
Bệnh mạch vành nên ăn gì và kiêng gì? 12 thực phẩm cần nhớ
Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành xảy ra khi các mạch máu chính của tim bị tổn thương, thu hẹp, cứng lại do tích tụ mảng bám. Một số người bệnh không gặp bất kỳ triệu chứng nào, trong khi nhiều người khác có các triệu chứng đau căng tức, nóng rát, nặng nề quanh ngực, đổ mồ hôi, chuột rút, buồn nôn, hụt hơi,…
Tuy không có cách chữa trị căn bệnh này nhưng có thể kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng dinh dưỡng và vận động. Dinh dưỡng hợp lý là cách để quản lý hiệu quả các triệu chứng, bao gồm tăng cường ăn một số loại thực phẩm tốt và tránh tiêu thụ các loại thức ăn thức uống có hại.
Bệnh tim mạch vành dần sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự tích tụ mảng bám trong động mạch làm giảm lưu lượng máu đến tim. Do đó, việc ăn một chế độ ăn uống lành mạnh đối với bệnh tim mạch vành là rất quan trọng. Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, nhiều chất xơ, nhiều thực phẩm thực vật làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh mạch vành. (1)
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành nói chung và rộng ra là các vấn đề liên quan tim mạch.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh mạch vành
Ăn nhiều loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Điều này không chỉ duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Tổ chức Tim mạch khuyến nghị:
- Ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
- Sử dụng nguồn protein lành mạnh (đặc biệt là cá và hải sản), các loại đậu, quả hạch và hạt. Một lượng nhỏ trứng và thịt gia cầm nạc cũng cần được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Nếu chọn thịt đỏ, phải đảm bảo thịt nạc và hạn chế ăn (từ 1 đến 3 lần một tuần).
- Dùng sữa không đường, sữa chua và phô mai. Những người bệnh có mỡ trong máu cao nên chọn các loại ít chất béo.
- Lựa chọn chất béo lành mạnh (quả hạch, hạt, bơ, ô liu) để nấu ăn.
- Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho thức ăn, thay vì thêm muối.
Ngoài ra, cần chú ý đến lượng thức ăn tiêu thụ và kiểm soát những thực phẩm không tốt cho sức khỏe đang nạp vào cơ thể. Đối với nhiều người, khẩu phần ăn đã tăng lên theo thời gian và đang vượt mức cần thiết, dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Khẩu phần ăn gồm 1/4 protein, 1/4 carbohydrate và 1/2 rau được xem là lý tưởng nhất cho một bữa ăn lành mạnh.
Người bệnh mạch vành nên ăn gì?
Một số thống kê cho thấy, có nhiều loại thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe của tim, giúp hạn chế tiến triển sớm bệnh mạch vành mà người bệnh nên đưa vào thực đơn hàng ngày.
1. Trái cây, hoa quả tươi
Tăng lượng thức ăn có nguồn gốc thực vật sẽ cải thiện bệnh tim, giúp ngăn ngừa cơn đau tim và ngừng tim đột ngột. Trái cây và rau quả đều chứa một lượng vitamin, chất dinh dưỡng lành mạnh, góp phần vào sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, những thực phẩm này ít calo, giúp duy trì cân nặng. Vì có nguồn chất xơ dồi dào, trái cây và rau quả giúp giảm mức cholesterol và bảo vệ tim. (2)

2. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm tác động tiêu cực của bệnh mạch vành. Người bệnh tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bằng cách thay thế cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Một lựa chọn tốt sẽ bao gồm:
- Bánh mì nguyên hạt;
- Ngũ cốc giàu chất xơ;
- Gạo lức;
- Mì ống nguyên chất;
- Cháo bột yến mạch.
Bên cạnh đó, có một số loại ngũ cốc cần hạn chế, như: bánh mì trắng, bánh quế đông lạnh, bánh rán, bánh quy, mì trứng, bánh mì ngô.
3. Chất béo lành mạnh
Không phải tất cả chất béo đều có hại với bệnh mạch vành. Ăn chất béo lành mạnh ở mức độ vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm cholesterol và chống lại các cơn đau tim, đột quỵ.
Những chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, được tìm thấy trong dầu ô liu, dầu canola, hạt lanh, bơ, các loại hạt, bơ thực vật giảm cholesterol. Ngoài ra, còn có trong các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, như sữa, sữa chua, kem chua và pho mát. (3)
4. Nguồn protein ít chất béo
Thịt nạc, thịt gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa ít chất béo và trứng là nguồn cung cấp protein tốt nhất. Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3, có thể làm giảm chất béo trong máu (chất béo trung tính). Lượng axit béo omega-3 thường được tìm thấy cao nhất là ở trong những loại cá nước lạnh (cá hồi, cá thu và cá trích).
Các nguồn cung cấp protein ít chất béo khác như hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, dầu hạt cải, các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng). Thay thế protein thực vật bằng protein động vật sẽ làm giảm lượng chất béo, cholesterol và giúp tăng lượng chất xơ.
5. Thực phẩm giúp tăng lưu thông máu
Một số loại thực phẩm có thể giúp tối ưu hóa lưu lượng máu.Trước hết là phải kể đến nước ép lựu. Đây là thức uống rất giàu chất chống oxy hóa, giúp mở các mạch máu để máu lưu thông nhiều hơn; và cũng được biết đến với việc giữ cho các động mạch không bị cứng và dày.
Hành tây cũng là một lựa chọn tốt. Là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa flavonoid, hành tây có lợi cho sức khỏe và tuần hoàn của tim bằng cách giúp các động mạch và tĩnh mạch mở rộng khi lưu lượng máu tăng lên. Ngoài ra, tiêu thụ trái cây họ cam quýt giàu flavonoid như cam, chanh và bưởi có thể làm giảm viêm trong cơ thể, giúp giảm huyết áp và xơ cứng động mạch, cải thiện lưu lượng máu.
Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn củ cải đường bởi rất giàu hóa chất tự nhiên nitrat. Thông qua phản ứng dây chuyền, cơ thể chuyển đổi các nitrat này thành oxit nitric giúp cải thiện lưu lượng máu và huyết áp. Đồng thời, lựa chọn thêm dưa hấu để tăng khả năng cải thiện lưu lượng máu, vì dưa hấu chứa lycopene, một chất chống oxy hóa tự nhiên.
6. Thực phẩm giúp giảm cholesterol
Cholesterol LDL là loại cholesterol gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch dẫn đến bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ. Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm cholesterol LDL hiệu quả, có vị ngon và dễ kết hợp vào bữa ăn hàng ngày.
Đầu tiên là sôcôla đen chứa flavonoid – chất chống oxy hóa giúp giảm mức LDL. Người bệnh lưu ý là phải đảm bảo ăn điều độ vì sôcôla cũng chứa nhiều chất béo bão hòa và đường. Người bệnh có thể sử dụng bột ca cao đen, không đường trong nấu ăn để có được những tác dụng tương tự đối với sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, người bệnh có thể ăn bơ và các sản phẩm từ bơ. Bơ cung cấp axit oleic giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Thử ăn một vài lát bơ với bánh mì gà hoặc thêm bơ vào món salad. Dầu bơ cũng có thể được sử dụng thay cho các loại dầu khác trong nấu ăn.
Rượu vang đỏ chứa resveratrol, một chất được tìm thấy trong vỏ nho đỏ, cũng là một lựa chọn giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu, bằng cách giảm nguy cơ đông máu và giảm LDL. Chỉ nên uống một ly rượu vang đỏ vào bữa tối là tốt nhất.
Bệnh mạch vành kiêng ăn gì?
Người bệnh mạch vành nên thay đổi chế độ ăn lành mạnh, song song kiêng hoặc tránh thức ăn nhiều muối, đường, chất béo bão hòa hay thức ăn đóng hộp…
1. Thức ăn nhiều natri (muối)
Chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim. Cần thiết phải theo dõi mức độ muối trong thực phẩm tiêu thụ để tránh các biến chứng. Mức tiêu thụ muối theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5g mỗi ngày. (4)
2. Thực phẩm có hàm lượng đường cao
Đường có khả năng gây viêm khắp cơ thể. Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Điều này làm căng mạch máu và tim, làm tăng khả năng mắc bệnh tim.
Tiêu thụ đường làm tăng mức insulin, từ đó kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Điều này dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Theo nghiên cứu được tiến hành trong nhiều thập kỷ, đường được coi là có hại cho tim hơn cả chất béo bão hòa.
Một nghiên cứu khác cho thấy, chế độ ăn nhiều đường được cho là làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Thực phẩm có hàm lượng đường cao, bao gồm: bánh ngọt, bánh quy, ngũ cốc ăn sáng, nước giải khát, nước tăng lực,…
3. Chất béo bão hòa
Thường xuyên hấp thụ chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp) trong máu. Mức cholesterol LDL cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị tiêu thụ chỉ từ 5-6% lượng calo từ chất béo bão hòa trong một bữa ăn.
4. Chất béo chuyển hóa
Lượng chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol LDL và cũng làm giảm cholesterol HDL. Mức LDL cao kết hợp với mức HDL thấp có thể dẫn đến sự tích tụ cholesterol trong động mạch. Điều này làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Một số thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, như: burger, pizza, đồ chiên, nướng, phô mai, kem, dầu dừa,…

5. Thịt chế biến
Thịt đã qua chế biến và được xử lý có chứa nhiều chất béo bão hòa. Ngay cả khi ít chất béo, hàm lượng natri vẫn cao trong loại thực phẩm này. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, 6 lát thịt chế biến mỏng có thể chứa một nửa lượng natri khuyến nghị hàng ngày.
Nghiên cứu được công bố trên JAMA Internal Medicine cho thấy, ăn nhiều thịt chế biến có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, suy tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim, tuần hoàn.
6. Thực phẩm chiên
Tiêu thụ thực phẩm chiên thường xuyên liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, do thực phẩm chiên có hàm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao, thúc đẩy sự tích tụ mảng bám trong động mạch; làm tăng khả năng suy tim, đau tim, đột quỵ và bệnh liên quan động mạch vành. Ăn đồ chiên rán làm tăng nguy cơ suy tim lên 37% và bệnh mạch vành lên 22%.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, mỗi khẩu phần bổ sung thực phẩm chiên được tiêu thụ hàng tuần làm tăng 12% nguy cơ suy tim, các biến cố tim mạch lớn 3% và bệnh mạch vành 2%.
Gợi ý một số cách chế biến thực phẩm cho người bệnh mạch vành
Nghiên cứu cho thấy, một số phương pháp nấu ăn có thể thay đổi thành phần thực phẩm và gây hại cho sức khỏe. Do đó, cần nấu ăn đúng cách và áp dụng các phương pháp này để tạo ra những bữa ăn lành mạnh, giúp hạn chế bệnh mạch vành.
1. Chần thực phẩm
Đây là phương pháp chế biến rau bổ dưỡng và nhanh chóng, giúp giảm bớt sự hao hụt về chất lượng thực phẩm và tối đa hóa hàm lượng dinh dưỡng. Chần có nghĩa là đun sôi nhanh và sau đó cho thực phẩm vào chậu nước đá. Kỹ thuật này đặc biệt áp dụng đối với các loại rau muốn giữ vị hơi giòn hoặc gần như sống. Do đó, màu sắc và chất dinh dưỡng của rau củ sẽ được giữ lại.
Phương pháp chần sẽ giúp tiêu diệt vi sinh vật trên bề mặt rau quả; làm mềm rau củ, làm sáng màu và hạn chế thất thoát vitamin.
2. Hấp và luộc
Các phương pháp nấu bằng nhiệt ẩm như luộc và hấp, là những cách tốt nhất để chế biến thịt và nhiều thực phẩm khác. Đối với chế biến rau, phương pháp hấp sẽ giữ lại các chất dinh dưỡng như caroten và chất phytochemical; cũng như vitamin B và C không bị hòa tan trong nước.
3. Ăn tươi
Một số món ăn bổ dưỡng, lành mạnh được ăn tươi, tốt cho tim mạch như là bơ nghiền với nước cốt chanh và muối, hoặc ăn rau với dầu ô liu và nước cốt chanh hoặc giấm táo. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ăn rau tươi với chất béo lành mạnh sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực vật.
Ngoài ra, có thể thử cà rốt, bông cải, củ cải, su hào,… kết hợp với nước chấm làm từ sữa chua Hy Lạp, một chút dầu ô liu, một chút muối, hạt tiêu đen và các loại thảo mộc như húng quế, bạc hà, rau mùi hoặc rau mùi tây.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng của Anh, những người ăn nhiều rau họ cải hơn (như bắp cải, cải Brussels, súp lơ trắng, bông cải xanh) ít có khả năng bị vôi hóa động mạch chủ bụng hơn 46%. Có thể cắt nhỏ các loại rau củ để làm món salad.
Người bệnh mạch vành cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và xử trí kịp thời nếu bệnh tiến triển. Để đặt lịch khám tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ:
Thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan và ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa là những lựa chọn tốt cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Tuy nhiên, các thực phẩm trên chỉ là một phần tham khảo trong các biện pháp kiểm soát bệnh mạch vành, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa và làm theo hướng dẫn chế độ ăn uống cho người bệnh mạch vành nên ăn gì và kiêng gì đồng thời kết hợp vận động, thay đổi lối sống phù hợp.