Image

Sỏi tụy có nguy hiểm không? Triệu chứng & nguyên nhân gây bệnh

Sỏi tụy là gì?

Sỏi tụy là thuật ngữ mô tả tình trạng tuyến tụy xuất hiện sỏi, là bệnh lý về tụy phổ biến nhất hiện nay. Cơn đau vùng thượng vị (phía trên rốn) là triệu chứng thường gặp của bệnh, đặc biệt là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu và cơn đau có thể lan rộng ra ¼ bụng trên trái và thường lan ra sau lưng.

Sỏi tụy có thể là hệ quả của tình trạng cơ thể dư thừa lượng canxi quá nhiều hoặc trong thời gian dài. Lượng canxi dư thừa sẽ tích tụ và tạo thành sỏi bên trong tuyến tụy. Mặt khác, sỏi tụy cũng có thể là biến chứng của bệnh sỏi mật hoặc viêm tụy mạn tính.

Tuyến tụy là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, nằm ở vị trí phía sau dạ dày, có hình dạng như cái búa dài khoảng 15 cm. Tuyến tụy đóng vai trò cần thiết trong quá trình tiêu hóa, phân hủy thức ăn thành những chất cơ bản bằng enzyme khi đi đến ruột non. (1)

Cụ thể, tuyến tụy tiết ra dịch tụylà các enzyme để tiêu hóa thức ăn thành các nhóm chất chính để hấp thu vào cơ thể. Khi thức ăn từ dạ dày được chuyển đến ruột non sẽ đi qua nơi đổ vào của kênh mật tụy (thường là 1 kênh chung kết hợp giữa ống tụy và ống mật chủ đổ vào tá tràng). Tại đây, tụy sẽ tiết ra 3 loại enzyme để phân hủy thức ăn thành 3 dưỡng chất chính của cơ thể.

  • Enzyme lipaza phân hủy chất béo
  • Enzyme protease phân hủy protein (đạm)
  • Enzyme amylase phân hủy tinh bột

Ngoài ra, tuyến tụy cũng có chức năng duy trì mức đường huyết ổn định cho cơ thể. Thông quan việc sản xuất các loại hormone để duy trì nồng độ đường huyết trong cơ thể: hormone insulin giúp giảm đường huyết khi quá cao và hormone glucagon để tăng lượng đường huyết khi nồng độ ở mức thấp.

Do đảm nhiệm những chức năng này nên các bệnh lý liên quan đến tuyến tụy, bao gồm sỏi tụy đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thu thức ăn, quá trình chuyển hóa của cơ thể. Đặc biệt, sỏi tụy cũng là một yếu tố làm tăng rủi ro bị đái tháo đường mà người bệnh cần đề phòng.

sỏi tụy là gì
Canxi dư thừa tích tụ thành sỏi trong tuyến tụy

Nguyên nhân gây sỏi tụy

3 nguyên nhân thường gặp gây bệnh sỏi tụy gồm:

  • Biến chứng của bệnh viêm tụy mạn tính: Bệnh viêm tụy mạn tính có thể hình thành sỏi tụy. Nguyên nhân này chiếm phần lớn trong các trường hợp bệnh sỏi tụy. Viêm tụy mạn tính gây vôi hóa nhu mô tụy và tạo ra sỏi trong tuyến tụy. Sỏi tụy cũng có thể khiến tình trạng viêm tụy mạn tính trở nên nghiêm trọng hơn, làm tái phát các cơn đau viêm tụy cấp nhiều hơn.
  • Biến chứng của bệnh sỏi mật: Vị trí của đoạn cuối ống mật chủ và ống tụy nằm kế nhau khi đổ vào tá tràng. Sỏi đoạn cuối ống mật chủ có thể chèn ép và gây tắc nghẽn ống tụy, từ đó gây ra sỏi tụy.
  • Dư thừa lượng canxi trong thời gian dài: Sỏi tụy hình thành và phát triển từ những phân tử canxi lắng đọng. Khi cơ thể liên tục nạp lượng canxi lớn hơn mức cần thiết sẽ tạo ra sự dư thừa canxi. Những phân tử canxi dư thừa này bị lắng đọng bên trong tụy, lâu dần sẽ tích tụ lại thành sỏi tụy. Do vậy, chế độ ăn uống mất cân bằng, dung nạp quá nhiều thực phẩm giàu canxi trong thời gian dài sẽ là một yếu tố rủi ro của bệnh sỏi tụy. (2)

Một số yếu tố thuận lợi gây sỏi tụy khác gồm:

  • Nồng độ canxi trong máu tăng cao
  • Nồng độ triglyceride trong máu tăng cao
  • Gen di truyền các thành viên trong gia đình
  • Các bệnh rối loạn tự miễn dịch
  • Thói quen hút thuốc lá

Triệu chứng nhận biết mắc sỏi tụy

Triệu chứng sỏi tụy bắt đầu xuất hiện khi sỏi đã được hình thành. Người bệnh sẽ rất khó nhận biết sỏi tụy trong giai đoạn canxi đang dần tích tụ vì có thể không có triệu chứng. Chỉ khi xuất hiện những triệu chứng sau thì có thể gợi ý người bệnh có sỏi tụy:

  • Cơn đau ở thượng vị. Triệu chứng này thường gặp, cơn đau thường xuất hiện khoảng 15-30 phút sau bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu, tư thế giảm đau khi bệnh nhân gập người hoặc ngồi cúi về trước. Đôi khi cơn đau sẽ lan ¼ bụng trên trái, lói ra sau lưng
  • Sốt cao và kéo dài khi có tình trạng nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn ống tụy
  • Gây buồn nôn và nôn thường xuất hiện trong cơn đau bụng cấp tính
  • Chướng hoặc căng tức bụng
  • Một số trường hợp bị khó thở, mạch đập tăng nhanh

Chẩn đoán sỏi tụy

Chẩn đoán sỏi tụy chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và kết quả hình ảnh học, thể hiện tình trạng sỏi và tổn thương của tuyến tụy. Ngoài ra, các phương pháp xét nghiệm hình ảnh cũng gợi ý cho bác sĩ biết được nguyên nhân gây sỏi tụy, từ đó chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.

Đầu tiên, người bệnh cần cung cấp thông tin bệnh sử và các triệu chứng nghi ngờ sỏi tụy cho bác sĩ. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng này, bác sĩ sẽ khoanh vùng được tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân, chỉ định phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng tiếp theo.

Những xét nghiệm chẩn đoán sỏi tụy gồm:

  • Siêu âm qua ổ bụng
  • Nội soi mật tụy ngược dòng
  • Chụp X-quang bụng đứng
  • Xét nghiệm phân
  • Xét nghiệm máu
  • Chụp cắt lớp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI (nếu bác sĩ cần kiểm tra hình thái tuyến tụy)
  • Siêu âm qua đầu dò nội soi tiêu hóa (EUS)
nội soi tụy
Nội soi mật tụy ngược dòng tại PlinkCare

Sỏi tụy có nguy hiểm không?

Sỏi tụy ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể của người bệnh và cũng làm tăng rủi ro mắc một số bệnh lý phức tạp.

Sỏi tụy khiến tụy bị suy yếu, chức năng tiết ra enzyme và các hormone suy giảm. Đồng nghĩa, người bệnh sẽ không thể hấp thụ được dinh dưỡng đầy đủ, lâu dần sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và kiệt sức.

Tụy có sỏi cũng không thể cân bằng tốt lượng đường huyết, khiến lượng đường trong máu không ổn định. Đây là một yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh đái tháo đường. Nếu người bệnh có thêm yếu tố như chế độ ăn không cân bằng dinh dưỡng, quá nhiều tinh bột và đường sẽ càng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường.

Ngoài ra, viêm tụy do sỏi tụy có thể gây ra nang giả tụy, khối viêm chèn ép cấu trúc lân cận, giả phình mạch máu. Tình trạng này cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn như chảy máu tụy, hoại tử,…

Dù sỏi tụy không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng gây ra những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thu và trao đổi chất của cơ thể. Do đó, đi khám và nhận điều trị sớm là vô cùng quan trọng, giúp người bệnh hạn chế rủi ro như suy nhược cơ thể hay bệnh đái tháo đường.

Điều trị sỏi tụy như thế nào?

1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhẹ, kích thước sỏi tụy không quá lớn. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau nếu người bệnh có cơn đau dữ dội, có thể kết hợp thuốc giảm tiết, dinh dưỡng và bù điện giải khi cần nhịn ăn, kiểm soát đường huyết chặt chẽ và thuốc bổ sung men tụy giúp giảm tình trạng rối loạn hấp thu.

Việc uống thuốc có đem lại hiệu quả tốt hay không còn phụ thuộc vào chế độ ăn và thói quen sinh hoạt của người bệnh. Cần kết hợp giữa việc tuân thủ điều trị và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì vận động… để rút ngắn thời gian điều trị.

điều trị sỏi tụy
Điều trị sỏi tụy bằng thuốc uống

2. Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Phương pháp này thường được chỉ định cho những người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa và có tắc nghẽn ống tụy chính (sỏi hoặc hẹp) đoạn gần tá tràng có dãn ống tụy sau chỗ tắc nghẽn.

Nội soi mật tụy ngược dòng có thể tán sỏi tụy khiến các viên sỏi kích thước lớn vỡ thành mảnh nhỏ và được lấy ra khỏi tụy. Nếu sỏi có kích thước dưới 3 mm sẽ thực hiện lấy sỏi bằng rọ qua cắt cơ vòng oddi.

Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao, giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng sau khi nội soi thành công. Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng giúp người bệnh ít đau hơn, nhanh hồi phục hơn so với phẫu thuật qua ổ bụng. ERCP vừa là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có vai trò chẩn đoán nguyên nhân gây tắc nghẽn ống tụy, vừa là phương pháp can thiệp để lấy sỏi hoặc đặt stent qua chỗ hẹp ống tụy

3. Phẫu thuật điều trị sỏi tụy

Phương pháp phẫu thuật được cân nhắc chỉ định cho những trường hợp đau bụng kéo dài, dữ dội và không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.

Các phương pháp phẫu thuật như: dẫn lưu ống tụy, cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ tuyến tụy, tùy vào mức độ bệnh của từng người.

Lưu ý, con người có thể sống mà không có tuyến tụy, nên nếu ở những trường hợp bắt buộc, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy, và người bệnh vẫn có thể hồi phục và sinh sống bình thường. Nhưng người bệnh cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tuân theo mọi chỉ định của bác sĩ để đảm bảo tình trạng sức khỏe sau khi cắt bỏ tuyến tụy.

4. Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt là một phương pháp điều trị kết hợp, bắt buộc người bệnh phải thực hiện song song với các phương pháp điều trị khác.
  • Người bị sỏi tụy hoặc đang trong quá trình điều trị sỏi tụy cần làm theo những điều sau để đạt được hiệu quả tối đa:
  • Hạn chế hoặc không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn; thực phẩm có nhiều chất béo xấu
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều rau; ăn có kiểm soát các thực phẩm giàu canxi
  • Chia nhỏ bữa ăn để cải thiện quá trình hấp thu thức ăn và trao đổi chất
  • Uống nhiều nước
  • Hạn chế tiêu thụ đường hóa học, đường tinh luyện

Cách phòng tránh bệnh sỏi tụy

Cách phòng tránh bệnh sỏi tụy tốt nhất là giữ cho sức khỏe hệ tiêu hóa được ổn định, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, bao gồm sỏi tụy, viêm tụy, sỏi mật,…

Những cách giúp phòng tránh bệnh sỏi tụy mà bạn có thể tham khảo là:

  • Hạn chế tối đa việc uống rượu bia, đồ uống có cồn
  • Hạn chế và không lạm dụng các chất kích thích
  • Hạn chế bị hút thuốc lá thụ động
  • Uống đầy đủ nước để hạn chế hình thành sỏi trong tuyến tụy (trung bình 1 người trưởng thành cần uống 2 lít nước mỗi ngày)
  • Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch cơ thể
phòng ngừa sỏi tụy
Uống đủ nước hạn chế hình thành sỏi trong tụy

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sỏi tụy?

Người bị sỏi tụy hoặc có bệnh sử sỏi tụy cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh để có thể phục hồi chức năng tụy, cũng như duy trì tình trạng hấp thu và trao đổi chất trong cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là chế độ cân bằng 3 nhóm chất chính: Tinh bột, đạm và chất béo tốt. Ngoài ra, người bệnh cũng cần bổ sung những vitamin và khoáng chất đến từ rau củ quả và trái cây. Uu tiên tự chế biến thức ăn tươi sống tại nhà, hạn chế ăn những thực phẩm ngoài đường hay thực phẩm chế biến sẵn.

Bên cạnh đó, người bị sỏi tụy cũng có những lưu ý sau đây trong dinh dưỡng:

  • Sau điều trị nên bắt đầu ăn lại với các thức ăn lỏng như súp cháo loãng
  • Ăn có kiểm soát, hạn chế ăn quá nhiều các thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa, bao gồm cả sữa hạt, cá mòi, cá hồi, các loại đậu, quả sung…
  • Nội tạng động vật
  • Các thức ăn quá nhiều dầu mỡ, chế biến ngập dầu

Người bệnh sỏi tụy nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, D, E và K trong chế độ ăn để tối ưu quá trình phục hồi chức năng tụy.

  • Vitamin A: Cà rốt, cà chua, dưa hấu, khoai lang, bí đao,…
  • Vitamin D: Nấm, đậu phụ, trứng,…
  • Vitamin E: Bông cải xanh, tôm, rau bina, bơ, bí đao, bí đỏ, măng tây,…
  • VItamin K: Cải bó xôi, bắp cải, cần tây, quá mận, dưa leo,…

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (PlinkCare Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về tiêu hóa từ nhẹ đến nặng (viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, đau ruột thừa,…). Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:

Khi sỏi tụy đã hình thành, ngoài triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ở thượng vị thì có thể kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đôi khi có sốt cao, dài ngày. Bệnh gây ra tình trạng hấp thu dinh dưỡng và trao đổi chất kém, đồng thời tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường. Hơn nữa, người bệnh cũng có khả năng bị chảy máu trong tuyến tụy do sỏi di chuyển quanh thành niêm mạc. Do vậy, dù sỏi tụy không gây nguy hiểm cho tính mạng và có thể điều trị khỏi, người bệnh cần khám bác sĩ để được can thiệp xử lý trong thời gian sớm để hạn chế hết mức các rủi ro sức khỏe.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send