bởi nhiệt độ quá thấp sẽ dẫn đến sốc nhiệt ở trẻ; giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng.
  • Bước 3: Dùng băng gạc y tế sạch và không dính để che phủ vết thương (có thể thay thế bằng khăn mặt, khăn tay, vải sạch để che phủ nếu không có sẵn băng gạc y tế). Khi băng vết bỏng, ép nhẹ lên vết bỏng để hạn chế phồng rộp, phù nề cho trẻ.
  • Bước 4: Cho trẻ uống nước hoặc dung dịch bù điện giải Oresol để ngăn ngừa mất nước.
  • Bước 5: Đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp đặc biệt khi vết bỏng ở vùng mặt, sinh dục, bỏng nặng, diện tích lớn.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị bỏng nước sôi

Chăm sóc trẻ bị bỏng nước sôi đúng cách sẽ giúp vết thương nhanh lành, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng, nhiễm trùng và trẻ nhanh hồi phục sức khỏe. Dưới đây là một số thông tin hữu ích về chăm sóc trẻ bị bỏng nước sôi bố mẹ nên biết:

1. Hướng dẫn thay băng vết bỏng do nước sôi ở trẻ

Trẻ bị bỏng cần được thay băng và vệ sinh vết bỏng hàng ngày nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng. Bố mẹ rửa tay với dung dịch khử khuẩn trước khi thay băng cho trẻ; thay băng cho trẻ nhẹ nhàng, tránh làm vỡ nốt phồng rộp (nếu có).

Hướng dẫn thay băng vết bỏng do nước sôi cho trẻ:

  • Tháo băng cũ ra khỏi vết bỏng.
  • Vệ sinh vết bỏng bằng thuốc trị bỏng đúng cách.
  • Dùng bông gòn lau khô vết thương.
  • Dùng gạc vô trùng đắp lên bề mặt vết bỏng và băng lại.

2. Bé bị phỏng nước sôi nên bôi gì mau khỏi?

Khi trẻ bị bỏng nước sôi, bố mẹ tuyệt đối không bôi bất kỳ sản phẩm dưỡng da, dưỡng ẩm hay các thực phẩm như lòng trắng trứng, nha đam hay thậm chí là kem đánh răng lên bề mặt vết bỏng. Tất cả các sản phẩm, thuốc bôi lên vết bỏng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân theo đúng chỉ định. Vậy nên, trẻ bị bỏng cần được đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và kê thuốc phù hợp.

Bé bị bỏng nước soi nên bôi gì cho mau khỏe
Trẻ bị bỏng nước sôi cần được đưa đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và sẹo.

3. Trẻ bị bỏng nước sôi kiêng ăn gì?

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học rõ ràng về những loại thực phẩm trẻ nên kiêng khi bị bỏng nước sôi. Tuy nhiên, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, gây áp lực hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lành vết thương. Các thực phẩm này bao gồm thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thức uống có ga, nước ngọt.

4. Trẻ bị bỏng nước sôi nên ăn gì?

Trẻ bị bỏng nước sôi cần được bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng nhằm thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch. Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, carbohydrate, chất béo lành mạnh, kẽm, sắt, vitamin A, C và các vitamin, khoáng chất khác.

Tuy nhiên, cần lựa chọn thực phẩm một cách khoa học, ưu tiên thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất và năng lượng, dễ tiêu hóa. Nếu quá lo lắng về chế độ ăn của trẻ, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng của trẻ.

Bên cạnh chế độ ăn, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Trẻ trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn, mẹ cho trẻ bú thường xuyên hơn, chia thành nhiều cữ bú nhỏ để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ nước, dinh dưỡng và năng lượng.

5. Cách ngừa sẹo bỏng nước sôi ở trẻ em

Sơ cứu và chăm sóc trẻ đúng cách sẽ góp phần ngăn ngừa hình thành sẹo ở trẻ bị bỏng nước sôi. Bố mẹ bôi thuốc, chăm sóc vết bỏng nước sôi cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi vết thương bắt đầu khô lại, hình thành da non, bố mẹ có thể thoa một lớp kem dưỡng ẩm, nha đam, lô hội hoặc nghệ lên bề mặt vết thương để giảm nguy cơ hình thành sẹo. Thời gian này, trẻ sẽ cảm thấy ngứa nhiều hơn ở vùng da bị bỏng nên sẽ có xu hướng gãi, tuyệt đối không cho trẻ gãi. Nếu vết thương có dấu hiệu hình thành sẹo, hoặc quá lo lắng, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có tư vấn cụ thể.

Khi nào nên đưa trẻ bị bỏng nước sôi đến cơ sở y tế?

Trẻ bị bỏng nước sôi cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu:

  • Vết bỏng có diện tích lớn hai bàn tay của cơ thể.
  • Trẻ bị bỏng kèm theo chấn thương.
  • Bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ, cơ quan sinh dục, bàn tay, chân.
  • Trẻ có biểu hiện bất thường như lơ mơ, lú lẫn, sốt cao, co giật, chân tay lạnh, biếng ăn, bỏ bú, khó thở, da xanh tím, chướng bụng, dấu hiệu mất nước.

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về bỏng nước sôi cũng như nắm được cách chăm sóc trẻ bị bỏng nước sôi. Bỏng có thể gây tổn thương tâm lý ở trẻ, do đó khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần chú ý thêm về tâm lý của trẻ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send