Image

Schwannoma là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán

Schwannoma là các khối u hiếm gặp, chúng có thể xuất hiện ở não hoặc ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể. Người mắc bệnh schwannoma có thể phải đối mặt với vấn đề hạn chế vận động và nhiều biến chứng khác. Để tìm hiểu u schwannoma là u gì cũng như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh schwannoma, mời bạn cùng tham khảo các thông tin dưới đây.

U schwannoma là gì?

Schwannoma (còn gọi là u bao sợi thần kinh) là khối u ở vỏ thần kinh phát triển từ các tế bào schwann bao quanh các sợi thần kinh trong hệ thống thần kinh trung ương, tủy sống hay ở cả các dây thần kinh ngoại biên và rễ thần kinh, cụ thể như sau:

  • Các tế bào Schwann có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ dẫn truyền xung thần kinh. Các tế bào này cũng tham gia vào quá trình hồi phục thần kinh sau tổn thương do bệnh lý hoặc chấn thương.
  • Các dây thần kinh ngoại biên có nhiệm vụ truyền tín hiệu điện từ não và tủy sống đến những cơ quan khác trong cơ thể.
  • Rễ thần kinh là nơi nối dây thần kinh ngoại biên với tủy sống.

Bệnh schwannoma thường là các khối u lành tính (hiếm gặp trường hợp ác tính) và có tốc độ phát triển tương đối chậm. Khối u schwannoma phát triển phổ biến ở dạng riêng lẻ. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh có thể gây xuất hiện nhiều khối u tại cánh tay, cẳng chân hoặc khắp cơ thể người bệnh (được gọi là schwannomatosis – một dạng u sợi thần kinh). Phần lớn, u schwannoma trong hệ thần kinh có kích thước nhỏ. Tuy nhiên khối u ở các vị trí như đường tiêu hóa, ổ bụng hoặc trung thất đôi có thể có kích thước to hơn và kèm theo một số đặc điểm như vôi/xơ hóa, u dạng nang…

U schwannoma có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh phổ biến hơn ở đối tượng từ 20 đến 50 tuổi. Người bệnh có thể phát hiện căn bệnh này thông qua quá trình kiểm tra sức khỏe hoặc triệu chứng bất thường do khối u chèn ép các cơ quan lân cận. (1)

Xem thêm: Phân loại u não: 4 loại thường gặp tại Việt Nam và thế giới.

u schwannoma
U schwannoma tiền đình có nguồn gốc từ tế bào schwann của dây thần kinh số 8

Nguyên nhân gây bệnh schwannoma

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh schwannomas vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này, ví dụ như:

  • Phẫu thuật điều trị bệnh tuyến giáp: Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng tổn thương dây thần kinh liên quan thanh quản trong phẫu thuật cắt bỏ hoặc tạo hình tuyến giáp có thể kích thích sự phát triển khối u bao sợi thần kinh. (2)
  • Di truyền: Khi gia đình có người bị bệnh schwannoma thì nguy cơ mắc bệnh lý này ở các thành viên còn lại gia tăng. Các rối loạn di truyền như phức hợp Carney, u xơ thần kinh tuyp 2 (NF2) có thể là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh schwannoma. Trong đó, gen NF2 trên nhiễm sắc thể 22 đã được chứng minh là đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển khối u bao sợi thần kinh.

Triệu chứng của bệnh u schwannoma

Triệu chứng của bệnh schwannoma xảy ra khi khối u gây ảnh hưởng đến dây thần kinh, mô và mạch máu lân cận. Các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn khi khối u bao sợi tiến triển tùy thuộc vào vị trí của khối u. Kích thước khối u không phải là yếu tố duy nhất gây ra biểu hiện của bệnh. Một số triệu chứng điển hình của bệnh u schwannoma bao gồm: (3)

  • Xuất hiện khối u mềm dưới da có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Đau nhức, cảm giác tê bì, ngứa râm ran như kim châm.
  • Khu vực bị ảnh hưởng bởi khối u bao sợi thần kinh có thể suy yếu hoặc mất chức năng.

Các khối u schwannoma cũng có thể gây ra các triệu chứng tùy thuộc vị trí xuất hiện như:

  • U schwannoma tiền đình có thể gây ra hiện tượng ù tai, suy giảm thính giác và mất thăng bằng.
  • U schwannoma ở mặt có thể ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của mắt, gây liệt mặt, rối loạn vị giác và khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn…
  • U schwannoma hình thành ở cột sống có thể gây ra các triệu chứng giống bệnh thoát vị đĩa đệm như đau nhức thắt lưng, cơn đau lan dần xuống chân…

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển tương đối chậm, bệnh schwannoma có thể tồn tại trong thời gian dài mà không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.

Bệnh schwannoma có nguy hiểm không?

Phần lớn u schwannoma không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Hầu hết các trường hợp là khối u lành tính. Tuy nhiên, ngay cả lành tính nhưng nếu khối u phát triển lớn, chèn ép vào các cấu trúc lân cận thì sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Có khoảng 5% trường hợp phát triển thành khối u ác tính (được gọi là sarcoma mô mềm). Trong trường hợp được chẩn đoán là u ác tính (sarcoma mô mềm) thì người bệnh cần sớm điều trị để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong. Những lựa chọn điều trị sarcoma mô mềm bao gồm hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc kết hợp các phương pháp này với nhau để tối ưu hiệu quả chữa bệnh.

bệnh schwannoma
Schwannoma ở chân có thể gây cản trở vận động

Cách chẩn đoán bệnh schwannoma

Để chẩn đoán u schwannoma, người bệnh cần trải qua quá trình thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Quá trình thăm khám lâm sàng bao gồm: (4)

  • Thăm hỏi bệnh sử: Bác sĩ tìm hiểu lịch sử mắc bệnh của người bệnh và người thân trong gia đình, bao gồm tiền sử bị các bệnh lý thần kinh, triệu chứng của bệnh, lối sống, lịch sử sử dụng thuốc điều trị…
  • Thăm khám triệu chứng: Bác sĩ quan sát và kiểm tra các khối u nghi ngờ bệnh schwannoma.

Để có đủ cơ sở chẩn đoán schwannoma, tùy từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bao gồm: (5)

  • Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): Chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng vô tuyến và từ trường giúp bác sĩ quan sát các cấu trúc bên trong cơ thể một cách rõ ràng. Dựa vào kết quả chụp MRI, bác sĩ có thể xác định được vị trí của khối u bao sợi thần kinh bên trong cơ thể.
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Tương tự như chụp MRI, kết quả chụp CT cũng góp phần giúp bác sĩ xác định vị trí hình thành khối u bao sợi thần kinh với độ chính xác cao. Kỹ thuật này sử dụng tia bức xạ X để tạo ra hình ảnh giải phẫu cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Siêu âm: Kỹ thuật này góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh schwannoma bằng cách sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh/video thể hiện chi tiết các cơ quan nội tạng và mô mềm trong cơ thể.
chẩn đoán bệnh schwannoma
Bệnh schwannoma được chẩn đoán thông qua quá trình thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng

Cách điều trị u schwannoma

Điều trị bệnh schwannoma bằng cách nào tùy thuộc vào vị trí hình thành và tốc độ phát triển của khối u. Dưới đây là các phương pháp điều trị schwannoma phổ biến: (6)

  • Điều trị giám sát: Nếu khối u bao sợi thần kinh được chẩn đoán lành tính, tốc độ phát triển chậm, chưa gây ra triệu chứng có thể được chữa trị bằng cách theo dõi y tế thay vì can thiệp điều trị chuyên sâu. Người bệnh sẽ cần thăm khám định kỳ.
  • Phẫu thuật: Nếu khối u bao sợi thần kinh phát triển nhanh và gây ra nhiều triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh chữa trị bằng cách phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn khối u mà không gây tổn thương các dây thần kinh. Việc áp dụng các kỹ thuật, máy móc hiện đại có thể giúp kết quả điều trị phẫu thuật u schwannoma hiệu quả cao.
  • Xạ phẫu lập thể (SRS): Đây là phương pháp xạ trị tiêu diệt khối u bao sợi thần kinh bằng cách sử dụng chùm tia phóng xạ liều cao với sự hỗ trợ của hệ thống định vị có độ chính xác cao. Để phòng tránh biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định xạ phẫu lập thể để điều trị khối u bao sợi thần kinh nằm gần mạch máu hoặc dây thần kinh quan trọng.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cân nhắc liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị để điều trị khối u bao sợi thần kinh ác tính.

Bệnh schwannoma có thể phòng ngừa không?

Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa schwannoma hoàn toàn vì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể. Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh schwannoma, mỗi người nên thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, đặc biệt là khi có người thân mắc phải căn bệnh này hay bệnh u xơ thần kinh tuýp 2 (NF2) hoặc phức hợp Carney. Ngoài ra, nếu được chỉ định phẫu thuật điều trị bệnh tuyến giáp, người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về nguy cơ hình thành khối u bao sợi thần kinh trong cơ thể sau phẫu thuật để có hướng can thiệp phù hợp.

Câu hỏi thường gặp về u schwannoma

Dưới đây là các câu hỏi thường gặp về bệnh schwannoma:

1. Schwannoma có di truyền không?

Như đã đề cập ở trên, đối tượng có người thân bị schwannoma và các rối loạn di truyền khác như phức hợp Carney, u xơ thần kinh tuýp 2 (NF2) có nguy cơ mắc bệnh u bao sợi thần kinh cao hơn người khác. Do đó, để chắc chắn rằng bản thân có nguy cơ bị di truyền căn bệnh này hay không, bạn nên sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám chi tiết và thực hiện một số xét nghiệm nếu cần thiết.

2. Schwannoma có thể trở thành ung thư không?

Phần lớn, khối u bao sợi thần kinh đều ở dạng lành tính, tuy nhiên vẫn có khoảng 5% trường hợp ác tính (sarcoma mô mềm). Khi đó, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, thăm khám định kỳ theo chỉ định để có thể phát hiện sớm khối u ác tính.

3. Khối u schwannoma phổ biến ở vị trí nào?

Khối u schwannoma có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, phổ biến hơn cả tại các dây thần kinh ngoại biên và mô bên dưới da. Tùy thuộc vào vị trí hình thành, các khối u bao sợi thần kinh có thể gây ra triệu chứng khác nhau và ảnh hưởng đến sức khỏe theo cách khác nhau.

4. Schwannoma có ảnh hưởng đến tính mạng không?

Schwannoma lành tính thường không đe dọa tính mạng của người bệnh và có thể được điều trị bằng cách theo dõi y tế hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu khối u schwannoma có kích thước lớn, nằm ở vị trí quan trọng hoặc phát triển thành thể ác tính, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tóm lại, u schwannoma có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ hay khi có các triệu chứng nghi ngờ thì cần đi khám sớm để kịp thời phát hiện bệnh và có biện pháp chữa trị hiệu quả.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send