
Bệnh xơ gan có lây không, qua đường nào và mức độ nguy hiểm?
Xơ gan lây qua đường nào?
Bệnh xơ gan có lây hay không sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Hệ thống PlinkCare chia sẻ, nguyên nhân gây bệnh xơ gan được chia thành hai nhóm:
- Nhóm không lây nhiễm: Do thói quen lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất độc hại, các bệnh lý về tim mạch, các bệnh lý về chuyển hóa như ứ sắt, ứ đồng, viêm gan tự miễn, tăng áp tĩnh mạch cửa ,…
- Nhóm lây nhiễm: Thường là do các vi sinh vật như virus (viêm gan B, viêm gan C), ký sinh trùng… Tại Việt Nam, virus viêm gan mạn tính hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất về nguyên nhân gây xơ gan. Cần lưu ý rằng, người khỏe mạnh không phải bị lây nhiễm xơ gan từ người bệnh mà họ sẽ bị lây nhiễm virus viêm gan ở những người đó trong trường hợp nồng độ siêu vi ở còn cao, diễn tiến bệnh sau đó sẽ trải qua giai đoạn viêm gan mạn rồi đến bệnh cảnh xơ gan.
Đối với nhóm nguyên nhân gây lây nhiễm, tác nhân gây bệnh gan sẽ lây qua các con đường sau:
- Lây từ mẹ sang con: Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ mắc bệnh viêm gan B hoặc C thì khả năng con sinh ra cũng mắc bệnh. Lây nhiễm chủ yếu xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Khi đó, cơ tử cung cơ thắt dẫn đến các mạch máu nơi bám nhau thai cũng co thắt theo, làm cho máu của người mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con. Lây nhiễm cũng có thể xảy ra khi trẻ được sinh qua ngã âm đạo và tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt và có chương trinh phòng chống lây nhiễm virus trong thời kỳ mang thai thì người mẹ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Trong trường hợp người mẹ đang cho con bú, virus viêm gan không lây truyền qua đường sữa mẹ, tuy nhiên, nếu bé cắn vú mẹ bị trầy xước, máu từ vết xước sẽ mang theo mầm bệnh xâm nhập vào bé.
- Lây truyền qua đường tình dục: Virus viêm gan sẽ lây lan qua tiếp xúc với dịch âm đạo hoặc tinh dịch của người bệnh. Khả năng lây nhiễm của virus viêm gan qua đường tình dục cao gấp nhiều lần so với virus HIV. Nếu quan hệ tình dục gây chảy máu hoặc trầy xước, tổn thương niêm mạc thì nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn. Do đó, những người quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình… là đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm viêm gan qua con đường này. (1)
- Lây qua đường máu: Khi tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với họ như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay… Con đường lây nhiễm này có thể gặp phải ở những người thân sinh hoạt chung trong một gia đình.
Bệnh xơ gan nguy hiểm như thế nào?
Trước khi phát triển thành biến chứng xơ gan, người bệnh sẽ bị viêm gan trong một thời gian dài. Lúc này, các tế bào gan không ngừng bị tổn thương, xơ hóa dần và trở thành mô sẹo. Khi đã trở thành mô sẹo, các tế bào gan này sẽ mất chức năng vĩnh viễn, không thể phục hồi, từ đó làm phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm, như cổ trướng (tình trạng tụ dịch ở khoang bụng, làm bụng to bất thường), nhiễm trùng dịch báng (nhiễm trùng dịch trong ổ bụng), suy dinh dưỡng, và một số bệnh cảnh có nguy cơ tử vong cao như: chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch ở thực quản hay dạ dày, hôn mê gan, hội chứng gan – thận, hội chứng gan – phổi, ung thư gan…
Việc chẩn đoán chính xác bệnh xơ gan đang tiến triển đến giai đoạn nào là rất quan trọng. Điều này giúp các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Xơ gan được chia thành 4 mức độ như sau:
1. Xơ gan mức độ 1
Xơ gan mức độ 1 còn gọi là “xơ gan còn bù”. Đây là mức độ đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh. Lúc này, chức năng gan chưa bị suy giảm nhiều, những tế bào gan khỏe mạnh đủ khả năng gánh vác công việc thay cho những tế bào đã tổn thương. Giai đoạn này thường kéo dài trong nhiều năm mà không có những triệu chứng đặc trưng, người bệnh thường chỉ có cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng…, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bên cạnh đó, do gan chỉ mới bắt đầu viêm và hình thành các mô xơ sẹo, nên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
2. Xơ gan mức độ 2
Ở giai đoạn này, các mô xơ sẹo xuất hiện nhiều hơn, có thể nhìn thấy rõ ràng thông qua khám cận lâm sàng (siêu âm, chụp CT hoặc MRI). Chức năng gan bắt đầu suy yếu, các chất độc không được đào thải ra ngoài, ứ đọng lại trong gan, dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Triệu chứng dễ dàng nhận biết nhất của giai đoạn này là vàng da. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy… Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này vẫn có thể kiểm soát bệnh tốt.
3. Xơ gan mức độ 3
Ở giai đoạn 3, chức năng gan đã bị rối loạn nghiêm trọng do số lượng tế bào gan bị tổn thương quá nhiều, động mạch, tĩnh mạch và các mạch khác trong gan cũng đã xơ hóa phần nào. Mặc dù chức năng thải độc tố vẫn diễn ra nhưng rất kém, không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Bên cạnh các triệu chứng như xơ gan độ 1 và 2, ở người bệnh sẽ xuất hiện thêm những triệu chứng khác như phù nề, cổ trướng, đau nhức toàn thân, vàng da, mệt mỏi… Ở giai đoạn này, việc điều trị cực kỳ khó khăn.
4. Xơ gan mức độ 4
Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan, bệnh có thể chuyển biến xấu một cách nhanh chóng. Lúc này, gan hoàn toàn mất chức năng do các tế bào gan đã bị xơ hóa hoàn toàn. Người bệnh xuất hiện hàng loạt triệu chứng như xơ gan cổ trướng, sút cân không rõ nguyên do, thiếu máu, vàng da, chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm trùng, suy thận, hôn mê… Ở giai đoạn này, các biện pháp điều trị chỉ nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng mà không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc ức chế, loại bỏ các tác nhân gây bệnh để hạn chế sự chuyển biến xấu của bệnh hoặc ghép gan nếu cần thiết.
Các thắc mắc khác về quá trình lây nhiễm của xơ gan
Ngoài vấn đề bệnh xơ gan có lây không, dưới đây là những thắc mắc thường gặp khác về việc lây truyền bệnh viêm gan và xơ gan.
1. Bệnh xơ gan tự miễn có lây không?
Viêm gan tự miễn và biến chứng xơ gan tự miễn đều không lây. Viêm gan tự miễn là bệnh lý xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhận nhầm các tế bào gan khỏe mạnh thành những tác nhân gây hại cho cơ thể như virus, vi khuẩn, mầm bệnh… và tấn công những tế bào này. Khi các tế bào gan bị tấn công, dẫn đến những tổn thương và viêm mãn tính. Viêm gan tự miễn nếu không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh xơ gan, nghiêm trọng hơn là xơ gan cổ trướng (biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh xơ gan). Lúc này, gan không còn khả năng tự phục hồi, không thực hiện được chức năng giải độc, từ đó toàn bộ cơ thể sẽ bị nhiễm độc.
Hiện nay, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm gan tự miễn nhưng các vấn đề về di truyền, phản ứng khi dùng thuốc, căng thẳng, tác nhân môi trường… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, với các dấu hiệu như mệt mỏi và vàng da nhẹ trong một thời gian dài, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nổi mụn, ban đỏ… Viêm gan tự miễn có thể được kiểm soát tốt bằng các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
2. Người mắc bệnh xơ gan do virus có lây không?
Câu trả lời là có. Như đã đề cập trước đó, bệnh xơ gan có lây hay không sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh còn tồn tại trong bản thân cơ thể người bệnh hay không. Theo đó, virus là tác nhân gây bệnh thuộc nhóm lây nhiễm. Bên cạnh virus, những ký sinh trùng khác có thể gây viêm gan và biến chứng xơ gan khác như sán lá gan, giun sán, sinh vật đơn bào… Sau khi xâm nhập vào cơ thể, những virus và ký sinh trùng này sẽ tấn công các tế bào gan, gây viêm mạn tính. Theo thời gian, khi tình trạng viêm mạn tính không được điều trị sẽ tiếp tục phát triển thành xơ gan.
3. Bệnh xơ gan có lây qua đường ăn uống không?
Bệnh xơ gan không lây qua đường ăn uống và hô hấp. Do đó, người bệnh không cần phải cách ly, ăn uống và sinh hoạt riêng biệt. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý không dùng chung các vật dụng cá nhân, tránh chạm vào vết thương hở, tiếp xúc với máu của người bệnh.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (PlinkCare Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Bác sĩ Ngân kết luận, bệnh xơ gan có lây không sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây bệnh, được điều trị và phòng ngừa biến chứng, hạn chế lây bệnh cho người khác nếu tác nhân gây bệnh lây nhiễm còn tồn tại. Ngoài ra, xơ gan là một bệnh lý có thể được phòng ngừa nếu tiêm ngừa đầy đủ, thực hiện lối sống khoa học, an toàn tình dục. Trong trường hợp đã mắc bệnh, tỷ lệ điều trị thành công cao nếu được phát hiện sớm, do đó, thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp kịp thời phát hiện bất thường và điều trị sớm.