Image

Ngộ độc rượu: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phòng ngừa

Ngộ độc rượu là gì?

Rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Thế nhưng, nếu như rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo,…

Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng vào năm 2016, lượng cồn nguyên chất tiêu thụ ở khu vực phi chính thức ước đạt trên 385,4 triệu lít, chiếm 63% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường, trong đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm,… dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.

Triệu chứng ngộ độc rượu

Vốn dĩ rượu methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc, đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não. Dù không chứa độc tính như rượu methanol, rượu ethanol cũng gây ngộ độc khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn, hay lạm dụng rượu trong thời gian dài. Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng bao gồm: (1)

  • Da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay.
  • Lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại.
  • Khó khăn trong việc duy trì ý thức.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Nói không rõ, nói ngọng.
  • Nôn mửa.
  • Thở chậm, thở không đều.
  • Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong.
  • Đi tiểu tiện không kiểm soát.
  • Cơ thể có mùi rượu nồng.
  • Đau bụng, chướng bụng.
  • Tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt.

Khi phát hiện ai đó có các triệu chứng như trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.

hiện tượng ngộ độc rượu
Nạn nhân bị ngộ độc rượu nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng.

Cách xử lý sơ cấp cứu ngộ độc rượu

Khi phát hiện hay nghi ngờ một ai đó bị ngộ độc rượu bạn hãy thực hiện các bước sơ cấp cứu sau:

  • Gọi cấp cứu 115 hoặc xe cấp cứu PlinkCare TP. HCM: 0287 102 6789 – 0247 106 6858; Hà Nội: 024 3872 3872 – 093 180 6858
  • Gọi người giúp đỡ, kiểm tra tình trạng của nạn nhân.
  • Cố gắng giữ nạn nhân tỉnh táo, đặt nạn nhân ở tư thế đầu được kê cao.
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy nằm nghiêng, tránh khả năng nôn ói bị hít sặc trở lại.
  • Nếu còn tỉnh hãy cho nạn nhân uống nước.
  • Dùng vải sạch hoặc chăn quấn quanh người để giữ ấm.
  • Khai báo với nhân viên y tế các triệu chứng ban đầu và số lượng rượu nạn nhân đã uống.

Xem thêm: Cách xử trí ngộ độc rượu: Quy trình cấp cứu đúng chuẩn từng bước.

Những sai lầm thường mắc khi sơ cứu nạn nhân ngộ độc rượu mà bạn nên lưu ý:

  • Chủ quan, chỉ nghĩ đang say rượu: Các triệu chứng như đi liêu xiêu, té ngã khi di chuyển, nôn mửa, nằm mê man thường được xem là biểu hiện bình thường khi say rượu. Suy nghĩ chủ quan gây cấp cứu chậm trễ, nạn nhân bị ngộ độc rượu đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm, thâm chí tử vong.
  • Cho nạn nhân tắm nước lạnh: Điều này khiến thân nhiệt hạ xuống có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
  • Cho nạn nhân ăn: Có thể gây nôn mửa, dễ hít sặc gây nghẹt thở.
  • Sốc nạn nhân: Điều này làm tăng nguy cơ nghẹt thở.
  • Để nạn nhân tự di chuyển: Không kiểm soát được thăng bằng dễ té ngã khi di chuyển.

Nguyên nhân ngộ độc rượu

Nguyên nhân chính gây ngộ độc rượu do uống quá nhiều trong thời gian ngắn hay lạm dụng liên tiếp trong thời gian dài. Rượu được hấp thu vào máu chủ yếu từ ruột non, một số được hấp thu qua dạ dày. Thời gian rượu hấp thu vào máu nhanh hơn thời gian đào thải rượu ra khỏi cơ thể. (2)

Khoảng 5% -10% lượng rượu được bài tiết trong nước tiểu, mồ hôi và hơi thở. Hơn 90% lượng rượu uống vào được chuyển hóa ở gan, ethanol từ rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, được oxy hóa thành CO2 và nước. Khi uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn, gan không đủ khả năng để xử lý hết lượng cồn trong máu, ethanol từ rượu đi vào trong máu nhiều dẫn đến ngộ độc rượu. Nồng độ cồn trong máu tùy vào mức độ sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.

Nôn là triệu chứng phổ biến ở ngộ độc rượu từ vừa đến nặng; bởi vì nôn thường xảy ra kèm theo ý thức lơ mơ, sặc gây tắc nghẽn đường thở. Ở Mỹ, định nghĩa ngộ độc rượu là BAC ≥ 0,08% (≥ 80 mg/dL, 17,4 mmol/L). BAC (viết tắt của từ Blood Alcohol Content) là chỉ số đo lường được sử dụng để đo lượng rượu trong máu của một người sau khi uống rượu.

Nam giới có tỷ lệ ngộ độc rượu cao hơn do uống nhiều hơn phụ nữ. Ngoài ra, đối tượng dễ bị ngộ độc rượu không chỉ phụ thuộc vào việc uống nhiều rượu mà còn ảnh hưởng từ các yếu tố sau:

  • Trọng lượng cơ thể, chỉ số BMI.
  • Sức khỏe tổng thể.
  • Khả năng chịu đựng rượu.
  • Các loại thức ăn gần đây.
  • Dùng ma túy và các chất gây nghiện.
  • Uống khi bụng đói.
  • Uống thuốc xong uống rượu.
  • Uống rượu không rõ nguồn gốc và thành phần.
  • Pha rượu với các nguyên liệu khác như: nước ngọt, thảo dược…
ngộ độc rượu ảnh hưởng đến sức khỏe
Lượng cồn trong máu tăng cao, thường xuyên ảnh hưởng đến sức khỏe.

Biến chứng ngộ độc rượu

Nạn nhân bị ngộ độc rượu nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời dễ xảy ra biến chứng nghiêm trọng như: (3)

  • Hạ thân nhiệt.
  • Mất trí nhớ.
  • Hạ đường huyết, gây co giật, mất ý thức.
  • Nhịp tim bất thường hoặc ngừng đập.
  • Nôn mửa nghiêm trọng gây mất nước, co giật, tổn thương não vĩnh viễn.
  • Nhiễm toan ceton do rượu, làm ức chế thần kinh trung ương.
  • Suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Người lạm dụng rượu thường xuyên sẽ gặp các biến chứng:

  • Bệnh về gan: Gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan.
  • Rối loạn đông máu do giảm các yếu tố đông máu, tăng nguy cơ chảy máu khi bị chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, viêm dạ dày.
  • Viêm tụy.
  • Bệnh cơ tim, thường kèm theo rối loạn nhịp và tăng huyết áp.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Tổn thương não: Bệnh não Wernicke, rối loạn tâm thần Korsakoff, suy giảm trí nhớ…
  • Một số bệnh ung thư như: Ung thư vòng họng, thực quản, đặc biệt khi uống rượu kết hợp với hút thuốc lá.
  • Suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin.
xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc rượu
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Cách chẩn đoán ngộ độc rượu

Nếu nghi ngờ ai đó bị ngộ độc rượu hãy kiểm tra các yếu tố: Có uống rượu, uống một mình hay uống với nhiều người, các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc rượu,… hãy đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Chẩn đoán ngộ độc rượu bằng các triệu chứng lâm sàng hoặc kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Có hai cách chính để kiểm tra nồng độ cồn trong máu của một người:

  • Đo nồng độ cồn bằng máy kiểm tra hơi thở: Khi uống rượu, ethanol sẽ đi vào máu đến phổi, ở đó ethanol bay hơi ra ngoài theo đường thở. Khi nạn nhân thở vào máy đo sẽ ước tính BAC bằng lượng cồn phát hiện trong hơi thở.
  • Xét nghiệm máu: Lấy máu và phân tích BAC trong máu.

Cách điều trị ngộ độc rượu

Khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ cấp cứu sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Người bị ngộ độc rượu có thể được điều trị bằng các phương pháp sau: (4)

  • Truyền dịch qua đường tĩnh mạch: Cung cấp dịch truyền qua đường tĩnh mạch IV để điều trị tình trạng mất nước, hoặc chuyền chất lỏng làm tăng lượng đường trong máu.
  • Oxy: Cung cấp oxy bằng ống thông mũi (ống mềm được kẹp vào mũi), hoặc đặt một ống thông nhỏ vào khí quản nếu người bệnh khó thở.
  • Bơm rửa dạ dày: Sử dụng ống bơm để làm sạch các chất độc trong dạ dày.
  • Lọc máu: Nếu thận bị suy giảm chức năng, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng máy lọc máu để lọc rượu ra khỏi máu.

Cách phòng ngừa ngộ độc rượu

Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa ngộ độc rượu bằng các cách sau:

  • Tránh chơi trò thách đố uống rượu: Gây áp lực cho người tham gia và phải uống quá chén.
  • Giữ đủ nước: Uống nước sau mỗi lần uống rượu.
  • Không trộn lẫn rượu và thuốc: Không được uống rượu khi đang điều trị thuốc kê toa.
  • Ăn trước khi uống rượu.
  • Cảnh giác: Tránh uống rượu khi chưa biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần.
  • Không pha rượu: Không nên pha rượu với nước ngọt, hay bất cứ thứ gì.

Cồn có ở trong rượu vang, sâm banh, bia và các đồ uống lên men chứa cồn khác. Do vậy, để không bị ngộ độc rượu, hãy hạn chế uống rượu, bia,… đặc biệt với người có sức khỏe yếu, trẻ em, người lớn tuổi, người không dung nạp với rượu bia,… Nếu phát hiện triệu chứng bất thường khi uống rượu, cần đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send