
Tái tạo vú (ngực) sau điều trị ung thư: Chỉ định và quy trình
Phẫu thuật tái tạo vú là gì?
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật tạo hình lại tuyến vú sau cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (đoạn nhũ) để điều trị ung thư vú.
Tại sao cần phẫu thuật tái tạo vú?
Đối với người phụ nữ, tuyến vú vừa là biểu tượng của thiên chức, vừa là biểu trưng của cái đẹp và sự quyến rũ. Do đó, sau khi đoạn nhũ không ít bệnh nhân ung thư vú thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân, điều này gây cản trở trong giao tiếp xã hội và ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tình cảm vợ chồng. Chưa kể, việc phải sử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả gây ra không ít bất tiện trong sinh hoạt. Trong khi đó, phẫu thuật tái tạo ngực có thể giúp:
- Lấy lại dáng ngực, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể sau phẫu thuật đoạn nhũ điều trị ung thư vú.
- Không phải sử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả
- Mặc trang phục vừa và đẹp hơn
- Giúp cơ thể trở nên cân bằng hơn.
- Tự tin trong đời sống hôn nhân
- Nâng cao chất lượng sống
Đây chính là những lý do người bệnh tìm đến bác sĩ mong muốn tạo hình lại tuyến vú.
Xem thêm: Phẫu thuật tạo hình nhũ hoa giá bao nhiêu tiền? Chỉ định, quy trình
Đối tượng chỉ định tái tạo vú?
Phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị và đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng có thể thực hiện tái tạo ngực. Phương pháp này chỉ thực hiện trên các bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và có đủ điều kiện sức khỏe.

Các phương pháp tái tạo vú hiện nay?
Hiện nay, có 2 kỹ thuật chính để tái tạo vú sau đoạn nhũ là tái tạo bằng túi độn và tái tạo bằng mô tự thân. Một số trường hợp có thể kết hợp cả hai.
1. Tái tạo vú bằng túi độn
- Túi độn về cơ bản là một vật liệu nhân tạo có hình dạng bầu vú, được sử dụng để thay thế và duy trì hình thể của tuyến vú đã cắt bỏ.
- Túi độn ngực có nhiều kích cỡ khác nhau, chúng có thể khác nhau về hình dạng (hình giọt nước hoặc tròn) và chất liệu (túi nước muối hoặc silicon).
- Túi độn ngực có thể được đặt một phần hoặc hoàn toàn bên dưới cơ ngực.
- Trong một số trường hợp, quá trình tái tạo vú bằng vật liệu nhân tạo có thể gồm 2 bước. Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một túi giãn mô dưới lớp cơ ngực. Đây là một túi rỗng có thể có thể bơm dung dịch vào để tăng thể tích túi. Bác sĩ sẽ bơm dung dịch dần dần vào túi cho đến khi da và cơ được kéo căng giãn đủ để bao phủ kích thước của túi độn đặt sau đó. Tiếp đến, bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc phẫu thuật khác để thay thế túi giãn da bằng túi độn.
- Tái tạo vú bằng túi độn thường phù hợp với người có kích thước vú nhỏ và không bị chảy xệ.
2. Tái tạo vú bằng vạt tự thân
Tái tạo vú bằng vạt tự thân là sử dụng mô lấy từ một phần cơ thể khác của chính người bệnh để tạo nên tuyến vú mới. Vạt tự thân được phân chia thành 2 loại chính: Khi các mạch máu nuôi vạt được giữ lại và nối liền từ phần cơ thể chỗ lấy vạt đến vị trí tái tạo vú mới, gọi là vạt có cuống (pedicle flap).
Khi vạt được cắt rời hoàn toàn khỏi vị trí lấy vạt và mạch máu nuôi ban đầu, sau đó nối vào nguồn mạch nuôi khác để cung cấp máu, gọi là vạt tự do (free flap). Dưới đây là một số vạt thường được sử dụng:
- Vạt LD (vạt da cơ lưng rộng): Đây là vạt có cuống, lấy từ vùng lưng (ngay sau vị trí vú cần tái tạo bao gồm da, mỡ và một phần cơ lưng).
- Vạt DIEP (Vạt da nhánh xuyên động mạch thượng vị dưới sâu): Đây là vạt tự do, được lấy từ bụng và chỉ chứa da và mỡ, không bao gồm cơ bên dưới.
- Vạt TRAM (vạt ngang cơ thẳng bụng): Được lấy từ vùng bụng dưới như vạt DIEP nhưng bao gồm da, mỡ và một phần cơ bụng. Vạt TRAM có thể là vạt tự do hoặc có cuống, tùy thuộc vào việc lựa chọn mạch máu cung cấp cho vạt mà bác sĩ quyết định có cắt rời mạch máu hay không.
- Vạt lấy từ nơi khác: Trường hợp người bệnh không có đủ lượng mỡ ở vùng bụng để thực hiện vạt DIEP hoặc TRAM, bác sĩ có thể lấy vạt từ các vị trí khác của cơ thể như mông, mặt sau hoặc mặt trong đùi,…

Lưu ý: Việc lựa chọn phương pháp tái tạo sẽ dựa trên nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe, kích thước vú trước phẫu thuật và vú đối bên, thể tích mô vú đã cắt bỏ, mô tự thân hiện có và mong muốn riêng của từng người bệnh.
Quy trình tái tạo vú
Tái tạo vú là phẫu thuật lớn, phải được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình và do bác sĩ có trình độ chuyên môn đảm nhận. Về cơ bản quy trình tái tạo vú gồm các bước:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn trước phẫu thuật
Thăm khám và tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá thể trạng, tình trạng của ngực và vú, chất lượng da và mô mềm còn lại, sẹo mổ cũ để lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để đảm bảo có đủ điều kiện phẫu thuật.
Bác sĩ gây mê thăm khám và đánh giá trước gây mê cho người bệnh.
Bước 2: Tiến hành tái tạo
Tùy vào tình trạng vú và mong muốn của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị thích hợp như tái tạo vú bằng túi độn, vạt tự thân hoặc kết hợp cả hai.
Bước 3: Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật tái tạo vú, người bệnh sẽ năm viện từ 3 – 7 ngày để bác sĩ theo dõi vết mổ. Sau khi xuất viện về nhà, người bệnh sẽ tiếp tục dùng thuốc, thay băng, chăm sóc vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bước 4: Đánh giá kết quả sau phẫu thuật
Sau khi vết mổ hết sưng, người bệnh sẽ cảm nhận được sự khác biệt ở ngực. Tuy nhiên, để thấy được kết quả cuối cùng cần đến 3 – 6 tháng, khi vết thương hoàn toàn hồi phục, vật liệu hoặc mô cấy ghép ổn định. Lúc này, người bệnh sẽ có được bầu ngực mới, đầy đặn và cân đối hơn.
Khi vú tái tạo hoàn toàn ổn định, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tạo hình núm vú và quầng vú, để vú trông tự nhiên hơn.
Biến chứng sau phẫu thuật tái tạo vú
Phẫu thuật tái tạo vú thẩm mỹ sau đoạn nhũ nếu không thực hiện đúng quy trình, thiếu kỹ thuật, trình độ chuyên môn có thể gây ra nhiều tai biến và biến chứng cho người bệnh như:
- Biến chứng sớm: Các vấn đề liên quan đến gây mê, chảy máu, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, đọng dịch trong vú, tắc mạch nuôi dưỡng vạt, vết thương lâu lành,…
- Biến chứng muộn: Hoại tử toàn bộ hoặc một phần vạt, mất hoặc giảm cảm giác núm vú, các vấn đề tại khu vực lấy mô (giảm sức mạnh cơ, sẹo xấu), các vấn đề với túi độn (di lệch, bao xơ quanh túi),…

Các thắc mắc thường gặp về phẫu thuật tái tạo vú
1. Tái tạo vú có nguy hiểm không?
Phẫu thuật tái tạo vú có thể gây ra một số tai biến và biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch ghép, thoát vị thành bụng khi không thực hiện đúng kỹ thuật, điều kiện khu phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn, chăm sóc vết thương sau phẫu thuật sai cách… Theo đó, để đảm bảo an toàn, phẫu thuật tái tạo vú cần được thực hiện tại các bệnh viện lớn, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ gây mê hồi sức chuyên nghiệp và các phẫu thuật viên tạo hình đã được đào tạo về kỹ thuật tái tạo ngực.
Hiện nay, PlinkCare TP.HCM là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam, với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tay nghề, chuyên môn cao,… giúp lập kế hoạch điều trị toàn diện, đa mô thức, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị.
Hơn hết, Khoa Ngoại Vú – PlinkCare TP.HCM có thể thực hiện được các kỹ thuật tái tạo vú áp dụng phổ biến trên thế giới. Ngay cả kỹ thuật cao như tái tạo vú bằng mô tự thân với kỹ thuật vi phẫu. Vì vậy, người bệnh có thể an tâm khi đến thăm khám và thực hiện phẫu thuật tại đây.
2. Tái tạo vú có phải nằm viện không?
Phẫu thuật tái tạo vú sau đoạn nhũ là phẫu thuật lớn nên người bệnh có thể nằm viện 3 – 7 ngày.
3. Tái tạo vú có phải kiêng gì không?
Trong vòng 6 – 8 tuần sau phẫu thuật tái tạo vú, người bệnh cần tránh hoạt động mạnh, tránh tham gia các hoạt động thể thao. Sau 2 – 3 tháng có thể quay lại sinh hoạt bình thường.
4. Tái tạo vú bao nhiêu tiền?
Hiện nay, chi phí phẫu thuật tái tạo vú không giống nhau ở tất cả các đối tượng. Mức chi phí ở mỗi bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: phương pháp tái tạo (tái tạo bằng túi độn hay vạt tự thân), chính sách hỗ trợ của bảo hiểm chi trả, cơ sở thực hiện phẫu thuật, tái tạo một hay hai bên, có tái thực hiện thêm các quy trình bổ sung khác hay không. Để chủ động tài chính, trước khi phẫu thuật bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
Tái tạo vú có thể giúp khôi phục lại hình dáng của bộ ngực, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm cơ thể sau phẫu thuật điều trị ung thư vú, nhưng không làm tăng tỷ lệ tái phát hay kéo dài thời gian hỗ trợ điều trị ung thư vú. Do đó, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và kinh tế, bạn có thể cân nhắc thực hiện tái tạo vú để nâng cao chất lượng cuộc sống.