
Tăng canxi máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Tăng canxi máu là gì?
Tăng canxi máu là khi nồng độ canxi trong máu cao hơn mức bình thường. Bệnh có thể ở mức nhẹ hoặc nặng và tạm thời hoặc mạn tính. Nếu cơ thể có quá nhiều canxi trong máu sẽ gây suy yếu xương, tạo sỏi thận và cản trở hoạt động của tim và não. (1)
Bệnh tăng canxi máu thường do tuyến cận giáp (tuyến nhỏ nằm ở cổ, gần tuyến giáp) hoạt động quá mức. Ngoài ra, bệnh xảy ra còn do một số nguyên nhân khác như ung thư hay dùng các loại thuốc và chất bổ sung canxi, vitamin D.
Triệu chứng tăng canxi máu xảy ra trên các bộ phận cơ thể
Người bệnh tăng canxi máu ở mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, nồng độ canxi trong máu tăng cao sẽ xuất hiện gây ra một số triệu chứng ở các bộ phận trên cơ thể như:
- Ở thận: Lượng canxi trong cơ thể dư thừa, thận sẽ làm việc nhiều hơn. Điều này khiến người bệnh khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn.
- Hệ thống tiêu hóa: Người bệnh tăng canxi máu thường khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn và táo bón.
- Xương và cơ: Hầu hết, người bệnh tăng canxi máu, cơ thể sẽ lọc lượng canxi dư thừa ra khỏi xương. Điều này khiến xương yếu, người bệnh thường thấy đau xương và yếu cơ.
- Não: Tăng canxi máu gây cản trở hoạt động của não. Người bệnh thường lú lẫn, đờ đẫn và mệt mỏi, đặc biệt có thể mắc trầm cảm.
- Tim: Tăng canxi máu nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh này hiếm khi xảy ra. Người bệnh tăng canxi máu có thể cảm thấy đánh trống lồng ngực, nhịp tim rối loạn, ngất xỉu và các vấn đề khác ở tim.
Nguyên nhân làm tăng canxi máu
Một số nguyên nhân làm tăng canxi máu, bao gồm:
- Tuyến cận giáp hoạt động quá mức: Tuyến cận giáp nằm phía sau tuyến giáp ở cổ. Tuyến này thường hoạt động cùng thận, xương và ruột để kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Tuy nhiên, đôi khi 1 trong 4 tuyến cận giáp hoạt động quá mức, giải phóng quá nhiều hormone, làm tăng nồng độ canxi trong máu. (2)
- Bệnh ung thư: Bệnh ung thư liên quan đến tăng canxi máu chiếm khoảng 2% trong số tất cả các bệnh ung thư. Đặc biệt, các trường hợp tăng canxi máu liên quan đến ung thư (tăng canxi máu ác tính) thường khởi phát nhanh và nghiêm trọng. Một số bệnh ung thư gây tăng canxi máu, bao gồm:
- Ung thư phổi.
- Ung thư vú.
- Đa u tuỷ.
- Ung thư biểu mô tế bào thận (ung thư thận).
- Ung thư hạch (ung thư hệ bạch huyết).
- Rhabdomyosarcoma (ung thư tế bào cơ).
- Các bệnh khác: Một số bệnh có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu, kích thích đường tiêu hóa hấp thụ nhiều canxi hơn. Các bệnh gây tăng canxi máu như:
- Bệnh lao.
- Các bệnh về phổi như bệnh sarcoidosis.
- Suy thận.
- Nhiễm độc giáp .
- Bệnh Paget xương.
- Yếu tố di truyền: Bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp khiến các thụ thể canxi trong cơ thể lỗi gây tăng canxi trong máu. Bệnh do yếu tố di truyền không gây ra các triệu chứng hay biến chứng nào. Nếu gia đình có người bệnh tăng canxi máu hoặc cường cận giáp, bạn hãy đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được khám và tư vấn về nguy cơ mắc bệnh tăng canxi máu.
- Bị bất động hoặc ít vận động: Người ít vận động, ngồi, nằm,… nhiều có thể mắc bệnh tăng canxi máu. Vì theo thời gian, xương không chịu được trọng lượng sẽ giải phóng canxi vào máu.
- Một số loại thuốc làm tăng canxi máu (dư thừa Vitamin D): Các loại thuốc và thuốc bổ có thể gây tăng canxi máu, gồm:
- Hydrochlorothiazide và các thuốc lợi tiểu thiazide khác thường được kê đơn cho người bệnh cao huyết áp và phù nề.
- Liti.
- Thuốc bổ sung vitamin D, vitamin A, canxi.
- Cơ thể mất nước: Cơ thể mất nước là nguyên nhân phổ biến gây tăng canxi máu nhẹ. Khi cơ thể ít nước trong người, nồng độ canxi trong máu tăng.

Các phương pháp chẩn đoán tình trạng tăng canxi máu
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng tăng canxi máu, bao gồm:
- Xét nghiệm canxi máu.
- Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp.
- Xét nghiệm máu liên quan đến protein PTH.
- Xét nghiệm máu vitamin D.
- Xét nghiệm canxi nước tiểu.
Các xét nghiệm tăng canxi máu
Trong quá trình chẩn đoán, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh tăng canxi máu do mắc cường cận giáp nguyên phát hoặc thứ phát. Ngoài các xét nghiệm máu định lượng nồng độ canxi, các marker ung thư, Bác sĩ sẽ đề xuất xét nghiệm hình ảnh học để kiểm tra tầm soát ung thư. Các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:
- Điện tâm đồ: Phương tiện này ghi lại tín hiệu điện trong tim. Điện tâm đồ kiểm tra thông thường và không đau. Xét nghiệm này được dùng để phát hiện nhanh những vấn đề của tim và theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch của người bệnh.
- X-Quang: Kỹ thuật này dùng tia X với lượng bức xạ an toàn để tạo ra những hình ảnh về xương và các mô mềm trên cơ thể. Thông thường, bác sĩ thường chụp X-quang để kiểm tra xương, tim, phổi. Ngoài ra, các hình ảnh còn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh khác.
- Chụp CT: Phương pháp này là kỹ thuật chụp hàng chục đến hàng trăm ảnh biểu thị cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT sẽ giúp bác sĩ thấy những vấn đề tia X thông thường không hiển thị.

Những biến chứng của chứng tăng canxi máu
Hầu hết các trường hợp tăng canxi máu không nguy hiểm đến tính mạng nhiều người bệnh có thể không xuất hiện biến chứng nào. Bác sĩ thường phát hiện bệnh thông qua việc xét nghiệm máu định kỳ. Tuy nhiên, tăng canxi máu nặng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm: (3)
- Suy thận: Bệnh khiến 1 hoặc 2 quả thận không hoạt động tốt trong việc làm sạch máu, sản xuất nước tiểu và đào thải chất lỏng ra khỏi cơ thể. Suy thận thuộc giai đoạn nặng nhất của bệnh thận. Bệnh xuất hiện tạm thời hoặc mạn tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không điều trị.
- Sỏi thận: Người bệnh tăng canxi máu có nguy cơ phát triển các tinh thể canxi trong thận. Những tinh thể này có thể lắng đọng trong thận, gây sỏi thận. Điều này khiến thận tổn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đau.
- Trầm cảm: Tăng canxi máu có thể gây cản trở hoạt động của não khiến người bệnh lú lẫn và mệt mỏi. Bệnh cũng có thể gây trầm cảm.
- Loãng xương: Theo thời gian, xương trở nên mỏng và yếu do giải phóng lượng lớn canxi vào máu. Người loãng xương có nguy cơ cao dễ gãy xương.
- Nhịp tim không đều: Tim đập khi các xung điện di chuyển qua làm co lại. Canxi có vai trò điều chỉnh quá trình này. Vì vậy, khi lượng canxi tăng quá mức sẽ khiến nhịp tim không đều.
>>>Tham khảo thêm: Nguyên nhân và cách nhận biết tụt canxi máu
Phương pháp điều trị chứng tăng canxi máu
Điều trị tăng canxi máu phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu người bệnh tăng canxi máu mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh thêm, đặc biệt là ở xương và thận. Đồng thời, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh một số điều như:
- Uống nhiều nước.
- Chuyển sang thuốc điều trị huyết áp không chứa thiazide, thuốc lợi tiểu.
- Ngưng dùng hoặc giảm liều thuốc kháng axit giàu canxi.
- Ngừng dùng hoặc giảm liều thuốc bổ sung canxi hoặc chứa canxi.
Với tình trạng tăng canxi máu nặng bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, cụ thể:
- Thuốc
- Calcitonin (Miacalcic): Hormone trong cá hồi này giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy người, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn nhẹ.
- Thuốc canxi: Thuốc này giúp tuyến cận giáp được kiểm soát không hoạt động quá mức.
- Bisphosphonates – Thuốc loãng xương tiêm tĩnh mạch: Thuốc có tác dụng giảm nồng độ canxi nhanh nên thường được dùng điều trị tăng canxi máu do ung thư. Phương pháp này có thể xảy ra một số tác dụng phụ như gãy xương hàm, xương đùi.
- Denosumab: Thuốc này dùng điều trị người bệnh tăng canxi máu do ung thư. Thông thường, bác sĩ dùng thuốc Denosumab để điều trị nếu thuốc bisphosphonates không đạt hiệu quả.
- Prednisone: Dùng thuốc này điều trị bệnh tăng canxi máu do hàm lượng vitamin D cao trong thời gian ngắn thường đạt hiệu quả nhanh.
- Truyền dịch và thuốc lợi tiểu: Khi người bệnh tăng canxi máu nặng phải nhập viện ngay. Bác sĩ sẽ điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch và thuốc lợi tiểu để kịp thời hạ thấp mức canxi.
- Phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác
Nếu người bệnh tăng canxi máu do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ mô gây vấn đề này. Trong nhiều trường hợp chỉ có 1 trong 4 tuyến ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm đặc biệt, tiêm lượng nhỏ chất phóng xạ để xác định tuyến không hoạt động bình thường.

>>>Tham khảo thêm: Tăng canxi máu có nguy hiểm không?
Biện pháp ngăn ngừa tình trạng nồng độ canxi trong máu cao
Hầu hết tình trạng canxi trong máu cao đều ngăn ngừa được. Phụ nữ trên 50 tuổi nên đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết thường xuyên để được thăm khám và kiểm tra mức canxi trong máu nếu có các triệu chứng tăng canxi máu. Ngoài ra, bạn cần tránh uống quá nhiều thuốc canxi và thuốc có chứa canxi. Nếu muốn bổ sung canxi và vitamin D, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng thuốc.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại liên tục được cập nhật trên thế giới giúp quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.
Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về bệnh tăng canxi máu. Nếu người bệnh tăng canxi máu hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để bác sĩ có thể theo dõi nồng độ canxi máu thường xuyên và điều trị kịp thời.