
Các loại xuất huyết não: Cách chẩn đoán, đánh giá, phân loại cụ thể
Xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não (xuất huyết nội sọ) là một thể loại đột quỵ xảy ra khi có tình trạng chảy máu trong não, gọi là đột quỵ xuất huyết não. Nguyên nhân thường gặp là do tăng huyết áp, dị dạng, phình mạch máu não, té ngã, chấn thương, va đập làm mạch máu trong não bị vỡ gây chảy máu. Khi đó, máu sẽ ứ đọng trong hộp sọ và não, tạo thành khối máu tụ trong não, gây áp lực lên não. Quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các mô, tế bào não bị ức chế, gây ra hàng loạt các tổn thương nghiêm trọng.
Các loại xuất huyết não đều là trường hợp có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng, cần cấp cứu để điều trị kịp thời. Tế bào não có thể chết hàng loạt rất nhanh chóng nếu không nhận đủ oxy.

Có bao nhiêu loại xuất huyết não?
Não có nhiều phần, do đó xuất huyết não thường được phân loại theo vị trí phần não xảy ra xuất huyết, gồm hai nhóm chính:
- Xuất huyết bên trong hộp sọ nhưng bên ngoài mô não
- Xuất huyết bên trong mô não
Các loại xuất huyết não trong hộp sọ nhưng bên ngoài nhu mô não
Dưới đây là thông tin về các loại xuất huyết não trong hộp sọ nhưng bên ngoài mô não: (1)
1. Xuất huyết ngoài màng cứng
Xuất huyết ngoài màng cứng là tình trạng chảy máu xảy ra giữa màng cứng (lớp màng não ngoài cùng) và hộp sọ, chủ yếu do chấn thương. Tình trạng chảy máu hiếm khi vượt qua các đường khâu của hộp sọ (suture line), vì lớp màng cứng được gắn chặt vào hộp sọ dọc theo các đường này.
20 đến 50% các trường hợp xuất huyết ngoài màng cứng có thể tỉnh lại sau khi bị bất tỉnh, tuy nhiên sau đó ý thức có thể tiếp tục chuyển biến xấu nên không được chủ quan. Khi khối máu tụ ngoài màng cứng đủ lớn, tình trạng thoát vị đường giữa, dưới liềm não (bên dưới liềm não) và xuyên lều tiểu não (vượt lều tiểu não) có thể xảy ra. Trong trường hợp này, người bệnh có thể bị mất ý thức và cuối cùng là tử vong.
Do đó, xuất huyết ngoài màng cứng với khối máu tụ lớn đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ cục máu đông. Đối với xuất huyết ở mức nhỏ đến trung bình, thuyên tắc động mạch màng não giữa có thể được chỉ định thực hiện.
2. Xuất huyết dưới màng cứng
Xuất huyết dưới màng cứng là tình trạng máu rò rỉ giữa màng cứng và màng nhện (lớp mỏng bên dưới màng cứng), được chia thành 3 loại chính:
- Cấp tính: Xuất huyết dưới màng cứng cấp tính tiến triển nhanh, có tỷ lệ tử vong dao động từ khoảng 37% đến 90%. Người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch và tiếp tục sống có thể bị tổn thương não vĩnh viễn. Nguyên nhân xuất huyết chủ yêu do ngã, bị đánh vào đầu, tai nạn giao thông, chấn thương cổ…
- Bán cấp: Xuất huyết dưới màng cứng bán cấp thường xảy ra sau khi bị chấn thương đầu. Chảy máu không xuất hiện ngay sau chấn thương, có thể là sau vài ngày, thậm chí vài tuần. Tình trạng này thường xảy ra đồng thời với chấn động não.
- Mạn tính: Xuất huyết dưới màng cứng mạn tính xảy ra chậm, cần can thiệp điều trị sớm để tăng hiệu quả phục hồi. Tình trạng này thường gặp ở người từ 65 tuổi trở lên. Nguyên nhân chủ yếu do chấn thương đầu ít nghiêm trọng, dùng thuốc làm loãng máu hoặc những thay đổi về cấu trúc não do chứng mất trí hoặc rối loạn sử dụng rượu.
3. Xuất huyết dưới nhện
Xuất huyết dưới nhện là tình trạng máu tích tụ bên dưới màng nhện và trên màng mềm. Tình trạng này không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và tử vong. Nguyên nhân chảy máu chủ yếu do chấn thương đầu, một số trường hợp có thể do phình động mạch não, các vấn đề khác liên quan đến cấu trúc mạch máu, bệnh lý khác…. Dấu hiệu cảnh báo là đau đầu dữ dội và đột ngột.
Các loại xuất huyết não xảy ra bên trong mô não
Xuất huyết não xảy ra bên trong mô não thường được chia thành hai phân loại chính: (2)
1. Xuất huyết nội sọ (ICH)
Xuất huyết nội sọ còn được gọi là tụ máu nội sọ là tình trạng chảy máu bên trong não hoặc giữa não và hộp sọ, chủ yếu do huyết áp cao kéo dài không được điều trị. Đây là nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến thứ hai, đồng thời quá trình phục hồi sau đột quỵ cũng rất khó khăn. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ khối máu tụ, bít tắc hay cầm mạch máu đang vỡ và giảm áp lực cho não, tránh đe dọa đến tính mạng.
2. Xuất huyết não thất
Xuất huyết não thất là tình trạng chảy máu xảy ra bên trong não thất (các khoang nhỏ chứa dịch não tủy), gây phá hỏng các tế bào thần kinh và dẫn đến tổn thương não lâu dài. Xuất huyết não thất phổ biến hơn ở trẻ sinh non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng khi sinh quá thấp.

Tiên lượng các loại xuất huyết não có giống nhau không?
Tiên lượng các loại xuất huyết não là không giống nhau. Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng và khả năng phục hồi còn tùy thuộc vào vị trí chảy máu, mức độ tổn thương, bệnh nền, tuổi tác, tình trạng sức khỏe… Nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, liệt, hôn mê, thậm chí tử vong. Các trường hợp nhẹ hoặc được cấp cứu kịp thời có thể giúp người bệnh hồi phục tốt. Do đó, trong mọi trường hợp nghi ngờ bị xuất huyết não, người bệnh đều cần được cấp cứu sớm để tăng cao hiệu quả điều trị, phục hồi.
Cách chẩn đoán phân biệt từng loại xuất huyết não
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh là phương pháp thường dùng để chẩn đoán phân biệt từng loại xuất huyết não, ví dụ như sau: (3)
- Xuất huyết ngoài màng cứng: Nếu áp lực nội sọ tăng, phản ứng Cushing (tăng huyết áp, nhịp tim chậm và thở chậm) có thể xảy ra. Trên kết quả chụp CT không cản quang, đặc trưng là độ mờ đục hình thấu kính ngoài trục (lồi hai mặt).
- Xuất huyết dưới màng cứng: Tụ máu dưới màng cứng cấp tính thường có mật độ cao, trong khi tụ máu dưới màng cứng mạn tính có mật độ thấp. Tụ máu dưới màng cứng bán cấp có thể có mật độ bằng não và khó xác định hơn.
- Xuất huyết dưới nhện: Xuất huyết dưới nhện cấp tính thường có mật độ cao trên hình ảnh chụp CT. Nếu kết quả chụp CT âm tính và nghi ngờ xuất huyết dưới nhện, bác sĩ có thể cân nhắc chọc dò tủy sống. Kết quả có thể cho thấy tình trạng vàng sắc tố. Ngoài ra, việc xác định nguyên nhân gây xuất huyết dưới nhện không do chấn thương cũng giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn. Phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn bao gồm: chụp CT mạch máu ở đầu và cổ, chụp cộng hưởng từ mạch máu ở đầu và cổ…
- Xuất huyết nội sọ: Tùy thuộc vào tiền sử bệnh và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ cân nhắc chụp MRI não có và không có thuốc cản quang. CT đầu cũng có thể giúp xác định xuất huyết trong nhu mô. Để tìm nguyên nhân gây xuất huyết, bệnh nhân có thể cần chụp CTA, MRA hoặc chụp mạch não (ngoại trừ những bệnh nhân trên 45 tuổi có tăng huyết áp từ trước ở xuất huyết đồi thị, bèo tấm hoặc hố sau).
Cách điều trị các loại xuất huyết não
Dưới đây là các cách điều trị xuất huyết não có thể được bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp:
1. Điều trị xuất huyết ngoài màng cứng
Phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ và ngăn chặn nguồn chảy máu là phương pháp tối ưu để điều trị dứt điểm xuất huyết ngoài màng cứng. Trong trường hợp khối máu tụ ngoài màng cứng kích thước nhỏ, triệu chứng nhẹ và đáp ứng các tiêu chí sau đây, bác sĩ có thể điều trị bảo tồn mà không cần can thiệp phẫu thuật.
- Thể tích tụ máu ngoài màng cứng dưới 30 mL
- Đường kính cục máu đông nhỏ hơn 15 mm
- Độ dịch chuyển đường giữa nhỏ hơn 5 mm
- GCS lớn hơn 8 và khám thực thể không phát hiện triệu chứng thần kinh khu trú
2. Điều trị xuất huyết dưới màng cứng
Phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng là phương pháp tối ưu trong điều trị xuất huyết dưới màng cứng, nhưng bác sĩ sẽ cân nhắc kích thước và vị trí xuất huyết. Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm: làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để đảm bảo màng cứng ổn định, điều trị chống đông máu, truyền tiểu cầu, theo dõi với các đánh giá chức năng thần kinh thường xuyên, kiểm soát tăng huyết áp… Các phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật khoan lỗ xoắn, phẫu thuật khoan sọ dẫn lưu…
3. Điều trị xuất huyết dưới nhện
Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu, điều trị đảo ngược (reversal) được ưu tiên, kết hợp theo dõi, đánh giá các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng thần kinh. Ở những bệnh nhân bị mất ý thức, bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu não thất ngoài. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được theo dõi tình trạng não úng thủy hoặc phù não. Trong trường hợp xuất huyết dưới nhện không do chấn thương, các phương án điều trị tiếp theo sẽ được chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu.
4. Điều trị xuất huyết nội sọ (ICH)
Đối với xuất huyết nội sọ, bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp để giảm nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng hơn. Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết, có thể là phẫu thuật hút dịch, phẫu thuật cắt hộp sọ, đặt ống thông… Phẫu thuật hút dịch còn gây tranh cãi đối với một số dạng xuất huyết trong nhu mô.
Mặc dù nhiều trường hợp xuất huyết trong nhu mô là thứ phát do bệnh mạch máu não và tăng huyết áp, bác sĩ phẫu thuật cũng cần chẩn đoán chính xác các bệnh lý tiềm ẩn (phình động mạch, khối u…) khi tiến hành dẫn lưu xuất huyết trong nhu mô. Dẫn lưu bằng phẫu thuật thường được khuyến nghị đối với các khối máu tụ tiểu não có đường kính lớn hơn 3cm, cần đặt EVD (Hệ thống dẫn lưu não thất ngoài) trước khi dẫn lưu nếu có bằng chứng về não úng thủy.
Trong một số trường hợp, việc loại bỏ khối máu tụ có thể gây hại nhiều hơn chính khối máu tụ, cần thực hiện phẫu thuật cắt hộp sọ. Xuất huyết nhỏ và không thể phẫu thuật có thể được xử lý bằng cách kiểm soát huyết áp, đảo ngược thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu, và các phương pháp bảo vệ thần kinh để ngăn ngừa và/hoặc làm giảm chấn thương não thứ phát.
5. Điều trị xuất huyết não thất
Xuất huyết não thất xảy ra phổ biến ở trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng quá thấp. Hiện tại, không có liệu pháp nào để cầm máu trong trường hợp này, chỉ có thể điều trị triệu chứng khi cần thiết, chẳng hạn như truyền máu ổn định huyết áp và số lượng tế bào máu. Nếu chẩn đoán đi kèm bệnh não úng thủy, bác sĩ có thể chọc tủy sống để giảm áp lực. Trong trường hợp không thể điều trị bằng chọc tủy sống, bệnh nhân có thể cần can thiệp phẫu thuật để dẫn lưu dịch.
Các kỹ thuật, máy móc hiện đại sẽ giúp nâng cao hiệu quả phẫu thuật, điều trị xuất huyết não. Hiện nay, PlinkCare ứng dụng các hệ thống máy móc chuyên dụng cho phẫu thuật thần kinh hiện đại như robot mổ não, định vị thần kinh AI, kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới nhất…, giúp bác sĩ mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não thành công vượt trội.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là bài viết tổng hợp các loại xuất huyết não, cách chẩn đoán phân biệt và phương án điều trị cho mỗi trường hợp. Hy vọng thông qua những cập nhật trên, người bệnh đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.