Image

Nuốt nghẹn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Nuốt nghẹn là gì?

Nuốt nghẹn (khó nuốt) là tình trạng người bệnh mất nhiều thời gian, nỗ lực nhiều để đẩy thức ăn hay nước từ miệng xuống tới dạ dày. Tình trạng này có thể gây đau đớn, thậm chí, một số người bệnh không thể nuốt được. Tình trạng nuốt nghẹn, đặc biệt là nuốt nghẹn dai dẳng, có thể là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng, cần có biện pháp xử trí sớm.

nuốt bị nghẹn

Nuốt nghẹn xảy ra ở bộ phận nào?

Khi ăn, thức ăn di chuyển từ miệng qua họng, xuống thực quản rồi tới dạ dày. Trước tiên, thức ăn sẽ được nhai, nghiền nát trong miệng rồi được đẩy ra sau họng. Tại đây, thức ăn kích thích những thụ thể cảm nhận, tạo ra phản xạ nuốt để đẩy thức ăn qua họng đến thực quản.

Tại đây, nhờ sự co bóp của cơ thực quản, thức ăn được đẩy xuống dạ dày. Ở người bình thường, quá trình này thường diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, thức ăn bị đọng lại tạm thời hay tắc nghẽn trên đường vận chuyển xuống dạ dày và gây ra tình trạng nuốt nghẹn.

Triệu chứng nuốt nghẹn

Những dấu hiệu liên quan tới chứng nuốt nghẹn có thể gồm:

  • Bị đau khi nuốt, không thể nuốt được
  • Cảm thấy thức ăn bị kẹt lại tại cổ họng hoặc ở ngực
  • Chảy nước dãi
  • Khàn tiếng
  • Nôn trớ
  • Ợ chua, thức ăn hay axit dạ dày trào ngược vào thực quản
  • Ho khan

biểu hiện của nuốt nghẹn

Nguyên nhân nuốt nghẹn

Nuốt là hành động phức tạp, liên quan tới nhiều cơ, dây thần kinh. Bất cứ tình trạng nào gây suy yếu hay tổn thương các cơ, dây thần kinh được dùng để nuốt hoặc dẫn tới hẹp phần hầu họng, thực quản đều có khả năng gây ra chứng nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn gồm nuốt nghẹn thực quản và nuốt nghẹn vùng hầu họng.

1. Nuốt nghẹn thực quản

Chứng nuốt nghẹn thực quản đề cập tới cảm giác thức ăn bị mắc kẹt tại cổ họng hoặc tại ngực sau khi nuốt. Nguyên nhân có thể là do:

  • Co thắt tâm vị, cơ vòng thực quản dưới không dãn ra khi nuốt
  • Co thắt thực quản lan tỏa
  • Chít hẹp thực quản do có khối u hay mô sẹo, dị vật như thức ăn hoặc răng giả
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
  • Xơ cứng bì

2. Nuốt nghẹn vùng hầu họng

Nuốt nghẹn vùng hầu họng thường liên quan tới tai mũi họng. Tình trạng này xảy ra khi cơ vùng họng bị suy yếu, khiến thức ăn khó di chuyển từ miệng vào cổ họng, thực quản khi bắt đầu nuốt. Nguyên nhân thường gặp gây nuốt nghẹn vùng hầu họng gồm:

  • Rối loạn thần kinh thực vật (bệnh đa xơ cứng, loạn dưỡng cơ, Parkinson)
  • Tổn thương thần kinh đột ngột như đột quỵ hoặc chấn thương não hoặc tủy sống
  • Bệnh túi thừa Zenker
  • Một số bệnh ung thư và các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây ra chứng khó nuốt

3. Các nguyên nhân khác

3.1 Ung thư thực quản

Loại ung thư gây nuốt nghẹn thường gặp là ung thư thực quản. Bệnh có tiên lượng nghèo nàn nhất do ở giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi phát hiện trên lâm sàng, u thường đã trong giai đoạn tiến triển. Do đó, khi xuât hiện triệu chứng nuốt nghẹn, bệnh có thể đã diễn tiến qua giai đoạn muộn. (1)

Ung thư thực quản xảy ra khi những tế bào lòng thực quản có sự biến đổi (đột biến) trong ADN của nó. Tình trạng đột biến này khiến tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát. Những tế bào bất thường tích lũy thành một khối u tại thực quản, có thể phát triển và xâm nhập những cấu trúc lân cận, lan truyền tới những bộ phận khác trong cơ thể.

nguyên nhân nuốt nghẹn
Loại ung thư gây triệu chứng nuốt nghẹn phổ biến là ung thư thực quản

3.2 Lão hóa

Lão hóa là một trong các yếu tố nguy cơ gây ra chứng nuốt nghẹn. Người cao tuổi có nguy cơ bị nuốt nghẹn cao hơn là do quá trình lão hóa tự nhiên, sự hao mòn trên thực quản và một số bệnh lý nhất định.

Nuốt nghẹn không phải là dấu hiệu bình thường của quá trình lão hóa. Ngoài ra, tình trạng này còn liên quan tới một số vấn đề sức khỏe, cụ thể như rối loạn thần kinh.

Chẩn đoán khi bị nuốt nghẹn

Để xác định nguyên nhân gây nuốt nghẹn, bác sĩ thường thăm khám lâm sàng, hỏi một số vấn đề về tình trạng bệnh như tần suất nuốt nghẹn, những triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh tiêu hóa trước đó, những loại thuốc điều trị đang dùng.

chẩn đoán nuốt nghẹn

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các phương pháp cận lâm sàng gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm chức năng gan, phân tích tế bào máu ngoại vi và điện giải đồ.
  • Kiểm tra trở kháng và pH: Phương pháp này giúp xác định bệnh trào ngược axit dạ dày – thực quản.
  • Nội soi ống tiêu hóa: Phương pháp giúp chẩn đoán những bệnh lý tiêu hóa
  • Chụp X-quang ngực – cổ: Phương pháp này giúp phát hiện vị trí dị vật trong đường hô hấp, tiêu hoá
  • Chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ: Các phương pháp này giúp chẩn đoán ung thư, phát hiện khối u, tình trạng di căn và mức độ phát triển của khối u.

Điều trị nuốt nghẹn

Phương pháp điều trị triệu chứng nuốt nghẹn thường tùy thuộc nguyên nhân và vị trí tổn thương gây nuốt nghẹn ở người bệnh. Một số phương pháp điều trị thường được chỉ định gồm: (2)

1. Do hóc dị vật

Đối với các trường hợp nuốt nghẹn do hóc dị vật, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện nội soi phế quản hoặc đặt nội khí quản nhằm loại bỏ dị vật.

2. Do bệnh lý

Nếu nguyên nhân nuốt nghẹn do các bệnh lý ở thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp như:

  • Thuốc điều trị nuốt nghẹn: Dùng các loại thuốc điều trị như thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI) để điều trị nuốt nghẹn do trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) gây ra.
  • Thuốc giãn cơ trơn: Thuốc được chỉ định với các trường hợp bị co thắt thực quản. Đặc biệt, người bệnh chỉ nên dùng những thuốc đặc trị khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Nong thực quản: Đối với trường hợp bị co thắt thực quản, hẹp thực quản hay rối loạn nhu động ruột, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thực hiện nong thực quản.
  • Phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị, điều trị giảm nhẹ hay chăm sóc trong những trường hợp bị ung thư thực quản.
  • Phẫu thuật thực quản ở người bệnh phát hiện khối u thực quản, u vùng thắt lưng hay túi thừa thực quản.

Phòng ngừa nuốt nghẹn như thế nào?

Hiện không có biện pháp nào ngăn chặn chứng nuốt nghẹn. Để giảm thiểu nguy cơ bị nuốt nghẹn, cần thay đổi cách ăn uống như ăn chậm nhai kỹ và nuốt từ từ. Ngoài ra, bạn cần lưu ý:

  • Nên cắt nhỏ các loại thức ăn có tính dai, nhầy, trơn trước khi dùng bữa
  • Khi ăn, cần giữ tinh thần thoải mái, tránh bức xúc và tức giận

Nếu tình trạng nuốt nghẹn tái phát nhiều lần, tần suất tăng dần, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám cẩn thận, chẩn đoán và có hướng xử trí kịp thời. Nếu nghi ngờ có tổn thương ở thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành soi thực quản, bấm sinh thiết tổ chức u sùi làm giải phẫu bệnh nhằm chẩn đoán xác định.

Nếu nghi ngờ có tổn thương ở ngoài thực quản, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện chụp X-quang, chụp CT scan, MRI hoặc soi khí phế quản và một số xét nghiệm cần thiết khác. Hướng điều trị sẽ được bác sĩ quyết định sau khi có kết quả chẩn đoán.

Các thắc mắc về nuốt nghẹn

1. Nuốt nghẹn là bệnh gì?

Nuốt nghẹn thường do các bệnh lý tại vùng thực quản hay các bệnh lý tại vùng hầu họng hay do sự chèn ép vào thực quản gây ra. Các bệnh lý thường gây nuốt nghẹn như trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp thực quản, u thực quản, co thắt tâm vị, tắc nghẽn thực quản, viêm thực quản, ung thư thực quản, đa xơ cứng (multiple sclerosis), túi thừa thực quản… Nếu triệu chứng này thường xuyên xảy ra, gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân, có hướng can thiệp sớm.

2. Nuốt nghẹn là dấu hiệu bệnh ung thư thực quản phải không?

Nuốt nghẹn là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư thực quản. Người bệnh gặp nhiều khó khăn khi nuốt thức ăn, luôn cảm thấy vướng trong thực quản. Ban đầu, người bệnh có thể bị nghẹn bởi những thức ăn dạng đặc như thịt, cá. Lâu dần, cảm giác nghẹn xảy ra ngay cả khi dùng các loại thức ăn dạng lỏng như canh, súp, cháo. Một số trường hợp thậm chí không uống được nước và sữa. Nếu biểu hiện nuốt nghẹn xuất hiện dày đặc, ung thư thực quản đã có thể ở giai đoạn muộn.

3. Nuốt nghẹn có nguy hiểm không?

Khi không có biện pháp can thiệp sớm, nuốt nghẹn có thể gây suy dinh dưỡng, sụt cân, mất nước do cơ thể không thể hấp thụ đủ chất. Người bệnh nuốt nghẹn cũng dễ mắc viêm phổi do thức ăn hoặc chất lỏng đi vào đường thở, mang theo vi khuẩn vào phổi. Đôi khi, thức ăn mắc kẹt có thể chặn đường thở. Người bệnh cần được cấp cứu để tránh nguy cơ tử vong.

4. Bị nuốt nghẹn đi khám ở đâu?

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy (PlinkCare Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:

Tình trạng nuốt nghẹn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Đồng thời, đây còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng nuốt nghẹn, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tại những cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send