Image

Viêm xương sọ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Người bệnh viêm xương sọ cần tuân thủ phác đồ chữa trị của bác sĩ để hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên thăm khám, điều trị viêm xương sọ ở cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh.

Viêm xương sọ là gì?

Viêm xương sọ (SBO) là một bệnh hiếm gặp, có thể đe dọa tính mạng, thường xảy ra do biến chứng của nhiễm trùng các mô lân cận như viêm tai ngoài ác tính kèm theo biến chứng huyết khối xoang tĩnh mạch, viêm màng não, áp xe, xâm lấn động mạch cảnh. Viêm xương sọ não cũng có thể bắt nguồn từ nhiễm trùng cạnh mũi, chẳng hạn như viêm xoang bướm hoặc xoang sàng mà không liên quan đến viêm tai ngoài. (1)

Viêm xương sọ thường gặp ở những người bệnh suy giảm miễn dịch trên 65 tuổi, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn huyết học, xơ cứng động mạch. Người bệnh viêm xương sọ có thể gặp tình trạng đau đầu, đau tai, chảy nước tai, giảm thính lực và rối loạn chức năng thần kinh sọ. Viêm xương sọ được chia thành 2 loại chính: điển hình và không điển hình. (2)

  • Viêm xương sọ não điển hình xảy ra thứ phát sau nhiễm trùng không kiểm soát được tại vùng xương thái dương, phổ biến hơn cả là do viêm tai ngoài hoại tử (gây ra bởi Pseudomonas aeruginosa) ở người bệnh tiểu đường.
  • Viêm xương sọ não không điển hình xảy ra khi không có nhiễm trùng xương thái dương rõ ràng hoặc nhiễm trùng ống tai ngoài. Nó có thể là bệnh thứ phát sau viêm xoang tiến triển, nhiễm trùng mặt sâu hoặc xảy ra khi không có nguồn lây nhiễm tại chỗ đã biết. Bệnh viêm xương sọ không điển hình chủ yếu ảnh hưởng đến nền sọ trung tâm và có thể được gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.
triệu chứng viêm xương sọ
Viêm xương sọ có thể gây nhiễm trùng thần kinh, khiến người bệnh bị đau đầu

Triệu chứng của viêm xương sọ

Về mặt lâm sàng, viêm xương sọ điển hình biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai ngoài hoặc nhiễm trùng xương thái dương khác. Cả hai dạng điển hình và không điển hình đều có thể gây ra các triệu chứng không đặc hiệu bao gồm đau đầu, sốt, tiến triển thành bệnh lý thần kinh sọ não, viêm màng não. (3)

Bệnh viêm xương sọ có thể được phân loại là điển hình do nhiễm trùng đồng thời ở xương thái dương hoặc không điển hình/trung tâm do nhiễm trùng trực tiếp ở xương chẩm/xương bướm. Bệnh lý này biểu hiện rất nhiều triệu chứng như đau đầu, liệt dây thần kinh sọ, viêm màng não, tăng áp lực nội sọ, áp xe nội sọ, huyết khối tĩnh mạch và hiếm khi kèm theo tai biến mạch máu não. Các triệu chứng có thể bộc phát cả khi bệnh khởi phát và đang tiến triển.

Nguyên nhân gây viêm xương sọ

Nguyên nhân gây viêm xương sọ là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Trong số các vi khuẩn, vi khuẩn Gram âm xâm nhập thông qua nhiễm trùng tai ngoài hoặc đường máu là nguyên nhân gây viêm xương sọ não phổ biến hơn cả. Trong những trường hợp như vậy thì Mycobacterium Tuberculosis – MTB là tác nhân gây bệnh. Viêm xương sọ não diễn biến thầm lặng một cách đáng ngạc nhiên và biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng âm thầm.

Viêm xương sọ có thể bắt nguồn từ tai, điển hình ở người bệnh tiểu đường và viêm tai ngoài tái phát. Các nguyên nhân khác của bệnh viêm xương sọ bao gồm viêm tai giữa mủ hoặc viêm xương chũm. Ở những người bệnh này, nhiễm trùng có thể lan xuống phía dưới từ chỗ nối xương – sụn của ống tai ngoài và ảnh hưởng đến lỗ dây thần kinh sọ dưới.

nguyên nhân viêm xương sọ
Viêm xương sọ có thể bắt nguồn từ tai, điển hình ở người bị tiểu đường và viêm tai ngoài tái phát

Đối tượng nào có nguy cơ bị viêm xương sọ?

Người bệnh viêm xương sọ thường là người già, mắc bệnh tiểu đường hoặc bị ức chế miễn dịch. Cerumen từ tai của người bệnh tiểu đường có độ pH cao hơn so với người bệnh không bị tiểu đường. Nó cung cấp môi trường có lợi hơn cho vi khuẩn phát triển quá mức. Những thay đổi về vi mạch ở người mắc bệnh tiểu đường cũng tạo điều kiện cho nhiễm trùng lây lan và giảm phản ứng kháng sinh.

Các bệnh khác làm thay đổi quá trình tạo mạch và oxy hóa xương khiến người bệnh dễ bị viêm xương sọ, chẳng hạn như bệnh mạch máu nhỏ, phơi nhiễm phóng xạ, bệnh ác tính, loãng xương, thiếu máu, suy dinh dưỡng, bệnh Paget của xương. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm bệnh tim mạch, suy thận, suy gan, béo phì, hút thuốc, thời gian nằm viện kéo dài và bệnh phổi mạn tính.

Biến chứng của viêm xương sọ

Viêm xương sọ tương đối hiếm và thường gặp ở những người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Đau quanh tai hoặc mắt là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm xương sọ. Các triệu chứng khác bao gồm mất thính lực dẫn truyền do rối loạn chức năng ống Eustachian (một ống hẹp nối tai giữa với họng), mất thính lực thần kinh cảm giác thứ phát do viêm xâm lấn dây thần kinh ốc tai tiền đình và chảy dịch tai. Ù tai và chóng mặt cũng có thể xảy ra đồng thời hoặc độc lập với tình trạng mất thính lực.

Viêm xương sọ não không được điều trị có thể gây liệt mặt do viêm xung quanh và chèn ép dây thần kinh mặt chạy qua xương thái dương. Viêm xương sọ cũng có nguy cơ cao gây biến chứng, bao gồm nhiễm trùng thần kinh.

Lúc đầu, diễn biến của bệnh có nhiều triệu chứng, điều này có thể làm chậm trễ việc chẩn đoán. Trong trường hợp viêm tai ngoài ác tính, tình trạng viêm lan truyền từ ống tai ngoài (EAC) đến sụn thông qua các khe và đường khâu tympanomastoid.

Nhiễm trùng da của viêm xương sọ nhanh chóng tiến triển thành viêm xương thái dương do thiếu bất kỳ mô dưới da nào trong ống tai ngoài. Nhiễm trùng xương thái dương tiếp tục lan nhanh hơn nữa thông qua sự kết hợp của các tế bào khí và kênh dinh dưỡng Haversian (xương vỏ). Sự liên quan của lỗ trâm chũm có thể dẫn đến liệt dây thần kinh mặt. Ngoài ra, viêm lỗ tĩnh mạch cảnh còn dẫn đến tình trạng liệt nhóm dưới của dây thần kinh sọ não.

Ban đầu, triệu chứng nổi bật là đau tai, nhức đầu và chảy dịch từ tai kèm theo mất thính lực dẫn truyền, thường do sưng ống tai ngoài hoặc hình thành mô hạt. Các triệu chứng có thể gây nhầm lẫn bệnh, chỉ được điều trị cục bộ trong một thời gian dài. Điều này dẫn đến bệnh viêm xương sọ không được điều trị toàn diện, nguy hiểm sức khỏe với các triệu chứng thần kinh nặng. Khi đó, chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể phát hiện chất lỏng lấp đầy các tế bào khí ở xương chũm và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy tình trạng viêm xương sọ.

Như vậy, các biến chứng của viêm xương sọ có thể xảy ra là: tổn thương dây thần kinh sọ, hộp sọ hoặc não; nhiễm trùng tái phát ngay cả sau khi điều trị; nhiễm trùng lây lan đến não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

chẩn đoán bệnh viêm xương sọ
Bệnh viêm xương sọ có thể tiến triển thành viêm xương thái dương và biểu hiện ở tai ngoài

Cách chẩn đoán viêm xương sọ

Như đã nói, viêm xương sọ thường xuất hiện do nhiễm trùng ở các khu vực lân cận như xương thái dương, xương bướm hoặc xương chẩm có thể gây khó chẩn đoán vì các triệu chứng không đặc hiệu, diễn biến lâm sàng kéo dài. Chưa kể, kết quả chụp x-quang cũng có thể phát hiện những điểm dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lâm sàng khác. (4)

Việc chẩn đoán bệnh viêm xương sọ não nên được thực hiện theo bốn điểm: có chỉ số nghi ngờ lâm sàng cao, bằng chứng x-quang về nhiễm trùng, sinh thiết lặp lại cho thấy kết quả âm tính đối với bệnh ác tính và kết quả dương tính ở xét nghiệm vi sinh với các bài test.

Viêm xương sọ có thể có biểu hiện lâm sàng ở người bệnh tiểu đường và viêm tai ngoài tái phát. Nhiễm trùng có thể lan xuống phía dưới vào xương đặc của hố dưới thái dương, ảnh hưởng đến phần dưới lỗ dây thần kinh sọ não. Khi đó, một số kỹ thuật dựa trên hình ảnh cận lâm sàng nên được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm xương sọ.

Chụp CT là lựa chọn tối ưu để đánh giá xương bào mòn và khử khoáng. Chụp MRI có thể giúp phác họa cấu trúc giải phẫu vị trí, mức độ bệnh và hình ảnh hạt nhân rất hữu ích để xác nhận nhiễm trùng xương với độ nhạy cao.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm xương sọ là người bệnh phải trải qua nhiều lần sinh thiết để loại trừ bệnh ác tính, có dấu hiệu nhiễm trùng mô bệnh học và phát hiện vi sinh vật trong xương hoặc phần mềm được sinh thiết mô chỉ ra viêm xương sọ não. Khả năng chẩn đoán viêm xương sọ có thể được tăng lên bằng cách xác định những người bệnh có nguy cơ, nhận ra nguyên nhân quan trọng và đường lây nhiễm, mô tả các dấu hiệu x-quang, luôn xem xét chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

hình ảnh chẩn đoán bệnh viêm xương sọ
Chụp X-quang, CT hoặc MRI có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm xương sọ

Cách điều trị viêm xương sọ

Viêm xương sọ là bệnh lý có thể khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Chiến lược điều trị đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh tiêm tĩnh mạch tích cực kéo dài. Trong một số trường hợp cần kết hợp với phương pháp phẫu thuật. Liệt dây thần kinh sọ cho thấy sự tiến triển của bệnh và có liên quan đến thời gian nằm viện lâu hơn. (5)

1. Điều trị kháng sinh

Bệnh viêm xương sọ điều trị chủ yếu dựa vào liệu pháp kháng sinh tiêm tĩnh mạch phổ rộng có thể kéo dài 6 – 20 tuần. Quá trình viêm có thể do bất kỳ mầm bệnh nào gây ra. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp, vi khuẩn P. aeruginosa được tìm thấy trong môi trường nuôi cấy. Do đó, việc điều trị bằng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị viêm xương sọ não.

2. Điều trị viêm xương sọ bằng phẫu thuật

Làm sạch ống tai ngoài (EAC) khỏi các mảnh vụn gây viêm xương sọ là một trong những phương pháp điều trị viêm tai ngoài ác tính được công nhận. Trong trường hợp có biến chứng nội sọ, can thiệp phẫu thuật là phương pháp không thể thiếu. Các kỹ thuật khác nhau được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của quá trình viêm, ví dụ như giải nén dây thần kinh mặt, phẫu thuật cắt bỏ xương chũm, phẫu thuật triệt để xương chũm hoặc dẫn lưu nền sọ. Tình trạng viêm xương sọ não cũng có thể giảm đáng kể khi điều trị bằng phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ nguồn lây nhiễm.

Các bác sĩ điều trị có thể sử dụng liệu pháp kết hợp tiêm kháng sinh kéo dài qua đường tĩnh mạch và chữa trị bằng phẫu thuật ở một số người bệnh viêm xương sọ não. Phương pháp điều trị kết hợp này có thể đạt được kết quả khả quan.

Xem thêm: 2 phương pháp phẫu thuật viêm xương sọ não phổ biến hiện nay.

khám và điều trị viêm xương sọ

Cách phòng ngừa viêm xương sọ

Để ngăn ngừa bệnh viêm xương sọ, mỗi người cần:

  • Lau khô tai thật kỹ sau khi bị ướt.
  • Tránh bơi lội trong nguồn nước bẩn, bị ô nhiễm.
  • Bảo vệ ống tai bằng bông hoặc tăm bông khi dùng keo xịt tóc hoặc thuốc nhuộm tóc (nếu bạn dễ bị nhiễm trùng tai ngoài).
  • Sau khi bơi, nhỏ 1 hoặc 2 giọt hỗn hợp cồn 50% và giấm 50% vào mỗi bên tai để làm khô tai, ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Duy trì kiểm soát đường huyết tốt nếu mắc bệnh tiểu đường.

Đặc biệt, nếu bị viêm tai ngoài cấp tính, viêm xương sọ cần điều trị dứt điểm. Người bệnh không nên tự ý ngừng điều trị theo kế hoạch của bác sĩ và phải tuân thủ phác đồ để đạt được hiệu quả tối ưu.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Nếu có thắc mắc khác về bệnh viêm xương sọ, bạn có thể liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn chi tiết. Ngay khi có triệu chứng nghi ngờ viêm xương sọ, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send