
Phẫu thuật tai có an toàn, đau không? Quy trình thực hiện bao lâu?

Phẫu thuật tai là gì? Có nên phẫu thuật tai?
Các khiếm khuyết về tai như điếc bẩm sinh, xốp xơ tai, hội chứng khe mang hoặc rối loạn tiền đình ngoại biên cũng được giải quyết bằng phẫu thuật tai.
Ngoài ra, phẫu thuật tai có thể cải thiện hình dạng, vị trí hoặc tỷ lệ của tai. Phẫu thuật tạo hình tai tạo ra hình dạng tự nhiên hơn đồng thời mang lại sự cân đối cho tai và khuôn mặt.
Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này xin chỉ đề cập đến các phẫu thuật tai nhằm mục đích điều trị các bệnh lý về tai. Phẫu thuật tai phải được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. (1)
Các loại phẫu thuật tai phổ biến
Có nhiều loại phẫu thuật tai nhằm điều trị các bệnh lý về tai do nhiễm trùng tai mạn tính gây ra hoặc sửa chữa các khiếm khuyết tai bẩm sinh.
1. Phẫu thuật điều trị các tình trạng do nhiễm trùng tai mạn tính
Nhiễm trùng tai giữa mạn tính không hết sau ba tháng trở lên hoặc trở nên tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể cần phải phẫu thuật. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng tai, nhưng thông thường vi khuẩn đã tích tụ trong xương.
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ cân nhắc có cần thực hiện bất kỳ ca phẫu thuật nào sau đây hay không.
1.1 Phẫu thuật vá nhĩ
Nếu không có nhiễm trùng tai giữa hoặc bệnh ảnh hưởng đến xương chũm, thủ thuật này có thể được khuyến nghị. Trong quá trình vá màng nhĩ, màng nhĩ được sửa chữa bằng cách ghép mô để cải thiện khả năng nghe và ngăn ngừa nhiễm trùng xâm nhập vào tai. Khả năng nghe thường cải thiện sau khoảng 6-8 tuần khi màng nhĩ đã lành.
1.2 Mở màng nhĩ và đặt ống dẫn khí hai bên
Phẫu thuật này liên quan đến việc đặt một ống nhỏ qua màng nhĩ để chất dịch chảy ra. Trong quá trình điều trị ngoại trú, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên màng nhĩ để ống có thể được đặt đúng cách. Các ống này thường tự rơi sau 6-12 tháng.
1.3 Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ
Phẫu thuật này được thực hiện để loại bỏ nhiễm trùng tai giữa và điều trị tình trạng mất thính giác, phẫu thuật tạo hình màng nhĩ sửa chữa màng nhĩ và các bộ phận của tai truyền âm thanh. Phẫu thuật này được thực hiện bằng cách rạch một đường sau tai ở nếp gấp sau tai. Màng nhĩ được sửa chữa bằng mô lấy từ cân cơ (lớp bao phủ cơ). Trong một số trường hợp, sụn được sử dụng để củng cố màng nhĩ.
1.4 Mở xương chũm
Phẫu thuật này đôi khi được thực hiện cùng với phẫu thuật tạo hình màng nhĩ. Mục đích của phẫu thuật này là làm sạch xương chũm, hoặc xương phía sau tai nối với vùng tai giữa (khoảng trống phía sau màng nhĩ). Một đường rạch được thực hiện sau tai để đến phần này của tai.
1.5 Phẫu thuật khoan xương chũm tiệt căn
Đối với những bệnh nhân bị cholesteatoma hoặc nhiễm trùng đã phá hủy ống tai, có thể khuyến nghị phẫu thuật khoan xương chũm ở thành ống tai. Phương pháp này hầu như luôn được thực hiện cùng với phẫu thuật tạo hình màng nhĩ tùy thuộc vào mức độ của cholesteatoma. Nói chung, vùng này được lấp đầy bằng xương ghép và sụn để không tạo ra một khuyết tật lớn trong ống tai. Ghép xương có thể cần thiết để giúp tai lành lại.

2. Tạo hình ống tai
Khi cần thực hiện phẫu thuật cắt xương chũm thành ống tai, lỗ ngoài của ống tai đôi khi quá nhỏ. Một quá trình tạo hình ống tai liên quan đến việc loại bỏ sụn để mở rộng ống tai cho phép tiếp cận vùng tai cần được làm sạch dễ dàng hơn.
Trước khi có chỉ định phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân đã phải sống chung với cơn đau tai liên tục từ sáu tháng trở lên. Bác sĩ tai mũi họng sẽ xem xét phẫu thuật khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc nếu có tình trạng mất thính lực.
3. Phẫu thuật u dây thần kinh thính giác
Tùy thuộc vào tình trạng thính lực cũng như kích thước và vị trí của khối u thần kinh thính giác, bác sĩ sẽ chọn một trong các phương pháp phẫu thuật sau để loại bỏ u thần kinh thính giác.
3.1 Phẫu thuật xuyên mê đạo
Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ xương chũm và xương ở tai trong để tiếp cận ống tai trong nhằm loại bỏ khối u. Bác sĩ phẫu thuật thường sử dụng phương pháp này khi thính lực đã giảm ở mức tối thiểu.
3.2 Sau xoang tĩnh mạch bên/dưới chẩm
Bác sĩ phẫu thuật rạch một lỗ trên hộp sọ, phía sau phần xương chũm của tai. Điều này sẽ giúp quan sát dây thần kinh mặt dễ dàng hơn và bảo vệ thính giác của người bệnh. Bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng phương pháp này cho cả khối u lớn và nhỏ.
3.3 Hố sọ giữa
Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u từ bề mặt trên của ống tai trong. Phương pháp này thường được chỉ định nếu có khả năng cao bảo toàn thính giác cho người bệnh.
4. Tái tạo tai bị teo bẩm sinh
Phẫu thuật sửa chữa cho những người sinh ra khiếm khuyết một số bộ phận trong giải phẫu tai, bao gồm.
- Ống tai;
- Màng nhĩ;
- Chuỗi xương con (xương tai giữa).
5. Phẫu thuật hủy mê đạo
Một quá trình phẫu thuật xuyên xương chũm loại bỏ cơ quan tiền đình của tai trong gây chóng mặt và mất thăng bằng.
6. Phương pháp dùng Laser trong phẫu thuật tai
Đây là việc sử dụng tia laser với kích thước và độ chính xác đến từng milimet, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện các thủ thuật tai cực kỳ tinh vi để giảm thiểu chấn thương cho tai trong so với các kỹ thuật phẫu thuật khác.
7. Hệ thống trợ thính gắn vào xương
Thủ thuật này là việc đặt một thiết bị trợ thính neo vào xương (BAHA) vào hộp sọ để truyền âm thanh qua xương đến tai trong.Thiết bị cấy ghép này cho phép âm thanh đi thẳng đến ốc tai.
8. Phẫu thuật thay thế xương bàn đạp
Các bác sĩ phẫu thuật sử dụng quy trình này để điều trị bệnh xốp xơ tai, trong đó loại bỏ xương bàn đạp và thay thế bằng một bộ phận nhân tạo.
Khả năng nghe có thể được cải thiện ngay lập tức, tuy nhiên, một số trường hợp chảy máu sau màng nhĩ có thể làm giảm khả năng nghe. Bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể về thính lực trong vòng 10-14 ngày sau phẫu thuật.
9. Phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử
Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử được phẫu thuật cấy ghép giúp cung cấp âm thanh cho những người bị mất thính lực nghiêm trọng. Tình trạng mất thính lực nghiêm trọng này thường do tổn thương hoặc khiếm khuyết ở tai trong.

Quy trình phẫu thuật tai
Để chuẩn bị cho phẫu thuật tai, người bệnh có thể được yêu cầu những điều sau đây trong quy trình phẫu thuật tai.
1. Trước ngày phẫu thuật
- Tránh dùng aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve) và các loại thuốc chống viêm không steroid khác. Người bệnh cũng tránh dùng các thuốc có chứa các hợp chất này trong 5-7 ngày trước khi phẫu thuật. Acetaminophen (Tylenol hoặc loại tương đương) và các loại vitamin tổng hợp hàng ngày có thể sử dụng nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
- Không hút thuốc hai tuần trước và hai tuần sau phẫu thuật. Nicotine và khói thuốc lá làm chậm lành vết thương và có thể dẫn đến sẹo.
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước ngày phẫu thuật.
- Sắp xếp để ai đó đưa bạn từ bệnh viện về nhà. Bạn sẽ không được phép lái xe hoặc di chuyển một mình. Trong 24 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật, bạn cần sắp xếp người nhà bên cạnh hỗ trợ.
2. Vào ngày phẫu thuật
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, kể cả nước vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Bạn có thể uống các loại thuốc thiết yếu với một ngụm nước;
- Mặc quần áo rộng rãi;
- Để lại tất cả các vật có giá trị ở nhà; không đeo đồ trang sức;
- Không trang điểm trên mặt hoặc mắt;
- Không sơn móng tay;
- Bạn có thể đeo kính nhưng không đeo kính áp tròng;
- Hãy tháo răng giả (nếu có).
3. Chăm sóc sau phẫu thuật
- Sau phẫu thuật, người bệnh được kê thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.
- Nằm gối cao đầu để giảm thiểu sưng nề.
- Bạn có thể rửa mặt nhưng cần giữ cho băng tai khô. Băng tai cần phải được giữ nguyên cho đến ngày tái khám (khoảng 7 ngày sau phẫu thuật).
- Sau khi tháo băng, bạn cần bôi dung dịch sát trùng vào vết mổ mỗi ngày một lần, trong vòng 7 ngày.
- Bạn có thể gội đầu nhẹ nhàng sau khi tháo băng, nhưng cẩn thận không uốn cong vành tai.
- Cẩn thận không uốn hoặc đập vào tai khi chải hoặc tạo kiểu tóc.
- Bạn có thể đeo kính nhưng chúng phải được dán băng keo lại để không đè lên vết mổ.
- Sẽ có một số khu vực giảm cảm giác hoặc bị tê. Cảm giác sẽ trở lại bình thường sau thời gian 1-6 tháng.
- Đeo băng đô qua tai cả ngày lẫn đêm trong 1 tuần, sau đó chỉ đeo vào ban đêm trong 1 tuần tiếp theo.
- Tránh các hoạt động thể chất quá sức, bao gồm các hoạt động thể thao và cẩn trọng trong quan hệ tình dục. Bạn có thể tiếp tục đi bộ nhẹ nhàng 3 ngày sau khi phẫu thuật. Tập thể dục nhịp điệu, tập tạ, nâng vật nặng và gắng sức có thể thực hiện dần dần 3 tuần tiếp sau đó.
- Trẻ em có thể trở lại trường học trong một tuần sau phẫu thuật, nhưng phải luôn đeo băng đô và không được tham gia các lớp học thể dục thể thao gắng sức.
- Không được bơi lội trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật.
- Đừng lo lắng nếu tai có biểu hiện sưng tấy, điều này thường sẽ hết trong vòng 2-4 tuần sau mổ.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Các câu hỏi thường gặp về phẫu thuật tai
1. Phẫu thuật tai có phải là một cuộc phẫu thuật lớn?
Phẫu thuật tai là phẫu thuật nhỏ nhưng phức tạp do cấu trúc tinh vi của bộ phận này. Đặc biệt những phẫu thuật liên quan đến tai trong vô cùng khó do cấu trúc tai trong có sự giao thoa giữa hệ thống tiền đình và dây thần kinh trung ương. Vì vậy, nếu phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm, sơ suất có thể gây ra biến chứng và để lại di chứng cho người bệnh.
2. Phẫu thuật tai có đau không?
Trong khi phẫu thuật tai, bệnh nhân không cảm thấy đau do đã được gây mê. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật kết thúc, thuốc mê hết tác dụng, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau trong vài ngày hoặc trong tuần đầu tiên. Sau đó, cơn đau sẽ dần biến mất.
3. Phẫu thuật tai mất bao lâu?
Hầu hết các cuộc phẫu thuật tai kéo dài trong 2-3 giờ đồng hồ. Những phẫu thuật đơn giản như vá nhĩ, tạo hình tai giữa thường chiếm ít thời gian hơn so với những phẫu thuật phức tạp như khoan xương chũm, cấy điện cực ốc tai.
4. Nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật tai là gì?
Phẫu thuật tai có an toàn không? Cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, phẫu thuật tai tuy an toàn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Trước khi bước vào phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn và chia sẻ về các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong hoặc sau phẫu thuật.
Ghép màng nhĩ thành công ở khoảng 70-90% bệnh nhân, mang lại một tai khô và lành. Việc cải thiện khả năng nghe sau phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mức độ tổn thương của xương tai và khả năng chữa lành của tai.
Khả năng phục hồi hoàn toàn thính giác khi xương tai bị tổn thương là rất hiếm. Nếu phẫu thuật không thành công, thính giác thường vẫn như trước khi phẫu thuật. Trong 2% trường hợp được phẫu thuật, thính giác có thể bị suy giảm thêm. Đôi khi, có thể có hiện tượng chảy dịch dai dẳng, ù tai và chóng mặt trong một thời gian sau phẫu thuật.
Một số trường hợp có thể xuất hiện yếu liệt mặt, nhưng tỷ lệ thấp chỉ dưới 1%. Đây thường là một biến chứng tạm thời.
Nếu bị đau nhẹ trong hoặc xung quanh tai, tăng tiết dịch hoặc chóng mặt, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra, xử trí.
5. Phẫu thuật tai ở đâu tốt?
Có nhiều bệnh viện thực hiện phẫu thuật tai, tuy nhiên người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín, có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi và công nghệ hiện đại để có kết quả phẫu thuật tốt và hạn chế nguy cơ biến chứng phẫu thuật tai.
Trung tâm Tai Mũi Họng, PlinkCare là đơn vị khám và điều trị các bệnh lý về tai mũi họng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Không chỉ có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Tai mũi họng giỏi nghề, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị nội khoa và giải phẫu, Trung tâm Tai Mũi Họng, PlinkCare còn được trang bị hệ thống máy móc hiện đại. Ngoài ra, với sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các chuyên khoa sâu trong cùng bệnh viện như Tai Mũi Họng, Thần kinh, Nhãn khoa, Răng Hàm Mặt, Can thiệp mạch, Cấp cứu, Gây mê – Hồi sức, Ung bướu, Nhi – Sơ Sinh… giúp cho việc chẩn đoán chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Đồng thời, sự phối hợp này còn giúp xử trí nhanh các tình huống bất ngờ, khó lường có thể xảy ra trong phẫu thuật, từ đó hạn chế được các biến chứng phẫu thuật tai cho người bệnh.
Hệ thống máy đo ảnh động nhãn đồ (VNG) và Tập phục hồi chức năng tiền đình (TRV) tại PlinkCare giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân của tổn thương tiền đình; xây dựng các phác đồ tập phục hồi chuyên biệt cho người bệnh.
Máy nội soi Xion của Đức giúp phát hiện sớm tổn thương ở tai; hệ thống kính vi phẫu mổ tai Zeiss (Đức), hệ thống phẫu thuật nội soi Karl Storz (Đức) cùng với hệ thống khoan bào mô Medtronic (Mỹ) dùng phẫu thuật nội soi tai, nội soi mũi xoang, nội soi vi phẫu thanh quản… Bên cạnh đó, hệ thống máy Coblator của Smith Nephew (Mỹ), dao plasma của Medtronic (Mỹ) dùng phẫu thuật cắt Amidan, nạo VA, đốt cuốn mũi, chỉnh hình màn hầu.
Để đặt lịch khám, tư vấn và phẫu thuật tai tại PlinkCare, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
Phẫu thuật tai là kỹ thuật vi phẫu phức tạp, đòi hỏi người bệnh và bác sĩ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Phẫu thuật viên càng nhiều kinh nghiệm, máy móc càng hiện đại, kết hợp quy trình phẫu thuật tai càng chặt chẽ thì càng ít rủi ro và mang lại hiệu quả điều trị cao. Sau phẫu thuật tai, người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn, dặn dò của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn để đảm bảo quá trình phục hồi sau mổ diễn ra thuận lợi.