Image

Đau tức ngực giữa là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Đau tức ngực giữa là gì?

Khoang ngực được tạo thành từ các cấu trúc và cơ quan: thực quản, xương sườn, sụn, xương ức, tim, phổi, mạch máu. Bất kỳ vấn đề nào gây tổn thương, viêm nhiễm các cấu trúc này đều có thể dẫn tới cơn đau tức ngực. Cơn đau xảy ra ở bên trái, bên phải hoặc ngay giữa xương ngực. (1)

Đau tức ngực giữa là cảm giác đau, tức ngực và khó thở ở ngực giữa, kéo dài từ cổ đến vùng bụng trên. Cơn đau âm ỉ hoặc từng cơn lặp lại, xảy ra bất cứ lúc nào: khi người bệnh ở trạng thái giãn cơ, tập thể dục, hít thở sâu, nằm nghỉ, sau khi ăn no hoặc xúc động.

Những ai có nguy cơ bị đau tức ngực giữa?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau tức ngực ở giữa sẽ có các yếu tố nguy cơ liên quan, bao gồm:

  • Vấn đề về tiêu hóa: Chẳng hạn như chứng ợ nóng và co thắt thực quản;
  • Vấn đề về tâm lý: Rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm và các cơn lo âu quá mức;
  • Một số bệnh tim mạch: Như bóc tách động mạch chủ, co thắt mạch vành, đau thắt ngực và tiền sử nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh lý cơ xương khớp: Đau cơ, dây thần kinh bị chèn ép, gãy xương sườn…
  • Bệnh lý đường hô hấp: Hen suyễn, viêm màng phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính…
  • Tăng huyết áp và nồng độ cholesterol xấu cao;
  • Hút thuốc lá;
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim như bệnh mạch vành, có thể dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim;
  • Lối sống ít vận động và thừa cân – béo phì;
  • Stress: Căng thẳng và tức giận quá mức dễ làm tăng huyết áp cũng như thúc đẩy quá trình sản xuất các hormone gây hại, từ đó thu hẹp lòng động mạch và khiến cơn đau  tức ngực trở nên trầm trọng hơn;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Triệu chứng tức ngực giữa thường gặp

Cơn đau tức ngực giữa thường có tính chất:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở ngực kèm theo cảm giác như bị đè nén hoặc ép chặt;
  • Đau lan xuống cổ, hàm, cánh tay trái và vai;
  • Cảm giác tức ngực khó thở, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, buồn nôn và chóng mặt;
  • Khó chịu vùng ngực giữa;
  • Kéo dài vài phút rồi tự hết, có thể lặp lại nhiều lần. (2)

Nguyên nhân gây tức ngực giữa

Nguyên nhân gây đau tức giữa ngực được chia thành 4 loại:

1. Đau tức giữa ngực do rối loạn hệ tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau tức ngực giữa, đặc biệt là ở vùng trung tâm, dưới xương ức. Đau tức giữa ngực sau khi ăn thường do các vấn đề về hệ tiêu hóa như:

  • Khó tiêu/chướng bụng: Tình trạng đầy hơi dễ gây đau dữ dội vùng giữa ngực, kèm theo ợ hơi, ợ chua.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit từ dạ dày trào ngược vào thực quản sẽ gây kích ứng và đau rát ở giữa ngực.
  • Viêm dạ dày/loét dạ dày: Viêm loét ở thực quản, dạ dày hoặc tá tràng thường gây ra cảm giác nóng rát và đau tức ở giữa ngực.
  • Rối loạn thực quản: Các tình trạng gây khó khăn và đau khi nuốt, ví dụ như giãn tĩnh mạch thực quản, thoát vị gián đoạn… có thể gây đau tức ngực giữa.
  • Rối loạn túi mật/gan, viêm gan, tuyến tụy hoặc túi mật, sỏi mật đôi khi gây đau bụng kéo dài đến ngực.

2. Tức ngực giữa liên quan đến cơ xương khớp

Các vấn đề cơ xương khớp là nguyên nhân gây đau tức ngực giữa gồm có:

  • Rối loạn xương: Các tình trạng liên quan đến xương và khớp như viêm tủy xương, viêm sụn sườn… là tác nhân gây đau tức ngực vùng trung tâm.
  • Đau nhức cơ: Đau hoặc căng cơ, đau xơ cơ, hội chứng đau mạn tính có thể gây đau cơ ở giữa vùng ngực, nhất là khi nằm.
  • Chấn thương: Chấn thương các mô mềm, xương ức hoặc xương sườn, gãy xương sườn dễ gây đau tức ngực dữ dội và hạn chế cử động.

3. Đau tức ngực giữa do bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim

Đau tức ngực giữa liên quan đến tim là tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị càng sớm càng tốt. Các vấn đề này bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim: Do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc hẹp động mạch vành sẽ cản trở lưu lượng máu đến tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim biểu hiện bằng cơn đau dữ dội ở ngực, lan sang cánh tay, hàm, cổ hoặc lưng. Ngoài bị tức ngực giữa, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng như vã mồ hôi, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu…
  • Viêm màng ngoài tim: Túi bao quanh tim bị viêm sẽ gây đau tức ngực ở trung tâm. Cơn đau này thường dữ dội và trở nên trầm trọng hơn khi bệnh nhân thở mạnh hoặc nằm.
  • Vấn đề về mạch máu: Các tình trạng ảnh hưởng đến mạch máu của tim, khiến mạch máu tim tổn thương hoặc vỡ, chẳng hạn như bóc tách động mạch chủ, có thể gây đau tức ngực dữ dội. (3)
Dù ít gặp nhưng đau tức ngực giữa có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim
Dù ít gặp nhưng đau tức ngực giữa có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim

4. Tức ngực giữa do bệnh lý đường hô hấp

Đau vùng giữa ngực khi thở thường liên quan đến các vấn đề về hô hấp như:

  • Nhiễm trùng phổi: Các bệnh lý viêm mô hoặc nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm màng phổi (viêm màng bao phủ phổi), hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi… sẽ gây đau tức ngực ở các mức độ khác nhau. Kèm theo đó là triệu chứng ho kéo dài, khó thở, đôi khi sốt.
  • Xẹp phổi: Khi không khí thoát vào khoảng trống giữa xương sườn và phổi (tràn khí màng phổi), phổi sẽ xẹp xuống và gây đau tức ngực dữ dội.
  • Thuyên tắc phổi: Cục máu đông trôi lên động mạch đưa máu đến phổi sẽ làm tắc mạch máu này dẫn tới thuyên tắc phổi, biểu hiện bằng cơn đau tức giữa ngực.
  • Tăng áp động mạch phổi: Tăng huyết áp trong động mạch phổi cũng có thể gây đau tức ngực.

Bên cạnh 4 nguyên nhân trên, một số tác nhân được xem là “thủ phạm” làm đau tức giữa ngực bao gồm:

  • Nhiễm virus (như bệnh zona thần kinh);
  • Áp-xe cơ hoành, áp-xe gan;
  • Căng thẳng hoặc trầm cảm kéo dài;
  • Xúc động quá mức hoặc hoảng loạn, sợ hãi quá độ.

Cách chẩn đoán đau tức ngực giữa

Dựa trên đặc điểm, thời gian và tần suất lặp lại của cơn đau tức ngực giữa, bác sĩ sẽ có chẩn đoán sơ bộ về nguyên nhân gây nên tình trạng này. Tiếp đó, bệnh nhân được chỉ định làm các cận lâm sàng để xác định chính xác tình trạng bệnh:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra lượng protein/enzym có trong cơ tim hoặc tìm các tác nhân gây nhiễm trùng.
  • Điện tâm đồ (ECG): Để biết chức năng điện học cơ tim.
  • Siêu âm tim: Cho hình ảnh chức năng co bóp và hoạt động tim ở trạng thái hiện tại.
  • Chụp X-quang ngực: Nếu bác sĩ nghi ngờ các bệnh về phổi, cơ xương khớp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Để chẩn đoán bệnh lý về phổi, mạch máu, phát hiện cục máu đông cũng như các bất thường trong khoang ngực.
  • Đo điện tâm đồ gắng sức: Nhằm xác định mức độ gắng sức của tim và mạch máu, từ đó chẩn đoán cơn đau tức ngực có liên quan đến bệnh lý tim mạch hay không.
  • Chụp động mạch vành: Giúp xác định có động mạch cung cấp máu cho tim nào bị tắc nghẽn không.
Bệnh nhân tiến hành đo điện tâm đồ gắng sức để tìm nguyên nhân gây đau tức ở giữa ngực
Bệnh nhân tiến hành đo điện tâm đồ gắng sức để tìm nguyên nhân gây đau tức ở giữa ngực

Đau tức ngực giữa có nguy hiểm không? Cần làm gì khi bị đau tức ngực giữa?

So với tình trạng đau tức ngực trái (thường xảy ra do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim), cơn đau tức ngực giữa được đánh giá không nghiêm trọng bằng. Tuy nhiên, một số ít trường hợp tức ngực ở giữa lại là biểu hiện của bệnh lý tim mạch, thậm chí nhồi máu cơ tim. Do đó, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện cơn tức ngực giữa kèm các triệu chứng:

  • Buồn nôn, chóng mặt và thở nhanh;
  • Đau tức ngực đột ngột, đặc biệt là sau nhiều giờ không hoạt động;
  • Huyết áp tụt rất thấp và nhịp tim thấp;
  • Đau tức ngực dữ dội từng cơn;
  • Đau nhức ở cánh tay, quai hàm, lưng, vai trái và vùng giữa ngực…

Trường hợp bạn cho rằng cơn đau của mình không liên quan đến bệnh tim mạch nhưng kéo dài hơn 2 ngày không hết thì nên đến gặp bác sĩ, vì điều này có thể cảnh báo một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Đặc biệt là khi cơn đau tức ngực giữa xảy ra kèm theo các dấu hiệu nôn ra máu, cánh tay ngứa ran, mắt và da vàng, khó thở…

Bên cạnh đó, nếu có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, cholesterol cao, tăng huyết áp và thường xuyên bị đau tức ở ngực giữa, bạn cũng nên đi khám định kỳ để được theo dõi và phát hiện sớm bất thường.

Phương pháp điều trị đau tức ngực giữa kéo dài

Sau khi chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực giữa, bước tiếp theo là điều trị. Một số biện pháp được áp dụng để điều trị cơn đau đột ngột ở giữa ngực là:

  • Thuốc chống viêm: trong trường hợp bị căng cơ hoặc chấn thương cơ xương.
  • Chất làm loãng máu: Nếu có cục máu đông trong động mạch đi đến tim hoặc phổi, bạn sẽ được dùng thuốc để ngăn ngừa hình thành thêm cục máu đông.
  • Thuốc giảm axit: Nếu đau tức ngực giữa là do axit dạ dày tràn vào thực quản, bác sĩ sẽ kê toa thuốc này nhằm làm giảm lượng axit trong dạ dày.
  • Thuốc Nitroglycerine: giúp làm giãn động mạch vành trong trường hợp cơn đau tức ngực xảy ra do thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho thuốc ức chế ACE (men chuyển angiotensin), thuốc chẹn beta để làm dịu cơn đau tức giữa ngực, aspirin và các thuốc kháng tiểu cầu khác.
  • Đặt stent mạch vành, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, sửa chữa bóc tách động mạch chủ: đối với những bệnh nhân bị tắc hẹp động mạch vành, bóc tách động mạch chủ…
  • Thuốc chống trầm cảm: Nếu bạn gặp vấn đề về tâm lý dẫn tới lo âu và căng thẳng quá mức, bác sĩ sẽ cho thuốc chống trầm cảm để giúp kiểm soát các triệu chứng, trong đó có đau tức giữa ngực.

Cách để phòng ngừa cơn đau tức ngực giữa

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh lý khác bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh:

  • Có chế độ ăn uống khoa học: tăng cường rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo tốt; cắt giảm muối, đường, chất béo xấu.
  • Quản lý tốt tình trạng tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường.
  • Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.
  • Giữ cân nặng ổn định với BMI < 24.
  • Hạn chế lượng rượu nạp vào cơ thể.
  • Nói “không” với thuốc lá.
Duy trì tập luyện mỗi ngày để phòng tránh bệnh tim mạch và các bệnh lý khác
Duy trì tập luyện mỗi ngày để phòng tránh bệnh tim mạch và các bệnh lý khác

Để ngăn ngừa một số nguyên nhân gây đau tức ngực giữa khác, bạn nên:

  • Tránh các tác nhân gây hen suyễn như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, vảy da thú cưng…
  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phổi, bệnh tiêu hóa, cơ xương khớp.
  • Dùng thuốc để ngăn ngừa cục máu đông nếu bạn có nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu và bệnh zona.
  • Tránh thực phẩm gây ợ nóng hoặc không tốt cho hệ tiêu hóa như thức ăn cay nóng, đồ nướng, thực phẩm chưa chế biến kỹ…
  • Trong những chuyến đi đường dài bằng máy bay/ô tô, hãy ngăn ngừa cục máu đông hình thành ở chân bằng cách đứng dậy và đi lại xung quanh sau mỗi 1-2 giờ.

Trung tâm Tim mạch được đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu đồng bộ từ các nước phát triển. Hệ thống phòng siêu âm tim đa chức năng với máy siêu âm tim ứng dụng công nghệ AI chẩn đoán bệnh tim từ bào thai, sơ sinh đến người lớn; siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim gắng sức…, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị toàn diện nhiều trường hợp bệnh van tim, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh phức tạp…

PlinkCare TP.HCM trang bị hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) treo trần hiện đại. Với cánh tay robot xoay 360 độ tích hợp hệ thống IntraSight ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đánh giá siêu âm lòng mạch (IVUS), sinh lý lòng mạch (iFR/FFR), chụp mạch vành với lượng thuốc cản quang tối thiểu Cardiac Swing…, giúp các bác sĩ thực hiện thủ thuật chụp và can thiệp tim mạch một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Hàng trăm bệnh nhân lớn tuổi, kèm bệnh nền suy thận, suy tim, đái tháo đường… đã được chụp mạch vành, đặt stent thành công, tiếp tục sống vui khỏe.

Để đặt lịch khám và điều trị đau tức ngực giữa với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, PlinkCare, bạn có thể liên hệ theo thông tin sau:

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây đau tức ở giữa ngực, có khi không nguy hiểm nhưng đôi lúc là tình trạng cần được cấp cứu nhanh chóng. Vì thế khi xuất hiện cơn đau tức ngực giữa, bạn cần đến bác sĩ ngay, đặc biệt nếu cơn đau xuất hiện đột ngột và không thuyên giảm bằng thuốc chống viêm hoặc các biện pháp chăm sóc tích cực khác.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send