Image

Bệnh bại não có chữa được không? Cách điều trị như thế nào?

Bại não là bệnh gì?

Bệnh bại não (Cerebral Palsy) là tình trạng não bị tổn thương và phát triển chậm. Điều này gây ảnh hưởng đến thị giác, thính giác và gây nên sự mất kiểm soát và không điều khiển được các cử động của tứ chi.

Thực tế, rất khó để xác định nguyên nhân chính xác gây bại não ở trẻ. Căn cứ vào thời điểm mắc bệnh, nguyên nhân bại não ở trẻ được chia làm 3 nhóm chính: trước sinh, trong sinh và sau sinh.

  • Bại não thai kỳ: Tình trạng này xảy ra khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Các nguyên nhân gây bại não thai kỳ ở trẻ gồm thiếu máu não, thiếu oxy, nhiễm trùng, chấn thương trong thai kỳ, tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do lạm dụng thuốc. Bên cạnh đó, nếu người mẹ bị tiền sản giật, cường giáp, động kinh hay mang đa thai, nguy cơ mắc bệnh này ở trẻ cũng sẽ tăng cao. Bại não thai kỳ còn có nguy cơ xảy ra cao ở những trẻ sinh non (dưới 36 tuần) và trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2.500 gram).
  • Bại não trong lúc sinh: Một số rủi ro xảy ra trong quá trình sinh nở có thể gây tổn thương não bộ của trẻ, dẫn đến bại não như mẹ bị vỡ ối sớm, trẻ bị thiếu oxy não, rối loạn nhịp tim khi sinh, sang chấn lúc sinh, thời gian chuyển dạ kéo dài, khó sinh…
  • Bại não sau sinh: Tình trạng này xảy ra chủ yếu do trẻ mắc phải một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến não bộ như viêm não, viêm màng não, co giật, thiếu oxy não, mắc các bệnh về rối loạn đông máu, chấn thương đầu, nồng độ bilirubin trong máu cao…

Bại não có chữa được không?

Bại não có thể gây tổn thương ở một phần hoặc nhiều phần của não và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng suốt cuộc đời của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình. Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất ý thức, suy giảm các giác quan và tàn tật. Trong các trường hợp nặng, bệnh có thể làm cho toàn bộ cơ thể tê liệt. Điều này khiến cho người thân phải chăm sóc bệnh nhân suốt đời và đối mặt với nhiều gánh nặng kinh tế.

Bệnh bại não không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, việc điều trị sớm và phù hợp sẽ giúp cải thiện các triệu chứng, có thể kiểm soát được các khuyết tật và hòa nhập với xã hội dễ dàng hơn. (1)

Bệnh bại não không thể chữa khỏi
Các tổn thương do bại não gây ra có thể phát triển theo hướng tích cực hơn khi được hỗ trợ điều trị đúng cách.

Phương pháp chẩn đoán bại não ở trẻ

Thông thường, chẩn đoán bại não ở trẻ sẽ được thực hiện trong 2 năm đầu đời và muộn hơn khi trẻ được 4 – 5 tuổi. Bệnh được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng định kỳ nhằm theo dõi sự phát triển, tăng trưởng, trương lực cơ, khả năng kiểm soát vận động theo lứa tuổi, thính giác, thị giác, tư thế và khả năng phối hợp các cơ quan của trẻ. Dựa vào các kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng thần kinh của trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ có thể được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây bại não như:

  • Siêu âm sọ: Đây là kỹ thuật hình ảnh ít xâm lấn nhất, thường được sử dụng ở trẻ sinh non nhằm phát hiện sớm các vấn đề về thần kinh và não bộ ở trẻ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thông qua các hình ảnh giải phẫu mô, cấu trúc não được ghi lại từ MRI, bác sĩ sẽ xác định vị trí, loại tổn thương và các bất thường, dị tật não (nếu có).
  • Đo điện não đồ: Phương pháp này được thực hiện nhằm phát hiện những thay đổi bất thường trong mô não, từ đó phát hiện các cơn động kinh ở trẻ.

Cách điều trị bại não

Tùy vào mức độ tổn thương não, bại não ở trẻ sẽ có cách điều trị khác nhau như châm cứu, ghép tế bào gốc… với mục đích chung là khắc phục các triệu chứng và đưa trẻ hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung các phương pháp hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ bị bại não là cách điều trị được đánh giá cao về hiệu quả mang lại và được sử dụng phổ biến nhất. Thời gian điều trị bại não thường sẽ kéo dài và áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau, không chỉ thực hiện tại bệnh viện mà còn yêu cầu người bệnh phải thường xuyên tập luyện tại nhà.

Một số cách điều trị bại não có thể được sử dụng gồm:

  • Điều trị hỗ trợ: Tập vật lý trị liệu, giúp trẻ đi bộ thường xuyên hơn, hỗ trợ xe lăn, sử dụng các loại đạp để cố định khớp, sử dụng máy trợ thính, đeo kính hỗ trợ thị lực… nhằm giúp trẻ mắc bệnh dễ hòa nhập với xã hội.
  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc chống co giật, giãn cơ là loại thuốc thường được sử dụng nhằm hạn chế các biến chứng nặng nề có thể được gây ra do bệnh.
  • Phẫu thuật: Phương pháp này thường dùng trong cải thiện các biến chứng của bại não như tình trạng căng cơ, xương biến dạng… Đối với các trường hợp đau nhức dữ dội, co cứng, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật cắt dây thần kinh để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Xem thêm: Điều trị bại não bằng tế bào gốc: Chi phí và phương pháp cấy ghép.

Các phương pháp điều trị bại não
Các phương pháp điều trị bại não tập trung vào mục đích giúp trẻ hòa nhập với xã hội dễ dàng hơn.

Cách phòng ngừa bại não cho trẻ

Bệnh bại não ở trẻ hiện vẫn chưa có cách phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, dựa vào các nguyên nhân, yếu tố làm tăng nguy cơ bại não, bố mẹ có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng các phương pháp sau:

  • Thăm khám, tiêm phòng đầy đủ trước khi có ý định mang thai.
  • Chăm sóc thai kỳ cẩn thận, tránh vận động mạnh và thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tiêm phòng vaccine cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ví dụ như vaccine viêm não Nhật Bản, viêm màng não, rubella…
  • Chăm sóc trẻ cẩn thận, tránh để các vật nhọn, góc cạnh trong khu vực vui chơi, xung quanh trẻ.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ.
  • Theo dõi các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các dấu hiệu liên quan đến tổn thương não bộ, nhiễm trùng.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã có câu trẻ lời về vấn đề “Bệnh bại não có chữa được không?” cũng như hiểu rõ hơn về bệnh bại não. Các tổn thương và hệ lụy cho bệnh gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh mà còn tạo áp lực lên kinh tế và cuộc sống của những người xung quanh. Do đó, bố mẹ cần chủ động phòng ngừa bệnh ngay từ ban đầu, từ khi có ý định mang thai để tránh những rủi ro không đáng có.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send