
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không? Có thể trị khỏi hẳn không?
Bệnh tim bẩm sinh gây ra tác động xấu đến sức khỏe nếu không điều trị
Bệnh tim bẩm sinh là bất thường về tim phát triển khi em bé còn trong bụng mẹ và tồn tại sau sinh. Những khiếm khuyết này xảy ra do các yếu tố làm gián đoạn sự hình thành của tim và mạch máu.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bệnh tim bẩm sinh khó xác định được nguyên nhân. Bệnh có thể do yếu tố di truyền hoặc bố mẹ mang gen bệnh, không mắc tim bẩm sinh nhưng trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, mẹ bầu bị bệnh và nhiễm độc trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ.
Một số dị tật tim bẩm sinh phổ biến như: còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot, hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ hai mảnh, thiểu sản cung động mạch chủ, chuyển vị đại động mạch, kênh nhĩ thất…
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bao gồm: khó thở, thở nhanh, bú kém, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài, tím… Đối với trẻ vài tháng tuổi, các triệu chứng có thể rõ rệt hơn như thở khò khè, ho, có các biểu hiện của viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể bị vã mồ hôi, tay chân lạnh, người xanh xao, chậm phát triển thể chất, môi và đầu ngón tay – chân chuyển sang tím… (1)

Các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ tùy theo mức độ dị tật. Nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:
- Loạn nhịp tim: Tim đập không đều, đập quá nhanh hoặc quá chậm. Một số trường hợp loạn nhịp tim nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách có thể gây đột quỵ hoặc đột tử.
- Nhiễm trùng tim: Là tình trạng vi trùng xâm nhập vào máu đến tim gây nhiễm trùng lớp nội mạc cơ tim. Nhiễm trùng tim hay còn gọi là viêm nội tâm mạc, có thể gây hỏng, phá hủy van tim, nghiêm trọng hơn là dẫn đến thuyên tắc gây đột quỵ.
- Tăng áp động mạch phổi: Lưu lượng máu đến phổi tăng lên quá mức dẫn đến tăng áp lực trong động mạch phổi.
- Suy tim: Dị tật tim bẩm sinh khi không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, lâu dần khiến tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim.
Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không?
Các bác sĩ Tim mạch cho biết bệnh tim bẩm sinh có thể chữa được và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả, bằng nhiều phương pháp như: Đóng vách thông liên thất/thông liên nhĩ, đóng ống động mạch qua thông tim, thay van tim… Tuy nhiên một số dị tật bẩm sinh nặng không thể chữa khỏi hoàn toàn được
Trước đây, trẻ em được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh thường được phát hiện sau khi sinh hoặc trong quá trình trẻ trưởng thành do y học chưa phát triển. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực y học, hệ thống trang thiết bị và kỹ thuật siêu âm tim hiện đại giúp chẩn đoán sớm nhiều dị tật tim bẩm sinh từ tuần 16-17 thai kỳ. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi sát sự phát triển của thai nhi, có sự chuẩn bị tốt để điều trị hỗ trợ ngay sau sinh cho trẻ trong trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc dị tật tim bẩm sinh nặng.
Tim bẩm sinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Khoảng 25% trẻ em sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh cần được phẫu thuật tim bẩm sinh hoặc các biện pháp can thiệp khác. Hơn 85% trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sống ít nhất đến 18 tuổi. Tuy nhiên, nếu mắc phải dị tật tim bẩm sinh nặng sẽ ít có khả năng sống đến tuổi trường thành.
Trẻ sơ sinh mắc dị tật tim bẩm sinh mặc dù đã được can thiệp điều trị, nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như khả năng tăng trưởng, chậm phát triển, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thể chất, gặp các vấn đề về nhịp tim, suy tim, ngừng tim đột ngột hoặc đột quỵ.
Bệnh tim bẩm sinh có chữa khỏi hẳn được không?
Tim bẩm sinh có nhiều dị tật khác nhau từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Bệnh lý tim bẩm sinh có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng một số trường hợp dị tật tim bẩm sinh nặng, các phương pháp điều trị hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Một trong những dị tật tim bẩm sinh được đánh giá là nặng như tứ chứng Fallot, nhưng hiện nay, cơ hội phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi bệnh cao nhờ vào những tiến bộ mới của y học hiện đại. Tuy nhiên, khả năng sống và chất lượng cuộc sống của trẻ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị, cách chăm sóc sau phẫu thuật.
Nhiều thập kỷ trước, chỉ có 10% trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh sống sót đến tuổi trưởng thành. Nhưng với những tiến bộ mới trong chăm sóc y tế, hiện nay 90% trẻ em sinh ra bị dị tật tim bẩm sinh có thể có một cuộc sống bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Việc áp dụng các biện pháp sửa chữa nhằm mục đích cải thiện triệu chứng bệnh và ngăn ngừa những biến chứng lâu dài do bệnh gây ra như rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, suy tim,… (2)
Xem thêm: Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu? Làm sao sống chung với bệnh?

Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh
Tùy vào loại khuyết tật tim bẩm sinh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng trẻ. (3)
1. Điều trị thuốc
Các loại thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân tim bẩm sinh là thuốc kiểm soát suy tim, thuốc ổn định nhịp tim, thuốc chống đông máu,…
Đối với trường hợp trẻ sơ sinh mắc còn ống động mạch, thông thường còn ống động mạch sẽ tự biến mất, tuy nhiên, đôi khi cần dùng đến thuốc để giúp đóng ống động mạch ở trẻ sinh non.
- Indomethacin hoặc ibuprofen giúp kích hoạt ống động mạch co lại hoặc thắt chặt, giúp đóng lỗ mở lại.
- Acetaminophen đôi khi được dùng để đóng ống động mạch.
2. Can thiệp qua da
Ưu điểm của thủ thuật này là bác sĩ có thể tiến hành sửa chữa các khuyết tật tim bẩm sinh mà không cần phải phẫu thuật mở lồng ngực. Bác sĩ thông tim can thiệp sẽ luồn một ống thông từ động mạch hoặc tĩnh mạch tại bẹn, cổ hoặc cánh tay bệnh nhân và tiếp cận trái tim.
Sau đó, các công cụ nhỏ sẽ được đưa qua ống thông, đi đến tim và bác sĩ tiến hành sửa chữa các khiếm khuyết tại tim. Can thiệp qua da là thủ thuật hiện đại, giúp giảm thiểu rủi ro và biến chứng cho bệnh nhân như giảm nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, giúp rút ngắn thời gian nằm viện, vết mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao…

3. Phẫu thuật tim
Một số trường hợp bệnh nhân không thể can thiệp qua da, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tim hở để thao tác trực tiếp vào tim. Phẫu thuật có thể được thực hiện trong các trường hợp:
- Sửa chữa đóng các lỗ thông trong tim như thông liên thất, thông liễn nhĩ;
- Sửa chữa các khiếm khuyết phức tạp của các mạch máu tim;
- Sửa chữa hoặc thay van tim;
- Mở rộng các mạch máu bị thu hẹp.

Biện pháp chăm sóc người bệnh tim bẩm sinh
Ngay cả sau khi được phẫu thuật sửa chữa, người có bệnh tim bẩm sinh vẫn cần được theo dõi và chăm sóc suốt đời. Các biện pháp chăm sóc y tế phù hợp và liên tục có thể giúp trẻ em cũng như người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh sống khỏe mạnh như người bình thường.
1. Chăm sóc suốt đời
Hiện nay, mặc dù các phương pháp điều trị tim bẩm sinh đã được cải tiến, nhưng bệnh nhân vẫn cần được theo dõi và chăm sóc suốt đời. Khi trẻ bị tim bẩm sinh trưởng thành, vẫn có thể gặp các vấn đề về tim khác. Bệnh nhân có thể cần dùng thêm thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ tục khác sau những ca phẫu thuật đầu tiên khi còn nhỏ. Do đó, bệnh nhân sau điều trị cần theo dõi, tái khám theo định kỳ và được chăm sóc đúng cách.
2. Chế độ dinh dưỡng
Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thường dễ mệt mỏi, khó bú, bú ít, các cữ bú bị ngắt quãng khiến trẻ chậm tăng cân, chậm phát triển.
Do trái tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho khiếm khuyết, nên một số trẻ bị dị tật tim bẩm sinh đốt cháy nhiều calo hơn. Khi lớn lên, trẻ có thể nhỏ hơn, gầy hơn so với những đứa trẻ khác. Do đó, bố mẹ cần chú ý về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con, bổ sung những thực phẩm có lợi cho tim. (4)
3. Hoạt động thể chất
Vận động, tập thể dục đều đặn là một phần quan trọng để giữ sức khỏe tốt, cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe cho trái tim. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên khuyến khích con vận động phù hợp, không nên để con ngồi hoặc nằm một chỗ quá lâu. Với người lớn, có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe, thực hiện các môn thể dục như đạp xe, yoga, đi bộ, aerobic…
Nếu bản thân người bị bệnh tim bẩm sinh hoặc bố mẹ có con mắc bệnh chưa rõ về những bài tập nào sẽ phù hợp với thể trạng, tốt nhất gặp bác sĩ để được hướng dẫn.

4. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Béo phì – thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác, nhất là đối với trẻ em và người lớn có bệnh tim bẩm sinh. Trẻ em dưới 7 tuổi nếu bị thừa cân, béo phì, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám để được hướng dẫn về cách giúp trẻ giảm cân khoa học nhưng vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất cho trẻ phát triển tốt. Đối với người lớn, nếu chỉ số BMI >23, nên thực hiện giảm cân khoa học.
5. Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
Một số trường hợp trẻ em và người lớn bị tim bẩm sinh cần dùng đến thuốc để cải thiện các vấn đề liên quan đến khuyết tật tim. Khi đó, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đủ và đúng theo chỉ định, không tự ý ngưng hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc.
Người có dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh nên thăm khám sớm
Tim bẩm sinh là bệnh lý phát triển từ trong bào thai và tồn tại cho đến khi trẻ chào đời. Do đó, nếu có ý định mang thai, bạn nên thăm khám sức khỏe trước. Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu nên tránh những yếu tố có nguy cơ gây nhiễm độc và nhiễm bệnh như thuốc lá, rượu, bia, thường xuyên tiếp xúc với chất phóng xạ, tia X-quang, môi trường độc hại…
Mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai đúng theo chỉ định của bác sĩ để tầm soát và sớm phát hiện các bất thường ở thai nhi. Nếu thai có dị tật tim bẩm sinh, mẹ bầu cần được theo dõi sát sao mức tiến triển của bệnh, để bác sĩ có hướng điều trị đúng đắn cho trẻ sau khi chào đời.

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tim bẩm sinh kể trên, nên đưa người bệnh đến bệnh viện thăm khám sớm.
Trung tâm Tim mạch, Hệ thống PlinkCare cung cấp dịch vụ tầm soát bệnh tim bẩm sinh, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tim bẩm sinh từ bào thai, sơ sinh đến người trưởng thành.
Trung tâm được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, như: máy siêu âm tim ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); máy đo điện tim 12 chuyển đạo, máy theo dõi điện tim liên tục 24 – 48 – 72 giờ, 14 ngày; máy chụp MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt; máy cụp MRI tim 1.5 – 3T…
Khách hàng sẽ được đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Tim bẩm sinh trực tiếp thăm khám. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng luôn thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ, đảm bảo trẻ được thoải mái nhất và bố mẹ an tâm trong suốt quá trình điều trị cho con.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Thông qua bài viết, vấn đề bệnh tim bẩm sinh có chữa được không đã được giải đáp. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai đều đặn để sớm phát hiện các dị tật tim bẩm sinh và có sự chuẩn bị trong việc hỗ trợ điều trị tốt cho trẻ sau khi chào đời. Với trẻ nhỏ có dấu hiệu bất thường kể trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị kịp thời các bất thường tim bẩm sinh nếu có.