
Áp xe não: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng ngừa
Hiện nay, Hệ thống PlinkCare có hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT 768 lát cắt, chụp cộng hưởng từ (MRI) 1.5 – 3 Tesla… giúp bác sĩ chẩn đoán và phát hiện nhanh các bệnh liên quan đến não trong đó có bệnh áp xe não để đưa ra phương hướng điều trị kịp thời.
Áp xe não là gì?
Áp xe não là một bệnh nhiễm trùng trong não. Căn bệnh này cũng là một trường hợp cấp cứu y tế cần được tiến hành điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng áp xe não có thể bao gồm đau đầu, sốt, thay đổi ý thức, lú lẫn, cứng cổ, nôn mửa, co giật, suy nhược, khó cử động và thay đổi thị lực.
Triệu chứng của bệnh áp xe não
Các triệu chứng áp xe não có thể phát triển nhanh hoặc chậm, bao gồm: (1)
- Nhức đầu (thường diễn ra nghiêm trọng), xuất hiện ở một phần duy nhất của đầu và không giảm bớt khi dùng thuốc giảm đau.
- Thay đổi trạng thái tinh thần ví dụ như nhầm lẫn hoặc khó chịu.
- Gặp các vấn đề về chức năng thần kinh ví dụ như yếu cơ, nói lắp hoặc tê liệt ở một bên cơ thể.
- Sốt cao.
- Co giật.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Cổ cứng.
- Thay đổi thị lực ví dụ như nhìn mờ hoặc nhìn đôi (do áp xe gây áp lực lên dây thần kinh thị giác).

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần được bác sĩ thăm khám hoặc cấp cứu ngay khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào có liên quan đến não và hệ thần kinh, ví dụ như: sốt cao, nói lắp, yếu cơ, tê liệt, co giật xảy ra ở một người không có tiền sử co giật trước đó. Nếu có bất kỳ triệu chứng áp xe não nào hoặc nghi ngờ đó là dấu hiệu của bệnh áp xe não thì người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức để được hỗ trợ.
Nguyên nhân gây áp xe não
Nguyên nhân gây bệnh áp xe não thường do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, nhiễm trùng trong hộp sọ, lây nhiễm qua đường máu và nhiễm trùng sau chấn thương đầu.
1. Bệnh áp xe não thường do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm
Nếu không thể tiêu diệt tình trạng nhiễm trùng ở não, hệ thống miễn dịch sẽ cố gắng hạn chế sự lây lan bằng cách sử dụng những mô khỏe mạnh để chống lại, ngăn chặn mủ lây nhiễm sang các mô khác. Cơ thể có một số cơ chế phòng vệ để bảo vệ, tránh bị nhiễm trùng não. Một trong số đó là hàng rào máu não – màng dày giúp lọc các tạp chất khỏi máu trước khi cho phép máu đi vào não. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vi trùng có thể vượt qua hàng rào bảo vệ này, lây nhiễm vào não gây áp xe não. Vị trí nhiễm trùng phổ biến hơn cả là nhiễm trùng hộp sọ, máu hoặc vị trí chấn thương đầu.
2. Nhiễm trùng trong hộp sọ
Bệnh áp xe não có thể xảy ra do biến chứng của nhiễm trùng trong hộp sọ, ví dụ như: nhiễm trùng tai giữa dai dẳng (viêm tai giữa); viêm xoang – nhiễm trùng xoang (các khoang chứa đầy không khí bên trong xương gò má và trán); viêm xương chũm – nhiễm trùng xương sau tai. Đây từng là nguyên nhân chính gây áp xe não. Thế nhưng tại thời điểm hiện tại, các phương pháp điều trị nhiễm trùng đã được cải thiện nên biến chứng gây áp xe não của các loại nhiễm trùng kể trên khá hiếm gặp.
Xem thêm: Viêm xương sọ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.
3. Nhiễm trùng lây lan qua máu có thể gây bệnh áp xe não
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao bị áp xe não do nhiễm trùng máu. Lý do là vì hệ thống miễn dịch của họ có thể không có khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng ban đầu.
Các bệnh nhiễm trùng và tình trạng sức khỏe có thể gây bệnh áp xe não bao gồm: bệnh tim bẩm sinh, bị lỗ rò động mạch phổi, áp xe răng, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng tim, nhiễm trùng da, nhiễm trùng vùng bụng (nhiễm trùng niêm mạc ruột), nhiễm trùng vùng chậu (ví dụ như nhiễm trùng niêm mạc bàng quang).
4. Bệnh áp xe não do nhiễm trùng sau chấn thương đầu
Tình trạng chấn thương trực tiếp ở hộp sọ cũng có thể dẫn đến áp xe não, ví dụ như gãy xương sọ, bị thương ở sọ. Trong một số ít trường hợp, áp xe não có thể phát triển như biến chứng của phẫu thuật thần kinh.

Đối tượng nào có nguy cơ bị áp xe não?
Áp xe não có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Những người có nguy cơ phát triển bệnh áp xe não cao hơn bao gồm: (2)
- Người mắc dị tật tim, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm HIV/AIDS, người bị ung thư hay các bệnh lý khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
- Những người mắc bệnh tim bẩm sinh, viêm màng não, nhiễm trùng tai giữa và xoang mạn tính, nhiễm trùng răng/hàm, nhiễm trùng mặt/da đầu, chấn thương đầu/gãy xương sọ.
- Những người bị gãy cổ hoặc cần cố định đầu và cổ khi phẫu thuật có sử dụng ghim/ốc vít được đặt xung quanh đầu để giữ cố định vùng đầu, cổ.
- Người bệnh bị nhiễm trùng shunt (thiết bị dùng để dẫn lưu lượng dịch não tủy dư thừa)… đều có nguy cơ gặp chứng áp xe não.
- Người bị chấn thương ở đầu hoặc phẫu thuật đầu (bao gồm cả các thủ thuật nha khoa) trong thời gian gần có nguy cơ cao bị áp xe não. Những người có tiền sử lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch cũng dễ bị bệnh áp xe não.
- Áp xe não có thể xảy ra ở tất cả trẻ em nhưng xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ trai cao gấp đôi so với trẻ gái. (3)

Biến chứng của áp xe não
Các biến chứng của bệnh áp xe não có thể là áp xe tái phát, tổn thương não, động kinh, viêm màng não. Khi bị áp xe não tái phát, người bệnh cần được bác sĩ tư vấn, thăm khám ngay lập tức, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch yếu.
Biến chứng của áp xe não có thể gây tổn thương não ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tổn thương não có thể cải thiện theo thời gian. Thế nhưng những tổn thương não nghiêm trọng có thể tồn tại vĩnh viễn. Tổn thương não tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nếu việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn.
Áp xe não có thể dẫn đến động kinh. Đây là một biến chứng lâu dài của bệnh áp xe não có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do chấn thương, đột tử bất ngờ trong bệnh động kinh, viêm phổi hít và chết đuối. Áp xe não có thể gây viêm màng não – bệnh nhiễm trùng màng bảo vệ xung quanh não đe dọa đến tính mạng cần được điều trị khẩn cấp.
Cách chẩn đoán áp xe não
Chẩn đoán áp xe não không dễ dàng vì các triệu chứng áp xe não ban đầu diễn ra rất chung chung, ví dụ như nhức đầu, khiến người bệnh chủ quan. Chính vì thế, việc chẩn đoán áp xe não thường bị trì hoãn cho đến khoảng hai tuần sau khi các triệu chứng áp xe não đầu tiên phát triển. Trong một số trường hợp, người bệnh áp xe não có thể bị co giật hoặc thay đổi thần kinh như yếu cơ một bên trước khi bác sĩ thực hiện chẩn đoán. (4)
Nếu nghi ngờ người bệnh bị áp xe não, bác sĩ sẽ kiểm tra, xác định nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng trước. Bác sĩ cũng hỏi xem người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào của áp xe não hay không, có chấn thương nào có thể khiến người bệnh bị áp xe não hay không.
Để chẩn đoán áp xe não, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, ví dụ như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để thấy được hình ảnh bên trong não. Áp xe não sẽ xuất hiện dưới dạng một hoặc nhiều đốm. Máu và các chất dịch cơ thể khác có thể được nghiên cứu để tìm ra nguồn lây nhiễm ban đầu. Nếu chẩn đoán vẫn chưa chắc chắn, bác sĩ giải phẫu thần kinh có thể loại bỏ một phần áp xe não bằng kim nhỏ. Trong trường hợp tìm thấy áp xe, bác sĩ có thể sử dụng một quy trình được gọi là chọc hút dưới hướng dẫn của CT để lấy mẫu mủ đi xét nghiệm. Điều này liên quan đến việc sử dụng phương pháp chụp CT để dẫn kim đến vị trí áp xe.
Nếu nghi ngờ áp xe não, bác sĩ có thể thực hiện đánh giá ban đầu dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh (xem người bệnh có bị nhiễm trùng gần đây hay không, hệ thống miễn dịch có suy yếu hay không). Ngoài ra, xét nghiệm máu, nước tiểu và phân cũng có thể được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng, áp xe não.
Nuôi cấy đờm là một xét nghiệm chẩn đoán thực hiện trên mẫu bệnh phẩm được ho ra từ phổi và miệng. Cấy đờm thường được thực hiện để xác định xem người bệnh có nhiễm trùng gây bệnh áp xe não hay không. (5)
Chọc dò thắt lưng (vòi tủy sống) có thể được áp dụng để xác định xem người bệnh có bị áp xe não hay không. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một cây kim đặc biệt vào phần lưng dưới tiến vào trong ống sống. Bác sĩ có thể lấy ra một lượng nhỏ dịch não tủy (CSF) gửi đi xét nghiệm để xác định xem người bệnh có bị nhiễm trùng hay gặp các vấn đề khác hay không. Nếu não của người bệnh bị sưng hoặc dịch chuyển đáng kể, việc chọc dò tủy sống có thể hoãn lại/hoàn toàn không được thực hiện (do lo ngại về tình trạng tụ máu não).

Cách điều trị áp xe não
Mục tiêu điều trị áp xe não là giảm áp lực nội sọ và loại bỏ nhiễm trùng. Điều trị kịp thời bệnh áp xe não là điều cần thiết để ngăn ngừa tổn thương lâu dài và hậu quả nghiêm trọng. Nếu không điều trị, áp xe não có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Điều trị áp xe não bằng cách sử dụng các loại thuốc để loại bỏ nguồn lây nhiễm và giảm áp lực do áp xe đang phát triển gây ra, ví dụ như: thuốc kháng sinh cefotaxim, ceftriaxone hoặc metronidazole được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn; vancomycin thường được dùng để điều trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn; corticosteroid đôi khi được sử dụng để làm giảm viêm, sưng do áp xe; thuốc chống co giật có thể được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa co giật.
Để điều trị bệnh áp xe nã o, bác sĩ có thể kết hợp giữa việc dùng thuốc và phẫu thuật não tùy thuộc vào kích thước, khối lượng áp xe. Thuốc được dùng cho người bệnh trong phẫu thuật khi bị áp xe não nhỏ (dưới 2.5 cm), áp xe sâu bên trong não, viêm màng não, não úng thủy. Thông thường, người bệnh sẽ được tiêm thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm qua đường nhỏ giọt, trực tiếp vào tĩnh mạch. (6)
Nếu áp xe não còn rất nhỏ, dẫn lưu áp xe bằng phẫu thuật là việc làm cần thiết. Nếu không thể tiếp cận dễ dàng với áp xe não, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp dẫn lưu bằng kim được hướng dẫn bởi hình ảnh CT hoặc MRI. Với áp xe não lớn hơn 2.5 cm, bác sĩ thực hiện phẫu thuật dẫn lưu mủ ra khỏi áp xe và điều trị kháng sinh sau phẫu thuật.
Phẫu thuật mở hộp sọ có thể được tiến hành nếu áp xe não không đáp ứng với phương pháp chọc hút hoặc tái phát vào một ngày sau đó. Bác sĩ sẽ mở hộp sọ, dẫn lưu mủ hoặc loại bỏ hoàn toàn khối áp xe não. Hệ thống định vị Neuro-Navigation thế hệ mới và hệ thống chụp khuếch tán sức căng (DTI) tại Hệ thống PlinkCare cho phép bác sĩ phẫu thuật xác định chính xác hơn vị trí của áp xe não, xử lý nó an toàn mà vẫn bảo toàn các bó sợi thần kinh.
Sau khi phẫu thuật và điều trị ổn định, người bệnh được chụp CT để đảm bảo đã loại bỏ hoàn toàn áp xe não. Hầu hết người bệnh cần thêm 6 đến 12 tuần nghỉ ngơi tại nhà trước khi có đủ sức khỏe để trở lại làm việc hoặc đi học toàn thời gian. Sau khi điều trị áp xe não, người bệnh cần tránh bất kỳ môn thể thao nào có nguy cơ gây chấn thương hộp sọ, ví dụ như đấm bốc, bóng bầu dục hoặc bóng đá.

Cách phòng ngừa áp xe não
Một số áp xe não có liên quan đến việc vệ sinh răng miệng kém hoặc nhiễm trùng xoang phức tạp. Do đó, bạn nên dùng chỉ nha khoa hàng ngày, đánh răng đúng cách và đến nha sĩ thường xuyên. Trong trường hợp người bệnh bị viêm xoang, bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng xoang bằng thuốc thông mũi. Nếu các triệu chứng của nhiễm trùng xoang hoặc răng vẫn tiếp diễn, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh.
Những người nhiễm HIV không được điều trị cũng có nguy cơ cao bị áp xe não. Do đó, bạn cần chủ động phòng tránh HIV bằng cách quan hệ tình dục an toàn… Người bị nhiễm HIV dùng thuốc kháng virus thường xuyên sẽ làm giảm đáng kể khả năng phát triển áp xe não.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Bác sĩ tại Trung tâm Khoa học Thần kinh, PlinkCare khuyến cáo, mỗi người nên đi khám tối thiểu 1 lần/năm nhằm tầm soát xem bản thân có bị viêm phổi, bệnh truyền nhiễm, bệnh tim bẩm sinh hay không… để điều trị bệnh gốc và phòng ngừa áp xe não. Người bệnh có những vấn đề bất thường như đau đầu trong thời gian dài không chấm dứt, động kinh – co giật… cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả.