Image

Vỡ túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phòng ngừa

Vỡ túi mật là gì?

Vỡ túi mật là tình trạng thành túi mật bị nứt, rò rỉ dịch mật ra ngoài, gây đau bụng đột ngột và dữ dội. Nguyên nhân chủ yếu do sỏi mật, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm bên dưới gan, thực hiện chức năng lưu trữ và giải phóng dịch mật vào ruột non để giúp hấp thu chất béo, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.

túi mật

Triệu chứng vỡ túi mật

Vỡ túi mật thường gây ra các triệu chứng điển hình sau đây: (1)

  • Buồn nôn, ói mửa
  • Đau nhói ở bên hạ sườn phải
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sốt

Khi nhận thấy những biểu hiện đáng lo ngại này, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác, từ đó áp dụng phương pháp điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân gây vỡ túi mật

Vỡ túi mật có thể xuất phát từ hai nguyên nhân sau đây:

1. Vỡ túi mật do viêm túi mật

Sỏi mật là nguyên nhân hàng đầu gây viêm túi mật. Theo thời gian, do chịu áp lực lớn, túi mật sẽ căng giãn quá mức và giảm lưu lượng máu, gây thủng hoặc vỡ thành túi mật.

Một số nguyên nhân khác có thể gây viêm túi mật gồm:

  • Giun ký sinh gây ra bệnh đường mật
  • Vi khuẩn Escherichia coli, Klebsiella, Streptococcus faecalis… gây viêm túi mật
  • Bùn mật làm tắc nghẽn túi mật, dẫn đến viêm nhiễm

2. Vỡ túi mật do chấn thương

  • Tai nạn giao thông
  • Té ngã, va đập vào bụng trong quá trình chơi thể thao…
nguyên nhân gây vỡ túi mật
Sỏi túi mật là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm túi mật

Chẩn đoán vỡ túi mật

Triệu chứng vỡ túi mậtviêm túi mật thường rất giống nhau. Do đó, để chẩn đoán chính xác tình trạng đang gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp sau đây:

  • Siêu âm bụng
  • Siêu âm Doppler màu
  • Chụp CT
  • Xạ hình đường mật (quét HIDA)

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu viêm nhiễm:

  • Số lượng tế bào bạch cầu trong máu
  • Nồng độ procalcitonin máu
  • Tốc độ lắng hồng cầu
chẩn đoán vỡ túi mật
Siêu âm bụng giúp chẩn đoán

Vỡ túi mật có nguy hiểm không?

Vỡ túi mật là tình trạng cấp cứu y tế, cần được can thiệp điều trị kịp thời để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng huyết
  • Sốc
  • Suy đa cơ quan

Những biến chứng này thường dễ xảy ra ở đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ mắc hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS), thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Điều trị vỡ túi mật

Với mỗi trường hợp bị vỡ túi mật, bác sĩ sẽ xem xét vị trí, mức độ vỡ để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể như sau:

1. Phẫu thuật bỏ túi mật

Cắt bỏ túi mật thường được chỉ định thực hiện trước khi túi mật bị vỡ. Nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn nếu tiến hành phẫu thuật cắt bỏ sau khi vỡ. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, nguy cơ biến chứng thấp so với phẫu thuật mổ hở, đồng thời giảm thời gian nằm viện đáng kể. Ngoài ra, phương pháp này cũng được ưu tiên thực hiện đối với các trường hợp túi mật bị viêm.

2. Điều trị sau phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật đều cần được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo vết thương nhanh phục hồi, tránh nhiễm trùng hoặc xảy ra các biến chứng đáng lo ngại khác:

  • Dùng thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng viêm nhiễm
  • Xây dựng chế độ ăn ít chất béo
  • Uống thuốc giảm đau theo kê đơn của bác sĩ
  • Tránh hoạt động mạnh

Thời gian nằm viện sau phẫu thuật có thể kéo dài từ 1 – 5 ngày tùy vào phương pháp phẫu thuật mổ hở hay nội soi.

Thời gian để vết thương phục hồi và có thể quay trở lại hoạt động bình thường thường mất từ 2 – 6 tuần, tùy thuộc vào tình trạng người bệnh trước mổ, loại phẫu thuật thực hiện và biến chứng hậu phẫu.

phẫu thuật trị vỡ túi mật
Bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cho người bệnh

Phòng ngừa vỡ túi mật

Để ngăn chặn tình trạng vỡ túi mật, biện pháp quan trọng nhất là chủ động phòng ngừa sỏi túi mật bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch…). (2)
  • Ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh để hỗ trợ hoạt động co bóp ổn định của túi mật như dầu cá, dầu ô liu…
  • Hạn chế ăn thực phẩm có chứa nhiều đường, carbohydrate tinh chế, chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như đồ chiên rán, món tráng miệng…

Ngoài ra, khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sỏi mật (đau bụng trên bên phải, đau vùng giữa bụng trên, đau bụng trên bên phải lan ra vai phải hoặc lưng, đau sau khi ăn…), người bệnh cần chủ động đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và phát hiện kịp thời.

Thắc mắc thường gặp về vỡ túi mật

Dưới đây là một số giải đáp liên quan đến tình trạng vỡ túi mật, người bệnh có thể tham khảo thêm:

1. Điều gì xảy ra nếu túi mật bị vỡ?

Nếu vị trí tổn thương nằm tiếp giáp với gan thì có thể gây áp xe gan. Thậm chí, nhiều trường hợp sỏi lớn gây vỡ túi mật, làm tắc nghẽn ống mật chủ,hoặc rò vào tá tràng.

2. Vỡ túi mật có hiếm gặp không?

Vỡ túi mật chiếm 8 – 12% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm túi mật cấp tính nặng.

3. Tỷ lệ sống sót sau khi vỡ túi mật là bao nhiêu?

Tỷ lệ tử vong sau khi bị vỡ túi mật là 24,1% và tỷ lệ sống sót là 75,9%.

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) thuộc Hệ thống PlinkCare là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến tình trạng vỡ túi mật, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send