
Phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Tỷ lệ người mắc biến chứng bàn chân do đái tháo đường hằng năm trên thế giới ước tính khoảng 4%-10%, trong số đó có tới 1%-4% bệnh nhân đã bị viêm loét. Nguy cơ suốt đời đối với sự phát triển của loét bàn chân do đái tháo đường dao động từ 15%-25%.

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường là gì?
Biến chứng bàn chân do đái tháo đường (DFD) một thuật ngữ y khoa để chỉ tổn thương những dây thần kinh do bệnh đái tháo đường gây ra. Các loại đặc biệt như bệnh nhân thần kinh ngoại biên di truyền Charcot–Marie–Tooth cũng được đưa vào DFD. Bệnh nhân mắc biến chứng bàn chân do đái tháo đường cũng có nhiều khả năng xuất hiện các biến chứng khác liên quan đến đái tháo đường như bệnh thận, bệnh võng mạc, thiếu máu cơ tim và bệnh mạch máu não.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Công, biến chứng bàn chân do đái tháo đường (DFD) là một biến chứng phổ biến có tính chất đa yếu tố. Do đó, việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ dễ mắc phải khác nhau của bệnh sẽ giúp ích trong cả việc phòng ngừa và điều trị.
Nguyên nhân gây biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Biến chứng bàn chân do đái tháo đường (DFD) bao gồm một số bệnh lý, chủ yếu là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường và bệnh động mạch ngoại vi dẫn đến loét bàn chân. Loét bàn chân do đái tháo đường cuối cùng có thể dẫn đến cắt cụt chi, đặc biệt là khi nhiễm trùng vết thương hoặc viêm tủy xương.
- Bệnh thần kinh đái tháo đường: Là các rối loạn chức năng thần kinh ngoại biên ở người bệnh đái tháo đường, sau khi loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại vi khác. Sự hiện diện của bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là yếu tố khởi đầu của sự phát triển loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi dây thần kinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tê ngoại vi chi dưới, khó cảm nhận được cảm giác ở ngon chi, khó chịu, đau nhức hoặc nhiễm trùng trên bàn chân. Rối loạn cảm giác này có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị lở loét và phồng rộp. Nếu người bệnh không được điều trị nhiễm trùng, các vết loét có thể phát triển thành hoại thư, dẫn đến việc phải cắt cụt chi. Nguy cơ loét bàn chân do đái tháo đường tăng gấp 7 lần ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường. Ước tính có khoảng 45%- 60% tất cả các vết loét ở bệnh nhân đái tháo đường chủ yếu là do bệnh lý thần kinh, trong khi 45% các vết loét là do các yếu tố thần kinh và thiếu máu cục bộ kết hợp.
- Bệnh mạch máu ngoại vi (PAD): Là một trong những nguyên nhân đa yếu tố dẫn đến bệnh đái tháo đường bàn chân. Sự hiện diện của PAD làm thay đổi phản ứng bình thường của cơ thể đối với các vết loét ở bàn chân và dẫn đến tình trạng loét chân dai dẳng không lành khi nhu cầu cung cấp máu tăng lên. PAD dẫn đến sự tiến triển của nhiễm trùng, làm tăng sự phá vỡ mô, thiếu oxy, dinh dưỡng và kháng sinh. Tất cả những yếu tố này càng góp phần vào khả năng bị cắt cụt chân.
- Các yếu tố, nguy cơ khác: Ngoài bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường và bệnh mạch máu ngoại vi, một số yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm: Ít vận động khớp; dị tật bàn chân và có vết loét hoặc từng bị cắt cụt chi trước đó ở cùng một bên hoặc bên cạnh; suy giảm thị lực; lớn tuổi; bệnh thận mãn tính; bệnh đái tháo đường kéo dài và tăng đường huyết không kiểm soát được.
Các triệu chứng của biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Các triệu chứng bàn chân của bệnh đái tháo đường có biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể mà người bệnh đang gặp phải trong từng thời điểm. Song những triệu chứng chung phổ biến nhất mà người bệnh có thể gặp phải thường bao gồm: Mất cảm giác, cảm giác tê hoặc ngứa ran, xuất hiện vết phồng rộp hoặc các vết thương khác không đau, sự thay đổi màu da và nhiệt độ, vệt đỏ, vết thương có hoặc không có dịch tiết, đau nhói…
Nếu tình trạng nhiễm trùng phát triển, người bệnh cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu bao gồm: Sốt, ớn lạnh, không kiểm soát được lượng đường trong máu, sốc, các chi tấy đỏ… Nếu gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng, đặc biệt là ở bàn chân, người bệnh phải đến bệnh viện để được điều trị khẩn cấp. – Bác sĩ Đôn khuyến cáo.

Các biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Bệnh thần kinh đái tháo đường và bệnh mạch máu ngoại vi có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng, liên tục như: Loét chân hoặc vết thương không lành; nhiễm trùng bao gồm nhiễm trùng da, nhiễm trùng xương và áp xe; hoại thư, khi nhiễm trùng gây chết mô biến dạng chân; bàn chân Charcot (Charcot’s foot), làm thay đổi hình dạng của bàn chân do xương bàn chân và ngón chân bị dịch chuyển hoặc gãy; Thay đổi thể chất vĩnh viễn do hoại thư; cắt cụt chân…
Theo bác sĩ Đôn, để các biến chứng nguy hiểm không xảy ra, cách duy nhất là người bệnh cần được quản lý tốt tình trạng đái tháo đường bằng cách uống thuốc và kiêng khem trong việc ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Bác sĩ Đôn khuyên, mắc bệnh đái tháo đường ở bất cứ thể nào người bệnh cũng nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám định kỳ. Đặc biệt, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau thì cần lập tức đến bệnh viện ngay như: thay đổi màu da trên bàn chân, sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân, thay đổi nhiệt độ ở bàn chân, vết loét dai dẳng trên bàn chân, đau hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc mắt cá chân, móng chân mọc ngược, bệnh nấm da chân hoặc các bệnh nhiễm trùng nấm khác ở bàn chân, da khô, nứt nẻ ở gót chân, dấu hiệu nhiễm trùng…
Phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường
Bác sĩ Đôn cho biết, chăm sóc bàn chân tiểu đường đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về chân phổ biến hoặc điều trị trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Theo đó, người bệnh đái tháo đường nên thực hiện các biện pháp sau:
- Chăm sóc bản thân và quản lý tốt bệnh đái tháo đường: Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ lượng đường trong máu trong phạm vi khuyến cáo của bác sĩ.
- Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày: Dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa chân mỗi ngày. Người bệnh không nên ngâm chân, sau khi rửa xong thì cần dùng khăn lau cho khô, đặc biệt là các kẽ chân.
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Việc này cần thiết để tìm vết loét, mụn nước, mẩn đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác có thể xảy ra.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Nếu da chân bị khô, người bệnh có thể giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi rửa sạch và lau khô chân. Lưu ý, không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân.
- Chà vết chai ở chân: Sau khi tắm xong, người bệnh dùng bảng nhám hoặc đá bọt để nhẹ nhàng chà vào vết chai ở chân.
- Kiểm tra móng chân mỗi tuần một lần: Cắt móng chân mỗi tuần nhưng lưu ý không cắt khóe để tránh gây tổn thương. Sau khi cắt, người bệnh nên làm mịn móng chân bằng dụng cụ dũa móng.
- Sử dụng giày hoặc dép kín mũi: Người bệnh không nên đi dép hở mũi hoặc đi chân đất mà nên đi giày hoặc dép kín mũi, vừa chân và xỏ tất mềm, thoáng.
- Giúp máu lưu thông đến chân: Người bệnh có thể gác chân khi ngồi và lắc lư các ngón chân nhiều lần trong ngày. Bạn cũng không ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm cho các vấn đề về lưu lượng máu trở nên tồi tệ hơn.
- Đi khám định kỳ: Trong mỗi lần kiểm tra đái tháo đường, người bệnh cũng nên khám chân kỹ lưỡng. Cứ 2-3 tháng bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần, ngay cả khi không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường.

Cả bệnh đái tháo đường loại 1 và loại 2 đều gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh ngoại vi, dẫn đến các vấn đề ở chân và bàn chân. Để phòng ngừa các biến chứng bàn chân, nhất là biến chứng hoại tử nghiêm trọng phải cắt cụt chi thì không gì tốt hơn là người bệnh nên quản lý tình trạng đái tháo đường của mình bằng cách thăm khám định kỳ và điều trị theo thuốc lẫn chỉ định ăn uống của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, theo dõi chân hàng ngày cũng rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng viêm loét có thể xảy ra – Bác sĩ Đôn khuyên.
Bệnh viện Tâm Anh là đơn vị thăm khám và điều trị các bệnh về Nội tiết đái tháo đường. Với đội ngũ chuyên gia và bác sĩ đầu ngành, giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, lại được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại hàng đầu sẽ đem lại hiệu quả cao và giảm chi phí cho người bệnh.