
Ghép xương: Chỉ định, quy trình thực hiện, bao lâu thì lành?
Kỹ thuật ghép xương là gì?
Ghép xương (bone graft) thường được áp dụng trong chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy mô xương để điều trị làm liền xương ổ gãy xương có khuyết xương hoặc khớp giả (do ổ gãy xương không liền xương). Chấn thương hoặc những bất thường của hệ cơ xương khớp có thể gây tổn thương xương.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật cấy ghép xương được tiến hành để hỗ trợ những thiết bị cấy ghép trong cơ thể hoặc hỗ trợ nơi bị khuyết xương. Bác sĩ có thể sử dụng mô xương từ các phần khác trên cơ thể hay từ người hiến. Mảnh xương ghép có thể được dùng dưới dạng tự do hay có cuống mạch nuôi và được khâu nối với mạch máu nơi nhận bằng kỹ thuật vi phẫu. (1)
Phân loại xương được cấy ghép
Hai kiểu ghép xương thường gặp gồm:
- Mảnh ghép đồng loại: Dùng mô xương từ người hiến tặng
- Mảnh ghép tự thân: Dùng mô xương khỏe mạnh của chính bệnh nhân (có thể là xương sườn, xương chậu, xương mác , đầu dưới xương quay…).
Hướng phẫu thuật ghép xương sẽ được xác định tùy theo mức độ tổn thương và tình trạng cụ thể của người bệnh. Bác sĩ sẽ thảo luận để đưa ra phương pháp tốt nhất cho từng trường hợp.
Lợi ích của phương pháp ghép xương
Ưu điểm sẽ tùy theo kỹ thuật ghép xương, cụ thể: (2)
1. Mảnh ghép tự thân
- Không có nguy cơ lây truyền bệnh tật
- Khả năng nhiễm trùng thấp
- Các tế bào phát triển xương nằm trong mảnh ghép, làm tăng khả năng lành xương.
2. Mảnh ghép đồng loại
- Tỷ lệ đào thải thấp: Do xương đồng loại không có tế bào sống nên nguy cơ đào thải thấp hơn
- Vì không chứa tủy sống nên không cần phải so sánh nhóm máu giữa người cho và người nhận
- Nguy cơ lây lan bệnh thấp vì mô xương được tiệt trùng
- Không lấy mô từ xương khác
Chỉ định thực hiện cấy ghép xương khi nào?
Hệ thống xương khớp giúp định hình cấu trúc cơ thể, tạo sự ổn định và hỗ trợ cho vận động. Do đó, khi xương bị tổn thương cần phải điều trị ngay. Có 4 nguyên nhân chính khiến người bệnh phải tiến hành ghép xương như: (3)
- Xương gãy phức tạp và nhiều khiến những vết gãy không thể lành hoàn toàn sau đợt điều trị đầu. Bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật để phục hồi xương.
- Bác sĩ tiến hành nối hai xương giúp chữa lành khớp giả (được tạo ra do ổ gãy không liền xương).
- Bác sĩ thực hiện tái tạo xương hoặc thay thế xương bị mất do bệnh tật, nhiễm trùng hoặc chấn thương.
- Chữa lành xương xung quanh vùng phẫu thuật để cấy thiết bị thay khớp, thay đĩa hoặc ốc vít.
Quy trình mổ ghép xương như thế nào?
1. Chuẩn bị
- Không ăn uống bất cứ thứ gì vào đêm trước ngày phẫu thuật.
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc và những loại thực phẩm chức năng đang dùng. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng một số loại thuốc như aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), giúp giảm thiểu nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
- Không đeo trang sức, khuyên tai, trang điểm, sơn móng tay, trâm cài, kính áp tròng để tránh gây nhiễm trùng.
- Sau mổ, nên nhờ người thân đưa về nhà vì có thể sẽ gặp khó khăn khi di chuyển.
2. Tiến hành
Người bệnh sẽ được gây mê để ngủ sâu và không cảm thấy đau đớn. Tiếp theo, bác sĩ tiến hành rạch một đường trên da tại vị trí cần ghép xương. Sau đó, phần xương thay thế sẽ được tạo hình vừa với vùng cần ghép, được cố định lại bằng những thiết bị như đinh ghim, đĩa, ốc vít, dây và cáp. Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành khâu vết mổ. Người bệnh cần phải sử dụng nẹp để hỗ trợ trong khi đợi xương lành hoàn toàn.
3. Chăm sóc hậu phẫu
Người bệnh có thể cần từ 2 tuần cho tới hơn 1 năm để phục hồi. Tốc độ hồi phục sẽ phụ thuộc vào độ lớn của vết gãy và kiểu ghép xương. Bệnh nhân nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh các hoạt động mạnh. Sau mổ, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chườm mát và nâng vùng vừa ghép xương lên cao, đặc biệt là vùng tay, chân để giảm phù nề và nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Người bệnh nên từ bỏ thói quen hút thuốc ngay lập tức. Vì thuốc lá làm tăng nguy cơ tổn thương phần xương ghép, làm chậm quá trình tái tạo xương. Bên cạnh đó, bạn nên nhờ người thân chăm sóc cho mình sau mổ. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tắm và chăm sóc vết mổ.
Mổ ghép xương bao lâu thì lành?
Theo thời gian, mảnh ghép sẽ phát triển, kết hợp với các mô xương gần đó. Quá trình phục hồi có thể mất từ vài tuần tới một năm. Thời gian phục hồi của người bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của mảnh ghép. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh…
Biến chứng có thể xảy ra
Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có nguy cơ xuất hiện các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng với thuốc gây mê. Khi lựa chọn ghép xương, người bệnh có thể phải đối mặt với một số rủi ro như: (4)
- Đau mạn tính
- Sưng tấy
- Tổn thương dây thần kinh
- Đào thải xương ghép
- Viêm
- Gãy xương ghép
Vì thế, trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để tìm cách giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng. Tuy nhiên, những biến chứng nêu trên thường gặp với tỉ lệ rất thấp.
Lưu ý của bác sĩ cho bệnh nhân thực hiện ghép xương
1. Tiên lượng sau phẫu thuật
Trong phần lớn các trường hợp, ghép xương sẽ lành mà không xuất hiện biến chứng. Ở một số trường hợp hiếm, quá trình phục hồi không diễn ra như kế hoạch. Những vấn đề có thể xảy ra như:
- Từ chối thải ghép (bone graft rejection): Xảy ra khi mô cấy ghép bị hệ thống miễn dịch của người nhận từ chối, phá hủy mô cấy ghép, thường là những mảnh ghép xương đồng loại.
- Nhiễm trùng
- Tổn thương mạch máu, thần kinh
2. Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Nhanh chóng đi khám khi xuất hiện những triệu chứng như:
- Chảy máu, sưng tấy hoặc chảy dịch bất thường gần vết mổ
- Sốt
- Tê hoặc ngứa ran gần vị trí ghép
- Đau không thuyên giảm dù đã dùng thuốc giảm đau
3. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật
Chế độ ăn uống sau phẫu thuật có vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi. Vì thế, bệnh nhân nên lưu ý bổ sung những nhóm thực phẩm như:
3.1. Thực phẩm giàu canxi
Canxi là một loại khoáng chất rất tốt cho hệ xương khớp. Để xương nhanh lành, người bệnh nên bổ sung một lượng lớn canxi giúp tái tạo xương. Thực phẩm chứa nhiều canxi nên đưa vào thực đơn hằng ngày như cá mòi, cá hồi, sữa tươi, phô mai, sữa chua, hạt vừng, bắp cải…
3.2. Thực phẩm giàu magie
Magie là chất quan trọng tham gia vào quá trình hình thành và cấu tạo xương. Khoáng chất này hỗ trợ tốt cho việc phục hồi vùng xương gãy. Những loại thực phẩm chứa nhiều magie như cá trích, cá thu, cá chép, tôm, sữa, ngũ cốc, hạnh nhân, rau xanh…
3.3. Thực phẩm giàu photpho
Photpho cũng là khoáng chất giúp xương nhanh lành nhưng người bệnh cần chia đều ăn mỗi ngày, tránh ăn quá nhiều một loại thực phẩm. Những thực phẩm chứa nhiều photpho như lòng đỏ trứng gà, pho mát, gan bò, yến mạch, hạt óc chó…
3.4. Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một trong những chất có tác dụng thúc đẩy vitamin D hoạt động mạnh mẽ để tăng cường hấp thụ canxi. Chất này giúp xương khớp được tái tạo và hồi phục nhanh hơn, hạn chế tình trạng loãng xương. Những loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt gà, tôm, nấm, tỏi, rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn…
3.5. Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin giúp tăng sức đề kháng và duy trì sức khỏe tốt để cơ thể nhanh phục hồi những tổn thương ở xương. Trong đó, vitamin B6 và vitamin B12 là cần thiết nhất. Vitamin B6 có nhiều trong các thực phẩm như ngũ cốc, chuối, thịt gia cầm, súp lơ, cải bắp, thịt bò nạc… Chúng chuyển hóa tryptophan thành niacin, chuyển hóa chất béo và carbohydrate, giúp xương nhanh phục hồi.
Vitamin B12 có trong những loại thực phẩm như trứng, các loại hạt, nội tạng động vật, sữa hạnh nhân, dầu thực vật… Vitamin B12 hỗ trợ hình thành khung xương khỏe để khắc phục những chấn thương.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống PlinkCare, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; TS.BS Chế Đình Nghĩa, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
PlinkCare còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Khi cần thực hiện ghép xương, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp đối với tình trạng sức khỏe của mình. Phần lớn các ca ghép xương ít có nguy cơ thải ghép. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên chú ý các dấu hiệu của biến chứng. Biện pháp phục hồi tốt nhất là nên áp dụng một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu để giúp tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh xương bị thương, rút ngắn thời gian hồi phục.