
Viêm trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Viêm trực tràng là gì?
Viêm trực tràng là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc trực tràng. Bệnh có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc trở thành mạn tính.
Bệnh có thể khiến người bệnh khó chịu hoặc đau đớn. Trong một số trường hợp còn gây chảy máu hoặc tiết dịch nhầy ở trực tràng.

Giai đoạn viêm trực tràng
1. Viêm trực tràng cấp tính
Viêm trực tràng cấp tính có nghĩa là người bệnh xuất hiện các triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn; thường là do một nguyên nhân. Tổn thương ở cấp độ viêm trực tràng cấp tính thường không xâm nhập sâu vào thành cơ ruột mà chỉ ở lớp niêm mạc trên cùng.
2. Viêm trực tràng mạn tính
Trường hợp mạn tính là người bệnh sẽ có các dấu hiệu bệnh viêm trực tràng trong thời gian dài (kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc lâu hơn). Với cấp độ mạn tính, tình trạng viêm tác động sâu vào lớp biểu mô. Ngoài ra cũng có trường hợp tổn thương hình thành phía trên niêm mạc đại tràng.
Các triệu chứng viêm trực tràng là gì?
Triệu chứng viêm trực tràng phổ biến nhất có tên gọi là mót rặn (Tenesmus) . Đây là tình trạng bụng khó chịu và thường xuyên muốn đi tiêu – kể cả khi vừa đi vệ sinh xong. Viêm và kích ứng niêm mạc trực tràng là nguyên nhân gây ra tình trạng mót rặn như thể này ở người bệnh. (1)
Ngoài ra dấu hiệu viêm trực tràng còn có thể là:
- Đi cầu ra máu
- Ngứa hoặc nóng rát hậu môn
- Chảy máu trực tràng
- Đau hậu môn hoặc trực tràng
- Đau quặn bụng từng cơn
- Trực tràng tiết dịch nhầy hoặc mủ
- Tiêu chảy hoặc thường xuyên đi ngoài phân lỏng
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
- Viêm trực tràng có thể nằm trong bệnh cảnh viêm toàn bộ đại tràng hay chỉ viêm trực tràng đơn độc.

Nguyên nhân nào gây ra viêm trực tràng
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm nhiễm trực tràng; trong đó phần lớn có liên quan tới các bệnh lý mà người bệnh gặp phải trước đó.(2)
- Nhiễm trùng đường ruột do Thói quen ăn uống không lành mạnh: Việc ăn uống không lành mạnh, kém vệ sinh có thể dẫn tới một số bệnh nhiễm trùng lây nhiễm ngoài ý muốn như nhiễm khuẩn đường ruột do các loại vi khuẩn salmonella, shigella hoặc campylobacter gây ra.
- Nhiễm trùng qua đường tình dục do giao hợp qua ngả hậu môn : Tình trạng nhiễm trùng từ các bệnh gây lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, mụn rộp, mụn cóc ở hậu môn,… là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm trực tràng. Nguyên nhân này có tỷ lệ cao hơn ở giới đồng tính nam hoặc người có nhiều bạn tình.
- Bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) hay Crohn đường tiêu hóa: Không phải ai cũng biết có tới 30% người mắc các bệnh tiêu hóa như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng đồng thời sau đó cũng gặp phải viêm trực tràng.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Uống thuốc kháng sinh có thể liên quan tới tình trạng viêm trực tràng ở một số người. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng thì thuốc kháng sinh cũng có nguy cơ loại bỏ cả những lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Việc này lại tạo điều kiện cho Clostridium difficile – một hại khuẩn gây viêm trực tràng và viêm đại tràng.
- Tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục không có các biện pháp an toàn, quan hệ qua đường hậu môn hoặc đưa các vật chất/ hóa chất qua vào trực tràng gây nguy cơ chấn thương hậu môn trực tràng và dẫn tới viêm trực tràng.
- Xạ trị ung thư: Người từng xạ trị khu vực xương chậu như người bị ung thư trực tràng, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tuyến tiền liệt cũng có nguy cơ bị bệnh viêm trực tràng. Thông thường các triệu chứng của tình trạng viêm tuyến phóng xạ như thế này sẽ là chảy máu trực tràng; diễn ra trong vòng 6 tuần sau khi bắt đầu xạ trị hoặc hơn 9 tháng sau khi hoàn tất xạ trị.
- Tăng bạch cầu ái toan: Xảy ra khi lượng bạch cầu ái toan tích tụ trong niêm mạc trực tràng. Tình trạng này chỉ ảnh hưởng tới trẻ em dưới 2 tuổi.
Chẩn đoán viêm trực tràng
Bất kỳ ai nghi ngờ mình bị viêm trực tràng hoặc nhận thấy các triệu chứng bất thường nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Dựa trên các thông tin về triệu chứng, tinh trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử gia đình và hành vi tình dục, bác sĩ sẽ quyết định những xét nghiệm nào là cần thiết.
- Xét nghiệm máu: Nhằm phát hiện nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân: Xác định tình trạng viêm trực tràng có phải do vi khuẩn gây ra hay không.
- Nội soi trực tràng hay nội soi đại tràng : Kiểm tra ống hậu môn và phần dưới trực tràng hay toàn bộ đại tràng bằng ống nội soi mềm. Nếu chỉ nội soi trực tràng không cần nhịn ăn hoặc xổ làm sạch ruột trước đó.
- Xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch tiết từ trực tràng hoặc từ ống dẫn nước tiểu để kiểm tra liệu người bệnh có đang mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hay không bởi đây là lý do không nhỏ dẫn tới viêm trực tràng.
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm trực tràng
Nếu không điều trị kịp thời hoặc bệnh không đáp ứng với điều trị thì viêm trực tràng có thể dẫn tới nhiều biến chứng, bao gồm:
- Thiếu máu: Chảy máu trực tràng mạn tính có thể gây ra thiếu máu. Tình trạng này khiến người bệnh bị thiếu hồng cầu để vận chuyển oxy tới các mô. Thiếu máu còn khiến bạn mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, da xanh xao và dễ cáu gắt.
- Áp xe: Khu vực đau, sưng và chứa nhiều mủ do nhiễm trùng.
- Hình thành vết loét rộng và rò rỉ: Bệnh viêm trực tràng mạn tính có nguy cơ cao hình thành các vết loét trên niêm mạc bên trong trực tràng. Khi vết loét mở rộng qua thành ruột tạo thành một “lỗ rò” kết nối bất thường giữa ruột và da hoặc giữa ruột với các cơ quan khác (bàng quang, âm đạo…) (3)
- Ung thư trực tràng: Đây là một biến chứng nguy hiểm của viêm trực tràng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh viêm trực tràng
Mục tiêu chính của việc điều trị viêm trực tràng chính là giảm viêm, kiểm soát cơn đau và loại bỏ nhiễm trùng nếu có. Viêm trực tràng càng được điều trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn càng cao.
Phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
1. Điều trị viêm trực tràng do nhiễm trùng
Trong trường hợp này người bệnh có thể cần tới các loại thuốc điều trị nhiễm trùng như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng nấm,…
2. Điều trị viêm trực tràng do xạ trị
Nếu ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể không cần phải điều trị. Trong trường hợp viêm trực tràng do xạ trị gây đau và chảy máu nhiều thì các bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp như dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm và chảy máu; sử dụng chất làm mềm phân để người bệnh dễ đại tiện hơn; cuối cùng là điều trị để phá hủy mô bị hư hỏng bằng cách loại bỏ các mô đang bị chảy máu. Nội soi trực tràng và đốt cầm máu bằng Argon là cách điều trị tối ưu
3. Điều trị viêm trực tràng do bệnh viêm ruột
Nếu tình trạng viêm trực tràng có liên quan tới bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng thì người bệnh cần tập trung vào việc giảm viêm nhiễm. Việc điều trị có thể cần đến thuốc chống viêm, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, thuốc dùng đường uống, tiêm, đặt hậu môn hay bơm thụt hậu môn. Bơm Probiotic vào trực tràng – đại tràng là cách điều trị hỗ trợ được nêu lên khá nhiều trong y văn hiện nay.
4. Phẫu thuật điều trị
Nếu điều trị bằng thuốc không giúp bệnh viêm trực tràng ở bạn thuyên giảm hoặc bệnh thường xuyên tái phát thì có khả năng bạn sẽ cần thêm phẫu thuật để loại bỏ một phần cơ quan đang có vấn đề của đường tiêu hóa để chấm dứt bệnh.
Ngoài các phương pháp y tế, người bệnh có thể giảm triệu chứng viêm trực tràng qua việc thay đổi lối sống như:
- Thay đổi chế độ ăn uống: ăn nhạt, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa; không ăn thức ăn cay, chua hoặc nhiều dầu mỡ.
- Cắt giảm các sản phẩm từ sữa hoặc chuyển sang các sản phẩm sữa hạt nếu không dung nạp lactose
- Uống nhiều nước nhưng tránh uống cà phê, trà hoặc các thức uống có chứa caffeine
- Không nên uống rượu
Trong thời gian chữa trị viêm trực tràng cần theo dõi bệnh kỹ lưỡng. Người bệnh không chỉ cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định mà còn nên kiêng các hoạt động tình dục để tránh gây kích ứng. Sau 1-2 tuần, người bệnh nên tái khám để kiểm tra tình trạng viêm đã được cải thiện tới đâu. Nếu thấy các triệu chứng bệnh trở nặng, đừng chần chừ mà hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh bệnh nặng hơn có thể gây biến chứng.
Phương pháp phòng ngừa viêm trực tràng như thế nào?
Để phòng ngừa nguy cơ viêm trực tràng, đầu tiên bạn cần biết cách bảo vệ bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs). Cách tốt nhất để ngăn ngừa STIs là kiêng/hạn chế quan hệ tình dục – nhất là quan hệ qua đường hậu môn. Nếu có quan hệ, hãy lưu ý những điểm sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Không nên có nhiều bạn tình
- Sử dụng bao cao su trong mỗi lần “yêu”
- Không quan hệ tình dục với người có vết loét hoặc chảy dịch bất thường ở vùng sinh dục
Nếu được chẩn đoán bị mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần ngừng quan hệ tình dục cho tới khi bạn đã điều trị hoàn toàn.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, PlinkCare là đơn vị y tế uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội – Ngoại – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa với các chuyên gia tại Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin Quý khách vui lòng liên hệ:
Do một số biểu hiện của viêm trực tràng khá giống với các bệnh lý tiêu hóa khác nên khiến không ít người dễ bỏ qua bệnh. Để không rơi vào nguy cơ gặp phải các biến chứng viêm trực tràng do điều trị trễ – nguy hiểm nhất là ung thư trực tràng, chúng ta cần ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe tình dục cũng như xây dựng lối sống lành mạnh.