
Sinh thiết thận: Quy trình kỹ thuật, chỉ định và chống chỉ định
Sinh thiết thận được bác sĩ chỉ định thực hiện khi nghi ngờ người bệnh có các bệnh lý nội khoa ở thận hoặc có u thận cần chẩn đoán tế bào học để có kế hoạch điều trị thích hợp. Kỹ thuật sinh thiết thận có nhiều dạng, bao gồm sinh thiết lõi kim qua da hoặc qua nội soi ổ bụng. Vậy sinh thiết thận có nguy hiểm không, quy trình thực hiện ra sao?
Sinh thiết thận là gì?
Sinh thiết thận là một thủ thuật được thực hiện vô trùng, nhằm lấy đi một mẫu mô nhỏ của thận. Mẫu mô sau khi lấy đi được quan sát dưới kính hiển vi, nhuộm hóa mô miễn dịch để xác định bệnh lý đặc trưng của thận, xác định khả năng lành tính hay ác tính. Đồng thời, việc này còn giúp bác sĩ đánh giá các tình huống kém đáp ứng với điều trị nội khoa.
Sinh thiết thận là một thủ thuật xâm lấn và cần được thực hiện bởi các chuyên gia thận – tiết niệu, hình ảnh học.

Tại sao phải thực hiện chỉ định sinh thiết thận?
Không phải tất cả người bệnh đều phải thực hiện thủ thuật sinh thiết thận. Vấn đề sinh thiết thận đặt ra khi các bác sĩ thận học cần thêm thông tin cho việc chẩn đoán các bệnh lý phức tạp của thận. Ví dụ, người bệnh đã trải qua một đợt điều trị nào đó tuy nhiên các triệu chứng hệ thận không thuyên giảm thì thường sẽ được chỉ định sinh thiết để đánh giá thêm. Có thể kể đến các trường hợp như:(1)
- Tình trạng có nhiều protein hay đạm xuất hiện trong nước tiểu (gọi là tiểu đạm) không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
- Tình trạng có máu xuất hiện trong nước tiểu (gọi là tiểu máu) một cách dai dẳng không thuyên giảm khi điều trị.
- Suy chức năng thận tiến triển.
- Có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý ác tính của hệ thận niệu, thấy được trên các phương tiện hình ảnh học.
Việc lấy mẫu sinh thiết thận làm giải phẫu bệnh lý còn có vai trò:
- Đánh giá mô thận của người bệnh có lắng đọng những loại protein bất thường như immunoglobulin, dấu hiệu viêm thận, nhiễm trùng hay xơ sẹo mô thận,…
- Đánh giá trực quan chức năng còn lại của phần mô thận đang suy.
- Ở người bệnh ghép thận, khi mô thận mới không hoạt động, sinh thiết thận có vai trò xác định nguyên nhân.
- Đồng thời với một khối mô ở thận chưa rõ bản chất, được phát hiện tình cờ khi người bệnh đến khám tổng quát thì kết quả sau sinh thiết cũng trả lời cho câu hỏi “khối mô đó có phải là ung thư hay không?”.
Chỉ định và chống chỉ định sinh thiết thận
1. Trường hợp chỉ định sinh thiết thận
Một số tình huống có thể được chỉ định sinh thiết thận như:
- Tiểu máu không rõ nguyên nhân
- Tiểu đạm dai dẳng không đáp ứng điều trị ban đầu
- Khi các bác sĩ nghi ngờ bệnh thận hiện mắc là một biểu hiện của bệnh lý hệ thống (Bệnh thận do Lupus, hội chứng GoodPasture,…)
- Nhóm bệnh lý cầu thận chưa rõ nguyên nhân hay không đáp ứng điều trị
- Nhóm bệnh lý viêm thận mô kẽ
- Tình trạng thận hoạt động không hiệu quả sau khi cấy ghép trên người bệnh
- Một khối mô bất thường tại thận phát hiện được khi thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
2. Trường hợp chống chỉ định sinh thiết thận
Bên cạnh những chỉ định sinh thiết thận, có một số các tình huống chống chỉ định sinh thiết thận như sau:
- Người bệnh có 1 thận độc nhất
- Người bệnh có bệnh lý rối loạn đông máu
- Kết quả xét nghiệm đông máu kém (tỉ lệ prothrombin <70%)
- Kết quả định lượng tiểu cầu <150.000 G/L
- Người bệnh đang sử dụng các thuốc tác động lên hệ đông máu để điều trị bệnh lý khác (chẳng hạn sau nhồi máu cơ tim, sau đột quỵ não,…)
- Người bệnh có tình trạng tăng huyết áp nặng, đa nang thận, thận ứ nước, bệnh lý viêm mạch, phình mạch, tình trạng nhiễm trùng nặng,…
Tuy nhiên, các chống chỉ định sinh thiết thận này mang tính tương đối. Tùy theo đặc điểm từng người bệnh và khi cân nhắc lợi ích cho người bệnh nhiều hơn nguy cơ do thủ thuật gây ra, các bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết thận sau khi kiểm soát chặt chẽ các điều kiện trên. Bởi lẽ trong một vài tình huống, giải phẫu bệnh học từ mô sinh thiết thận có ý nghĩa quyết định quan trọng đến điều trị.
Các loại sinh thiết thận
Theo giải phẫu học, thận là cơ quan nằm ở mặt sau ổ bụng, tức là ở phía hông lưng. Tại vị trí này có hai phương thức để các bác sĩ tiến hành chỉ định sinh thiết thận, một là chọc sinh thiết qua da vùng hông lưng, hai là sinh thiết ngả trước hay còn gọi là sinh thiết qua nội soi từ vùng bụng.
1. Sinh thiết thận qua da
Sinh thiết thận qua da có nhiều tên gọi. Chọc sinh thiết thận, sinh thiết thận ngả sau hay sinh thiết thận bằng kim lõi cũng là cách gọi khác của thủ thuật này.
Vùng được sinh thiết thường sẽ được khảo sát bằng siêu âm, hoặc chụp cắt lớp vi tính, và đánh dấu trước khi thực hiện. Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ dùng một mũi kim lớn, đưa vào vùng mô thận đã đánh dấu, sau đó thiết bị hỗ trợ trên thân kim sẽ cắt một mẩu mô thận và đưa ra ngoài. Việc sinh thiết thận sẽ được thực hiện ở môi trường vô trùng. Một lần thực hiện thủ thuật có thể bấm 2-6 mẫu mô ở nhiều vùng của thận, vừa để đủ số lượng vừa tăng độ chính xác lên cao nhất. (2)
2. Sinh thiết thận qua nội soi ổ bụng
Chỉ định sinh thiết thận qua nội soi là một cuộc phẫu thuật nhỏ. Trong những tình huống không thể thực sinh thiết qua da, chẳng hạn như khi người bệnh mắc phải tình trạng rối loạn đông máu nặng, bệnh lý dễ chảy máu… thì các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng để sinh thiết thận.

Phương pháp này vừa có thể đảm bảo an toàn cho người bệnh có rối loạn đông máu, vừa quan sát mô thận bằng hình ảnh trực quan. Cũng lưu ý với bạn rằng đây không phải là phương pháp thường dùng cho mọi người bệnh.
Kỹ thuật sinh thiết thận có nguy hiểm không? Có an toàn không?
Sinh thiết thận qua da được xem là một thủ thuật có tính an toàn cao, có thể thực hiện tại phòng thủ thuật ngoại trú của bệnh viện.
Một số nguy cơ không mong muốn có thể gặp phải sau thủ thuật chọc sinh thiết thận qua da bao gồm:
- Chảy máu: Biểu hiện này thường gặp sau khi thực hiện thủ thuật. Máu sẽ vào nước tiểu của bạn trong một đến hai ngày sau đó tự ổn định. Một số hiếm các tình huống rối loạn đông máu nhẹ sẽ khiến máu không cầm, khi đó bạn sẽ cần đến bệnh viện để thực hiện thủ thuật cầm máu.
- Đau tức hông lưng: thường trong ngày đầu sau thủ thuật người bệnh sẽ cảm thấy đau tức tại vị trí vào kim. Cụ thể là trong vài tiếng đầu tiên sau khi thuốc tê tại chỗ hết tác dụng. Thông thường các bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, nên cảm giác căng tức sẽ khỏi trong tròng vài ngày đầu.
- Dò động tĩnh mạch: khi bấm mẫu mô sinh thiết gần động tĩnh mạch quanh thận, cơ thể có thể tạo sự thông nối tạm thời và sau một thời gian ngắn sẽ tự điều chỉnh lại mà không gây triệu chứng nào ở người bệnh.
- Một số biến chứng khác như máu tụ quanh thận, nhiễm trùng hay tăng huyết áp có thể xảy ra thoáng qua,
Bạn không cần phải quá lo lắng. Các biểu hiện tạm thời trên có thể thoáng qua. Tuy nhiên vẫn có thể cần phải can thiệp trong tình huống các triệu chứng gây khó chịu quá mức.

Quy trình sinh thiết thận như thế nào?
1. Chuẩn bị sinh thiết thận
Tùy theo chỉ định sinh thiết mô thận là qua nội soi hay qua da mà quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện sinh thiết khác nhau đôi chút. Tuy vậy vẫn có một số đặc điểm chung mà bạn cần chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết. (3)
- Khi đến khám, bạn cần mang theo toa thuốc hoặc các loại thuốc hàng ngày. Kể các các loại thực phẩm bổ sung dùng hàng ngày, bởi vì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ngưng sử dụng trong vòng vài ngày trước khi tiến hành thủ thuật. Nhất là các loại có thành phần có dược tính trên hệ đông máu.
- Thực hiện các xét nghiệm trước thủ thuật, bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.
- Bạn cần nhịn ăn uống trong vòng 6-8 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật
Nếu tình trạng cơ thể của người bệnh được khuyến cáo thực hiện sinh thiết qua nội soi. Bạn sẽ được nhập viện ít ngày để chuẩn bị về bệnh nền, đánh giá khả năng gây mê cũng như chuẩn bị tâm lý.
2. Thực hiện chỉ định sinh thiết thận
Vào ngày thực hiện thủ thuật chọc sinh thiết thận, tùy theo đặc điểm của cơ sở thực hiện của bạn mà có một chút thay đổi, nhưng tựu chung buổi sinh thiết thận qua da sẽ có một số điểm chung sau:
- Bạn sẽ được yêu cầu để nằm ở tư thế nghiêng 1 bên hoặc là nằm sấp
- Bác sĩ thực hiện sẽ tiến hành siêu âm trực tiếp và đánh dấu các vị trí cần sinh thiết trên da
- Sau đó tiến hành sát khuẩn vùng da đã đánh dấu, trải săng lỗ, tiêm thuốc tê tại chỗ và vùng cơ sâu của hông lưng
- Sau 1-2 phút ngấm thuốc bác sĩ tiến hành đưa kim lõi chuyên dụng vào điểm đánh dấu. Dưới hướng dẫn của siêu âm, kim được định hướng và tiếp cận mô thận một cách cẩn thận, tránh được các cơ quan khác.
- Do đã được thực hiện gây tê, người bệnh sẽ không cảm thấy đau, chỉ có thể cảm nhận được áp lực từ động tác bấm kim của dụng cụ ở phần hông lưng.
- Bạn sẽ được yêu cầu giữ hơi thở trong 5-10 giây khi bác sĩ rút kim ra ngoài
- Thao tác được lặp lại một vài làn tại cùng 1 lỗ kim để lấy đủ số lượng mô cần thiết
- Khi hoàn tất, bác sĩ sẽ ép một miếng băng lên lỗ kim, yêu cầu bạn nằm yên một vài phút trước khi tiến hành băng bó vết thương.

Đối với thủ thuật sinh thiết ngả trước, hay sinh thiết thận qua nội soi ổ bụng, thay vì gây tê tại chỗ, người bệnh được tiến hành gây mê như một cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị phẫu thuật nội soi để tiếp cận mô thận từ phía trước. Sau khi bộc lộ và quan sát tỉ mỉ mô thận qua màn hình camera, dụng cụ nội soi sẽ được sử dụng để lấy một mẫu mô thận.
3. Sau khi sinh thiết thận
Sau khi hoàn tất thủ thuật sinh thiết thận qua da, bạn có thể về nhà sau 12-24 giờ sau thủ thuật. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi tại viện, bạn sẽ được theo dõi sát sao để kiểm soát những biến chứng gần, cụ thể như sau:
- Bạn cần nằm nghỉ yên tĩnh, không đi lại trong vòng 6 tiếng đầu
- Trong những giờ đầu có thể bạn sẽ đau tức hông lưng, nên người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau
- Bạn sẽ được làm xét nghiệm máu và nước tiểu một lần nữa để theo dõi xem có hiện tượng chảy máu sau thủ thuật hay không
- Sau khoảng thời gian này, bạn sẽ được về chăm sóc tại nhà
- Mẫu mô thận của bạn sẽ được bảo quản và gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh ngay sau quy trình sinh thiết kết thúc.
4. Chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết
Khi về đến nhà, bác sĩ sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi thêm 1-2 ngày. Người bệnh được khuyến cáo tránh thực hiện các động tác khuân vác nặng hay tập luyện cường độ cao tại nhà.
Nếu ghi nhận một số dấu hiệu sau, hãy liên lạc ngay với bác sĩ điều trị:
- Sau 24h tính từ lúc thực hiện thủ thuật mà nước tiểu vẫn có màu đỏ tươi hay có máu cục
- Việc đi tiểu có cảm giác bất thường, chẳng hạn như tiểu khó khăn, tiểu gấp, cảm giác nóng rát khi đi tiểu…
- Đau chỗ sinh thiết không giảm sau uống thuốc hoặc đau nhiều hơn
- Sốt trên 38 độ C
- Cảm thấy choáng váng hoặc thấy mệt mỏi hơn
Các câu hỏi về kỹ thuật sinh thiết thận
1. Khi nào thì nhận được kết quả chỉ định sinh thiết thận?
Kết quả giải phẫu bệnh lý thường được trả về phòng khám sau 7 ngày kể từ lúc nhận mẫu mô, trong một số tình huống khẩn cấp, kết quả có thể trả về vài ngày sau khi gửi mẫu.
Ngày trả kết quả thường trùng khớp với lịch hẹn tái khám của bạn. Khi đó dựa trên kết quả giải phẫu bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra những phương án điều trị chính xác và phù hợp nhất với người bệnh.
2. Mang thai có thể sinh thiết thận được không?
Khi mang thai bạn sẽ hạn chế tiếp xúc với tia X, thường thấy trong một số xét nghiệm thực hiện trước khi sinh thiết. Tuy nhiên đó không phải chống chỉ định cho kỹ thuật này.

Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo cho bác sĩ để chú ý trong việc lựa chọn thuốc, cũng như tùy chỉnh tư thế thực hiện thủ thuật cho phù hợp. Chẳng hạn như thay vì thực hiện sinh thiết qua da trong tư thế nằm sấp, bạn sẽ được hướng dẫn để sinh thiết trong tư thế nằm nghiêng một bên hoặc tư thế ngồi.
3. Kỹ thuật sinh thiết thận chi phí bao nhiêu?
Tùy theo cơ sở y tế cũng như hệ thống chụp cắt lát vi tính mà chi phí sinh thiết thận có sự khác nhau. Thông thường, chi phí cho một lần thực hiện thủ thuật sinh thiết thận qua da sẽ dao động khoảng 1.200.00 VNĐ, và sinh thiết thận qua nội soi chi phí dao động khoảng từ 2.000.000 VNĐ. Giá cao hay thấp tuỳ thuộc vào cơ sở bạn chọn.
*Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ.
Kỹ thuật sinh thiết thận tuy không quá phức tạp, song vẫn cần sự đảm bảo về tính an toàn cũng như chuẩn mực trong thao tác. Hệ thống PlinkCare sở hữu công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ chuyên dụng cho ngành sinh thiết, giải phẫu bệnh. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm về khám, tư vấn, chẩn đoán, can thiệp, sinh thiết, xét nghiệm… lĩnh vực thận học – tiết niệu chắc chắn sẽ thực hiện chỉ định sinh thiết thận một cách an toàn, chuẩn xác.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Thận học là một trong những mặt bệnh chuyên sâu đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ người bệnh lẫn các chuyên gia y tế. Sinh thiết thận là một trong những phương thức chẩn đoán mang tính chính xác cao và có vai trò quyết định trong nhiều bệnh lý phức tạp. Hiểu đúng và chuẩn bị tốt cho thủ thuật sinh thiết thận góp phần rất lớn trong việc chẩn đoán, phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nói chung.