
Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu? Làm sao sống chung với bệnh?
Bệnh tim bẩm sinh, hoặc dị tật tim bẩm sinh, là một bất thường về tim xuất hiện từ trong bào thai và tồn tại sau sinh. Những dị tật này có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tim, vách ngăn giữa các buồng tim, van tim hoặc mạch máu lớn từ tim.
Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu?
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, khoa Tim mạch, PlinkCare Hà Nội, tiên lượng sống của một bệnh nhân tim bẩm sinh phụ thuộc vào loại dị tật cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh nhân bị các dị tật nhẹ như thông liên thất/thông liên nhĩ lỗ nhỏ có thời gian sống gần tương tự như người bình thường. Trong khi đó, những dị tật nặng như hội chứng thiểu sản tim trái có tiên lượng sống rất kém.
Trước đây khi nền y học chưa phát triển, việc được chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh thường gây ra cú sốc đối với người bệnh, đặc biệt là những thai phụ có thai nhi phát hiện bệnh tim bẩm sinh khi chưa chào đời. Nguyên nhân là lúc đó, các phương pháp hiện đại giúp điều trị hiệu quả bệnh tim bẩm sinh chưa có, khiến trẻ dù đã được chữa trị nhưng thời gian sống không kéo dài.
Tuy nhiên trong vòng hai thập kỷ qua, nhờ những tiến bộ của lĩnh vực thông tim can thiệp và phẫu thuật tim, 98% những trẻ sinh ra bị dị tật tim sẽ sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành nếu được điều trị kịp thời và theo dõi chặt chẽ. Trong số đó, rất nhiều trường hợp đạt được tuổi thọ như những người khỏe mạnh khác. Điều quan trọng là người bệnh phải thăm khám thường xuyên với bác sĩ tim mạch và tuân thủ phác đồ điều trị gần như suốt đời. (1)
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không?
Khi được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh nhiều người thắc mắc bệnh tim bẩm sinh có chữa được không? Thông thường các dị tật tim bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp: thay thế van tim bệnh lý bằng van tim nhân tạo, sửa chữa khuyết tật bất thường trong tim như đóng vách thông liên nhĩ/thông liên thất, đóng ống động mạch qua thông tim… Việc sửa chữa này nhằm mục đích ngăn ngừa các biến chứng lâu dài do bệnh gây ra, chẳng hạn như rối loạn nhịp, viêm nội tâm mạc, suy tim… (2)
Bác sĩ Long cho biết, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại khuyết tật tim bẩm sinh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:
- Uống thuốc: Các loại thuốc thường được kê toa cho bệnh nhân tim bẩm sinh là thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc ổn định nhịp tim, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu…
- Cấy các thiết bị hỗ trợ như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim tự động (ICD)… giúp điều chỉnh nhịp tim không đều, từ đó ngăn ngừa một số biến chứng liên quan đến dị tật tim bẩm sinh.
- Can thiệp nội mạch: Những thủ thuật này cho phép bác sĩ sửa chữa các khuyết tật tim bẩm sinh mà không cần phẫu thuật mở lồng ngực và tim. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông qua mạch máu dẫn đến tim. Sau đó, các công cụ nhỏ được đưa vào cơ thể qua ống thông để tiến hành sửa chữa khiếm khuyết của tim. Thủ thuật hiện đại này giúp giảm thiểu rủi ro và biến chứng mà một ca phẫu thuật tim thường phải đối mặt.
- Phẫu thuật tim bẩm sinh: Nếu can thiệp qua đường ống thông không thể sửa chữa khiếm khuyết, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật tim hở (mở lồng ngực). Những cuộc phẫu thuật này được tiến hành để đóng các lỗ trong tim, mở rộng mạch máu hoặc sửa van tim.
- Ghép tim: Trong trường hợp khuyết tật tim bẩm sinh quá phức tạp không thể sửa chữa được, các bác sĩ có thể tiến hành ghép tim.
Cách chung sống với bệnh tim bẩm sinh
Khi được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, dù đã được can thiệp, phẫu thuật hay chưa, người bệnh cũng cần tuân thủ lối sống khoa học để cải thiện triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng thêm: (3)
1. Ăn uống lành mạnh
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe tim mạch:
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, hạn chế thực phẩm, thức uống đóng hộp.
- Sử dụng dầu thực vật, bơ thực vật ít chất béo bão hòa và axit béo chuyển hóa thay cho mỡ động vật.
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh mì và ngũ cốc tinh chế.
- Hạn chế đồ uống và thức ăn nhiều đường.
- Sử dụng sữa không béo hoặc ít béo.
- Tăng cường sử dụng cá.
- Chỉ sử dụng thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc cũng như các loại thịt đã giảm mỡ.
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn dưới 5g/ngày.
- Hạn chế ăn ngoài, khuyến khích ăn ở nhà để dễ kiểm soát các thành phần có trong thức ăn.

2. Hoạt động thể chất thường xuyên
Người bị bệnh tim nói chung và tim bẩm sinh nói riêng cần tập luyện mỗi ngày để cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe cho trái tim. Với trẻ nhỏ, ba mẹ nên khuyến khích con vận động tối thiểu 30 phút/ngày, tránh để trẻ ngồi một chỗ quá lâu. Ở người lớn, hãy duy trì các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bơi lội, aerobic, yoga… Nếu chưa rõ về những hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng của mình, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ. (4)
3. Duy trì cân nặng ổn định
Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh. Thừa cân – béo phì góp phần làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng như các bệnh mạn tính khác, chẳng hạn như đái tháo đường. Do đó nếu bạn đang có BMI >23, hãy giảm cân khoa học. Đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 7 tuổi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để vừa giúp trẻ giảm cân, vừa đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ phát triển thể chất và trí não.
4. Uống thuốc đầy đủ và đúng chỉ định
Nhiều bệnh nhân tim bẩm sinh phải duy trì uống thuốc suốt đời. Vì thế, người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh ở mỗi thời điểm. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc dùng lại toa thuốc cũ mà bỏ qua tái khám. Tất cả những việc làm này đều có thể khiến bệnh tái phát hoặc trở nặng.
5. Tuân thủ lịch khám thai
Nếu thai nhi được phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh, thai phụ cần tuân thủ các mốc khám thai định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh, giúp bác sĩ có hướng điều trị đúng đắn sau khi em bé chào đời.
6. Đề phòng biến chứng
Người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ phát triển các biến chứng – ngay cả khi đã được phẫu thuật lúc nhỏ. Cho nên, việc chăm sóc theo dõi người bệnh sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần được bác sĩ kiểm tra sức khỏe thường xuyên, thực hiện các cận lâm sàng và xét nghiệm máu định kỳ để tầm soát biến chứng. Tần suất tái khám sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh: nhẹ, trung bình hay phức tạp.

Biến chứng bệnh tim bẩm sinh
Người bệnh tim bẩm sinh có thể gặp các vấn đề sức khỏe khác sau khi điều trị, bao gồm:
- Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): Rối loạn quá trình phát và dẫn truyền tín hiệu điện học trong tim khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Ở một số người, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có nguy cơ gây đột quỵ hoặc đột tử do tim nếu không được cấp cứu kịp thời. Mô sẹo trong tim từ các cuộc phẫu thuật trước có thể là nguyên nhân góp phần gây ra biến chứng này.
- Nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng): Vi khuẩn hoặc vi trùng có khả năng xâm nhập vào máu và di chuyển đến lớp màng trong của tim (nội tâm mạc) gây nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ dễ làm hỏng, phá hủy van tim hoặc gây đột quỵ.
- Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh có thể thúc đẩy hình thành cục máu đông đi qua tim và di chuyển đến não, gây tắc nghẽn hoặc giảm cung cấp máu cho não, gây ra đột quỵ.
- Tăng áp phổi: Một số dị tật tim bẩm sinh khiến máu đến phổi nhiều hơn, tạo nên áp lực lớn cho phổi, lâu dài sẽ dẫn đến tăng áp phổi. Điều này khiến cơ tim yếu đi, thậm chí mất hẳn chức năng.
- Suy tim: Đây là biến chứng thường gặp khi bệnh tim bẩm sinh không được điều trị kịp thời. Tim bị suy yếu chức năng sẽ không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch PlinkCare chuyên tầm soát bệnh tim bẩm sinh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tim bẩm sinh từ bào thai, sơ sinh đến trưởng thành. Sự phối hợp đa chuyên khoa Sản Phụ khoa – Tim mạch – Sơ sinh giúp các bác sĩ phát hiện bệnh từ giai đoạn bào thai, can thiệp ngay khi trẻ chào đời và theo dõi xuyên suốt cho đến khi trẻ trưởng thành. Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn sâu, luôn thấu hiểu tâm lý các bé, đảm bảo trẻ luôn thoải mái và bố mẹ an tâm trong suốt quá trình trị bệnh.
Đặt lịch khám cho trẻ tại khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm tim mạch PlinkCare:
Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại dị tật tim, tình trạng bệnh, phương pháp điều trị… Việc phát hiện sớm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. Do đó, mẹ bầu không nên bỏ qua các mốc khám thai quan trọng. Trẻ bệnh tim bẩm sinh cần có chế độ thăm khám, chăm sóc trẻ đặc biệt để duy trì hiệu quả điều trị, tiên lượng sống tốt và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.