
Bị tiểu đường có nhổ răng được không? Cách chăm sóc nha chu
Mối liên hệ giữa răng miệng và tiểu đường
Mối liên hệ giữa răng miệng và tiểu đường liên quan đến lượng đường trong máu cao. Nếu không kiểm soát lượng đường trong máu tốt, người bệnh sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, nhiễm nấm, vi khuẩn và dễ mất răng. Ngoài ra, tình trạng hoại tử xương hàm ở người bệnh tiểu đường, đặc biệt người già ngày càng cao. (1)
Nguyên nhân gây ra tình trạng này do người bệnh tiểu đường không điều trị sẽ làm suy giảm các tế bào bạch cầu – cơ quan có chức năng bảo vệ chính của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng vùng miệng.
Người bệnh tiểu đường có lượng insulin không đủ sẽ làm chậm quá trình lành thương. Lúc này, môi trường ẩm và ấm trong ổ răng là điều kiện thuận lợi khiến nấm, vi trùng tích tụ. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch của người bệnh rất yếu nên không chống chọi được với những vi khuẩn xấu xâm nhập vào vết thương. (2)
Các biến chứng răng miệng ở người tiểu đường
Các biến chứng răng miệng ở người tiểu đường, bao gồm:
- Hơi thở có mùi hôi: Người bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton, ceton sẽ hình thành chất thải khiến hơi thở có mùi hôi. Ngoài ra, các biến chứng như sâu răng, viêm nướu cũng làm hơi thở người bệnh bị hôi. (3)
- Sâu răng: Người bệnh có lượng đường trong máu cao làm tăng lượng glucose trong nước bọt. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển và gây tích tụ mảng bám trên răng. Nếu mảng bám không được loại bỏ hiệu quả sẽ dễ gây sâu răng, viêm nướu và hôi miệng.
- Khô miệng: Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lượng nước bọt, gây khô miệng. Khô miệng sẽ làm người bệnh đau nhức, khó chịu do loét, nhiễm trùng và sâu răng.
- Viêm nướu, viêm nha chu: Người bệnh có lượng đường trong máu cao làm mạch máu tổn thương, việc cung cấp oxy và dinh dưỡng cho nướu trở nên hạn chế. Điều này khiến nướu và xương dễ nhiễm trùng. Hơn nữa, lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ khiến nồng độ glucose trong nước bọt tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nguy cơ mắc bệnh viêm nướu và sâu răng.
- Khả năng lành vết thương kém: Sau khi nhổ răng, vết thương của người bệnh tiểu đường không lành nhanh. Bởi, lưu lượng máu không đến được các vị trí cần điều trị trên vết thương.
- Bệnh tưa miệng: Bệnh này do nấm candida tấn công và phát triển quá mức trong miệng, cổ họng và các vị trí khác trên cơ thể. Loại nấm này phát triển mạnh nhờ nồng độ glucose cao trong nước bọt của người bệnh tiểu đường. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh tưa miệng, nhất là người thường xuyên đeo răng giả, bé dưới 1 tháng tuổi hoặc mới biết đi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh tiểu đường.

Bị tiểu đường có nhổ răng được không?
Được, người bệnh tiểu đường có thể nhổ răng bình thường. Tuy nhiên, trước khi nhổ răng bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu mức đường huyết và tình trạng sức khỏe để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Nếu lượng đường trong máu của người bệnh tăng cao, quá trình đông máu suy yếu, vết thương sau khi nhổ răng sẽ mất nhiều thời gian để lành lại, ổ răng có thể bị khô và thậm chí gây viêm tủy xương. Hơn nữa, bệnh tiểu đường kết hợp với tăng huyết áp, người bệnh sau khi nhổ răng còn có kết quả tệ hơn. Trường hợp khác, khi lượng đường trong máu không được điều hòa, các cytokine – protein có khả năng gây tổn hại tích tụ trong mô nướu, gây ức chế các protein tăng trưởng có chức năng chữa lành vết thương.
Thông thường, người bệnh tiểu đường nếu nhổ răng cần duy trì lượng đường trong máu ở mức 7 – 10 mmol/l. Khi người bệnh có hàm lượng đường >10mmol/l, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại chế độ ăn uống khoa học và kê thuốc điều chỉnh mức đường huyết giảm ổn định lại mới tiến hành nhổ răng.
Người bệnh dùng thuốc uống để kiểm soát tiểu đường như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,… cần được theo dõi 2 tuần. Bác sĩ sẽ kiểm tra nhiều lần để đảm bảo mức đường huyết của người bệnh duy trì ổn định. Sau 2 tuần dùng thuốc, người bệnh kiểm soát được mức đường huyết, bác sĩ sẽ nhổ răng như bình thường. Nếu người bệnh tiểu đường có răng sâu, nhiễm trùng nặng cần nhổ gấp. Việc này phải được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ Răng Hàm Mặt và bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để đảm bảo an toàn sức khỏe của người bệnh.

Chăm sóc nha chu cho người bệnh tiểu đường
Cách chăm sóc nha chu cho người bệnh tiểu đường, bao gồm:
1. Kiểm soát đường huyết:
Người bệnh cần theo dõi thường xuyên và duy trì mức đường huyết ở mức ổn định theo hướng dẫn của bác sĩ. Đường huyết người bệnh được kiểm soát tốt, việc nhổ răng sẽ diễn ra an toàn, hiệu quả, nhanh lành vết thương và giảm nguy cơ gây ra các biến chứng về răng miệng.
2. Đánh răng, giữ gìn vệ sinh răng miệng:
Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (hoặc sau mỗi bữa ăn) bằng kem đánh răng có chứa fluoride giúp bỏ được thức ăn, vi khuẩn bám trên răng và giảm nguy cơ mắc bệnh về răng miệng. Ngoài ra, hãy dùng bàn chải đánh răng với lông nylon mềm, nhỏ và đầu tròn để dễ loại bỏ mảng bám ở những khoảng trống giữa các răng. Lưu ý, dùng lực nhẹ khi đánh răng để không làm tổn hại men răng.
3. Dùng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng:
Chỉ nha khoa giúp loại bỏ được mảng bám tích tụ mà không tổn hại đến răng. Hãy dùng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng ít nhất 1 lần/ngày để răng được làm sạch hoàn toàn.
4. Gặp nha sĩ định kỳ:
Hãy đến gặp nha sĩ ít nhất 2 lần/năm để được làm sạch và kiểm tra răng, nướu định kỳ. Khoa Răng Hàm Mặt, PlinkCare TP.HCM hội tụ các bác sĩ chuyên môn, nhiều năm hoạt động trong nghề. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại từ các nước trên thế giới giúp người bệnh được khám và điều trị hiệu quả.
5. Bỏ thói quen hút thuốc lá:
Người bệnh tiểu đường hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tưa miệng và viêm nha chu cao hơn 20 lần so với người bệnh không hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến nướu khiến quá trình lành thương ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy, hãy bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ răng miệng và sức khỏe của bản thân, đặc biệt người bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường nên nhổ răng ở đâu uy tín?
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường và khoa Răng Hàm Mặt, PlinkCare TP.HCM hội tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh đái tháo đường, các bệnh nội tiết như: bướu nhân tuyến giáp, cường giáp, suy giáp, rối loạn nội tiết tố nam nữ, đái tháo nhạt, bệnh to đầu chi, các bệnh nội tiết liên quan tuyến yên, béo phì do nội tiết tố…
Ngoài ra, khoa còn được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, giúp người bệnh chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Bị tiểu đường có nhổ răng được không? Người bệnh tiểu đường cần thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng tốt, duy trì lượng đường trong máu ổn định gần mức bình thường và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ nhổ răng bình thường, lành thương nhanh chóng và ngừa các bệnh về răng miệng.