
Bệnh trĩ hỗn hợp: Triệu chứng, nguyên nhân, phân độ và phòng ngừa
Bệnh trĩ hỗn hợp là gì?
Trĩ hỗn hợp (mixed hemorrhoids) là tình trạng người bệnh mắc cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại. Búi trĩ nội nếu lớn có thể liên kết với khối trĩ ngoại ở ngoài, tạo thành khối kéo dài từ ống hậu môn ra ngoài hậu môn.
Tình trạng này là sự kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại. Việc điều trị khi đó sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, bác sĩ thường phải kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Triệu chứng trĩ hỗn hợp
Người mắc bệnh trĩ hỗn hợp sẽ đồng thời có triệu chứng của bệnh trĩ nội và trĩ ngoại, gây nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Một số triệu chứng điển hình của bệnh trĩ hỗn hợp là:
- Búi trĩ ngoại luôn luôn xuất hiện tại phía ngoài của hậu môn, nếu búi trĩ nội lớn sẽ bị sa ra ngoài hậu môn khi người bệnh đi đại tiện..
- Búi trĩ trĩ nội không gây đau mà chỉ đau khi bị nghẹt, trĩ ngoại có thể đau khi bị viêm và sưng.
- Khi đi đại tiện có chảy máu nhưng bệnh nhân không bị đau. Tùy thuộc mức độ chảy máu, người bệnh có thể chỉ thấy máu thấm giấy vệ sinh hay nhỏ giọt hoặc máu bắn thành tia. Khi càng rặn thì càng bị chảy nhiều máu.
- Người bệnh thường bị kích thích hoặc ngứa hậu môn, rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm giun kim.
- Khó chịu và đau rát vùng hậu môn tăng dần theo sự tiến triển của búi trĩ.
Nguyên nhân của bệnh trĩ hỗn hợp
Nguyên nhân gây bệnh trĩ nội và trĩ ngoại là như nhau. Vì thế, một số người bệnh có thể bị trĩ ở cả hai khu vực cùng lúc. Áp lực tăng lên ở hậu môn và tăng áp lực ổ bụng có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị trĩ gồm: (1)
- Người ngồi nhiều, ít vận động
- Thai kỳ
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh (thói quen không tốt: đọc tin tức hoặc chuyện trong nhà vệ sinh)

Nếu những nguyên nhân này vẫn tiếp diễn mà không có biện pháp xử trí, tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng nề hơn. Các triệu chứng tiến triển, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Theo thời gian, các biến chứng như tắc mạch ở trĩ ngoại hoặc trĩ sa nghẹt ở trĩ nội có thể xuất hiện. Điều này làm quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.
Bệnh trĩ hỗn hợp nguy hiểm không?
Bệnh trĩ hỗn hợp là sự kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại. Vì thế, tính chất bệnh sẽ phức tạp hơn so với khi mắc bệnh trĩ đơn loại. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bệnh có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như:
- Thiếu máu: Chảy máu hậu môn thường xuyên có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính, làm giảm số lượng hồng cầu trong máu. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu thiếu máu mạn tính diễn ra khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải truyền máu hoặc nhập viện để điều trị.
- Trĩ sa nghẹt: Búi trĩ nội lớn thò ra khỏi hậu môn, không thể thụt vào trong được. Tình trạng này có thể gây tắc các mạch máu. Người bệnh sẽ thấy búi trĩ sưng và căng đỏ, không thể lấy tay đẩy vào vì rất đau. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn tới hoại tử búi trĩ.
- Tắc mạch: Các cục máu đông dễ hình thành trong mạch máu của búi trĩ khi tình trạng lưu thông máu bị đình trệ. Biến chứng này gây nhiều đau đớn cho người bệnh. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi có hoại tử.
- Viêm loét, nhiễm trùng: Người bệnh có thể bị viêm da quanh hậu môn, viêm nhú hay viêm khe, gây ngứa ngáy, đau rát ở hậu môn. Tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra khi búi trĩ bị loét hay hoại tử, vết thương tiếp xúc với phân (có chứa lượng lớn vi trùng).
Điều trị trĩ hỗn hợp như thế nào?
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh trĩ hỗn hợp, các triệu chứng có thể thuyên giảm khi người bệnh áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống kết hợp với chăm sóc tại nhà sẽ giúp làm dịu các triệu chứng, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân. Bác sĩ rất có thể sẽ khuyên bạn nên thực hiện một số điều dưới đây để cải thiện các triệu chứng bệnh, cụ thể:
- Tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống
- Uống nhiều nước
- Ngồi ít hơn và đi lại, vận động nhiều hơn
Bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh trĩ hỗn hợp nên bổ sung 20 – 35 g chất xơ mỗi ngày. Chế độ ăn uống cần có nhiều trái cây và rau. Bổ sung chất xơ có thể giúp điều chỉnh thói quen đại tiện của người bệnh, đảm bảo phân được thải ra ngoài dễ dàng.
Tập thể dục cũng giúp hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động của ruột. Ngoài ra, người bệnh sẽ cần uống nhiều nước để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước. Bạn nên hạn chế dùng các thức uống có caffeine và rượu vì sẽ làm cơ thể mất nước.
Bên cạnh đó, để làm giảm các triệu chứng bệnh và vết thương mau lành hơn, người bệnh có thể ngâm hậu môn trong nước ấm 2-3 lần/ngày và 10-15 phút/lần.
2. Điều trị nội khoa
Ngoài chăm sóc tại nhà, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh các phương pháp như:
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như giảm đau chống viêm non steroid ( NSAIDs) hay acetaminophen, để giúp giảm đau và khó chịu ở hậu môn.
- Sử thuốc bôi hoặc đặt hậu môn hay thuốc cải thiện tuần hoàn máu để giúp cải thiện tình trạng ngứa và rát ở hậu môn.
- Dùng thuốc giúp tăng độ bền thành mạch.

3. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nên được xem là lựa chọn điều trị cuối nhưng cũng là phương pháp triệt để hơn khi điều trị Nội khoa và bảo tồn không kết quả. (2)
Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện cho người bệnh trĩ hỗn hợp (cả trĩ nội và trĩ ngoại) hoặc có da thừa nhiều, trĩ biến chứng tắc mạch và sa nghẹt.
Phương pháp này tạo vết thương ở vùng hậu môn, cần thời gian vài tuần để lành hẳn, giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, các bác sĩ có thể dùng phẫu thuật Laser nhằm hạn chế tổn thương mô và đau sau phẫu thuật.
Phòng ngừa trĩ hỗn hợp
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ, cần lưu ý:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung chất xơ trong thực đơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cần uống nhiều nước và hạn chế dùng các món ăn khó tiêu, thực phẩm chứa lượng đạm dồi dào vào buổi tối.
- Đối với người làm văn phòng hoặc các công việc yêu cầu ngồi nhiều, nên đứng lên và di chuyển mỗi 30 phút/lần hoặc 60 phút/lần.
- Hình thành thói quen đi tiêu mỗi ngày ít nhất một lần, duy trì thói quen này đều đặn, đúng giờ, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Thường xuyên vận động và tập thể dục thể thao

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) thuộc Hệ thống PlinkCare là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp cũng dẫn đầu với các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật nội soi ổ bụng với các tên tuổi chuyên gia như TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, ThS.BS Lê Văn Lượng… Các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội Tiêu hóa và nội soi tiêu hóa tiêu biểu như TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh, BSNT Đào Trần Tiến, BSNT Hoàng Nam, BS.CKII Bùi Quang Thạch… Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Bệnh trĩ hỗn hợp là tình trạng phức tạp, cần được điều trị từ sớm. Người bệnh không nên vì e ngại nghĩ đây là bệnh nhạy cảm mà chần chừ trong việc đi khám và điều trị. Nếu không có biện pháp can thiệp sớm, bệnh lý này tiến triển sẽ gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.